Tướng sóng và Tánh ướt của Nước (THỂ và DỤNG của Chân Tâm)


Hỏi: Thể dụng của chân tâm chưa biết là một hay khác?

Ðáp: Ðúng về mặt tướng thì chẳng phải một. Ðứng về mặt tánh thì chẳng phải khác. Cho nên thể dụng của tâm nầy chẳng phải một chẳng phải khác. Tại sao thế? Thử vì ông bàn đó:

Diệu thể thì bất động, dứt mọi đối dãi và lìa tất cả tướng. Người chưa đạt tánh khế chứng không thể lường được lý nầy.

Diệu dụng thì duyên ứng khắp muôn loài, vọng lập ra tướng hư, giống như có hình trạng. Nhằm vào hữu tướng, vô tướng này nên chẳng phải một.

Lại, dụng từ thể phát ra, dụng không lìa thể. Thể hay phát dụng, thể chẳng lìa dụng. Nhằm vào cái lý bất tương ly này, nên chẳng phải khác. Như nước lấy tánh ướt làm thể, thể thì không động. Sóng lấy động làm tướng, vì nhơn gió mà dấy khởi. Tánh nước, tướng sóng, động với chẳng động, nên chẳng phải một.

Nhưng ngoài nước không có sóng, ngoài sóng không có nước. Tánh ướt là một nên chẳng phải khác. Xét trên thể dụng một hay khác có thể biết vậy.


Hỏi: Thể dụng của chân tâm mọi người đều có đủ. Vì sao nơi thánh phàm chẳng đồng?

Ðáp: Nơi thánh phàm chân tâm vốn đồng, vì phàm phu vọng tâm nhận vật, nên mất tự tánh thanh tịnh, do đây bị ngăn cách. Thế nên chân tâm không được hiện tiền. Ví như bóng cây trong tối, dòng nước chảy ngầm dưới đất; có nhưng không biết.

Trong Kinh nói: “Nầy thiện nam tử! Như viên thanh tịnh bảo châu chiếu ra năm sắc, tùy chỗ mà hiện. Kẻ ngu si thấy ma ni châu kia thật có năm sắc. Thiện nam tử! Tánh viên giác hiện ở thân tâm, tùy loại mà có ứng hiện. Kẻ ngu si kia nói tánh tịnh viên giác thật có thân tâm như thế. Tự tánh cũng lại như vậy”.

Trong Triệu Luận nói: “Bên trong của càn khôn, khoảng giữa của vũ trụ, trong ấy có một vật báu ngầm dấu trong hình sơn”. Ðấy là chân tâm tại triền vậy.

Lại Từ Ân nói: “Pháp thân sẵn có của chư Phật đều đồng. Phàm phu bị vọng che, nên có mà chẳng biết. Phiền não cột ở trong nên gọi Như Lai tàng”.

Bùi Hưu nói: “Suốt ngày viên giác mà chưa từng viên giác, ấy là phàm phu vậy”.
Cho nên, chân tâm tuy ở trần lao mà không bị trần lao làm nhiễm. Như bạch ngọc ném vào bùn, màu sắc nó không đổi.


Hỏi: Chân tâm nơi vọng là phàm phu. Vậy làm thế nào thoát vọng để thành Thánh?

Ðáp: Người xưa nói: “Vọng tâm không chỗ nơi tức là bồ đề, niết bàn và sanh tử vốn bình đẳng”.

Kinh nói: “Chúng sanh kia thân huyễn diệt, nên tâm huyễn cũng diệt. Tâm huyễn diệt, nên huyễn trần cũng diệt. Huyễn trần diệt, nên huyễn diệt cũng diệt. Huyễn diệt, diệt rồi, nên cái phi huyễn chẳng hề diệt. Ví như lau gương, bụi nhơ hết thì ánh sáng hiện”.

Ngài Vĩnh Gia nói: “Tâm là căn, pháp là trần. Cả hai như vết nhơ trên gương, vết nhơ hết, ánh sáng mới hiện. Tâm pháp đều quên, tánh ấy tức chân”.

Ðây là ra khỏi vọng thì thành chân.

(Chân Tâm Trực Thuyết)