Buôn thần, bán thánh ở núi Sam, An Giang
Cập nhật lúc 09h35" , ngày 16/02/2008


Hai thầy giải xăm luôn phải làm việc cật lực vì khách quá đông


Có thầy là tay chăn vịt, thấy có người hành nghề “buôn thánh” khấm khá nên bỏ vịt theo nghề bói toán, làm bùa.

Phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã có hai ngày đi xem bói, cúng giải hạn, soi căn tại khu di tích lịch sử chùa Bà Chúa Xứ núi Sam (thị xã Châu Đốc, An Giang). Trên đường vào chùa Tây An (một trong ba chùa lớn nhất của khu di tích chùa Bà), khu miếu Sơn Thần hai bên lối đi đều có panô “Bài trừ các hủ tục mê tín, dị đoan, đồng bóng, bói toán…”.

Thế nhưng kế bên những panô ấy là phòng xin xăm với tấp nập khách thập phương xếp hàng. Có hai “thầy” đảm trách hướng dẫn khách xếp hàng lạy bà, lấy số bốc thăm. Cầm bốn phiếu giải xăm in vi tính hẳn hoi, một chị trung niên cho biết mỗi phiếu giải xăm giá 50 ngàn đồng, chị lấy bốn phiếu hết 200 ngàn đồng.

Chỗ nào cũng gặp các thầy, bà

Chúng tôi đi từ chùa này sang chùa khác, am này đến am khác đều thấy có quá nhiều thầy, bà coi bói, xem tướng, giải hạn và soi căn. Trong vòng bán kính chưa đầy 40m, chúng tôi gặp được bà Năm Bốc chuyên “làm phép triệu hồn người”, thầy Hai “Hang Gió” coi tướng và thầy Phạm Hương, cô Mười chuyên soi căn...

Đến gặp một thầy tự xưng tên Minh Kiệt, chúng tôi một người vào vai bị... vợ bỏ và một vào vai cầu tự vì cưới vợ ba năm chưa có con. Thầy không nói mà đưa nhang chỉ chúng tôi lạy bà và cho bốc xăm luôn. Một đứa rút xăm “thượng thượng”, đứa còn lại rút phải xăm “hạ hạ”. Thầy bắt đầu giải xăm. Xăm thượng hay hạ thầy đều phán “trong kiết có hung” hoặc “trong hung có kiết”, phải cúng giải hạn mới xong. Để triệu được vợ về thầy bày cho chúng tôi phải đi mua lễ vật cúng bà gồm mâm trái cây, trà bánh. Việc cúng vái thầy, lãnh phần làm giúp. Đổi lại, chúng tôi phải gửi tiền cho thầy mua lễ vật cúng bà. “Tôi hứa với cậu nếu trễ là 21 ngày, còn sớm là chín ngày thôi bảo đảm sẽ triệu vợ cậu về. Ở đây chỉ làm phước thôi, không nhận tiền đâu, chỉ tốn tiền mua một mâm trái cây cúng trong những ngày trên, mỗi ngày 20 ngàn đồng”.

Cách thầy Kiệt vài trăm mét là điểm coi bói của thầy Vũ. Thầy này tuổi còn trẻ, thân thể đầy sẹo, đầu đinh. Chưa kịp yêu cầu gì, thầy đã kêu chúng tôi đưa bàn tay phải đặt lên bàn cho xem chỉ tay. Lấy cây viết vẽ vẽ lên bàn tay rồi nói: “Tui coi trúng mới nhận tiền, cậu hỏi gì thì hỏi. Năm nay là năm đại lợi nhưng cậu còn “tứ hành xung” nên phải đi lên ngọn núi cao cúng giải. Lễ vật chỉ mâm quả gồm chín đĩa trái cây, chín bó nhang, cái chuông, cái mõ”. Chúng tôi hỏi giá bao nhiêu, thầy bảo giá sơ sơ 450 ngàn đồng!

Chúng tôi sang gặp cô Năm Bốc. Bà kêu chúng tôi bắc ghế ngồi nghe bà phán: “Số con là số khổ, để má giúp”. Hỏng khổ sao được khi mà tôi trình bày năm trước vợ bỏ, đi nhờ cô làm phép về ở được mấy tháng, nay lại đi tiếp. “Má” Năm Bốc lại “bốc” tiếp: “Má đã nói năm trước con làm phép có sáu tháng, nay lâu quá... mày không đổi phép nên nó đi nữa”. Bà phán tá lả một hồi rồi cuối cùng đặt vấn đề “làm phép để cho vợ ký... đơn ly hôn “cái rụp” để tiện đường “quan lộ” sau này, hai là làm phép... “trói chân” để vợ về, tùy các chú”!

Cho “ly hôn” với giá một triệu đồng

Thầy nào, bà nào cũng bảo làm phước chứ không lấy tiền, thế nhưng lại yêu cầu sắm mâm trái cây cúng với giá do các thầy, bà “cắt”, thấp nhất là 200 ngàn đồng, cao nhất lên đến gần bạc triệu. Chúng tôi tìm cách thoái thác, xin đưa trước một phần. Gương mặt các thầy, bà liền biến đổi. Ở chỗ thầy Kiệt ra giá cúng bái số tiền 420 ngàn đồng, chúng tôi đưa trước 50 ngàn đồng, còn lại khất vào rằm tháng Giêng sẽ lên “chung” đủ số. Thầy liền giở sổ ghi nợ, kèm theo câu “Các con đã hứa với bà thì phải thực hiện”. Còn thầy Vũ hứa cúng mỗi ngày 450 ngàn đồng, cúng trong chín ngày. Vì hết tiền nên chúng tôi hứa hôm sau sẽ mang tiền đến nhờ thầy cúng. Thầy bảo: “Ở đây thầy chỉ làm phước, không ăn tiền. Tùy tâm các con mà bà có linh nghiệm hay không. Cậu muốn vợ cậu sớm trở về thì không thể để ngày mai vì ngay mai sẽ trễ”.


Cô Năm Bốc đang “tư vấn” cho phóng viên làm phép... ly hôn hay trói giò cô vợ


Cô Năm Bốc thì khác, khi chúng tôi hứa rằm tháng Giêng trở lại vì giá “làm phép” ly hôn hoặc “trói giò” vợ thì sơ sơ gần... một triệu đồng. Cô Năm liền “phịa”: “Năm ngoái con làm phép nửa năm là 361 ngàn đồng, trả trước 200 ngàn đồng, còn thiếu cô 161 ngàn đồng, sẵn đây trả luôn”. Chúng tôi lại khất, hẹn vào rằm tháng Giêng trả. Cô Năm liền lật sổ ghi nợ, kèm theo câu dặn nhớ trở lại đúng hẹn cô làm phép cho. Thấy moi tiền làm phép tức thời chưa được, cô Năm liền kêu con gái ra tính tiền nước uống, giá hai trái dừa chỉ... 40 ngàn đồng.

Chưa hết, bà Năm đang làm phép gỡ rối cho một khách nữ, sẵn bà nói: “Mấy đứa thấy không, chị đây năm trước khổ lắm, cô làm phép năm nay khá giả lên đó”. Bà Năm làm phép cho chị này bằng cách lấy chín sợi tóc rối “ếm bùa” với giá 200 ngàn đồng.

Các thầy... tố nhau

Câu cửa miệng của thầy bà “làm phúc không nhận tiền”, thế nhưng ai cũng tìm cách moi tiền khách thập phương. Đã thế, thầy này không tiếc lời chê trách, xiên xỏ thầy kia, bà nọ và ngược lại... ca mình.

Chúng tôi lội xuống lưng chừng núi gặp thầy Hương. Khi nghe chúng tôi than vãn sáng giờ đi làm bùa, làm phép và coi bói hết sạch tiền, thầy Hương liền lên án: “Tôi là người tu hiền nơi cửa Phật, làm phước thôi. Người bá vơ ngoài xã hội họ lừa mấy cậu ăn tiền đó, không nên đi mấy thầy, bà đó nữa nghen!”. Thầy Hương bắt đầu kể vanh vách lai lịch của thầy Năm Ngoan và cô Năm Bốc. Theo đó, Năm Ngoan là tay chăn vịt từ Cà Mau lên Châu Đốc, thấy có người hành nghề “buôn thánh” khấm khá nên bỏ vịt theo nghề bói toán, làm bùa.

Thầy khẳng định đã nhiều lần báo chí lên tận đây đăng tải và công an bắt Năm Ngoan cam kết không được hành nghề lừa bịp này. Về phần Năm Bốc là người “chà”, từ một mụ lang thang vất vưởng đầu đường bây giờ vàng đeo đỏ tay cũng nhờ “thức thời” theo nghề bói toán lừa gạt. Phần thầy Hương, cuối buổi chúng tôi than hết tiền. Thầy nói chỉ làm phước thôi nên mỗi đứa gửi lại cho thầy 50 ngàn đồng để cúng giúp, triệu vợ bỏ nhà về và giúp tai qua nạn khỏi.


TL (Theo Pháp luật TP.HCM)