Tục xoái rượu của người Cor

Dân tộc Cor có hơn 22.600 người, cư trú chủ yếu ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Người Cor ngày nay vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó có tục xoái rượu. Về ý nghĩa, tục xoái rượu giống với tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, chỉ khác là ở nghi thức tế lễ.

Người Cor là tộc người cư trú đông đảo ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi và một ít ở huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Họ quần tụ thành những làng, bản trên những sườn đồi, bên các dòng sông, suối nước chảy qua. Trước đây mỗi dòng họ sống chung trong một ngôi nhà sàn dài hàng trăm mét, gọi là nóc, mỗi nóc có nhiều bếp, mỗi bếp là một tiểu gia đình, theo kiểu tiểu gia đình phụ quyền. Nay mỗi tiểu gia đình tự tách riêng ra thành hộ. Nhà dài của người Cor đã dần dần biến mất. Tuy vậy, cho đến nay, người Cor vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong bài viết này tôi muốn nói đến một trong những tập tục hết sức tốt đẹp mà một số gia đình người Cor còn giữ được, đó là tục "xoái rượu".

Xoái rượu là một hình thức làm rượu phép. Người Cor làm rượu phép mỗi khi trong nhà có việc quan trọng như mừng nhà mới, mừng lúa mới, mừng khách đến nhà... Nếu như nhà chỉ có một gian thì người ta làm rượu phép ngay tại giữa nhà. Nếu nhà có hai gian thì người ta làm ở gian chái, gần bếp thiêng (là bếp chỉ có những người trong gia đình mới được đun nấu, con gái đã lấy chồng khi về nhà cha mẹ đẻ cũng không đun vào bếp đó). Khi có việc quan trọng gia đình sửa soạn một mâm cơm, rồi đem mâm cơm đặt giữa chiếu. Tùy hoàn cảnh gia đình mà trong mâm cơm đó có những gì. Có khi là thịt gà, thịt heo, thịt trâụ.., nhưng cũng có khi chỉ có vài con cá niêu bắt được ở sông, suối, một ít măng rừng, một ít rau xanh, cơm trắng, và đặc biệt là phải có rượu.

Rượu được rót sẵn trong cốc và đặt chung quanh mâm. Có bao nhiêu người dự lễ làm rượu phép là có bấy nhiêu chén rượu, bấy nhiêu bát cơm.

Những người được mời tham gia lễ xoái rượu gồm, người chủ gia đình, người có tuổi trong dòng họ, bất kể là đàn bà hay đàn ông, nếu có khách thì khách cũng được mời ngồi vào mâm bên cạnh người chủ gia đình. Khi ai nấy đã yên vị quanh mâm cơm người chủ gia đình mời mọi người cùng nâng chén và cất lời khấn ông bà tổ tiên, mời ông bà tổ tiên về dự lễ, chứng kiến tấm lòng thành của con cháu. Nếu có khách đến thăm nhà, thì buổi lễ xoái rượu là để nhằm báo cho ông bà, tổ tiên biết là có khách đến thăm và xem đó là một hồng phúc của gia đình (mới được khách viếng thăm). Nếu là vừa làm được nhà mới thì cũng là để báo cho ông bà biết là nhờ ân đức ông bà mà con cháu làm được nhà mới. Tôi đã được dự một buổi lễ xoái rượu ở tại Trà Tân hết sức cảm động. Vì quá nghèo nên gia đình anh Hồ Văn T. chỉ làm một mâm cơm với mấy con cá niêu nhỏ bằng ngón tay, một bát canh rau ranh, một đĩa thịt gà nhỏ, một bát ốc đá, và còn lại là bảy bát cơm trắng thơm phức, và bảy chén rượu. Mặc dầu đạm bạc nhưng lễ hết sức trang nghiêm. Khi làm lễ thì tất cả mọi người đều khấn vái bằng tiếng Cor khoảng chừng năm phút. Đại ý lời khấn là: Hôm nay là ngày gia đình làm bữa cơm lúa mới đầu tiên. Đây là những bát cơm được làm từ đám lúa mà cách đây năm tháng cha cày bừa vun xới. Nay cha đã khuất núi rồi, chúng con làm bữa cơm này bằng những hạt lúa cha đã gieo trồng. Chúng con thành kính biết ơn cha. Con cháu hãy nhớ rằng có được bát cơm hôm nay là nhờ công cha công mẹ, công ông và tiên tổ. Cúi xin thần linh cùng tổ tiên chứng kiến và phù hộ độ trì. Qua lời khấn có thể hiểu là, người con làm bữa cúng cơm bằng lúa mới để nhớ ơn người cha vừa mất. Đó là những bát cơm được làm từ những hạt lúa mà trước đây người cha còn sống đã có công gieo trồng.

Sau lễ rượu phép mọi người cùng nâng chén. Người chủ nhà mời người lớn tuổi trước, rồi mời khách (nếu có) và những người khác. Mọi người cũng mời lại người chủ nhà cùng uống cạn chén rượu phép. Rồi tất cả cùng ăn chung những thức ăn trong mâm. Sau bữa ăn có thể còn có hát Xru, Agiới để ngợi ca cảnh đẹp của thiên nhiên, của núi non hùng vĩ, sự tươi tốt của mùa màng, công đức của các bậc tiền nhân.

Do vậy có thể nói rằng, xoái rượu là một nghi thức tín ngưỡng giản đơn nhưng mang tính nhân văn sâu sắc: Nó thể hiện lòng biết ơn của người sau đối với người đi trước, là đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Về ý nghĩa, tục xoái rượu không khác tục thờ cúng tổ tiên của người Việt (Kinh) là mấy, chỉ khác ở nghi thức tế lễ.

Đây là một mỹ tục cần được duy trì trong cộng đồng người Cor.

(Theo Đăng Vũ)

HELLBOY