Trị Bệnh Bằng Điển Lực và Khí Công?
Phương Chính Nguyễn Quang Đạt


Qua quá trình hơn 15 năm hoạt động trong lãnh vực tâm linh, nghiên cứu và chứng kiến những tác động của thế giới siêu hình, cũng như trên 20 năm luyện tập và huấn luyện trong ngành võ thuật và dưỡng sinh, tôi thường nghe rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc trị bệnh bằng điển lực (tâm linh), cũng như bằng khí công (nhân điện). Dùng điển lực hay khí lực có thể trị được bệnh hay không? Và kết quả ra sao?

Thiết tưởng đây cũng là một trong những đề tài khá thú vị có thể giúp cho rất nhiều người có được một nhận định chính chắn khi “tầm thầy chữa bệnh”, nhất là trong thời buổi hiện nay khi chánh tà lẫn lộn, thật hư khó lường!

Hy vọng sẽ được các chân sư tận tình giúp đỡ, khai mở thêm kiến thức hầu đem lại lợi ích cho xã hội, giúp nhiều người tránh được cảnh “tiền mất, tật mang”.


Trị bệnh qua phương pháp tiếp nhận bằng khí lực (ngoại lực) có thể tạm phân ra hai loại:
Trị bệnh bằng tâm linh, điển lực
Trị bệnh bằng khí công hay nhân điện

I. Trị bệnh bằng tâm linh, điển lực.

Phương pháp trị bệnh bằng tâm linh thường được biết đến qua các hình thức như sau:
Lời “Phán” của các Đấng giáo chủ của các tôn giáo lớn ngày xưa trong việc chữa bệnh tà hoặc những chứng bệnh nan y như bệnh mù vv.
Trị bệnh bằng nước lã và giấy vàng của các giáo chủ cận đại như Đức Phật Thầy Tây An, Đức Huỳnh Phú Sổ…
Trị bệnh bằng ấn, chú để trị tà
Trị bệnh bằng trì chú, cầu nguyện cho những chứng bệnh nan y, tâm bệnh và bệnh tà.
Trị bệnh bằng điển lực qua các phương pháp mật tông của các tôn giáo.
Và đây cũng là 1 trong hai chủ đề chính trong bài khảo luận về “Trị Bệnh Bằng Điển Lực và Khí Công?” được trình bày sau đây.

Nói về Hiển giáo và Mật giáo thì thông thường “hiển” và “mật” là hai cơ chế luôn hổ tương nhau trong một tôn giáo. Hiển giáo chú trọng đến việc truyền bá giáo lý đến với tất cả mọi người. Một phương pháp tu học tiệm tiến, thường ít phải đối diện trực tiếp với những hiện tượng và thử thách của thế giới vô hình. Trái với Hiển giáo, Mật giáo thường được truyền bá qua sự chọn lựa khó khăn và phần lớn là do sự kết hợp và xếp đặt của nhân duyên, cho nên rất ít người biết đến.

Đa số những người tu tập Mật tông thường có những bậc Thầy có khả năng thông đạt với thế giới thần linh hay còn gọi là thần thông. Hoặc có những “Linh sư” trực tiếp yểm trợ và hướng dẫn. Điều này cũng có nghĩa rằng, việc tu tập thường luôn đối đầu với những thử thách của thế giới vô hình cùng những sự kiện tâm linh để phá “ngã” và thăng tiến trí huệ.


Trị bệnh bằng điển lực được thực hiện qua hai hình thức:
Người bệnh nhận điển lực của “Thiêng liêng” (chư vị bên thế giới vô hình) qua một hành giả mật tông, trong trường hợp này người hành giả mật tông giống như chất xúc tác chuyển điển lực từ thế giới vô hình đến bệnh nhân
Bệnh nhân nhận được điển lực trực tiếp từ thế giới vô hình sau khi qua một nghi thức đơn giản “điểm đạo” do hành giả mật tông thực hiện.
Nói chung khi tiếp nhận điển lực qua hai hình thức trên, nếu thật sự có cơ duyên và gặp đúng một hành giả mật tông chân chính, thì bệnh nhân sẽ cảm thấy có một luồng hơi nóng (điển lực) được truyền từ bàn tay hay ấn của hành giả mật tông chạy vào vùng bị thương tổn, hoặc bệnh nhân có thể cảm nhận trực tiếp luồng điển lực lưu chuyển trong thân do sự thỉnh cầu, làm cho thân thể trở nên ấm nóng và khoẻ khoắn hơn. Điều đặc biệt là ngay chính bản thân người giúp truyền điển lực cho bệnh nhân cũng được cộng hưởng một phần ân điển này. Cũng chính vì vậy mà hành giả mật tông có thể truyền điển lực trị bệnh cho nhiều người mà không cảm thấy tiêu hao công lực trong người, nếu có mệt chẳng qua là sự mệt mỏi thông thường của thể chất khi làm việc quá lâu.

Khi nói đến trị bệnh bằng điển lực hay tâm linh thì phải nói đến nghiệp lực của bệnh nhân. Có kết quả hay không còn tuỳ thuộc rất nhiều vào phước duyên và sự tu tâm dưỡng tánh của bệnh nhân. Nguyên tắc trị bệnh của thế giới vô hình là làm sao khai mở tâm thức của bệnh nhân, và luôn đòi hỏi bệnh nhân phải làm nhiều công đức để hoá giải nghiệp lực hay tâm bệnh. Trị bệnh chỉ là một phương tiện mà Thiêng liêng dùng để giáo hoá mang lại lợi ích tâm linh cho người hữu duyên mà thôi.

Trong những năm hoạt động nghiên cứu trong lãnh vực tâm linh, qua những bài giảng của Linh sư (hay “Thầy” trong thế giới tâm linh), hầu hết những tham dự viên đều nhận thức rằng “Y học nhân gian” cũng là hình thức giúp đở của” Thiêng liêng” trên lãnh vực hữu vi. Quí vị có thể suy gẫm điều này qua hình thức châm cứu của Đông Y trên các huyệt đạo, do các đạo sư được “khai nhãn” nhìn thấy sự vận hành chi chít của khí huyết trong cơ thể, để từ đó ghi chép và lưu truyền lại cho thế nhân. Thần nhãn là một trong những phương tiện trợ lực của Thiêng liêng yểm trợ cho hành giả mật tông trên lãnh vực này.


Muốn biết sự trị bệnh bằng điển lực có kết quả hay không, bệnh nhân cần phải lưu ý đến những điều sau để tránh bị lường gạt và lợi dụng của những người bất chánh:
Bệnh mình thực sự có cần thiết để nhờ đến điển lực của thế giới vô hình trợ giúp hay không?
- Hãy tận dụng y học nhân gian để điều trị những chứng bệnh thông thường.
Khi tiếp nhận điển lực có cảm thấy điều gì khác lạ trong cơ thể hay không?
- Một là người trị bệnh không có khả năng, hay là bệnh nhân chưa đủ duyên để tiếp nhận? Nếu không thì nên chấm dứt, đừng phí công vô ích.
Có quyết tâm tu sửa tâm tính và làm những điều phước thiện (công đức) để giảm nghiệp lực hay không?
- Làm điều phước thiện nơi đây không có nghĩa là cúng dường cho một cá nhân/cơ sở nào đó cho thật nhiều. Tiền không hóa giải nghiệp mà chỉ có chân tâm và công đức vô vi. Phải biết giúp người đúng ý nghĩa và đúng chổ.

Nếu hiểu và thực hiện đuợc 3 điều nêu trên, và còn phước đức thì tự nhiên căn bệnh sẽ có cơ duyên được hóa giải, còn không thì chỉ phí thời giờ, tiền bạc và đi vào con đường mê tín.

II . Trị bệnh bằng khí công, nhân điện

Trong khoảng 3 thập niên trở lại, không ít chúng ta đã từng nghe nói đến các võ sư dùng khí công hay nhân điện để trị bệnh cho bệnh nhân. Không biết kết quả như thế nào nhưng trước hết bệnh nhân đã phải trả một số tiền khá lớn.


Nói đến phương pháp dùng khí công của mình để trị bệnh cho người khác thì thiết nghĩ trước hết người thầy khí công phải hội đủ những điều kiện thiết yếu như sau:
Phải có kiến thức về Đông y học:
- Am tường về huyệt đạo cũng như sự vận hành khí huyết trong cơ thể qua các kỳ kinh bát mạch.


- Phải hiểu rỏ chức năng hoạt động của các cơ quan trong lục phủ, ngũ tạng.
Phải có sự công phu hằng ngày để tinh luyện khí lực.
Phải có khả năng vận chuyển khí trong và “ngoài thân”.
- Để trắc nghiệm trình độ này, người võ sư khí công có thể tự mình vận khí qua ngón tay làm chao đảo hay tắt ánh lửa trên một ngọn nến trong một khoảng cách nào đó tuỳ theo công lực của mình.
Phải có sự hàm dưỡng và đạo đức.
- Đây là điều kiện tất yếu để nói lên thành quả trị bệnh của một y sư khí công.

Theo Đông y học, bệnh là do sự mất quân bình âm dương hay rối loạn khí huyết của một cơ quan nào đó trong cơ thể, để trị liệu, người thầy khí công thường dùng năng lực hay khí lực của mình để tái tạo lại sự quân bình và đả thông khí huyết nơi vùng bế tắc của bệnh nhân. Muốn được như vậy thì ngoài khả năng biết vận chuyển khí lực vào vùng bị thương tổn của bệnh nhân, một yếu tố rất quan trọng đã được nêu trên là công phu hàm dưỡng của người thầy. Trong giai đoạn nầy, người thầy khí công cần phải có đủ năng lực và tâm lực để có thể điều dẫn khí của mình phối hợp khí trong người bệnh nhân theo ý muốn của mình, để khai thông vùng bế tắc.

Nếu không có tâm lực thì khả năng vận khí trị bệnh đều hoài công vô ích, có thể còn thua kém xa một người bình thường nếu được chỉ dẫn dùng máy xấy tóc thổi hơi nóng vào huyệt đạo của người bệnh. Quí vị thử suy xét điều này có hợp lý hay không?

Căn bản luyện tập khí công là luôn giử cho tâm được an bình, tâm an thì khí hòa, mà khí hòa thì hầu hết các bệnh tất được tiêu trừ. Nếu như một người thầy khí công xưng danh dùng khí công của mình trị bệnh cho thiên hạ mà tâm còn vướng nặng trong tam độc: tham, sân, si và ái dục thì trước sau cũng mang nghiệp và họa vào thân!

Thông thường sau khi được trị bệnh bằng khí công, bệnh nhân thường được người thầy hướng dẫn thêm cho một số thế để tập luyện. Như vậy có được kết quả hay không phần lớn là do chính nơi tâm sức của bệnh nhân, phương pháp truyền khí trị bệnh chẳng qua là hình thức, một phương pháp trị liệu cấp thời mà thôi.

Nói tóm lại, trị bệnh bằng điển lực chỉ là một phương tiện mà chư vị “Thiêng liêng” dùng để giáo hóa chúng sinh và đòi hỏi bệnh nhân phải tu tâm (tâm an, khí hòa) làm việc phước thiện. Vì đây là vấn đề trị bệnh bằng tâm linh nên số người hết bệnh thể chất thật khó đoán, có thể 1/1000000, cũng có thể là 1/1000 và cũng còn tuỳ thuộc vào phước duyên của mỗi người. Hơn nữa, “Thiêng Liêng “cũng không muốn con người lạm dụng vào việc trị bệnh nầy mà quên đi y học hiện đại do công khó nhọc của con người đã nỗ lực tìm ra. Rất ít ai biết rằng trong đó, vô tình đã có sự trợ giúp thật tinh vi của thế giới vô hình. Chắc chắn quí vị đã từng nghe những câu: “tự nhiên nghĩ ra” “hoặc tình cờ tìm ra”…

Nếu trị bệnh bằng điển lực đòi hỏi công đức và phước duyên của bệnh nhân, thì trái lại trị bệnh bằng phương pháp tiếp nhận khí công của con người lại chú trọng vào tâm đức và khả năng hiểu biết của người thầy. Sự tập luyện chuyên cần của bệnh nhân đóng vai trò rất chính yếu trong việc hết bệnh.

Tìm một y sư khí công chân chính ngày nay để trị bệnh cũng có thể ví như tìm nước trên sa mạc, như vậy thì đã biết kết quả ra sao!

Đừng quá phí công và tốn thật nhiều tiền để “tầm thầy chữa bệnh” trên hai lãnh vực nầy, nhất là dễ đi vào con đường mê tín, xa lìa chánh đạo. Hãy cố gắng giữ tâm an lạc, luôn cầu nguyện, chuyên cần tập luyện, hướng tâm sức vào công việc phước thiện trong trí huệ, và tận dụng những gì đã có sẵn trong y học thì hy vọng mọi bệnh tật sẽ sớm được tiêu trừ hoặc sẽ gặp được thầy giỏi, thuốc hay.


Hãy tận nhân lực để tri thiên mệnh, và đức năng sẽ thắng số.



Phương Chính Nguyễn Quang Đạt (www.duongsinhthucphap.org)

*Ghi chú:
Thiêng liêng hay Thầy là những danh từ thường được dùng trong mật tông.