LỊCH SỬ KIM CANG THỪA
Khamtrul Rinpoche Jigme Pema Nyinjadh khai thị
Biên dịch: Vô Úy


Con đường đạt đến giải thoát giác ngộ nhiều vô số ngoài sức nghĩ bàn của phàm tình chúng sinh. Đức Phật đã tùy theo căn cơ của chúng sinh tuyên thuyết vô lượng giáo pháp không thể tính đếm nhằm một mục đích dẫn dắt chúng sinh đạt giác ngộ.

Theo Tantra Mahayoga, giáo pháp xuất phát từ tâm trí tuệ chứng ngộ của Đức Phật sẽ tùy theo căn cơ của chúng sinh lãnh hội lợi ích khác nhau.

Trong đạo Phật chia ra nhiều thừa: Thanh văn thừa , Duyên giác thừa và Đại thừa. Đại thừa lại được chia thành hai thừa : 1. Nhân thừa (Hiển giáo)– chú trọng tới sự thực hành công hạnh sáu Ba la mật và 2. Quả thừa hay Kim cương thừa, con đường hợp nhất đại hỷ lạc và tính không.

Kim cương thừa có bốn thứ lớp Tantra: Kriya Tantra, Carya Tantra, Yoga Tantra và Annutarayoga Tantra. Cũng như tất cả mọi dòng sông đều hội tụ về biển, bản chất của giáo pháp tất cả các thừa đều hội tụ trong giáo pháp Mahamudra. Bởi vậy, Mahamudra (Đại Thủ ấn), Prajnaparamita (Bát Nhã Ba-la-mật), Madhyamika (Trung luận) và Zogpa Chenpo (Đại Toàn thiện) v.v…xét về mục đích tối thượng đều không khác.

Trong giáo pháp Mahamudra, có Căn bản Mahamudra, Đạo Mahamudra và Quả Mahamudra. Căn bản Mahamudra là bản chất bất nhị, hợp nhất của hết thảy vạn pháp; Đạo Mahamudra trong truyền thừa Drukpa là Sáu Pháp Yoga của Naropa và những khai thị về những thứ lớp thiền định của Mahamudra; còn Quả Mahamudra là sự chứng ngộ tự tính tâm chính đẳng chính giác.

Theo lịch sử Kim Cương thừa, một lần vị vua Indrabodhi của xứ Odiyana miền Tây Varanasi đã nhìn thấy rất nhiều bậc Arahat bay thẳng trên bầu trời về phía phương Đông. Thấy tò mò và kinh ngạc, ông đã hỏi vị tể tướng là Dawa Zangpo xem những bậc Arahat đó là ai. Vị tể tướng đã thỉnh tâu rằng đó là đệ tử của đấng giác ngộ Sidhartha và họ đang tới thành phố Varanasi nơi đức Phật chuyển Pháp luân. Ngay khi nghe danh hiệu đức Phật, trong lòng vị vua tự nhiên trào dâng một niềm hỷ lạc và tín tâm vô bờ, ông nghĩ rằng nếu đệ tử của đức Phật có được những khả năng thần thông như vậy thì chắc chắn đức Phật cũng có tâm đại từ bi vô lượng và pháp thần thông vi diệu. Khi đó, vị vua ngay lập tức quỳ xuống, hướng về phương Tây và đỉnh lễ, cầu nguyện thỉnh đức Phật tới cung điện của ông vào trưa ngày hôm sau. Đức phật đã nghe thấy lời thỉnh cầu của vị vua. Ngày hôm sau, Ngài và các đệ tử, những bậc có thần thông siêu việt đã từ Varanasi bay thẳng tới hoàng cung. Vị vua đã cung đón đức Phật với lòng kính ngưỡng vô bờ và thỉnh ngài ban cho giáo pháp giải thoát luân hồi khổ đau. Mặc dù đức Phật đã biết những gì mong muốn trong tâm vị vua, nhưng ngài vẫn khuyên vị vua hãy từ bỏ tất cả mọi thứ, của cải, ngôi báu, gia đình v.v… để xuất gia tu hành, chỉ khi đó ngài mới ban cho vị vua giáo pháp giải thoát. Vị vua đáp lại: “Kính bạch đức Phật toàn tri! Tâm chúng con còn đầy năm độc nhiễu hại, nhất là ái dục, chúng con không thể từ bỏ những vui thích của giác quan được. Xin ngài rủ lòng từ bi khai thị con đường giải thoát luân hồi khổ não nhưng không phải từ bỏ những đối tượng của giác quan”.

Đức phật biết rằng vị vua đã tích lũy được vô số công đức, tâm đại từ bi và trí tuệ, bởi vậy là người có thể đảm trách bổn phận hoằng dương chính pháp Kim Cương thừa, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ Hóa thân thị hiện Báo thân AXúcBệ Phật, hiển lộ Mandala về Guhyasamja (Tantra Cha) và khai thị cho vị vua giáo pháp Kim cương thừa. Vị vua đã được thuyết giảng để chứng ngộ tự tính Phật trong vạn pháp, bởi vậy ông có thể quán tự thân là tứ đức Phật Vairochana, còn bốn người con trai là bốn đức Phật Thiền na, quán năm hoàng hậu là năm minh phi, còn các quan đại thần trong triều là các Bồ Tát nam và Bồ Tát nữ. Tất cả phàm thân của họ đều chuyển hóa thành sắc thân cầu vồng và ngay lập tức đều đạt giác ngộ. Thông qua giáo pháp giải thoát, toàn bộ thần dân trong thành phố cũng đều thành tựu sắc thân cầu vồng. Vùng đất đó trở thành sa mạc khô cằn và tại đây hình thành nên một hồ thiêng nơi Nagas (Long Vương) trú ngụ.

Đệ tử của đức Phật, Vajrapani (Kim cương thủ) là một Arhat Kashyap đã ghi chép lại tất cả giáo pháp của đức Phật vào Những Bộ kinh điển và ban giáo pháp cho Nagas tại hồ, và Nagas thậm chí cũng tu tập Kim cương thừa và thành tựu giác ngộ. Nơi này sau đó trở thành Ugyen Khadroe Yul (miền đất của các Dakini).

Sau đó, Vajrapani đã hiện thân là đức Drang Song Ugjin và ban giáo pháp Kim Cương Thừa cho chúng sinh có duyên pháp và vô số trong số họ đã đạt giác ngộ giải thoát. Bởi vậy, truyền thừa khởi nguồn từ đức Phật Thích ca, truyền xuống đức Vajrapani, Sarha, Lohipa, Dinggipa, Lodroe Rinchen, Nagarjuna, Mataki, Thanglopa, Shinglopa, Kanari, Dombipa, Binasa, Lawapa, vua Indrabodhi đời thứ II (có ba vị vua Indrabodhi trong lịch sử Kim cương thừa) và truyền xuống tới đức Tilopa và Naropa và trải qua chư tổ sư truyền thừa không gián đoạn cho tới tận ngày nay. Truyền thừa được tôn xưng là truyền thừa Kim cương thừa.

Tân truyền thừa được bắt đầu từ Đại Thành tựu giả Tilopa, Ngài không chỉ thụ nhận giáo pháp từ những đạo sư trong hình tướng loài người mà đón nhận trực tiếp từ đức Phật Kim Cương trì trong cõi tịnh độ Akanishta (Sắc cứu kính thiên). Bởi vậy Phật Kim cương Trì chính là Pháp thân của đức Phật Thích ca. Kinh điển Kim cương thừa đã đề cập, trước khi đức Phật Thích ca giáng sinh trong cõi Sa bà, Ngài đã giác ngộ trong cõi tịnh độ Akanishta trong Pháp thân Phật Kim Cương Trì, sau đó thị hiện Sắc thân là Thái tử Siddharta và tiếp tục thực hành mười hai công hạnh lợi tha. Bởi vậy theo quan điểm của Đại thừa, thái tử Siddharta chính là Bồ tát ngôi thập địa, còn từ quan điểm của Kim cương thừa, đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni đã giác ngộ trước khi ngài giáng sinh là thái tử Sidharta.

Bởi vậy truyền thừa giáo pháp mà đức Tilopa thụ nhận từ đức phật Kim Cương trì, truyền xuống Naropa, qua các chư tổ sư truyền thừa và tiếp tục tới tận ngày nay được tôn xưng là truyền thừa thù thắng.

Truyền thừa thứ ba trong Kim cương thừa là Truyền thừa Linh kiến Thanh tịnh. Truyền thừa này dựa trên nền tảng giáo pháp được trao truyền bởi chư tổ sư truyền thừa theo linh kiến thanh tịnh của các ngài. Lấy ví dụ, Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa Tsangpa Gyare, người sáng lập truyền thừa Drukpa, đã có linh kiến về bảy đức Phật và ngài đã được thụ nhận trực tiếp những khai thị cốt tủy từ bảy đức Phật. Tương tự như vậy, Pháp vương Gyalwang Kunga Paljor đời thứ II đã có linh kiến về đạo sư Liên Hoa Sinh và thụ nhận trực tiếp giáo pháp Dzongpa Chenpo từ đức Liên Hoa sinh. Tất cả đều được tôn xưng là Truyền thừa Linh kiến Thanh tịnh. Bởi vậy, trong truyền thừa Drukpa, quan kiến hay nền tảng là Mahamudra và phương tiện thể nhập tự tính vạn pháp hay Mahamudra là con đường Sáu Pháp Yoga của Naropa và pháp tu của hành giả dòng truyền thừa là Sáu Pháp Vị Bình Đẳng, còn quả là Bảy Khai thị Nhân duyên. Giáo pháp tu tập thâm diệu nhất của truyền thừa Drukpa là Guru Yoga, đây là pháp tu tập chứng ngộ tất thảy vạn pháp là bản chất Thượng sư và thấu hiểu rằng Thượng sư vốn bất khả phân với tự tính tâm của chính mình.

(Nguyên tác Anh ngữ: www.Khamtrul.org)