Tâm linh hay khoa học: Bài học từ một người điên?
28/03/2011 0620

- Bằng ví dụ từ bản thân mình, người điên đang gợi mở cho chúng ta nhiều điều bổ ích. Phải chăng, chúng ta cần điều chỉnh nhận thức, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận nghiên cứu tiềm năng và tâm linh con người?

LTS: Sau khi bài viết "Khoa học lý giải tâm linh như thế nào?" được đăng tải trên Bee, TS Quách Nghiêm đã gửi tới Bee một cách lý giải khác. Để rộng đường dư luận, cũng như để có thêm góc nhìn về vấn đề khoa học và tâm linh, Bee xin đăng tải bài viết.


Từ bao thế kỷ nay, trong con mắt của người đời, kẻ bị điên dại thật đáng thương. Người bị điên nặng, mất hết ý thức làm người, trở lại với bản năng sống hoang dại. Họ bỏ nhà đi hoang, ăn mặc lôi thôi lếch thếch, sống nơi đầu đường xó chợ. Thậm chí có kẻ không chiụ mặc quần áo, lảm nhảm những điều vô nghĩa, cười khóc vô cớ, hành xử đầy tính bản năng.

Tuy nhiên quan sát lối sống hoang dã của họ, ta lại thấy có những điều thật đáng kinh ngạc. Họ có làm được những điều rất đặc biệt mà người thường chúng ta không làm được. Những điều làm ta phải ngạc nhiên và suy ngẫm:

1. Họ có thể uống nước ruộng, nước từ các vũng tù đọng. Họ có thể ăn các đồ ăn vứt đi rơi dưới đất hay từ bãi rác cuối chợ. Ấy vậy mà họ không bị đau bụng, đi ngoài! Tại sao ?

2. Họ thường không tắm rửa, ngủ ngoài trời gió máy, nơi đầu đường xó chợ. Vậy mà họ không bị cảm cúm! Tại sao?


Hình ảnh thường thấy ở "xóm người điên" thuộc tỉnh Hà Nam. Ảnh GĐ&XH

Cũng theo nghĩa đó, nhiều nhà ngoại cảm, những người có công năng đặc biệt thường trải qua giai đoạn mất hết ý thức như chết lâm sàng, bị sét đánh, ốm thập tử nhất sinh hay điên dại một thời gian, sau đó phát hiện ra mình có công năng đặc biệt mà trước đó không hề có.

Có thể nêu hai ví dụ điển hình mà báo chí đã đăng:

1. Cô Phan Thị Bích Hằng sinh năm 1972 cùng người bạn bị chó dại cắn, cả hai bị điên, người bạn bị chết, riêng cô may mắn sống lại sau khi đã bị chết lâm sàng. Sau đó, cô phát hiện ra mình có khả năng đặc biệt.

2. Cô Phạm Thị Phú (Cậu Cò) sinh năm 1972 cũng bị điên dại. Sau khi khỏi điên, cô phát hiện ra mình có khả năng chữa bệnh bằng các biện phát nắn bóp và dẫm đạp lên cơ thể của người bệnh.

Có thể nêu hai ví dụ điển hình: diễn viên Duy Hậu (bị suy thận) bệnh đã thuyên giảm, sức khỏe phục hồi lên khoảng 10kg, nhà văn Lê Lựu (bệnh tiểu đường, xuất huyết não 3 lần) đã đi lại được, vết loét do tiểu đường đã khô.

Về trường hợp chữa bệnh không dùng thuốc như thế, hiện có nhiều cách lý giải khác nhau. Cô Phú trình bày theo cách lý giải của nhiều nhà khoa học là do cô truyền năng lượng.

Trở lại những quan sát không mới về người điên và trường hợp hình thành khả năng ngoại cảm của một số người, ta thấy có những hoàn cảnh khá tương đồng: những tiềm năng đặc biệt của cơ thể chỉ được giải phóng trong trạng thái con người đã mất hết ý thức, trở về với vô thức, với bản năng gốc gần như tuyệt đối của họ.

Đối với nhiều nhà ngoại cảm hay những người có công năng đặc biệt, sau một thời gian vài năm, cùng với sự phục hồi của ý thức, cấc năng lực đặc biệt đó dần dần mai một (thường là 4 tới 5 năm) mà theo cách nói dân gian “trời chỉ cho ăn lộc đến thế”.

Tất cả những điều đó làm cho chúng ta phải suy ngẫm và nhận thức thêm về tiềm năng và đời sống tâm linh của con người. Lý do nào làm cho trong cùng một cơ thể khi là con người bình thường thì những năng lực thích nghi phi phàm ấy lại không đươc thể hiện. Tại sao chỉ trong trạng thái điên dại, hoặc sau đó, những năng lực đặc biệt ấy mới được giải phóng.

Nói về tiềm năng con người, người ta thường nghĩ tới năng lực tâm linh siêu phàm, tới số phận con người, tới các thế lực siêu nhiên dưới hình thức các vong hồn, các trường năng lượng đặc biệt và các nhà ngoại cảm, các đồng cô bóng cậu có khả năng tiếp xúc được với thế giới của người âm.

Một loạt phạm trù truyền thống của đạo Phật, của dân gian và các phạm trù khoa học hiện đại của triết học, vật lý: thuyết cơ lượng tủ, thuyết tương đối của Einstein, của sinh học (trường sinh học) được đem ra ứng dụng nhưng bức tranh cũng không vì thế mà sáng tỏ hơn. Thế giới tâm linh vốn u tịch vẫn bị mờ ảo bởi sương khói của thời gian và nhận thức cố hữu của con người.

Tiềm năng con người vô cùng đa dạng và to lớn vốn tiềm ẩn ngay trong cơ thể chúng ta, nhưng con người vẫn chưa thấy hết, đặc biệt chưa hiểu biết về cở chế khai mở hoặc khóa lại của chúng. Con người vì các giới hạn đó nên chưa có ý thức khai thác các tiềm năng ấy cho hạnh phúc cuộc sống của họ. Chính điều này gợi cho ta phải suy nghĩ về công tác nghiên cứu tiềm năng vốn tiềm ẩn trong cơ thể con người.

TS Quách Nghiêm