Những tên gọi khác của Chân Tâm


Phật dạy, Tổ dạy lập danh không đồng nhau.

Chân Tâm Phật dạy trong Bồ Tát Giới gọi là Tâm Địa, vì hay phát sanh muôn việc thiện.

Kinh Bát Nhã gọi là Bồ Đề, vì lấy giác làm thể.

Kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp Giới, vì giao triệt và dung nhiếp.

Kinh Kim Cang gọi là Như Lai, vì không từ đâu đến.

Kinh Bát Nhã gọi là Niết Bàn, vì là chỗ qui hướng của chư Thánh.

Kinh Kim Quang Minh gọi là Như Như, vì chơn thường bất biến.

Kinh Tịnh Danh gọi là Pháp Thân, vì là chỗ nương của báo thân và hóa thân.

Luận Khởi Tín gọi là Chơn Như, vì chẳng sanh chẳng diệt.

Kinh Niết Bàn gọi là Phật Tánh vì là bản thể của ba thân.

Kinh Viên Giác gọi là Tổng Trì, vì mọi công đức từ đó mà lưu xuất.

Kinh Thắng Man gọi là Như Lai Tạng, vì ẩn phú và hàm nhiếp.

Kinh Liễu Nghĩa gọi là Viên Giác, vì hay chiếu phá mờ tối.


Còn trong các Luận thì các vị Tổ thường gọi những tên khác của Chân Tâm (Cửa Tổ Sư dứt tuyệt danh ngôn, danh còn chẳng lập, sao lại có nhiều tên? Chỉ vì ứng theo cơ duyên nên tên cũng lắm.)

Chân Tâm có lúc gọi là Tự Kỷ, vì là bản tánh của chúng sanh.

Có lúc gọi là Chánh Nhãn, vì hay soi tướng của muôn loài.

Có lúc gọi là Diệu Tâm, vì hư linh và tịch chiếu.

Có lúc gọi là Chủ Nhân Ông, vì xưa nay từng gánh vác.

Có lúc gọi là Đàn không dây, vì hiện nay ra điệu vận.

Có lúc gọi là Vô tận đăng, vì hay chiếu phá mê tình.

Có khi gọi là Cây không rễ, vì gốc rễ bền chắc.

Có khi gọi là Suy mao kiếm, vì hay chặt đứt căn trần.

Có lúc gọi là Nước vô vi, vì sóng êm bể lặng.

Có lúc gọi là Mâu ni châu, vì hay giúp đỡ người nghèo khó.

Có lúc gọi là Vô nhu tỏa, vì cửa sáu tình đóng.

Cho đến nào là trâu đất, ngựa gỗ, tâm nguyên, tâm ấn, tâm cảnh, tâm nguyệt, tâm châu,v.v... nhiều tên khác nhau không thể ghi ra cho hết. Nết đạt được chân tâm thì các tên đều hiểu cả. Bằng mê muội chân tâm thì còn bị trệ nơi các tên. Cho nên đối với chân tâm cần yếu nên xét kỹ.


(Chân Tâm Trực Thuyết)