Học người Nhật trong văn hóa phản ứng với thảm họa
Cập nhật lúc 18/03/2011 06:00:00 AM (GMT+7)

Ngay sau khi Nhật Bản hứng chịu thảm họa kép động đất – sóng thần, hàng loạt blog tiếng Anh đã đưa ra các bình luận về sự kiên cường, chịu đựng trong nghịch cảnh của người Nhật. Nhiều người tự hỏi phản ứng ở các quốc gia phương Tây sẽ thế nào nếu thảm cảnh tương tự xảy ra.

Các đài truyền hình khắp thế giới ngoài việc phát đi nhiều hình ảnh về thảm họa, còn truyền tải một thông điệp khác. Ấy là sự kiên cường, là một văn hóa khác biệt của người Nhật trước thiên tai hủy diệt. Họ đã thể hiện sự bình tĩnh khi họ tìm kiếm thân nhân mất tích hay chờ đợi để có được hàng hóa thiết yếu. Không trộm cắp hay bạo lực, thậm chí khi người dân xếp hàng dài ở những cửa hiệu đã cạn kiệt nguồn hàng...

Bài viết của Kumiko Makihara (Tokyo) đã phần nào làm rõ hơn điều ấy.




Tuyết trắng trời không cản nổi nỗ lực cứu hộ, tìm kiếm. Ảnh: Time

Người dạy mẹ tôi chơi gôn nói với bà là sẽ trở về nhà ở Canada trong vòng hai tuần. Người phục vụ ở một nhà hàng chủ yếu là khách nước ngoài kể lại, các vị khách đã xếp chặt vali, chờ đợi bữa ăn cuối cùng trước khi lên đường. Một số công ty, đại sứ quán nước ngoài đã khuyến cáo nhân viên rời đi. Tôi cho rằng, tất cả điều này không có gì ngạc nhiên sau khi ba vụ nổ đã xảy ra ở một nhà máy hạt nhân kèm theo dự đoán còn nhiều dư chấn mạnh sẽ tới.

Và thực tế là, khi tôi bắt đầu viết bài này, chiếc giá để CD của tôi bắt đầu rung lắc, và đèn trần cũng chao đảo. Lại một dư chấn khác.

Nhưng gia đình tôi vừa hủy bỏ một cơ hội để rời đất nước. Vài tháng trước, cha mẹ tôi đã sắp xếp để tôi và con trai, cùng gia đình anh trai – đang sống ở New York – cùng họ đi nghỉ ở nhà người bạn tại một bãi biển tuyệt đẹp của Philippines. Thật thú vị biết bao khi được thư giãn ở bãi biển ấy, không phải lo lắng vì những trận động đất hay nguy cơ phóng xạ.

Tuy vậy, những hình ảnh thơ mộng ấy đã không xuất hiện trong tâm trí cha mẹ tôi. “Mẹ không biết về Philippines", mẹ tôi nói trong đêm sau khi xảy ra cơn địa chấn ngày 11/3. Gần nửa cuộc đời sống ở nước ngoài, tôi lập tức không hiểu về sự liên quan nào giữa thảm họa hủy diệt ở phía bắc với kế hoạch đi nghỉ của chúng tôi.

Vài ngày sau đó, mẹ tôi thường xuyên sử dụng từ “fukinshin” có thể hiểu như là “không phù hợp”. Ví dụ sẽ không phải nếu như tôi lựa chọn trang phục yêu thích, bộ kimono mà tôi dự kiến sẽ mặc để tham gia lễ tốt nghiệp sơ cấp của con trai. Chúng tôi không nên vui mừng, thực sự không nên thể hiện sự hân hoan khi những người khác, những nơi khác phải chịu đựng hay trải qua đau đớn quá lớn.

Mẹ tôi cũng không muốn gây phiền cho hàng xóm. Bà nói em gái bà, người sống gần đó sẽ không thích thú gì nếu lại phải đối phó thêm với bất kỳ tổn thất nào có thể xảy ra vì động đất với ngôi nhà của cha mẹ tôi, ngoài nhà của mình. Mẹ tôi cảm thấy rằng, tôi cũng tự nên kiềm chế, không đi quá xa để có thể giữ gìn nhà cửa. Suy nghĩ của bà khiến tôi nhớ lại những hình ảnh trên truyền hình. Tôi đã thấy các nhân viên nữ trong một cửa hiệu, liều lĩnh giữ chặt giá hàng để đồ vật không rơi xuống trong khi ngôi nhà rung lắc mạnh và đồ gỗ xê dịch tứ tung.

Cha tôi cũng miễn cưỡng không muốn đi. “Tình hình hạt nhân rất nghiêm trọng”, ông nói. Ý ông không phải lo lắng về nguy cơ hay bệnh tật do phóng xạ. Từng là một nhà điều hành rất được kính trọng trong cộng đồng kinh doanh, cha tôi cảm thấy ông nên có mặt trong trường hợp một tập đoàn phát sinh vấn đề và rằng ông có thể tư vấn hay giúp đỡ gì đó.

Người nước ngoài có thể nghĩ rằng, quan điểm của cha mẹ tôi xuất phát từ việc quan trọng hóa tinh thần “tử vì đạo”. Nhưng tôi tin rằng, đó là thứ rất đáng để người khác ngưỡng mộ, là thứ để giữ cho đất nước tôi bình tĩnh trong tình trạng hỗn loạn. Từ lúc xảy ra thảm họa, tôi đã tin rằng, ở đây sẽ không có trộm cắp. Điều gần nhất thể hiện cách cư xử không mấy trật tự mà tôi nhìn thấy là một người đàn ông cắt ngang đoàn người xếp hàng để lên tàu.

Chúng tôi đã không thực hiện kỳ nghỉ. Còn sân bay vẫn hỗn loạn, chật ních những người muốn rời khỏi nước Nhật...

Thái An (Theo TIME)