Chiến thắng được báo trước (kỳ 1): Chiếc lưới đã giăng sẵn

24/12/2011 09:01

Những ngày này của gần 40 năm trước, quân đội Mỹ đã ồ ạt đem máy bay không kích miền Bắc Việt Nam. Cả thế giới "nín thở" theo dõi chiến cuộc và lo lắng cho Việt Nam nhưng ít người biết rằng từ nhiều năm trước Việt Nam đã dự liệu trận chiến này.



Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các tướng lĩnh quân chủng PKKQ duyệt kế hoạch đánh B52 tháng 10 năm 1972 (Ảnh tư liệu)
Trong chiến tranh, thông thường kế hoạch phòng thủ bao giờ cũng ra đời sau khi đối phương manh nha ý định tấn công và bên phòng thủ đoán biết được ý định đó. Thế nhưng, trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 (phía Mỹ gọi là cuộc hành binh Linebacker II) thì dường như mọi sự lại đảo ngược. Không quân Mỹ ồ ạt tiến hành chiến dịch nhưng không biết rằng chiếc lưới khổng lồ đã giăng sẵn và một bản kế hoạch phòng thủ đã được lực lượng Phòng không Việt Nam lập ra từ gần 5 năm trước đó.

Lời tiên đoán thần tình

Năm 1962, khi đại tá Phùng Thế Tài vừa nhận chức tư lệnh bộ đội phòng không, Bác Hồ gọi ông lên gặp và hỏi: “Chú đã biết gì về B52 chưa?”. Câu hỏi của Bác làm tư lệnh Phùng Thế Tài bối rối vì ông và toàn thể bộ đội phòng không của ta chưa biết gì về loại vũ khí này. Cho đến lúc bấy giờ chúng ta mới chỉ biết B52 là một vũ khí chiến lược của Hoa Kỳ, có khả năng mang được số lượng bom vượt xa các máy bay ném bom chiến thuật. Bản thân máy bay B52 cũng mới ra đời từ năm 1952 và cho đến trước cuộc chiến ở Việt Nam, nó chưa từng được sử dụng ở một chiến trường nào. Phải đến 10 năm sau, khi quân Mỹ ồ ạt mang B52 đánh Hà Nội với âm mưu hủy diệt thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì mọi người mới kinh ngạc về tầm nhìn xa trông rộng của Bác.

Vào một tối mùa xuân năm 1968, Bác Hồ lại gọi đồng chí Phùng Thế Tài lên gặp (lúc này đồng chí Phùng Thế Tài là phó tổng tham mưu trưởng của Quân đội Nhân dân Việt Nam). Trong buổi gặp, Bác đã đưa ra một lời tiên đoán tài tình: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội” .

Lời tiên đoán của Bác gần 5 năm sau đã thành sự thật. Ở bước đường cùng, khi hiệp định Paris sắp được ký kết thì chính phủ Nixon lật lọng đem con bài B52 ra đánh canh bạc cuối cùng với hy vọng đánh gục ý chí của nhân dân miền Bắc để đàm phán lại rồi rút ra cuộc chiến trong thế thắng. Nhưng cuối cùng chúng đã phải thất bại thảm hại.

Bản kế hoạch đặc biệt

Sau những lời nhắc nhở của Bác Hồ, bộ đội phòng không Việt Nam đã chuẩn bị một bản kế hoạch chu đáo để đón tiếp những “anh chàng B52 to xác” từ tháng 2 năm 1968.

Trong cuốn hồi ký “Bảo vệ bầu trời”, trung tướng Nguyễn Xuân Mậu (trong kháng chiến chống Mỹ là phó tư lệnh quân chủng phòng không – không quân) nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ rõ căn phòng của đồng chí Đặng Tính, hay nói đúng hơn là căn lán dã chiến được làm bằng những tấm cót ép, lợp vải bạt. Chính từ căn lán như thế và quây quần xung quanh đĩa sắn nướng, chúng tôi đã bắt đầu phác thảo kế hoặc đánh trả một cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội. Một bản kế hoạch dùng cho 5 năm sau. Tất nhiên, so với bản kế hoạch trực tiếp chuẩn bị cho chiến dịch 12 ngày đêm sau này thì bản kế hoạch tháng 2 năm 1968 còn đơn giản lắm”.



Máy bay B52 là 1 trong 3 vũ khí chiến lược, là biểu tượng của sức mạnh không lực Hoa Kỳ (Nguồn ảnh: Internet)
Bản kế hoạch ra đời có thể nói là một nét độc đáo trong nghệ thuật quân sự của Việt Nam. Bởi lẽ, cho đến lúc bấy giờ ngay cả phía Mỹ cũng chưa có chút manh nha gì về kế hoạch tấn công miền Bắc ồ ạt bằng B52.
Bản kế hoạch tuy rất sơ lược nhưng đã dự đoán được các hướng tấn công của kẻ địch. Đối với Hà Nội, các “tác giả” bản kế hoạch dự kiến địch sẽ bay vào theo 5 hướng là từ Tây Bắc xuống, từ Tây Nam vào, từ Nam lên, từ Đông Nam lên, từ Đông Bắc xuống. Thực tế sau này trong 12 ngày đêm vào đánh phá Hà Nội, 70% máy bay địch bay vào từ hướng Tây Bắc để lợi dụng địa hình địa vật.

Riêng ở Hải Phòng thì bản kế hoạch không những dự kiến chính xác 100% hướng tấn công của địch mà còn “tiên tri” rất tài tình về lực lượng của ta phòng thủ Hải Phòng. Ngay từ lúc ấy ta đã dự kiến địch sẽ bay theo 2 đường là từ Đông Bắc xuống theo cửa sông Nam Triệu và từ Đông Nam lên theo cửa sông Văn Úc để đánh Hải Phòng.

Một điều kỳ lạ là từ lúc đặt bút viết bản kế hoạch, bộ tư lệnh quân chủng phòng không – không quân đã dự kiến 2 phương án sử dụng lực lượng tên lửa: Phương án 1 là đủ 8 tiểu đoàn và phương án 2 chỉ còn 5 hoặc 6 tiểu đoàn.



Tên lửa SAM-2, ở Việt Nam được gọi là “Rồng lửa Thăng Long” đã đánh sập uy thế không lực Mỹ trong 12 ngày đêm năm 1972 (Ảnh: Internet)
Sau này vào thực tế chiến dịch, việc sử dụng lực lượng tên lửa ở Hải Phòng trùng khớp đến không ngờ. Lúc đầu có đủ 8 tiểu đoàn của 2 trung đoàn 238 và 285. Chiến dịch bắt đầu được 2 ngày thì quân chủng điều 2 tiểu đoàn 71, 72 của trung đoàn 285 lên Hà Nội. Như vậy, Hải Phòng chỉ còn lại đúng 6 tiểu đoàn. Nhưng tiểu đoàn 84 phải làm định kỳ, nên cuối cùng, Hải Phòng chỉ có 5 tiểu đoàn.

Mấy chục năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, ngồi viết lại hồi ký, trung tướng Nguyễn Xuân Mậu vẫn tâm đắc với bản kế hoạch. Với cách nhìn nhận của một sĩ quan phòng không dày dạn, ông đánh giá: “Nếu như trong nghệ thuật tác chiến phòng ngự, việc phán đoán chính xác hướng tiến công, nhất là hướng tiến công chủ yếu của đối phương, đã là thành công 1 nửa, thì trong chiến dịch phòng không cũng có ý nghĩa tương tự. Việc xác định đúng đường bay và hướng bay của địch phải được xem như vấn đề cốt lõi của nghệ thuật chiến dịch phòng không, nhất là đối với những yếu địa quan trọng. Bởi vì từ đây mới có biện pháp sử dụng lực lượng hợp lý, mới dàn thế trận hiểm hóc để đánh địch và thắng địch”.

Trong suốt gần 5 năm sau đó, theo hướng chuẩn bị cho một chiến dịch không kích ồ ạt mà ta biết chắc Mỹ sẽ tiến hành khi vào đường cùng, lực lượng Phòng không ta vừa hàng ngày chống trả các cuộc tấn công phá hoại bằng không quân vào miền Bắc vừa hoàn chỉnh dần kế hoạch đánh B52 với nhiều sự chuẩn bị tỉ mỉ, chi tiết.