Nguyễn Phúc Giác Hải: Nhà khoa học hay 'gã phù thủy' quyền năng?

Cập nhật lúc 09 PM, 23/10/2012

Với những khả năng và công việc của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải được coi là một nhà khoa học chân chính. Thế những cũng có người nói: "Ổng là một gã phù thủy có nhiều quyền năng"...

Là người đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu về những khả năng đặc biệt của con người, ông Nguyễn Phúc Giác Hải - Chủ nhiệm Bộ môn thông tin dự báo (Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người) đã phải đối mặt với biết bao sóng gió của cuộc đời, phải ly hôn với vợ, mất việc, bị người khác gán cho những biệt danh không mấy hay ho như lẩm cẩm, thần kinh, phù thủy, mê tín dị đoan… Tuy nhiên, nếu có dịp được trò chuyện với ông, được ông phân tích bằng những dẫn chứng cụ thể, logic, mọi người sẽ có một cái nhìn hoàn toàn khác về ông…

Ranh giới mong manh giữa nhà khoa học và “gã phù thủy”

Tôi biết Nguyễn Phúc Giác Hải đã lâu, nhưng chưa một lần dám chắp bút, bởi quả thực tôi ngại va chạm, sợ bị cuốn vào vòng xoáy nghiệt ngã mà các đồng nghiệp của mình đang loay hoay khi viết về ông, cũng như lĩnh vực hết sức nhạy cảm mà ông đang theo đuổi. Bản thân ông khi dấn thân vào lĩnh vực này, ngoài cái “số”, với ông còn là niềm đam mê, là cái tâm của một nhà khoa học, dù biết rằng phía trước đầy rẫy những chông gai.
Dù đã ở tuổi “cổ lai hy”, nhưng ông Nguyễn Phúc Giác Hải vẫn luôn đau đáu, miệt mài theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Với ông, niềm đam mê, khát vọng lớn nhất trong cuộc đời mình là nghiên cứu và kể lại cho mọi người biết một cách dễ hiểu nhất về khoa học và tâm linh. Chính từ tấm lòng ấy, đã khiến tôi không thể im lặng được nữa…




Ông Nguyễn Phúc Giác Hải và nhạc sỹ Văn Cao.

Len lỏi quanh con đường Bạch Đằng, Hà Nội chúng tôi có mặt trong ngôi nhà nhỏ, chồng chất sách vở, bao quanh chiếc bàn uống nước bề bộn tài liệu. Như đoán được vẻ thắc mắc, ngỡ ngàng của chúng tôi, ông vội vàng cười xòa: “Ngôi nhà của tôi đặc biệt thế đấy, chỉ có sách mà không có giường…”. Nói rồi, ông đưa tay lên vuốt lại mái tóc đã bạc trắng, ánh mắt tinh nhanh, nụ cười tươi, pha café mời chúng tôi, rồi vào chuyện.

Nguyễn Phúc Giác Hải sinh năm 1934 (Giáp Tuất), vào giờ Chính Ngọ tại Hải Phòng. Ngay từ bé, ông đã bộc lộ những tố chất thông minh hơn người. Ngoài việc thích đọc sách, say mê môn vật lý, ông còn sáng tác truyện thám hiểm Tây Nguyên, cũng như tham gia vào tổ tuyên truyền về du hành vũ trụ của GS Tạ Quang Bửu… Chính vì niềm ham mê khám phá, khi đang học Đại học khoa học ngành Lý - Hóa, Nguyễn Phúc Giác Hải vội vàng chuyển sang lớp sinh học Đại học Sư phạm. Ra trường, sau một thời gian giảng dạy tại trường Bổ túc công nông trung ương, ông xin về Ủy ban Khoa học Nhà nước để nghiên cứu về di truyền học. Thời ấy lĩnh vực nghiên cứu di truyền học ở nước ta còn mới mẻ lắm, nguyên do là chịu sự tác động bởi quan điểm của Lư-xen-cô. Đến năm 1966, ông đề xuất thành lập Hội di truyền học Việt Nam do ông là Tổng thư ký Hội đầu tiên.

Trong thời gian nghiên cứu, trường hợp chữa bệnh kỳ lạ không phải dùng thuốc của ông Nguyễn Đức Cần đã khiến ông quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, cái khó ở thời điểm đó là nhà nước đang bài trừ nạn mê tín dị đoan, trong khi đó, khả năng chữa bệnh của ông Cẩn chưa được ai nghiên cứu. Chính vì vậy, ông chỉ biết lẳng lặng nghiên cứu.

“Cơ may đến với tôi khi một quan chức biết chuyện, ông ấy đã nhờ tôi đưa đến cụ Cần để chữa bệnh, sau thời gian thì có hiệu quả. Để cảm ơn tấm lòng của tôi, ngày 26/4/1974, cụ đã tác động để tôi được sang Bộ công an để trình bày đề tài nghiên cứu của mình”, Mắt ông ánh lên niềm vui. Trong quá trình nghiên cứu này, Nguyễn Phúc Giác Hải đã đưa ra khái niệm “Trường sinh học” đầu tiên trong giới khoa học. Công việc tiến triển một cách thuận lợi, ngày 30/4/1974, ba đoàn phim gồm: Đoàn phim tư liệu Việt Nam, quân đội, an ninh đã tiến hành quay phim tư liệu việc ông cần chữa cho hai bệnh nhân bằng phương pháp điều khiển từ xa, không phải dùng thuốc trước sự chứng kiến của Bộ Công an. Cuộc thực nghiệm diễn ra tốt đẹp, tuy nhiên, ngày 19/5 một số cơ quan báo chí đã đăng tải thông báo của Sở Y tế về việc cấm cụ Cần hành nghề mê tín.

Ông Hải bất bình: “Đó là một quyết định hoàn toàn sai, đi ngược lại với quy định của pháp luật và đạo đức của ngành y. Tuy nhiên, không hiểu sao, nhiều báo vẫn nhảy vào “đánh” hội đồng, thậm chí họ còn dùng những từ ngữ miệt thị như Lão phù thủy và nhà khoa học…”. Chính sức ép từ dư luận, vì sợ ảnh hưởng đến con đường chính trị, nhiều người cộng tác cùng ông đã rút lui. Thậm chí, mọi người còn khuyên vợ ông hãy ly hôn và vào Nam sinh sống, kẻo ảnh hưởng đến tương lai chính trị của các con.


Ảnh lưu niệm với ông Nguyễn Đức Cần.

Trong thời kỳ căng thẳng nhất, mọi người cho ông lựa chọn, nếu muốn ở lại thì phải nhận khuyết điểm, nếu không sẽ phải chịu kỷ luật và buộc phải thôi việc. Với lập trường của mình, ông giữ nguyên quan điểm, do đó, năm 1976, mọi người buộc ông thôi việc với mức hỗ trợ… một tháng lương.
Dù mất việc, vợ ly hôn, nhưng với suy nghĩ: Nếu định mệnh chỉ cho ta một trái chanh chua thì hãy cố gắng biến nó thành một ly nước ngọt. Nghĩa là nếu anh chỉ có đường thôi thì anh không bao giờ có một cốc nước chanh thơm ngon.

Với suy nghĩ đó, đã giúp ông có động lực để vượt qua quãng thời gian sóng gió nhất cuộc đời mình. “Thời ấy, để phục vụ cho việc đi khiếu nại, cũng như có tiền mua tài liệu tham khảo, nghiên cứu về các lĩnh vực, tôi đã mở một lớp học dạy thêm để lấy tiền. Vẫn biết rằng thời gian đầu, những lá đơn của tôi không ai ngó ngàng đến, nhưng với suy nghĩ, gieo hạt có thể chết, nhưng nếu không gieo thì chắc chắn sẽ không bao giờ có cây mọc. 14 năm gieo hạt như thế, cuối cùng cái “cây công lý” đã nảy nở khi đơn của tôi được đến tay Phó thủ tướng Nguyễn Khánh. Tôi được quay trở lại với công việc của mình”, đưa ánh mắt vui như bao trùm hết toàn bộ thân thể của chúng tôi, ông tâm sự: “14 năm bị mất việc không phải mất hoàn toàn, mà chính trong thời gian ấy, tôi có nhiều thời gian để nghiên cứu khoa học hơn. Chính cái ngày tôi và vợ chia tay cũng là ngày vừa tròn 19 năm chúng tôi cưới nhau. Xem lại lịch, tôi biết thêm một điều rằng trong tự nhiên có một chu kỳ bí ẩn. Cứ sau 19 năm thì cả ngày âm và ngày dương sẽ lại trùng nhau. Từ phát hiện đó, cộng với niềm ham mê vật lý từ nhỏ, tôi đã tìm tòi, nghiên cứu để giải mã những hằng số vũ trụ. Không những thế, tôi còn tham gia vận động thành lập Hội thiên văn học Việt Nam và cho đến nay tôi vẫn là một thành viên trong Hội…”.

Người đi tìm hai chữ… Việt Nam

Ngoài công việc nghiên cứu khoa học, thiên văn vũ trụ, với sở thích đọc sách, say mê tìm hiểu, ông còn đưa ra một số lý giải thú vị về lời Sấm ứng của Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà lý học nổi tiếng thế kỷ XV - XVI). Theo đó, hai chữ Việt Nam được nhắc đi nhắc lại một cách có ngụ ý từ thời của Trạng Trình. Khi ông công bố chuyện này đã gây lên môt luồng tranh cãi gay gắt trong nhân dân và các nhà lịch sử. Bởi từ trước đến nay, mọi người vẫn luôn nghĩ vào khoảng những năm 1804, thuộc thời nhà Nguyễn, quốc hiệu Việt Nam mới ra đời. Trong khi đó, thời của Trạng Trình cách đây hơn 500 năm. Chính điều này đã thôi thúc ông đi tìm cho ra sự thật.

Từ lời Sấm ứng kia, ông nhận thấy rằng, chắc chắn phải có những tài liệu, bia đá còn ghi tên quốc hiệu Việt Nam vào thời đó. Vì vậy, ngoài việc lặn lội đi tìm kiếm tài liệu, ông còn báo cho bạn bè trong giới khảo cổ, lịch sử, văn hóa, nếu thấy ở đâu có ghi chữ Việt Nam thì báo lại. Nhờ những thông tin quý báu của bạn bè, ông đã tập hợp được 4 tấm bia có viết chữ Việt Nam. Trong đó phải kể đến tấm bia từ năm 1670 ở Đồng Đăng có khắc rõ ràng rằng đây là cửa ngõ yết hầu Việt Nam trấn giữ ải quan phương Bắc. Hay như việc chụp, quay phim được tấm bản đồ đầu tiên có tên Việt Nam do người Trung Quốc vẽ năm 1870, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc sở hữu cả ta do thư viện Hoàng gia Anh lưu giữ… đã có ý nghĩa rất lớn trong việc chứng minh quốc hiệu Việt Nam không phải do người Trung Quốc đặt, hay tới tận thời nhà Nguyễn mới có, cũng như chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tiến tới chứng minh tâm linh bằng… vật chất

Trong quá trình nghiên cứu những người có khả năng đặc biệt, Nguyễn Phúc Giác Hải đã rút ra được 4 nguyên nhân như bẩm sinh, do các tai biến liên quan đến não, do tập luyện hay có duyên gặp được những người có khả năng mở luân xa…
Từ những trường hợp nghiên cứu, Nguyễn Phúc Giác Hải đang trên đường chứng minh rằng, tất cả những điều mà mọi người chưa giải thích được rồi quy vào tâm linh kia đều có nguyên do của nó, tồn tại dưới dạng vật chất. Bởi, bản thân khoa học đã đưa ra kết quả rằng, con người hiện nay mới chỉ sử dụng được khoảng từ 4 - 6 % khả năng của mình mà thôi. Còn lại những khả năng kia đang tồn tại dưới dạng vô thức, điều quan trong là làm sao để sử dụng được nó. Ông Hải đặt câu hỏi, vì sao các nhà ngoại cảm, tiên tri lại có thể biết trước được những điều sẽ xảy ra trong tương lai? Phải chăng họ tiếp thu, giải mã được những thông tin có chứa trong vũ trụ liên quan đến vấn đề đó?...

Để chứng minh cho lập luận đó, hiện nay Nguyễn Phúc Giác Hải còn đi sâu vào nghiên cứu linh hồn dưới dạng vật chất. Đó là việc ông chụp hàng nghìn bức ảnh “ma”, cũng như tìm hiểu về sự tồn tại của linh hồn dưới dạng vật chất. Bởi, theo ông, nếu linh hồn không tồn tại dưới dạng vật chất, thì không thể nào máy ảnh có thể chụp được những “ma” mà cả trên thế giới và ở Việt Nam đã công bố.

Cũng theo ông Hải thì, việc chứng minh được linh hồn tồn tại dưới dạng vật chất, sẽ giúp cho xã hội ngày càng “sạch” hơn. Bởi thế giới tâm linh, vô hình luôn tồn tại quanh chúng ta. Ta có thể sống lách luật, nhưng không thể lừa dối được linh hồn. Như thế mọi người sẽ luôn phải dè chừng để sống tốt hơn, thiện hơn. Đó cũng chính là cái đích mà ông đang hướng tới…
Theo Giáo dục Việt Nam