Nhà hàng Trùng Dương tối thứ sáu cuối tuần thật là đông khách. Hầu bàn hầu như không lúc nào được rảnh tay, ngay cả ông chủ Sang ngồi sau quầy tính tiền cũng bận rộn tíu tít với cái máy điện thoại và đơn đặt hàng . Bận và mệt nhưng ông Sang vui lắm, ông đã bỏ hết tất cả vốn liếng dành dụm vô nhà hàng này . Nhớ lại cách đây một năm, khi nhà hàng Trùng Dương còn chưa được thành hình, bạn bè ông Sang vẫn nói là ông liều lĩnh . Ông Sang quyết định mua lại căn apartment cũ kỹ với 8 units được đấu giá bởi nhà băng, vì chủ nhân của căn apartment không kham nổi số tiền nhà hằng tháng . Căn apartment này nằm ngay trên đường Bolsa, gần khu thương mại , đáng lẽ dễ cho thuê để thâu lợi tức, nhưng sau khi án mạng xảy ra, một cặp vợ chồng Việt Nam bị chết ngay tại căn B, lầu chệt, thì không ai dám ở nữa . Người thuê nhà dọn ra từ từ, ai cũng nói là họ không chịu được sự phá phách của hai con ma chết oan . Với đầu óc thương mại sẵn có, ông Sang nhanh :Dng nhìn ra mối lợi . Ông Sang đấu giá được căn apartment với giá rẻ mạt, sau đó đập bỏ đi và xây lên nhà hàng Trùng Dương như ngày hôm nay . Thấy sự thành công của ông Sang, nhiều người suýt xoa tiếc rẻ, ở đời ai mà học được chữ ngờ, nếu biết thì có lẽ ai cũng làm giàu rồi . Tên nhà hàng Trùng Dương cũng là do ông Sang nặn óc mấy ngày liền mới nghĩ ra . Bạn ông Sang có người đoán xa đoán gần ông muốn mở quán nhậu, bán thịt dê, có người thì nổ dùm cho ông Sang, nói ông là chân truyền đệ tử đời thứ 35 của Vương Trùng Dương bên Tàu . Sự thật rất là đơn giản, ông Sang chỉ muốn lấy tên Trùng Dương để trị tà . Ông tin có ma, có oan hồn, ma ở cõi âm, nếu muốn cho ma đừng quấy phá, lấy Dương trị Âm, Dương mà Trùng một cặp nữa thì chắc ăn như bắp . Bởi vậy nên nhà hàng ông Sang càng ngày càng đông khách .

Khách vẫn ra vào tấp nập, bàn này vừa xong thì lớp khách chờ đợi phía bên ngoài liền được xếp vào chỗ . Ông Sang tạm ngừng tay đếm tiền, đưa mắt nhìn ra phía ngoài, ai như thằng Thanh, ông Sang trễ kính xuống nhíu mày nhìn cho kỹ rồi hấp tấp đứng lên, bước ra tận cửa:

- Tới lâu chưa cháu ? Sao không kêu cho bác một tiếng, thằng này thiệt tình, vô đây ...

Vừa nói, ông Sang vừa thân mật kéo tay Thanh, bóng người con gái khép nép đứng bên Thanh làm ông khựng lại, Thanh vội vàng giới thiệu:

- Đây là Chi, vợ sắp cưới của cháu! Chào bác Sang đi em .

Vài người khách đang ăn ngẩng đầu lên nhìn Thanh chăm chú , quen với ông chủ nhà hàng coi bộ oai dữ . Vừa lúc bàn trong góc có hai người khách vừa đứng lên, ông Sang ra dấu cho Thanh và Chi đứng sát lại quầy tính tiền, chờ hầu bàn tới dọn dẹp . Nhìn Thanh rồi quay sang Chi, ông thấy hai người thật đẹp đôi . Ông Sang cười hiền hoà :

- Thời gian qua mau thiệt, mới ngày nào cháu còn bé tí, bác còn bồng ẵm trên tay, mà giờ lớn tướng, lại còn sắp lấy vợ nữa ...

Thanh nắm tay Chi cười ngượng nghịu :

- Bác Sang hồi mới qua Mỹ, ở chung nhà với gia đình anh, vợ chồng bác ấy với ba má anh là bạn thân .

Ngồi vào bàn, ông Sang vui vẻ đưa thực đơn cho Thanh, ông hãnh diện khoe :

- Ở đây có món gỏi chân vịt ngon lắm, hai cháu ăn thử xem ...

Thanh đưa mắt nhìn ông Sang, anh nhập đề :

- Bác à, đáng lẽ ba má cháu phải đến thưa chuyện với bác cho phải phép ...

Ông Sang chặc lưỡi ngắt lời Thanh :

- Cái thằng này, bao nhiêu năm rồi mà không bỏ tính khách sáo, y hệt như ông già mày! Bác chứ ai đâu mà cháu ngại ?

Chi đỡ lời cho Thanh:

- Dạ, không giấu gì bác, tụi cháu tính làm đám cưới năm nay, mà đi hỏi nhiều nơi rồi, chỗ nào cũng phải đặt trước hơn một năm . Đặt hội trường thì phải mang đồ ăn tới lui, nấu nướng không tiện, không biết bác có nhận đặt tiệc đám cưới không ?

Ông Sang thở ra nhẹ nhõm, ông gật đầu :

- Tưởng gì, bác cũng đã nghĩ đến việc dùng nhà hàng làm tiệc cho đám cưới cuối tuần, chỉ là chưa quảng cáo, coi như tụi bay mở hàng lấy hên cho nhà hàng của bác .

Đưa Thanh và Chi ra về rồi, ông Sang đi nhanh vào nhà bếp, tối nay ông cần phải bàn thảo với hai người đầu bếp nhà hàng về vụ thực đơn đám cưới và giá cả . Một trong hai người đầu bếp này là người Việt gốc Hoa, ai cũng gọi là chú Chín . Nấu đồ ăn Tàu là sở trường của chú Chín, ông Sang phải trả lương chú rất cao mới mướn được chú . Tên thiệt của chú Chín là gì chắc chỉ có ông Sang mới biết, biệt hiệu chú Chín bắt nguồn từ khi người vợ của chú Chín qua đời, chú đau lòng quá, dùng dao chặt thịt không cẩn thận, bị mất một ngón tay . Chú Chín tối nay không biết giận hờn ai mà la lối om sòm trong nhà bếp, ông Sang gọi chú mấy lần chú mới trả lời :

- Dạ thưa ông chủ gọi tui ?

Nghe giọng chú Chín vẫn còn đầy vẻ bực bội, ông Sang hỏi :

- Ai chọc giận chú Chín vậy ?

Được dịp, chú Chín bèn kể lể :

- Con dao của tui mới để đây mà đâu mất tiêu, hỏi ai cũng không nhận, ông chủ biết đó, tui hỏng thích xài con dao khác mà .

Ông Sang đưa mắt nhìn quanh, trên cái giá gỗ , con dao to bản lù lù nằm ngay trước mắt :

- Phải con dao của chú đó không ?

Chú Chín trợn trừng mắt, chú đưa bàn tay bốn ngón lên vuô't mồ hôi trán:

- Ủa, sao hồi nãy tui hông thấy, kỳ quá, hong lẽ có ma ?

Mọi người trong bếp, ai cũng hiểu tính chú Chín nóng nảy và cục tính, mau giận mà cũng mau nguội, nhưng lần này bị đổ oan, có người uất ức không nhịn được lên tiếng nói mát :

- Lần sau muốn chửi ai nhớ nhìn cho kỹ nha cha nội !

Ông Sang quay sang nhìn, thì ra đó là Dũng, người đầu bếp thứ hai . Chú Chín chuyên nấu món Tàu thì Dũng lại rành về món ăn Ta, hầu hết các món khai vị, món ăn cho dân nhậu lai rai cuối tuần đều do Dũng phụ trách . Dũng mới từ Louisiana dọn sang Cali năm ngoái, còn đang ở share phòng với đám độc thân bán trời không mời thiên lôi, làm chơi ăn thiệt . Không hiểu tình cờ hay cố ý mà đám người trong nhà bếp do ông Sang mướn về đều là đàn ông, ngay cả người lo việc rửa chén, nhặt rau cũng là một anh chàng Mễ xì chính cống . Dương thịnh, âm suy, đáng lẽ không có chiến tranh mới phải, bếp ai người đó nấu, nhưng chắc nhìn mặt nhau hoài riết cũng chán ngấy, lâu lâu khua chén khua dao chửi nhau tí cho ....đỡ nóng nực .

Ông Sang giảng hoà:

- Hết chuyện rồi, anh em với nhau, hiểu lầm thôi mà !

Chú Chín quay trở lại với cái chảo và bếp lửa đang hừng hực, mùi dầu mỡ thơm lừng bốc lên xèo xèo, tay chú làm việc thoăn thoắt nhưng miệng chú Chín vẫn lầu bầu:

- Tuị mà nói sai thì quỷ tha ma bắt tui đi, lúc nãy con dao không có ở đây, nếu không phải là người phá thì là mấy con ma phá tui!

Ông Sang giật mình, hơn một năm trôi qua, hầu như mọi người đã quên hẳn câu chuyện ma xảy ra trước đây . Dù chỉ là câu nói vô tình của chú Chín biết đâu lại làm mọi người hoảng hốt, ông Sang nói át đi:

- Chắc hôm nay chú Chín mệt rồi hoa mắt chứ gì . Lần sau nhớ để ý cẩn thận . Tui có chuyện quan trọng muốn nói với chú và Dũng . Lát nữa sau khi đóng cửa, hai người ở lại cho tui bàn ít việc .

Sợ hiểu lầm, ông Sang nói thêm:

- Chuyện làm ăn quan trọng, tui cần hỏi ý kiến của hai người .

***

Hơn mười một giờ đêm, nhà hàng Trùng Dương trở nên vắng lặng hẳn, bãi đậu xe phía trước trống trơn . Dưới ánh sáng còn lại của bóng đèn trắng duy nhất chiếu ra từ phía trong, tiếng tích tắc của cái đồng hồ treo tường và chiếc tủ lạnh loại súp bờ trong nhà bếp lâu lâu giật nẩy người lên kêu xè xè vọng ra làm không khí trở nên tĩnh mịch lạ thường . Ông Sang lôi gói thuốc lá ra mời chú Chín và Dũng . Chú Chín xua tay tỏ ý cám ơn, tối nay chú cảm thấy muốn bịnh, chú tự rót cho mình một ly trà nóng cho tỉnh táo . Miệng chú Chín vẩu ra theo thói quen, chú dấu bàn tay trái vào trong áo, bàn tay còn lại đưa tách trà lên miệng . Bên chiếc bàn tròn, ba người đàn ông ngồi chơ vơ trên ba chiếc ghế, mấy cái ghế còn lại đều được dựng ngược gác lên bàn cho dễ quét dọn .

Chú Chín không giấu được vẻ bồn chồn :

- Có chuyện chi quan trọng vậy ông chủ ?

Ông Sang gõ gõ tay lên mặt bàn, lơ đãng đếm mấy cái bàn trong nhà hàng áng chừng :

- Tui đang tính nhận thêm tiệc cưới, hai chú nghĩ sao, nếu cần tui sẽ mướn thêm đầu bếp, mình phải coi lại thực đơn mấy nhà hàng khác .

Dũng đưa tay xoa cằm, im lặng ngẫm nghĩ, thêm việc là thêm tiền nhưng cũng thêm trách nhiệm . Chú Chín đang ngồi co ro bỗng thẳng lưng lên, nói dõng dạc :

- Không được, nhất định là không được!

Đến lượt ông Sang trợn mắt, há miệng :

- Sao lại không được, chú nói tui nghe coi ?

Cặp mắt chú Chín nhìn đăm đăm ra phía sân khấu nơi góc nhà hàng, chỗ đặt một bộ trống và cái giá nhạc, ông Sang chỉ để cho có lệ chứ chưa ai đập qua cái trống bám đầy bụi đó cả . Chú Chín chậm rãi nói từng chữ :

- Bộ ông chủ quên chỗ này có người chết rồi sao ?

Thấy Dũng bắt đầu chăm chú theo dõi, ông Sang thở ra:

-Làm sao tui quên được, chính tui nhờ chú kiếm thày địa lý, coi phong thổ địa lý dùm cho tui, trước khi tui quyết định mua chỗ này mà ...

Chú Chín ngắt lời:

-Thì đó, bởi vì mạng ông khắc với hai con ma ...ủa, tui quên, để tui nhổ nước miếng nói lại ....mạng ông chủ lớn nên khắc với người chết... vả lại ông chủ chỉ mở nhà hàng, hồi đó ông thày địa lý nói với tui, hai con ma này dữ lắm, lại hay ghen ghét với người nào hạnh phúc hơn nó!

Dũng nhịn không được tò mò:

-Chú có biết tại sao họ chết hong ? Có lẽ vì chết oan không siêu thoát, mình có thể làm lễ cầu siêu cho họ ...

Như gãi được đúng chỗ ngứa, chú Chín không chờ ông Sang đồng ý, chú nói một hơi cho vơi bớt sự ấm ức lâu ngày:

-Sẵn tối nay tui rảnh, để tui kể hết cho ông chủ và cậu Dũng nghe . Hùi xưa, cặp vợ chồng bị chết đó tui có quen, vợ chồng thằng Phan khu này ai cũng biết . Hai vợ chồng nó thương nhau lắm, thằng chồng hiền lành, chưa bao giờ tui thấy nó lớn tiếng với ai, con vợ lại đẹp hết chỗ chê, chỉ trừ khi tụi nó đi làm, nếu về tới nhà là đóng cửa, ít khi ra ngoài, vợ chồng mới cưới mà. (Chú Chín chắt lưỡi) Tội nghiệp, lấy nhau được có một năm là có chuyện . Mới đầu tui tưởng hai vợ chồng dẫn nhau ra toà ly dị là cùng, tui nghe nói con vợ này của thằng Phan là nó cưới ở VN đem sang, con nhỏ đẹp quá chời, hỏng bị dụ sao được . Tui có an ủi thằng Phan mấy lần nó kiếm tui uống rượu, lần nào nó cũng khóc nức nở thiệt là tội hết sức . Nếu hôm xảy ra chuyện có tui ở đó thì hong đến nỗi, tối hôm thứ bảy đó tui đi Las Vegas, mãi đến sáng thứ hai tui mới dzìa, nghe mà rụng rời . Hàng xóm kể lại cho tui biết, con vợ thằng Phan nhờ thằng kép mới chở về nhà cũ để lấy lại mấy món nữ trang, tụi nó sửa soạn đi ăn tiệc cưới của người quen . Chắc tụi nó hong ngờ thằng Phan có ở nhà nên mới không đề phòng, thằng kép gian phu ngồi ngoài xe, con vợ chạy vào nhà . Chờ hoài hong thấy con nhỏ ra, thằng gian phu định chạy vô xem thì nghe tiếng súng, ba phát súng tất cả . Thằng Phan bắn hai phát vô đầu vợ, và một phát tự kết liễu đời mình . Tụi nó chết không nhắm mắt mà ....

Dưới bếp có tiếng chén bát rơi vỡ loảng xoảng cắt đứt câu chuyện tình buồn, cả ba người không ai bảo ai cùng giật mình nhìn nhau, Dũng đứng lên trước tiên, anh bước nhanh ra sau nhà bếp, nhìn quanh, anh chẳng thấy gì lạ ngoài mấy cái chén vỡ nát trên sàn gạch . Ông Sang và chú Chín bước theo sau Dũng, hai người đều cùng một ý nghĩ nhưng không ai nói gì, chú Chín lẳng lặng cầm cây chổi rơm quét sơ mấy mảnh chén vỡ . Dũng nói:

-Có lẽ là con mèo!

Chú Chín cãi:

-Ở đây chuột không có, làm gì có mèo!

Để mặc cho chú Chín và Dũng dọn dẹp, ông Sang chán nản bước ra khỏi bếp, chuyện làm tiệc cưới tối nay chắc khó mà nói cho xong . Ông Sang đứng giữa nhà hàng, thừ người ra một lát, ông có cảm giác là lạ, quay phắt người lại, ông không thấy ai, tiếng nói của chú Chín và Dũng vẫn vang vang ở dưới bếp . Đưa tay lên xoa gáy, ông Sang cảm thấy rờn rợn như có ai đang đứng sát ngay sau lưng ông, thổi một làn hơi nóng vào cổ ông . Ông Sang lắc đầu, cố xua đuổi những ý nghĩ không hay, bất giác ông nhìn lại chung quanh nhà hàng, ông buột miệng la lên, những tiếng cuối cùng ông nói với giọng run run:

- Chú Chín à ... chú Chín ...Dũng ơi ....lên đây mau ....

Chú Chín lật đật chạy ra:

- Có chuyện gì vậy ông chủ ?

Ông Sang đưa tay chỉ:

- Ai ...ai đã xếp .. những cái ghế như vầy ?

Chú Chín và Dũng đều ồ lên một lượt, không ai bảo ai, ba người đàn ông tự dưng đứng đâu lưng vào nhau nhìn những cái ghế như những con quái vật biết di chuyển, trừ ba cái ghế của ba người ngồi lúc nãy, tất cả những cái ghế xếp đứng trên bàn đều được đặt xuống đất ngay ngắn! Vừa lúc đó, kim đồng hồ trên tường vừa điểm đúng số 12!

***

Tuy đã dặn dò chú Chín và Dũng đừng tiết lộ chuyện đêm hôm qua, ông Sang vẫn đến nhà hàng Trùng Dương sớm hơn thường lệ, ông làm như có mặt ông ở đó thì sẽ bịt được cái miệng hay la hoảng của chú Chín . Cả đêm ông Sang không tài nào chợp mắt được một lát, ông cần phải uống một ly cà phê cho tỉnh táo . Lái xe vô bãi đậu xe, ông thoáng thấy có bóng mấy đứa con nít chạy từ nhà hàng Trùng Dương chạy ra . Ông Sang nhấn còi, trừng mắt nhìn tụi nhỏ, hừm, bộ hết chỗ chơi rồi sao ra đây phá . Tắt máy xe, ông vội vàng ra cửa bên hông . Nhà hàng Trùng Dương có cả thảy ba lối ra vào, lối cửa chính là lối khách hàng ra vô, nằm ngay mặt tiền, mỗi ngày 11 giờ sáng ông Sang mới mở cửa chính . Lối cửa sau thông vô nhà bếp là cửa giao thịt, cá và thực phẩm linh tinh, nhân viên nhà hàng thường đi cửa sau . Đường vô cửa sau được xây rộng rãi để xe hàng ra vô cho dễ nhưng sau này chật hẹp lại vì cây ngọc lan ở góc tường càng ngày càng lớn . Ông Sang cũng không ngờ mới có hơn một năm mà từ một cây nhỏ tầm thường bây giờ cây ngọc lan lớn như cây cổ thụ, rậm rạp, âm u, lá to và xoè kín trùm lên cả mái nhà hàng . Lối đi nhỏ bên hông chỉ có mình ông Sang xử dụng, thật ra đó là lối ra vào dành lúc khẩn cấp cho những lúc bị hoả hoạn . Là người có tính cẩn thận, cuối ngày trước khi rời nhà hàng, lần nào ông Sang cũng kiểm soát hết từng cánh cửa, ba lối ra vào .

Cánh cửa bên hông có hai lớp, một lớp gỗ bên trong và cửa bằng song sắt phía bên ngoài . Hai cánh cửa sáng nay đều mở hé, ông Sang sững sờ vài giây, nhà hàng có trộm viếng! Ông hấp tấp bước vào, đồ đạc trong nhà hàng đều y nguyên

Có điều lạ là những cánh cửa trong nhà hàng đều không khoá, ngay cả những cánh cửa sổ cũng được mở tung ra, hèn gì tụi con nít dám chạy vô đây như chỗ không người . Ông Sang cầm điện thoại lên tính kêu cảnh sát nhưng ông ngừng lại ngẫm nghĩ:

-Nhà hàng không bị mất gì, không lẽ mình báo là ...có ma ?
Ông Sang không phải là người nhát gan, yếu bóng vía, tuy rằng ông tin có ma, nhưng ông cũng tin có quả báo, ông tin rằng người và ma là hai thế giới khác nhau, ông không đụng “họ” thì “họ” sẽ không chạm tới ông . Nếu chỗ này có oan hồn hay ma quỷ ám chướng chi đó, tại sao lại chờ tới lúc này mà phá ? Ông Sang nhìn ra cửa trước nhà hàng, đối diện ngay cánh cửa, nằm sát tường, ở dưới đất là cái bàn thờ nhỏ bằng gỗ ông đã mua ở phố Tàu năm ngoái . Trong bàn thờ ông đặt một cái tượng ông Địa, tượng trưng cho Thần Tài, để mong cho nhà hàng Trùng Dương làm ăn khấm khá . Hình ảnh ông Địa với cái bụng to và nụ cười rộng tới mang tai làm ông Sang sực nhớ tới mấy ông thày pháp bắt ma . Xứ này kiếm thày bói không khó, chứ đi hỏi kiếm thày pháp sư, không chừng bị người ta cười vào mũi . Cả năm nay mở nhà hàng, bây giờ ông Sang mới cảm thấy muốn buông xuôi, ra sao thì ra, nhưng chuyện làm ăn, đâu có thể một sớm một chiều vì mấy con ma mà bỏ . Ông Sang lẩm bẩm một mình:

- Thây kệ, để lát nữa biểu chú Chín mua đồ về cúng cho .... vợ chồng nó, có lẽ tụi nó chưa được đi đầu thai ... (nói tới đây, ông Sang cao giọng hơn, ai vô tình nghe được chắc người ta tưởng ông bị ma nhập) .... Tụi bay có nợ nần chi thì sống đã trả hết rồi, chết là hết, đừng có làm hại người khác ...đừng có phá tao, phá khách của tao, nếu không thì ... thì đừng có trách ...

Nói đến đây, ông Sang ngập ngừng rồi im lặng, ông cũng không biết sẽ phải làm gì với mấy con ma . Hù ...ma xong, ông Sang cảm thấy vững tâm một tí, mạnh miệng nói như vậy để trấn an cái cảm giác sợ hãi trong lòng, ông biết ma chỉ phá ban đêm, lúc đó ông và mọi người trong nhà hàng về nhà hết, cho tụi nó ở ké part-time, không trả tiền cũng là quá đáng lắm rồi .

Loáng thoáng ngoài kia có tiếng xe hơi cũ quen thuộc chạy xình xịch ra cổng sau nhà hàng rồi tắt máy, ông Sang đi vội ra nhà bếp mở cửa, nóng nảy chờ đợi . Dũng và chú Chín nối đuôi nhau đi vào, hai người đồng ý đi carpool (xe của Dũng) mỗi ngày để đi làm cho tiện, tuy là chỗ ở của họ không cách nhà hàng Trùng Dương bao xa . Dũng hôm nay không cạo râu, khuôn mặt lộ rõ nét mệt mỏi, giống như mới đánh xong canh bạc bị thua cháy túi . Chú Chín cũng không khá hơn bao nhiêu, suýt tí nữa là ông Sang không nhận ra chú . Cặp mắt chú Chín có hai cái vòng đen, có lẽ còn đen hơn mấy cái đáy chảo trong nhà bếp, môi dưới chú trễ xuống, dài hơn thường lệ, mấp máy định nói gì đó nhưng ông Sang ra hiệu cho chú khoan nói, thằng Mễ phụ bếp tên Chê Sần (Jason) cũng vừa xuất hiện ở cửa bếp, lên tiếng chào ông và mọi người . Chê Sần không biết nói tiếng Việt, chỉ nghe hiểu được một số từ như, rửa chén, nhặt rau, nấu cơm nhưng ông Sang muốn tránh, chuyện này càng ít người sợ càng tốt .

Chờ cho Chê Sần đi vo gạo, chú Chín mới lại gần ông Sang, miệng chú thì thầm mà tay chú vẫn không quên làm việc, chú cầm con dao mài xoèn xoẹt lên miếng đá kêu ken két làm ông Sang nhăn mặt, thụt lùi lại phía sau một bước:

- Ghê quá ông chủ à, tối hôm qua tui nằm mơ, tui thấy con dzợ tui nó báo mộng cho tui ...
Nói xong câu mở đầu giựt gân, chú Chín liếc nhìn ông Sang để dò phản ứng, không thấy ông Sang nói gì, chú Chín hơi thất vọng nhưng vẫn xổ một tràng không đầu không đuôi, khi chú nói nhanh, tiếng Việt của chú trở nên lơ lớ:

- Từ lúc con dzợ tui nó mất tới giờ, ông chủ biết đó, tui đâu có dám nghĩ đến bà nào, cũng may cho tui , tui mà lí dzợ là tiêu đời với hai con ma này dzồi . Ông chủ có nghe qua chuyện ma tìm người chết thế hong dzạ? Tui biết nói ra thế nào ông chủ cũng la tui .... mà tui cũng chỉ nói cho mình ông chủ nghe, chỗ ở của vợ chồng thằng Phan, tức là căn B từng chệt, ở ngay đây nè, chỗ bếp này là phòng ngủ của vợ chồng nó ...

Cho dù bình tĩnh tới đâu, ông Sang cũng không khỏi giật thót người, ông đưa mắt nhìn bao quát căn bếp, tưởng tượng ra một khung cảnh đầm ấm của đôi vợ chồng trẻ, rồi sau đó là vụ thảm sát, biết đâu chỗ ông đang đứng là nơi họ nằm chết ? Ông Sang làm bộ ho nhẹ rồi nạt chú Chín:

- Vợ chú chết lâu rồi mà .... chắc là chú nhớ bả quá rồi ban đêm nằm mơ chứ gì ?

Chú Chín đặt con dao xuống, quay sang mở freezer, chú lôi từng con vịt đã làm sẵn ra xếp thành hàng lên khay, lát nữa đây, chú sẽ ra tay đao phủ thủ đưa đám vịt lên bếp lửa hồng . Quẹt cánh tay lên trán lau mồ hôi, mới sáng sớm mà chú đã đổ mồ hôi nhễ nhại, chú than:

- Tui có linh tính là sẽ có chuyện xảy ra .... tui chỉ mong là đừng gặp, đừng thấy, ông bà mình nói hong sai mà, gặp ma xui lắm, xui ba năm, uýnh bài đâu là thua đó! Ủa, sao vịt mất tiêu đâu hai con dzồi ?

Ông Sang đang bước ra mở cửa trước, nghe chú Chín la hoảng vội quay lại:

- Chú đếm lại coi, chú có nhớ lộn hông ?

- Đâu có, tui có ghi số đánh dấu đàng hoàng, tui xếp đúng 8 con vô ngăn tủ đá ....

Tiếng chó sủa dồn dập phía đằng sau cửa bếp cắt ngang lời nói của chú Chín . Chê Sần lau vội đôi bàn tay ướt, ló đầu ra cửa ngơ ngác, chó hàng xóm hôm nay ồn ào quá . Mọi khi tụi chó đâu có cãi nhau, những tiếng chó sủa càng lúc càng lớn, lâu lâu lại gừ gừ như sợ hãi, như dọa nạt .

Nghĩ là lũ nhỏ trở lại phá, ông Sang cùng Chê Sần bước ra ngõ quan sát . Ngõ vắng tanh, giữa mùi thơm thoang thoảng của hoa ngọc lan, ông Sang ngửi thấy có mùi thịt sống tanh tưởi, ông bước lại gần gốc cây tìm tòi . Khuất sau gốc cây, dưới đám ruồi vo ve là đống xương vịt còn dính chút thịt và da xếp thành đống ngay ngắn!

***

Thanh ngắm từng tấm thiệp hồng in chữ mạ vàng, tấm nào cũng đẹp, biết chọn kiểu gì đây ? Chi cũng háo hức không kém, cô cầm một tấm thiệp nhung đỏ lên mũi hít, thơm quá . Ông chủ tiệm nhìn hai người mỉm cười:

- Tui sẽ để giá đặc biệt cho, đừng lo, đáng lẽ in thiệp gấp như vầy, ít khi tui nhận . Anh chị chắc chắn ngày cưới và nhà hàng nào chưa ?

Thanh nói nhanh không cần suy nghĩ, ngày cưới quan trọng cả đời mà, phải nhớ chứ:

- Dạ thưa bác, ngày 20 tháng 7, tức là hai tháng nữa đó bác, tụi cháu sẽ đãi tiệc cưới vào tối hôm đó, tại nhà hàng Trùng Dương!
Ông chủ tiệm sững sờ vài giây, nhìn Thanh trân trân:

- Phải anh muốn nói nhà hàng Trùng Dương nằm trên đường Bolsa ?

Thanh gật đầu hãnh diện, không ngờ nhà hàng Trùng Dương lại nổi tiếng như vậy:

- Dạ đúng đó bác, nhà hàng đẹp, chỗ đậu xe rộng rãi, chủ nhà hàng lại là chỗ thân tình với gia đình cháu .

Ông chủ tiệm mấp máy môi toan nói gì đó nhưng ông lại ngưng, dù sao cũng không phải chuyện của ông, ông nói lảng:

- Ờ, phải rồi, tui thấy địa điểm ở đó rất tốt cho đám cưới, tuy nằm gần khu thương mại nhưng lại không ồn ào, khu đất đó mới sửa sang ...hình như anh chị mới dọn về Cali phải không ?

Thanh ngạc nhiên nhìn Chi:

- Bác tài thiệt, ba má cháu ở dưới Los, còn cháu thì đi học xa, hồi đó cháu học ở Ohio, mới tốt nghiệp năm ngoái, vợ cháu cũng mới dọn sang Cali .

Nhân lúc ông chủ tiệm in cúi xuống hí hoáy ghi chép địa chỉ nhà hàng, Chi quay sang hỏi Thanh câu hỏi mà cô đã hỏi đi hỏi lại mấy lần:

- Anh có chắc là nhà hàng Trùng Dương đủ rộng cho 30 bàn tiệc không anh, anh hỏi bác Sang chưa ? Theo em, mình cũng phải trừ hao ...

Thanh nghiêm mặt xác nhận:

- Em không tin anh thì cũng phải tin bác Sang chứ . Hiện giờ nhà hàng Trùng Dương xài loại bàn vuông cho rộng rãi, nhưng nếu đãi tiệc cưới, phải dùng loại bàn tròn . Bàn tròn tiết kiệm rất nhiều chỗ, nếu xếp khéo có thể để được 40 bàn, tính ra mình còn có thêm sân khấu cho ban nhạc và một khoảng trống dưới sân khấu để nhảy đầm . Bác Sang nói với anh là bác ấy sẽ đặt mua loại bàn tròn, vì sau này dù sao nhà hàng cũng cần tới cho các tiệc cưới khác . Đám cưới của tụi mình là tiệc cưới đầu tiên nên sẽ được dùng bàn mới, khăn mới .

Chi sung sướng nắm tay Thanh, cô nói vuốt:

- Tại em lo nên mới hỏi, anh cũng biết đó, mới đầu chỉ tính mời ít thôi, nhưng ba má anh đâu chịu, rồi đâu phải chỉ có bạn bè của em, của anh, nguyên họ hàng nhà anh ...

Chi đang nói dở dang thì có tiếng điện thoại reo, Thanh lục túi quần:

- Không phải điện thoại của anh, chắc của em đó Chi ?

Chi áp điện thoại vào tai, nét mặt cô tự dưng biến đổi, cô xoay mặt nghiêng mình nhìn ra cửa . Tuy không nghe người bên kia nói gì nhưng Thanh biết Chi đang bực mình, cô gắt gỏng:

- Không được đâu ... đã nói rõ rồi mà, đừng kêu lại cho Chi nữa, dạo này Chi bận lắm .... gặp cũng vậy thôi ....vậy đi nghen!

Quàng tay qua vai Chi, Thanh tò mò hỏi:

- Ai vậy em?

Chi bối rối tắt điện thoại, cô nói mà không nhìn Thanh:

- Có điện thoại cũng phiền, thôi để em tắt đi ....con nhỏ bạn cũ của em đó mà, lâu ngày không gặp, nghe tin em sắp lấy chồng nó lại không biết điều, cứ rủ đi chơi hoài!

Thanh quen Chi qua một người bạn học giới thiệu, quen nhau một thời gian ngắn rồi quyết định lấy nhau . Đáng lẽ Thanh muốn để một thời gian nữa mới làm đám cưới, nhưng ba má Thanh cứ thúc hối mãi . Chi có tính mềm mỏng, chuyện gì cũng chiều ý Thanh, cho nên chuyện cãi nhau hầu như chưa bao giờ xảy ra . Hồi nào giờ Thanh vẫn tin Chi thành thật với mình, hôm nay trong giọng nói và cử chỉ của Chi, Thanh mơ hồ cảm thấy có gì là lạ, dấu diếm .
Thanh nắm tay Chi, chiếc nhẫn đính hôn có viên kim cương năm góc cộm lên trong lòng bàn tay, cạnh sắc của kim cương làm Thanh đau điếng:

- Bạn em cũng như bạn anh, có gì mà em ngại, bộ em không tính mời người ta tới dự đám cưới của mình à ? Ủa, mà cô đó là ai, anh đã gặp qua chưa ?

Chi chưa kịp trả lời thì chuông điện thoại lại reng, như bị điện giật, Chi cầm điện thoại lên nhìn rồi thở phào:

- Rõ ràng là turn it off rồi, làm hết hồn ...lần này là điện thoại của anh đó!

Tiếng người nói văng vẳng bị ngắt quãng từng chập trong điện thoại làm Thanh phải bịt một bên tai lại để nghe :

- Dạ, bác Sang đó hả, bác nói gì cháu nghe không rõ ? Dạ, cháu là Thanh đây bác ...

Giọng ông Sang rè rè, tiếng được tiếng mất:

- Bác tính vầy không biết có được không ....Tiệc cưới hai tháng nữa ...có lẽ ... không ....để bác hỏi ....

- Hai tháng nữa, dạ kịp mà bác, tụi cháu mới đặt in thiệp cưới nè bác .

-......không ... được ....bác....

- ??? Bác Sang ơi, điện thoại bị gì đó, cháu nghe không rõ, hay để lát cháu kêu lại cho bác ?

- À, ừ ...kêu cho bác...bye cháu!

Chi lo lắng:

- Anh đừng nói với em là bác Sang đổi ý đó nghen, thiệp cưới thì đặt rồi, tới giờ này mà đổi ngày là ...là khỏi làm đám cưới luôn! Ba má em chọn mãi mới kiếm được ngày lành năm nay cho hai đứa mình .

Thanh lắc đầu:

- Anh có nghe được bác Sang nói gì đâu, để lát ra ngoài anh gọi lại, không biết sao điện thoại khó nghe quá!

Rời tiệm in bước ra xe, Chi nhìn đồng hồ tay:

- Nhà hàng Trùng Dương cách đây không xa, sẵn em đang đói bụng, hay là mình tới đó ăn trưa nha anh ?

Thanh gật đầu không nói, anh nghĩ thầm:

- Tiệc ở nhà hàng chỉ là phụ, không đãi tiệc vẫn có thể làm đám cưới được như thường, làm đám cưới kiểu Mỹ là khoẻ nhất, đỡ mệt .

Tuy mong vậy nhưng Thanh biết sẽ không bao giờ thuyết phục được tứ thân phụ mẫu và nhất là Chi, cô sẽ nghĩ là Thanh không coi trọng cô . Chi thường mơ mộng:

- Anh có còn nhớ đám cưới của công nương Diana không anh ? Linh đình và đẹp quá anh hén ? Hồi nhỏ em mê tới bây giờ . Vương giả vua chúa thì làm đám cưới kiểu vương giả, người thường như mình mà làm đám cưới cũng cần phải long trọng :roll: . Em thấy mình không nghèo đến nỗi không có khả năng tổ chức được một đám cưới như người ta . Em muốn có một ngày đám cưới khó quên cho cả hai đứa mình . Khi đãi tiệc, mình phải tìm một nhà hàng thật lớn, thật nhiều bàn, có phòng trang điểm cho cô dâu, rồi còn phải có chỗ để bày cái bánh cưới, chung quanh xếp hoa tươi ...

Nếu Chi trọng hình thức bao nhiêu thì Thanh lại thích giản dị bấy nhiêu . Qua lời những thằng bạn thân đã lấy vợ của Thanh kể lại, đoạn trường ai có qua cầu mới hay, ngày đám cưới là ngày của hai họ, của tất cả mọi người, không phải của riêng gì cô dâu và chú rể, phong tục người Á Châu là vậy . Bao giờ cũng phải nghĩ đến cái vui của số đông hơn là vui riêng, cô dâu và chú rể thì mệt đừ người ra, có khi cả ngày không được ngồi xuống mà uống một miếng nước, miệng thì lúc nào cũng phải nhoẻn một nụ cười như là sung sướng lắm . Sau này vụ đãi tiệc ở nhà hàng Tàu cũng được một số người trẻ đổi lại là đãi tiệc ở hotel của Mỹ . Các cô cậu thích đặt tiệc ở hotel vì vừa sang, vừa lịch sự, đẹp mắt, cho dù có tốn kém hơn họ cũng chịu . Nhưng các ông cụ bà cụ cao niên, răng yếu bụng yếu lại chê không tiếc lời, nào là đồ ăn Mỹ ăn không ngon, no không đủ, lèo tèo tí rau với miếng bánh mì, nước uống nhiều hơn thức ăn, không khí tẻ nhạt v.v... Tính tới tính lui, rốt cuộc rồi Thanh cũng phải chọn đám cưới truyền thống, đãi tiệc tại nhà hàng Trùng Dương .

Giờ ăn trưa ở Trùng Dương khách khứa ra vào đông không kém gì giờ ăn tối . Thanh phải lái xe vô tận phía bên trong, dọc theo bờ tường mới kiếm được chỗ đậu . Theo thói quen, Chi kéo tấm kiếng trước mặt xuống để tô lại son môi . Nhìn vô gương Chi thoáng thấy có bóng người đàn ông từ phía sau nhà hàng đi ra, Chi sợ hãi thụp đầu xuống khiến Thanh ngạc nhiên:

- Gì đó Chi ?

Chi hồi hộp ngồi lên nhìn lại trong gương lần nữa, bóng người đàn ông biến mất sau nhà bếp , cô ngẩn ngơ, không lẽ tình cờ như vậy sao . Chi nghiêng mặt để mái tóc rũ sang một bên, che bớt đi một nửa khuôn mặt:

- Dạ không, tự dưng em thấy nhức đầu, hết muốn ăn, nắng quá anh à, hay là anh cho em về .

Thanh tắt máy xe, hơi lạnh cũng theo đó tắt theo, không khí trong xe trở nên nóng và ngột ngạt hơn:

- Đã tới đây rồi thì vô một tí đi em, không ăn cũng được, nhưng chờ anh nói chuyện với bác Sang đã chứ!


Người bồi bàn đưa tờ thực đơn cho Thanh rồi lặng lẽ đứng yên chờ đợi . Nhà hàng đang đông khách mà thái độ kiên nhẫn của người bồi bàn làm Thanh hơi lạ, Thanh nói:

- Chú cho hai ly nước đá lạnh trước, để lát tui mới order sau .

Từ lúc bước vào nhà hàng, Chi vẫn im lặng như một hình thức phản đối ngầm, cô ngồi xoay mặt ra phía ngoài đường, ánh mắt xa xôi, lạc lõng . Nhìn quanh không thấy ông Sang, có lẽ ông mới đi ra ngoài . Đợi người bồi bàn trở lại với hai ly nước, Thanh hỏi:

- Ông chủ Sang đi đâu vắng vậy chú ?

Người bồi bàn, là một người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ với nước da đen sạm, ú ớ lắc đầu, một tay ông chỉ vô miệng mình, một tay chỉ về góc nhà hàng . Khuất sau đám thực khách ồn ào, ông Sang đang cúi đầu thì thầm nhỏ to với một người đàn ông khác với vẻ mặt nghiêm trọng . Điều làm Thanh ngạc nhiên không phải là vẻ bí mật của ông Sang mà là người bồi bàn đang đứng trước mặt anh . Điệu bộ của người đàn ông rõ ràng là nghe và hiểu được Thanh nói gì, nhưng ông ta hình như bị câm . Nét mặt của người bồi bàn vẫn thản nhiên, khi Thanh nói, ông ghi ghi chép chép cẩn thận lên cuốn sổ nhỏ rồi mỉm cười xã giao trước khi quay lưng bỏ đi, ông có hàm răng thật trắng, những chiếc răng nhọn đều đặn, tương phản với nước da ngăm đen . Thanh ngơ ngẩn nhìn theo bóng người đàn ông khuất sau cửa bếp, cố lục lọi trong trí nhớ, không biết tại sao khuôn mặt của người đàn ông này anh thấy quen quen, nhất là nụ cười của ông ta, một nụ cười ... câm, không có tiếng .

Ông Sang ở góc bàn phía bên kia chừng như mới nhận ra sự có mặt của Thanh và Chi, đây cũng là một thói quen ông Sang có được kể từ khi mở nhà hàng Trùng Dương, tuy bận mấy thì bận, ông vẫn thỉnh thoảng dõi mắt trông chừng đám thực khách . Ông Sang đứng lên ngoắc Thanh, vỗ vai người đàn ông trước mặt nói mấy câu gì đó, người đàn ông xoay mặt ra nhìn Thanh và Chi, khuôn mặt hao hao giống ông Sang . Không để ông Sang lên tiếng gọi lần thứ hai, Thanh kéo Chi:

- Lại chào bác Sang đi em!

Chi miễn cưỡng đứng lên với vẻ mệt mỏi, hình bóng người đàn ông đằng sau bãi đậu xe còn ám ảnh tâm trí cô, Chi thầm mong biết đâu là cô bị hoa mắt, nhìn lầm người .

Ông Sang vui vẻ giới thiệu:

- Đây là anh Giàu, ông anh ruột của bác, hai cháu có thể gọi là bác Giàu . Bác Giàu cũng là chủ một nhà hàng ăn, nhà hàng Lệ Hoa nổi tiếng về tỉm xắm ở phố Tàu . Bác Giàu đang bàn chuyện hùn vốn với bác để mở chi nhánh cho nhà hàng Trùng Dương ...

Thanh kín đáo quan sát ông Giàu, càng nhìn càng thấy giống bác Sang, hai anh em ruột có khác, đều thích mở nhà hàng . Chi bấm tay Thanh nhắc khéo, Thanh ngập ngừng:

- Dạ, hồi nãy bác Sang kêu điện thoại cho cháu, không biết có chuyện gì thay đổi không vậy bác ? Tụi cháu mới vừa đặt thiệp cưới xong rồi ...

Ông Sang hắng giọng:

- À, thì bác cũng đang tính bàn với cháu, bác thấy nhà hàng của bác Giàu lớn hơn nhà hàng Trùng Dương, đầu bếp lại nấu ăn ngon, hay là ... cháu tổ chức tiệc cưới ở Lệ Hoa đi, cháu thấy sao ?

Thanh lắc đầu:

- Sao vậy bác ? Làm đám cưới ở đây có gì không tốt ? Vả lại tối hôm qua bác có nói với cháu là nhà hàng Trùng Dương có thể mở tiệc cưới mà ?

Ông Giàu không dằn được sự tò mò, ông cũng thắc mắc như Thanh, nghe Thanh hỏi ông mới dám lên tiếng. Tuy là hai anh em, nhưng ông lúc nào cũng ngấm ngầm ganh tị sự thành công nhanh :Dng của ông Sang, ông không tin là ông Sang có thể dễ dàng bỏ qua một mối lợi, chắc nhà hàng Trùng Dương có vấn đề gì rồi, ông làm bộ đẩy đưa:

- Chú tính lại đi, tôi thấy nhà hàng ở khu này tốt hơn, đông đảo người Việt, thiên thời, địa lợi, nhân hoà . Tui thiệt không hiểu chú, mở nhà hàng mình chỉ mong có khách thôi mà !

Ông Sang cúi đầu ngẫm nghĩ, ông phải kín miệng, chuyện ma quỷ vớ vẩn nói ra là dẹp tiệm, xưa nay ông lại là người giữ lời hứa, một liều ba bảy thì liều . Ông ngửng đầu lên nhìn Thanh và Chi một lần nữa rồi hỏi một câu thừa thãi:

- Hai cháu đã suy nghĩ kỹ chưa ? Có muốn thay đổi ý kiến không ?

Thanh ngơ ngác:

- Dạ, tụi cháu đã quyết định rồi, chỉ chờ bác gật đầu thôi à .

Ông Sang thở mạnh nói tiếp:

- Đám cưới là chuyện quan trọng, nếu thiệt hai cháu thương nhau, nhất định nhờ đến bác, bác không làm cho đàng hoàng là bác sẽ có lỗi . Hai cháu phải hứa với bác là cho dù tiệc cưới có vui tới đâu, bác cũng phải đóng cửa nhà hàng trước 12 giờ đêm .

Cả ba người, ông Giàu, Thanh và Chi đều nhìn ông Sang với ánh mắt kinh ngạc, không ai hiểu ông muốn ám chỉ cái gì . Ông Giàu muốn hỏi thêm nhưng ông thấy không tiện, ông nhìn Thanh và Chi tội nghiệp, nói đỡ dùm:

- Chú này thiệt tình, bộ muốn đuổi khách hay sao ? Đám cưới Việt Nam nào mà không bị kéo giờ dây thung, bắt đầu mở tiệc thường là 8 giờ tối, rồi ăn uống, chào bàn, nhảy đầm cho tụi trẻ .... Rồi còn dọn dẹp, tính tiền, sớm nhất cũng phải 12 giờ rưỡi đêm, tui đã làm bao nhiêu tiệc cưới rồi, tui rành sáu câu! Dân Cali lại là dân thức khuya, 11, 12 giờ đêm vẫn còn sớm chán để mà về nhà, chỉ trừ mấy người thèm ngủ như tui với chú!

Chi lúc này mới nhăn nhó lên tiếng:

- Vậy là bác làm khó tụi cháu rồi . Cháu và anh Thanh thì không sao, được nghỉ sớm cháu còn mừng nữa, nhưng lỡ lúc đó bạn bè đang vui thì tụi cháu khó ăn khó nói ...

Ông Sang khổ sở:

- Ý bác là vì .... vì ...lý do an ninh (?) . Security guard có giờ làm việc của họ, 12 giờ tối là họ nghỉ ! Bác sẽ phải mướn một người security guard cho ngày hôm đó, bác nói là nói phòng xa, để bảo đảm an toàn cho mọi người .

- Không sao đâu bác, tụi cháu sẽ ráng thu xếp, bác đừng lo .

Nói xong câu trả lời mau mắn, Thanh như trút được gánh nặng, chỉ cần ông Sang đồng ý . Tới lúc đó hãy hay, nấn ná thêm một tí thì sao, không lẽ ông Sang lại đi mời từng người khách ra khỏi cửa!

Ông Sang cũng thở phào, nếu lần này mọi chuyện suông sẻ, ông sẽ cúng một con heo quay để tạ ơn trời phật . Bây giờ ông Sang mới cảm thấy đói bụng, từ sáng đến giờ ông chỉ uống cà phê cầm chừng, ông hỏi Thanh và Chi:

- Hai cháu đã ăn gì chưa, ăn trưa với hai bác luôn cho vui ?

Thanh nhìn Chi như dò hỏi, cô có vẻ không khoẻ thật, nét mặt xanh xao và buồn bã, khác với mọi ngày . Thanh nói:

- Dạ, cháu có kêu đồ ăn rồi, mà sao lâu quá chưa thấy bưng ra . Cái chú bồi bàn đen đen ôm ốm, hình như chú ấy bị ....câm, không biết chú ấy tên gì mà cháu thấy quen mặt lắm ?

Ông Sang ngạc nhiên hỏi lại:

- Ở đây đâu có ai bị câm ?

Thanh trố mắt:

- Cháu không biết chú đó có bị câm không, nhưng không thấy nói gì, cháu tưởng ....

Ông Sang không dám hỏi thêm, ông xô ghế đứng lên, đi nhanh xuống nhà bếp . Ngoài chú Chín, Dũng và Chê Sần, ông Sang còn mướn thêm hai người nữa là Năng và Kiểm . Năng và Kiểm đều là cháu họ trai của ông Sang, mới từ Việt Nam sang, ông Sang cho họ làm mấy tháng hè, kiếm thêm tiền, trong khi chờ đợi để đi học thêm Anh văn và lớp dạy nghề . Năng và Kiểm lo việc chạy bàn, kiêm luôn phụ bếp và thâu ngân viên mỗi khi ông Sang cần đến . Đứng ở cửa bếp, ông Sang thấy Kiểm đang bưng một khay thức ăn đi lên, vừa đi vừa huýt sáo, ông né người qua một bên cho Kiểm đi qua . Nhìn khuôn mặt đầy sức sống của Kiểm, ông Sang cảm thấy lạnh toát cả người :

- Người bồi bàn nào mà Thanh gọi là chú, không thể là Kiểm hay là Năng, lại càng không phải chú Chín hay là Dũng, hai người này lúc nào cũng ở dưới bếp . Nếu vậy thì là ai ? Hồi nãy Thanh đã gặp ai trong nhà hàng ?


Con chó Nino bị mất tích, chú Chín không quan tâm cho lắm, việc mà chú bực mình nhất là con dao bầu của chú treo trên tường lại không cánh mà bay . Chú Chín hầm hầm đi tới đi lui, chú kéo từng ngăn kéo, mở cả cái máy rửa chén ra coi, không thấy con dao đâu hết . Chú ngó Chê Sần với vẻ ngờ vực, nãy giờ nó đứng sững nhìn chú với vẻ sợ hãi, dạo này chú thấy Chê Sần hay mắt la mày lét ngó trộm chú . Thường ngày chú Chín đã không thân thiện với Chê Sần, vì ngôn ngữ bất đồng cho nên mỗi khi vui vẻ, chú chỉ trò chuyện với Dũng và ông chủ Sang, ngay cả nụ cười chú Chín cũng hà tiện với Chê Sần . Lúc chú Chín nổi nóng, mặt chú đỏ lên, mắt chú tròn vo, môi dưới của chú trề ra làm cho Chê Sần sợ phát khiếp lên được, nó có cảm tưởng như chú Chín sắp sửa đem nó ra làm cái thớt băm nát ra như tương để cho hả cơn giận .

Từ khi hành nghề nấu bếp tới nay, chú Chín lúc nào cũng nhớ nằm lòng bài học đầu tiên sư phụ dạy cho chú, muốn nấu ăn cho ngon, quan trọng nhất là thức ăn phải tươi, bếp lửa phải hồng, bảo kiếm phải bén, không có con dao làm bạn, chú Chín cảm thấy bứt rứt, bàn tay trái của chú lại ngứa ngáy . Chú Chín có linh cảm có chuyện gì ghê gớm đã xảy ra trong căn nhà bếp mà nhất thời chú đoán không ra, mỗi khi bàn tay cụt một ngón của chú giựt giựt là chú biết có điềm không lành . Sau khi lục lọi như muốn lật tung cái nhà bếp, chú Chín thất vọng thở dốc, chú kéo một chiếc ghế đẩu nhỏ ra tạm ngồi xuống, đưa mắt nhìn mông lung xuống sàn bếp với hy vọng cuối cùng, tia mắt chú dừng lại ở góc cửa bếp , một vài vết máu rơi rớt còn đỏ tươi hiện rõ trên nền gạch men trắng .

Chấm ngón tay xuống vệt máu khô, chú Chín ngơ ngẩn xuất thần, ngày nào chú và Dũng cũng lau chùi sạch sẽ nhà bếp trước khi ra về, chú ngờ ngợ là những vệt máu này mới xuất hiện đây thôi . Ngoài trời, mưa vẫn rơi như trút nước, tàn lá cây ngọc lan làm cho cảnh vật đã tối lại tối hơn, những cành lá xanh đen run rẩy từng hồi, nước mưa được thể cuốn theo chiều gió, vội vàng xối từng hàng nước dài thành một bức màn trắng đục, rửa sạch đi những bụi bậm trên mặt đất .

***

Ngày trọng đại đã đến. Thật là kỳ lạ, Chi không cảm thấy nôn nao và háo hức chờ đợi như một cô gái sắp sửa lấy chồng . Những lúc tự mâu thuẫn với chính mình, Chi có cảm tưởng như có một tiếng nói vô hình nào đó, đang cố gắng nhắc nhở bên tai cô, phải rời xa nơi này, chạy trốn cho thật xa, xa tất cả mọi người . Đứng trước bồn rửa mặt, Chi rùng mình ớn lạnh, không khí mát mẻ buổi sáng sớm cùng với tiếng chim hót vang ngoài khung cửa sổ, báo hiệu một ngày đẹp trời nhưng Chi lại cảm thấy cô đơn lạnh lẽo, thế giới đáng yêu này, sự sống đầy hy vọng ngoài kia, hình như không còn thuộc về cô nữa . Nhìn khuôn mặt hốc hác của mình trong gương, Chi chớp mắt mấy cái, dùng đôi bàn tay lùa từng làn nước mát lên rửa mặt cho tỉnh táo, cô nhớ lại giấc mơ đêm hôm qua, cô bị té xuống một cái hố sâu cùng với Thanh . Cái hố nhỏ hẹp và khó thở, khi Chi ngước đầu lên nhìn Thanh, cô nhìn thấy một khuôn mặt rữa nát với hai hốc mắt sâu hoắm, bộ mặt kinh tởm đó cứ từ từ cúi sát xuống và nó đang định hôn cô .... Chi vùng vẫy và cố gắng thoát ra khỏi cơn ác mộng .

Tiếng gõ cửa phòng tắm dồn dập khiến Chi giật mình trở về hiện thực, dạo này cô hay bị bịnh lãng trí, giống như người sống trên mây . Chi nói lớn:

- Xong rồi, con ra liền mà ...

*

Cả một buổi sáng quay cuồng, nào là trang điểm, chải tóc, sau đó một thủ tục đưa dâu, rước dâu dài dòng., lời thề hứa trọn đời .... cuối cùng Chi cũng được thoải mái ngồi bên Thanh, trong chiếc xe hơi màu trắng . Thanh hôn lên tóc Chi, mái tóc được chải bới xịt keo một cách cẩn thận trở nên cứng ngắc, hai bên lọn tóc mai rủ xuống ôm lấy khuôn mặt Chi . Khẽ đưa tay vuốt tóc vợ, Thanh hỏi:

- Mệt không em ?

Chi lắc đầu, cô tựa đầu vào vai Thanh, nhớ đến hình ảnh cái đầu lâu trong giấc mơ, Chi bật người ngồi dậy, Thanh ngạc nhiên:

- Em sao thế ? Ráng mà nghỉ ngơi một tí, lát nữa tụi mình còn phải đứng chào khách . Vừa rồi làm lễ cưới em cứ như người mất hồn !

Chi ngơ ngác hỏi cho có lệ:

- Vậy hả anh ? Em có nói sai, làm sai gì không ?

Thanh mỉm cười nói giỡn:

- Thôi chết rồi, anh lấy phải cô vợ khờ khạo rồi, mới đây mà em đã quên, em đâu có làm sai, lấy anh là một việc làm đúng nhất của em đó . À, anh nhớ rồi, em làm sai một việc nhỏ, lúc anh đeo nhẫn cho em, em quên ... không có hôn anh !

Xe hoa lăn bánh chầm chậm rẽ vô bãi đậu xe trước nhà hàng Trùng Dương . Nhà hàng hôm nay trang hoàng thật là lộng lẫy, hai cánh cửa lớn được mở rộng như chào đón, hai bên cửa là hai chậu hoa tươi rực rỡ cùng với những quả bong bóng trắng và hồng rải rác từ ngoài cửa vô tới trong nhà hàng . Màu hồng và màu trắng là hai màu nền trang trí cho tiệc cưới, theo ý của cô dâu và chú rể, khăn trải bàn màu trắng, trên mỗi bàn là những chậu hoa hồng cánh nhỏ . Nhân viên phục vụ trong nhà hàng, trừ đầu bếp và ông chủ, đều mặc đồng phục đỏ . Lần này ông Sang tốn kém hơi nhiều, nhưng ông hy vọng trong một thời gian ngắn, vào những đám tiệc kế tiếp, ông sẽ mau :Dng thu lại cả vốn lẫn lời . Xoa hai bàn tay vào nhau một cách hài lòng, ông Sang nhìn đồng hồ trên tường, đã 6 giờ 30 chiều, coi vậy mà cô dâu và chú rể rất đúng giờ .

Thanh dìu Chi bước từng bước chậm, một tay Chi vịn lấy Thanh, tay kia Chi phải túm lấy một góc chiếc áo cưới dài lê thê để bước đi khỏi vướng víu . Đôi giày cao gót nhọn càng khiến Chi khổ sở, không được thoải mái, toàn thân cô như đang đi trên sóng nước . Chi nhăn mặt hối hận, sau ngày hôm nay, cô sẽ cho đôi giày này vô thùng rác . Lúc mua giày ướm thử, cô thấy những hạt cườm lóng lánh đính chung quanh đôi giày thật xinh xắn, bây giờ chính những hạt cườm đó lại như gai nhọn đâm vào gót chân cô mỗi khi cô cất bước .

Khí hậu mùa hè nóng nực nên những chiếc máy lạnh trong nhà hàng đều được xử dụng tối đa, Thanh thở phào nhẹ nhõm khi bước hẳn vào phía trong nhà hàng, ánh sáng tự nhiên tối xầm hẳn lại, nhường chỗ cho không khí dịu mát dễ chịu . Ông Sang niềm nở bắt tay Thanh hỏi một tràng :

- Chúc mừng hai cháu, ba má cháu đâu rồi ? Nhà hàng trang trí vầy hai cháu thấy sao ?

Thanh sung sướng nắm tay Chi, cảm động gật đầu:

- Cám ơn bác, cháu đâu dám mong gì hơn, lát nữa bác ra chung vui cùng với gia đình cháu nha bác .

Thanh đảo mắt nhìn về phía sân khấu, trên chiếc bàn nhỏ là ổ bánh cưới màu hồng ba từng đồ sộ xếp theo hình trôn ốc, rải rác trên mặt bánh điểm những cánh hoa màu đỏ tươi rất mỹ thuật . Thanh lo lắng nghĩ thầm, không biết từ giờ cho đến tối, bánh cưới có bị chảy ra thành nước không nữa . Ông Sang kéo tay Thanh:

- Ra đây mấy bác cháu mình chụp một tấm hình làm kỷ niệm, sợ lát nữa không có dịp !

Ông Sang và những người chạy bàn mặc đồng phục đỏ đứng tề chỉnh đằng sau cô dâu và chú rể, khuôn mặt của ai cũng cười rạng rỡ, ông thợ chụp hình ra dấu:

- Hai người trong góc tươi lên tí nhé, một, hai, ba ....

Ánh đèn flash loé lên, tiếng cười nói sau vài giây yên lặng lại tiếp tục ồn ào . Ông thợ chụp hình đứng ngẩn người ra, ông gãi đầu, hai người đàn ông và đàn bà có khuôn mặt trắng toát đứng bên phía bên phải cô dâu và chú rể, mới đây đã biến mất !


Tiếng nhạc xập xình bên ngoài thỉnh thoảng lại vang lên vài âm thanh chát chúa lạc lõng khiến chú Chín khó chịu, chú dằn mạnh con dao mới mua xuống tấm thớt, quay qua bên cạnh chú nói lớn với Dũng:

- Ban nhạc gì đâu mà nghe cứ như nhạc đám ma!

Nhà bếp chật chội một cách khác thường, hơi nóng từ những lò bếp sùng sục từ sáng đến giờ càng làm cho không khí ngột ngạt khó thở . Dũng đang quay quần với hai người phụ bếp bên cạnh, mỗi người ôm một cái chảo dầu to tướng . Đập cái xẻng vô chảo cho từng hạt cơm rơi xuống, Dũng nói như hét lên:

- Nhạc sống hay vậy mà còn chê, có nhạc nghe là khá lắm rồi đó .

Chú Chín quay đi lầu bầu những gì không rõ , bàn tay cụt một ngón của chú lại run run, chú bước từng bước nặng nhọc ra phía cửa bếp, cặp mắt mệt mỏi nhìn chăm chăm về phía cô dâu và chú rể, đúng vừa lúc Chi xoay người nhìn chú Chín, cô nhoẻn miệng cười như gặp lại người quen . Chú Chín luống cuống lùi lại, chú nép vào góc tường để tránh ánh mắt của Chi, đôi mắt có những tia lửa . Một bàn tay đột nhiên đập mạnh vào vai chú Chín khiến chú giật thót người suýt té, phản ứng của chú Chín làm người kia chưng hửng:

- Chú có sao không ?

Thì ra là ông Sang . Chú Chín mệt mỏi lắc đầu:

- Dạ không, trong bếp nóng quá, tui đứng đây một lát cho mát .

Ông Sang nhìn chú Chín ái ngại, gương mặt chú hốc hác hẳn, đôi mắt đen hõm sâu trên làn da tái ngắt, ông Sang an ủi:

- Chú có mệt thì đừng đứng ở đây, chỗ này là lối ra vào, ra phía sân sau hít thở lát cho tỉnh táo . Có cần tui dặn Dũng và mấy người kia lo dùm món Long Phụng Hoà Minh cho chú không ?

- Hỏng sao đâu ông chủ . Tui .... được mà, bây giờ tui đi làm ngay .

*

Khi buổi tiệc cưới trở nên nhộn nhịp cũng là lúc trời chiều bắt đầu sâm sẩm tối . Con chó Nino đi qua đi lại vẫy đuôi trước cửa lớn nhà hàng Trùng Dương, người nó lấm lem toàn bùn đất, nó buồn rầu rít lên từng tiếng nhỏ, không ai để ý đến nó . Nino le lưỡi thở, nó đang hy vọng chờ đợi, biêt'' đâu ông chủ Sang nhìn ra sẽ trông thấy nó . Hơn hai tuần nay Nino không dám về nhà, lang thang trong khu phố lân cận, Nino bươi từng thùng rác kiếm ăn . Hôm nay nhà của ông chủ người ra, người vào tấp nập, mùi đồ ăn thơm lừng bay ra tận ngoài cổng lớn làm Nino đói bụng cồn cào, thở hồng hộc . Mon men lại gần cánh cửa nhỏ phía bên hông nhà hàng, cánh cửa khép hờ, Nino đưa cái mũi ướt vô ngửi, thơm quá, nào là mùi súp, mùi thịt quay, còn có mùi ... ah ... mùi gì đây, Nino hít một hơi dài, mũi nó phập phồng ... mùi người chết!


Đưa một chân lên cào sồn sột vô cánh cửa, Nino lại rít lên lo lắng, tiếng đàn hát cùng với tiếng cười nói ồn ào làm át hẳn âm thanh kêu cứu tuyệt vọng của nó .

Quang cảnh bên trong thật là hào hứng, mọi người đang vỗ tay làm nhịp để hối thúc cô dâu và chú rể hôn nhau, Thanh từ từ cúi đầu xuống, khuôn mặt cô dâu đỏ hồng, hai hàng mi cong run rẩy, vợ tôi thật là đẹp, Thanh sung sướng nhủ thầm. Trong một thoáng ngắn ngủi hôn vợ, Thanh có cảm tưởng như hai người đang lao vào một cái hố sâu không đáy!

***

Chú Chín vội vã bước ra sân, sau khi khép lại cánh cửa bếp, ông chủ hứa cho chú về sớm vậy mà lu bu việc này đẻ ra việc kia, mãi tới giờ này chú mới lo xong . Trời đã tối, chú Chín hối hả bước đi như chạy trốn, đột nhiên chú kinh hãi nhận ra có vật gì đang di động từ phía cây ngọc lan lao về phía chú. Khẽ lấy tay dụi mắt, chú há miệng á khẩu, trời ơi, con chó Nino, nó đang dụi cái đầu đầy đất cát dơ bẩn vào chân chú. Bị chú Chín đá ra xua đuổi, Nino không nản chí, nó lảng ra xa rồi chạy vòng quanh cây ngọc lan, công trình nó đào xới nãy giờ mới lôi được con dao bầu và một khúc chân ... người rữa nát, Nino vẫy đuôi nhìn chú Chín sủa liên hồi .

***

Giữa khung cảnh hỗn loạn, tiếng còi hụ cảnh sát, tiếng la hét nhốn nháo của mọi người, ông Sang phải đuổi đám khách tò mò lên phía trên nhà hàng, trong khi chú Chín đứng mửa thốc mửa tháo ở sân sau, miệng đắng nghét, toàn thân chú như lên cơn sốt rét, run lẩy bẩy . Bên cạnh chú là Dũng và đám người phụ bếp, mặt ai nấy đều u ám buồn thảm, nhà hàng Trùng Dương bao trùm một màu tang ngút trời . Tiếng nhạc đã tắt tự bao giờ, không kèn không trống, bàn tiệc ly chén lộn xộn, thức ăn không còn hấp dẫn nữa . Đám thực khách đứng ngồi không yên, một số người đứng tụm lại thành nhóm bàn tán cho đỡ sợ . Một bà khách với cái giọng the thé, có tên là bà Lý, biệt danh là bà Tám Lý, đang thao thao thêu dệt thêm thắt chung quanh cái xác người mới đào lên ở đằng sau nhà hàng Trùng Dương . Tuy chưa rõ nạn nhân là ai, nhưng dựa theo áo quần thì có thể là một người đàn ông . Không có lửa, sao có khói, người chết bị chôn ngay đằng sau nhà bếp, lẽ thường tình là đám người trong nhà hàng thể nào cũng biết, hoặc có dính dáng ít nhiều . Bà Tám Lý đoán xa đoán gần, chính chú đầu bếp có chín ngón tay là thủ phạm, vìcon dao bầu, đào lên cùng với xác chết, là của chú , vừa rồi chẳng phải thằng Mễ Chê Sần đã làm chứng và nhận diện con dao đó sao . Với vẻ khẳng định của một quan toà không cho tội nhân kháng cáo, bà Tám Lý đắc ý nói tiếp:

- Vả lại cái bản mặt ông nớ cũng ngầu lắm (?), múa dao là nghề của ổng mà . Nếu ổng không làm sao lại có tật giật mình sợ run như thế ?

Nhiều giả thuyết được đặt ra, có người còn nhân dịp này phao tin đồn nhảm, nói chắc như đinh đóng cột, người chết là tình địch của chú Chín!

Trong lúc mọi người xôn xao, cảnh sát an ninh khu vực đứng chặn ngay cửa lớn, kêu gọi mọi người yên lặng và tuần tự khai báo tên tuổi, trả lời vài câu hỏi chi tiết quanh vụ án, sau đó có thể ra xe đi về . Những người làm việc trong nhà hàng sẽ là những người ở lại sau cùng .

***

Khi đồng hồ trên tường điểm 11 giờ đêm, số người hiện diện trong nhà hàng không còn bao nhiêu, cô dâu và chú rể mệt mỏi ngồi trong một góc, chờ cảnh sát tới làm biên bản . Ông chủ Sang buồn bã bước lại gần Thanh và Chi, giọng ông trầm xuống chia buồn, cũng là lời chia buồn cho bản thân ông:

- Bác xin lỗi hai cháu và gia đình, thiệt tình ngoài ý muốn của bác, không ngờ ra cớ sự này. bác thiệt ngại quá, không còn mặt mũi nào gặp ba má cháu, khi nào về tới nhà, hai cháu cho bác gửi lời xin lỗi một lần nữa.

Lắc đầu chán nản, ông Sang nói tiếp:

- Không tin cũng phải tin, có một chuyện mà bác dấu hai cháu, nhà hàng Trùng Dương thật sự có . ... ma !

Thú tội xong, ông Sang nhìn Thanh và Chi ngượng ngập, chuyện xác người chết một cách bí mật ông Sang không biết nguyên nhân, nhưng ông tin là có liên quan đến mấy con ma xui xẻo kia . Cô dâu đang cúi đầu bỗng ngửng lên chậm rãi nói từng chữ , tiếng nói cô khàn đục trong cổ họng, cô phát âm một cách khó khăn:

- Ngày trùng ... giờ ... trùng ... đi về thôi !

Trước thái độ kỳ lạ của Chi, ông Sang và Thanh đều sửng sốt, Thanh ôm vai Chi lắc nhẹ, có lẽ Chi mệt mỏi và sợ hãi quá độ nên mới bị mê sảng . Một người cảnh sát viên mặc thường phục tiến lại gần ba người:

- So, you are the last guests I have to talk to . How is the bride ? May I have her name ? Her maiden name ?

Chi nhoẻn miệng cười, ánh mắt cô nhìn vào khoảng không, cô lập lại như mơ ngủ :

- Tôi là Bùi ... Phan!

Nói xong, Chi ngả người ra và cô ngất đi, không còn biết gì nữa.

--------------------------------------------------------------------------------

cancer_saint10-20-2004, 12:47 PM
Chi giật mình mở mắt, ánh nắng lên cao ngoài khung cửa sắt khiến cô phải quay mặt đi trốn tránh, cô nhắm mắt lại suy nghĩ mông lung, đầu óc cô trống rỗng, tại sao cô không nhớ gì hết ? Khi đã quen với ánh sáng, Chi ngồi dậy, cô đang ở trong một căn phòng có song sắt, một căn phòng trắng toát và không có đồ vật gì trong phòng ngoài cái giường cô đang ngồi. Chi loạng choạng đứng dậy, khi hai bàn tay cô chạm tới song sắt lạnh như đá, Chi bắt đầu la hét kêu cứu .

***

Ngồi đặt hai bàn tay lên đùi, Chi ngoan ngoãn như một đứa bé, cô đang lắng nghe Thanh nói . Giọng Thanh đều đều mệt mỏi:

- Anh sẽ chờ em cho tới lúc em hết bịnh, mọi người ở nhà ai cũng lo cho em . Anh vẫn không tin là em đã làm chuyện ấy, cho dù cảnh sát đã có bằng chứng, chứng minh em có tội . Họ nói hắn là người tình cũ của em, phải, chuyện đó anh biết rồi . Hắn cứ quấy rầy em, anh cũng biết, nhưng đó không phải là lý do em giết hắn, có phải không Chi ?

Chi gật nhẹ đầu, cô tựa người vào Thanh như tìm một sự che chở, Thanh nói tiếp:

- Em còn nhớ hôm mình tới nhà hàng Trùng Dương trước đám cưới hai tháng không ? Hôm đó, anh đã gặp kẻ giết người, người đàn ông có nước da ngăm đen, anh không thể nào quên được nụ cười của hắn . Chú Chín có dẫn anh ra thăm mộ vợ chồng hắn, tên hắn là ... Bùi Phan !

Ngừng lại vuốt tóc Chi, giọng Thanh nghẹn lại:

- Có một sự trùng hợp là ngày chết ghi trên mộ bia của vợ chồng họ chính là ngày 20 tháng bảy!


@8@.