Bà con xứ An Biên, Kiên Giang hay nhắc chuyện trước năm 1975 có một tên lính sư đoàn 9 hay trêu ghẹo gái nhà lành và thách đấu với võ sĩ miệt vườn. Một anh nông dân đen đúa thử sức qua vài chiêu, tên lính này bị chụp trúng chân té ngã. Cảm thấy đau buốt, hắn nhìn xuống chân và kinh hoàng thấy các vết thương sâu hoắm tựa như vuốt hổ quào. Anh nông dân điềm đạm nói: "Về đi, nhớ đừng ỷ có vài ba miếng võ mà hà hiếp người ta".

Khổ luyện công phu

Anh nông đân đen đúa đánh bại tên lính kiêu căng đó chính là võ sư miệt vườn Năm Hợi ở An Biên, Kiên Giang. Chuyện rằng khi xin học võ thuật, vị sư phụ thấy ông Năm có sức mạnh hơn người nhưng hiền lành, chất phác mới nghĩ ra mẹo đưa sợi xích sắt và bảo rằng: "Mỗi ngày con phải vuốt sợi dây xích này, vuốt khi nào xích mòn mới học võ". Tuân lời thầy, ngày ngày ông Hợi nắm dây xích vận lực vuốt, riết rồi đôi tay ông cứng ngắc, bàn tay chụp thân cây chuối nào cũng để lại các vết cào sâu. Sau này bái biệt thầy về quê ông mới biết đó là "ngũ trảo công". Mang trong mình công phu thượng thừa nhưng ông Hợi vẫn không cậy thế làm xằng bậy.

Và cho đến bây giờ, trong tâm trí các võ sư thời nay khó mà quên được những công phu quyền cước và những trận thượng đài của các võ sư một thời vang bóng vào thập niên 70 của thế kỷ trước. Nào là ông Sáu Cường miệt Sa Đéc, Đồng Tháp thành danh với bộ pháp "cuồng phong tảo diệp cước"; Đoàn Tâm Ảnh nổi danh với công phu "nhất dương chỉ"; ông Lý Suông, ở Châu Đốc, An Giang với bộ cước cực kỳ khốc liệt; Bùi Văn Biển (Kiên Giang) với đôi tay cứng như thép nguội có thể bóp nát cả quả cau tầm vung mà búa sắt đập mới bể; Tiểu La Thành (Vĩnh Long) với tuyệt chiêu long đầu phá...

Cũng thú vị như ông Hợi nhưng ông Cường với cước pháp lừng danh từ chuyện đá ngã... mấy cây chuối vườn. Đam mê võ thuật khiến ngày qua ngày ông "'bế môn" trong vườn chuối đào hố phóng mình vùn vụt lên xuống, khi đôi chân đã cứng, nhảy cao linh hoạt, ông tập đá quét các thân chuối non. Khi luyện tới cảnh giới cao, tung cú đá liên hoàn gãy rạp hàng loạt cây chuối cũng là lúc ông Cường xuất môn đấu võ đài. Với những cú đá liên hoàn nhanh như chớp giật, mạnh như sấm sét đã khiến các đối thủ chống đỡ bở hơi tai, tối tăm mặt mày. Từ miền Tây, ông Cường qua Miên, Lào thi đấu tự do và liên tục đánh bại các võ sĩ, tạo được tên tuổi trong giới mộ võ. Riêng võ sư Đoàn Tâm Ảnh từ thuở còn để chỏm đã được gia đình đưa qua Tàu học võ, ông luyện tập đến độ ngón tay trỏ cứng như thép và có thể trồng chuối ngược chỉ bằng ngón tay ấy. Khi giao đấu, ngón tay ông điểm trúng da thịt đối thủ là mình mẩy họ tê rần do bị điểm huyệt...

Những võ sư miệt vườn xưa khổ luyện kinh hồn, vậy còn nay ra sao? Gần đây, khi Đài Truyền hình Việt Nam phát hình chuyện lạ anh Nguyễn Kim Tuấn (Lai Vung, Đồng Tháp) có thể dùng tay và thậm chí cả răng để... lột dừa khô khiến người xem thán phục. Tuấn là một người si võ. Lúc 17 tuổi, Tuấn chẳng có chút võ công nhưng lại "gan trời" nhảy đại lên đài đánh bại một võ sĩ. Năm 20 tuổi, không nói với gia đình tiếng nào, Tuấn lẳng lặng bỏ nhà đi biền biệt. 7 năm sau, Tuấn mới trở về với bộ tóc vàng hoe y hệt như "Kim mao sư vương Tạ Tốn". Mẹ Tuấn - bà Huỳnh Thị My nhớ lại: "Hỏi thì nó nói lên Bảy Núi học võ. Nó kể sư phụ bắt nó mỗi ngày gánh chuối lên xuống núi Giài để luyện chân cẳng cho săn chắc dẻo dai, luyện tay chẻ dừa khô để đôi tay mạnh. Về ở nhà nó lại đi đánh võ đài, bây giờ võ đài dẹp thì nó đi tùm lum biểu diễn lột dừa khô, lột sầu riêng, múa võ công. Bạn bè ai gọi cũng đi, một tháng ở nhà có vài ngày, nó mê võ bỏ bê cả vợ con. Vợ buồn giận quá ly dị".

Ở Cần Thơ, võ sư Trần Văn Tư, Chưởng môn phái Song Diện cũng luyện thành công thiết đầu công. Võ sư Tư có thể vận công dùng đầu đập bể chồng ngói dày. Nhiều võ sĩ còn luyện cả thiết sa chưởng bằng cách đổ cát, đá dăm vào chảo trên lửa đỏ rồi lấy tay đã tẩm thuốc quấy đều cho đá tan thành cát. Ông Lê Hoàng Minh (võ phái Thiếu Lâm Thất Sơn) và anh Nguyễn Thái Học (phái Song Diện) nói rằng do khổ luyện quyền cước nên tay chân, đầu cổ của võ sĩ cứng như sắt đá. Các đòn thế tung ra có thể gây tàn phế, thương tật cho người. Vì sự nguy hiểm đó nên võ sĩ phải biết kiềm chế tính nóng nảy hiếu chiến, khoác lác; nhập môn ngoài học võ thuật phải học cả võ đạo.

Những võ sĩ học được vài miếng đã vênh váo khó mà tồn tại trong làng võ. Anh Nguyễn Văn Tạo, võ sư miệt Ba Chúc, Tri Tôn (An Giang) nổi tiếng với tuyệt kỹ bí truyền "Liên hoàn tứ nguyệt" và "Ngũ lôi công thủ" nói rằng hồi đó miệt Bảy Núi hoang vu đầy rẫy ác thú, rắn độc, trộm cướp, đạo tặc. Thế nên ở thôn quê trai tráng luyện võ công trước để tự bảo vệ mình, rèn luyện thân thể sau là bảo vệ xóm làng, chống giặc, cho nên được bà con trân trọng gọi là thầy võ dù chưa bái sư lần nào. Võ sư Ba Hoằng nay đã lớn tuổi nhưng ông vẫn nhớ như in hình ảnh thầy võ Năm Đất. Ông Đất hiền lành như tên gọi từng lên núi Tà Lơn (Bảy Núi, An Giang) tầm sư và được cao nhân truyền thụ tuyệt học. Về quê nhà ở cù lao Tân Lộc, Thốt Nốt ông sống lặng lẽ. Nhưng với các tuyệt kỹ dùng tay trảm cây, nhảy vùn vụt lên mái nhà đã khiến bà con tôn sùng, kẻ xấu khiếp đảm. Hình ảnh hào hiệp của Năm Đất đã thôi thúc Ba Hoằng chọn nghiệp võ.

Nỗi lòng thầy võ


Võ sư Ba Hoằng một thời vang danh tại cù lao Thốt Nốt

Ở cù lao Tân Lộc, Thốt Nốt, TP Cần Thơ hầu như ai cũng biết tiếng võ sư Ba Hoằng tức Đỗ Văn Hoằng, sinh năm 1917. Nay lớn tuổi đi đứng khó khăn nhưng khi tường thuật cho hậu bối về thời vàng son của võ cổ truyền, ông hào hứng nói liền một hơi. Rằng thập niên 60 thế kỷ trước, võ sĩ khi thượng đài đấu tự do, võ đài được dựng cao trên 1,5m, có dây chằng bốn góc như võ đài quyền Anh. Mỗi trận đấu gồm 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Đấu võ tự do nên chuyện quyền cước giao tranh dẫn đến sinh tử, tàn phế là thường. Đó là thời điểm mà các võ sư đề danh một thời như An Giang có Hai Diệp, Lê Bình Tây, Mười Nho, Nguyễn Mách, Cao Ly Nhơn, Út Dài, Phạm Thành Long, Lý Huỳnh Yến; Cần Thơ có Lâm Văn Có, Võ Thiên Đường, Đoàn Tâm Ảnh, Tần Hớn, Vương Văn Quảng, Lâm Hổ Hội, Lê Hồng Chương, Mười Cùi; Vĩnh Long có Tiểu La Thành... Đây là các danh sư không những thành danh ở miền Tây mà tên tuổi còn vang dội tận Miên, Lào với những trận đả lôi đài oanh liệt. "Coi mê lắm, mấy ổng đánh hay còn hơn xem xi nê nhiều. Đòn thủ đòn đá, đòn nào cũng đã mắt. Năm 1974, ta cũng đi đánh võ đài, đánh tự do nên võ sĩ nào nội lực yếu mang thương tích nặng phải chịu. Ta cũng từng qua Miên thách đấu với võ sĩ Thổ. Võ Thổ cũng dữ lắm. Trận đó tuy ta thắng nhưng bị dính đòn trỏ sém mù mắt trái. Một đồng môn của ta có lần thượng đài tuy thắng oanh liệt nhưng một chân đã bị đối thủ đánh gãy" - ông Hoằng nhớ lại như vậy.

Năm 1969-1973 là thời cực thịnh của các võ đường như Hắc Hổ, Hắc Long, Côn Lôn Bắc Phái, Song Diện..., mọc lên ở Cần Thơ nhan nhản. Mỗi phái có chiêu thức, tuyệt học riêng. Khi nghe tin mở võ đài, võ sĩ nào cũng chộn rộn khổ luyện quyền thuật thầm mong được chưởng môn cho thượng đài. Đoạt chức vô địch ngoài phần thưởng tiền nong, tên tuổi các võ sĩ nổi danh như cồn, võ sinh khâm phục kéo đến võ đường bái sư nườm nượp; các hào phú, vũ trường thỉnh mời làm cận vệ, gia sư kèm cặp võ công. Lúc đó mỗi khóa học ở võ đường có hàng trăm môn sinh đăng ký với học phí 700đ/tháng (tương đương 70.000 - 80.000đ bây giờ). Một võ sĩ trẻ tên H. nhiều lần thượng đài nói: "Lên đài có thắng thua. Do tên tuổi võ sĩ gắn liền với môn phái, chưởng môn nên võ sĩ nào cũng móc hết bản lĩnh ra”.

Không những tạo tên tuổi trong giới võ thuật, các thầy võ còn là khắc tinh của bọn tội phạm trộm cắp, giật dọc, bọn móc túi ở các bến tàu, bến xe, bệnh viện ở Cần Thơ. Anh Nguyễn Thái Học môn đồ phái Song Diện, hiện là Đội phó Đội bảo vệ Bến xe khách Cần Thơ nhớ lại: "Trước đây bến Ninh Kiều, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ không hiền như bây giờ đâu. Bọn tội phạm dữ dằn lắm, khi túng tiền dám kề dao ngay cổ khách xin tiền. Tôi theo sư phụ là ông Trần Văn Tư, võ sư Lê Hồng Chương và các võ sư khác bảo vệ Bến tàu Ninh Kiều và Bệnh viện Cần Thơ. Lúc đó nhiều người không thích đội an ninh xung kích bởi ngộ nhận ai thích đánh đấm cũng đều có máu côn đồ. Lần hồi trật tự được lập lại tại bệnh viện, Bến tàu Ninh Kiều khi ấy người dân mới nhìn võ sư bằng con mắt khác".

Võ sư Lê Hoàng Minh, phái Thiếu Lâm Thất Sơn (Cần Thơ) không giấu được niềm vui khi cho chúng tôi biết cha ông là võ sư Lê Đình Trưởng (môn đồ của võ sư Lào Thêm) khi định cư tại San Diego, Mỹ đã mở võ đường Thiếu Lâm Thất Sơn và gây được tiếng vang trong giới võ thuật Hoa Kỳ. Võ đường cũng đã thu hút khá đông môn sinh.

Rất tiếc cho tới nay vẫn chưa có tài liệu chính thức nào ghi chép lại các công phu tuyệt kỹ của các võ sư. Các võ công chỉ là truyền miệng hoặc bí truyền cho thân tộc. Lớp võ sư đỉnh danh người đã khuất bóng người tản mát về vùng sâu xa, số còn lại lo bươn chải sinh nhai bởi ngày nay đời sống kinh tế không thể dựa vào võ thuật. Và nỗi niềm tìm được đệ tử chân truyền để trao bí kíp đang là sự lo lắng tột cùng của những ông thầy võ năm xưa nay đang như ngọn đèn lắt lay trước gió.

Thanh Dũng