Lễ tưởng niệm Nhị Vị Trưng Nữ Vương
Trưa ngày thứ Bảy 12 tháng 3 năm 2011 vừa qua, Hội Cao niên vùng Hoa Thịnh Đốn với sự phối hợp của các Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Trung học Gia Long miền Đông Hoa Kỳ, Trưng Vương và Sương Nguyệt Ánh, Đoàn Nữ Hướng đạo Trưng Vương và sự yễm trợ tích cực của Cộng đồng Việt Nam vùng Washington D.C, Maryland và Virginia và Liên hội Cựu Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vùng Hoa Thịnh Đốn và phụ cận, đã tổ chức “Lễ Tưởng Niệm Nhị Vị Trưng Nữ Vương” tại Jewish Center, Annandale, Virginia. Hà Vũ đã đến dự buổi lễ và ghi lại một số chi tiết trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng tuần này.
Hà Vũ - VOA | Washington DC Chủ nhật, 20 tháng 3 2011

[IMG]http://media.voanews.com/images/480*300/hai-ba-trung.JPG[/IMG]

Lễ tưởng niệm Hai Bà Trưng ở Virginia, 12/3/2011
Chia sẻ
Digg
Yahoo Buzz
Facebook
del.icio.us
StumbleUpon
Tin liên hệ
Viet Toon ra mắt 10 tấm bưu thiếp đầu tiên Việt Nam Anh Hùng
Hội Từ thiện Tình thương Virginia đãi người không nhà ăn trưa
Hội Cựu Sinh viên Quốc Gia Hành Chánh miền Đông Hoa Kỳ
Quỹ Trẻ em Việt Nam
Lễ tưởng niệm Hai Bà Trưng được Hội Cao niên vùng Hoa Thịnh Đốn liên tục tổ chức hàng năm đã hơn 30 năm nay. Tuy nhiên ít khi lễ được tổ chức vào một ngày chính xác và cố định như ở Việt Nam trước đây. Cụ Nguyễn Đình Kỳ, Hội trưởng của Hội cho biết:

“Thông thường cứ vào tháng 3 Dương lịch, tức tháng 2 Âm lịch, ngày giỗ Hai Bà Trưng vào ngày 6 tháng 2 nhưng mình đâu có làm vào ngày thường được thành ra cứ phải chọn ngày thứ Bảy nào gần nhất như hôm nay là ngày thứ Bảy 8 tháng 2 Âm lịch, quá mất 2 ngày.”

Đây là một lễ hội được tiến hành theo nghi thức cổ truyền có tại Việt Nam trước năm 1975. Gs Kim Oanh người phụ trách hướng dẫn các nghi thức trong buổi lễ cho biết:

“Lễ này là nhờ một cụ ông ngày xưa, hiện cụ đã mất rồi, cụ đã tìm và viết ra tất cả mọi chuyện tế lễ. Chúng tôi đơn giản hóa lại và làm đúng theo như thời xưa ở Việt Nam. Cũng tế, cũng đi lên đi xuống và cũng bước theo nhịp. Ngoài ra có hai bà cầm đèn vì thời xưa không có đèn điện nên khi đi lên tế hai bà phải cầm đèn để soi bước cho người ta đi. Và có trầu rượu, rước trà, rước rượu, hương hoa, đọc sớ để nói lại gương của Hai Bà.”

Bà Dung tự là Tiểu Lam người được phân công phụ trách đọc sớ rất thận trọng và thành khẩn trong vai trò của mình vì Hai Bà Trưng là những vị thánh được Bà thờ phượng tại nhà. Bà nói:

“Mỗi một năm như thế này trước khi đi tôi đã xin lệnh các bà ở nhà rồi tôi mới đi. Năm nào cũng như năm đó tôi đóng vai xướng tế, đọc chúc thì đúng hơn. Tất cả chúng ta đều nghĩ rằng trên có Phật, có Chúa, dưới có Thánh. Các Ngài, nhị vị Trưng Nữ Vương đã hiển thánh rồi. Mình phải nhớ đến tổ tiên của mình vì đó là những vị anh hùng của đất nước. Hai nữa là tôi có cái đền, tôi thờ Hai Bà ở nhà nữa. Trước khi đi tôi cũng xin hai Bà cho con làm tròn bổn phận. Năm nào tôi cũng là người đọc Chúc. Cái gì chớ nói về vấn đề tâm linh tôi rất sợ. Tôi có thể không sợ trần gian nhưng tôi sợ Thánh. Nói về tâm linh thì ai cũng biết cả chúng ta sống trên cõi đất này còn phải có thần thánh chứ đừng tưởng mình ở đây là ghê gớm lắm rồi nhưng không có đâu. Thành ra tôi làm bất cứ việc gì tôi phải xin phép, tôi xin bề trên, các Ngài. Nếu là đạo Thiên Chúa thì họ xin Thiên Chúa nhưng tôi đạo Phật nên tôi xin Phật. Tôi thờ Thánh, tôi xin Thánh cho con làm tròn bổn phận để xứng đáng là con Rồng, cháu Tiên, không quên nguồn gốc.”

Em Thi lần đầu tiên đóng vai Trưng Trắc qua sự giới thiệu của bạn bè cho biết cảm nghĩ của em khi đóng vai anh hùng dân tộc như hai chị em bà Trưng:

“Cháu cảm thấy rất hồi hộp không biết mình có diễn tả được đúng như hồi đó hay không. Thật cảm thấy hãnh diện và vinh hạnh được đóng vai một người đã giúp nước đánh thắng được giặc.”

Em Thi kể tiếp về những nỗ lực của em trong thời gian luyện tập về võ thuật để có thể múa kiếm đấu với những em thủ vai lính của Thái Thú Tô Định.

“Để đóng vai trò như vậy, có một trường Wu shu, người dạy Wu shu giúp cháu biểu diễn múa kiếm như thế nào, phải đứng như thế nào, mặt như thế nào rồi cháu mới làm. Khi nào rãnh cháu tập vì họ ở xa không thể đến nhiều được nhưng chúng cháu cũng tập với nhau khoảng chừng 3 lần, còn phần còn lại chúng cháu phải tự nhớ và tự tập một mình.”

Em Châu đóng vai Trưng Nhị cho biết đã tìm trên các trang mạng để biết Hai Bà Trưng là ai.

“Trước lễ này con cũng biết sơ mấy chuyện của Hai chị em. Con chỉ biết được là Hai chị em bị Tàu vô giết gia đình. Sau đó lấy lính đánh Tàu làm vua được ba năm trước khi tự tử.”

Em Châu nói thêm về việc tập dượt để làm lễ:

“Không có tập chung nhiều mà tập một mình ở nhà, chỉ gặp được hai lần trong chỗ múa đó.”

Trong buổi lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng năm nay, giới trẻ thủ đô Washington D.C và vùng phụ cận tham dự phần lớn là cái em hướng đạo sinh, các thành phần trẻ khác có mặt rất ít. Tuy nhiên ban tổ chức cũng đã nhờ cô Emy Trang, Tiến sĩ làm việc cho Fairfax County đọc bài giới thiệu công đức của Hai Bà Trưng bằng tiếng Anh ngoài việc phân phát tài liệu viết bằng song ngữ Anh-Việt.

Cụ Nguyễn Đình Kỳ, Hội trưởng Hội Cao Niên và quý vị trong ban tổ chức đều có mối ưu tư là làm sao cho thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại biết được lịch sử Việt Nam cũng như giữ gìn văn hóa Việt Nam, nhất là khi thế hệ người Việt Nam đặt chân lên nước Mỹ và các nước khác sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trên thế giới qua đi.

Cụ Nguyễn Đình Kỳ tâm sự:

“Vấn đề khó là bây giờ các sách tiếng Việt giới trẻ không đọc được. Vì thế vấn đề xuất bản sách tiếng Việt rất là khó khăn bởi vì chỉ những người lớn tuổi như mình mới đọc được thôi. Nhưng những người lớn tuổi như mình tiền nong cũng cạn rồi, không mua được sách, mua sách nhiều quá không mua nổi. Các em đi làm có tiền mua được nhưng đâu có đọc được thành ra vấn đề xuất bản sách tiếng Việt bên này rất khó khăn.”

Cụ Nguyễn Đình Kỳ cho rằng mặc dù hội nỗ lực để gởi giấy mời, đăng trên báo nhưng sự tham dự của giới trẻ muốn được đông đảo cần có sự hợp tác của các bậc cha mẹ, các vị huynh trưởng hướng dẫn các đoàn thể.

“Thế hệ trẻ không ai dẫn đi, không ai giải thích, ở nhà chưa chắc đã có ai giải thích Hai Bà Trưng là ai không. Mình bao giờ cũng mong có giới trẻ đến, nhưng giới trẻ đến một lần thấy nhạt nhẻo họ cũng chán, họ bảo sao tế rườm rà quá. Giấy tờ để đây không ai lấy mà đọc cả, đành chịu.”

Bà Dung, phụ trách phần đọc sớ trong buổi lễ cho rằng bố mẹ cần khuyến khích con cái tham dự những lễ hội cổ truyền như thế này:

“Đó là do mỗi gia đình, bố mẹ bắt thì con phải làm theo. Tôi muốn nhiều người nên khuyên các con cái đến. Dù nó không thích nhưng mình phải làm sao để nó đến dự với mình. Biết nó không thích nhưng phải cố gắng làm.”

Một khách mời có nhận xét về sự tham dự của các bạn trẻ trong ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng năm nay:

“Tôi thấy ban tổ chức cũng chú ý nên có một cô trẻ lên giới thiệu bằng tiếng Anh và có những em tham gia lễ Hai Bà Trưng là những em sinh viên học sinh và hướng đạo trẻ tuổi. Tôi nghĩ đó cũng nhờ cha mẹ khuyến khích, giúp các em có thể đến được một cách dễ dàng.”

Giáo sư Kim Oanh phụ trách phần nghi thức của buổi lễ cho biết trong tương lai những phần này sẽ do các em trẻ tuổi phụ trách:

“Thường thường tế như thế này tôi chọn những người lớn tuổi cho nghiêm túc nhưng hướng đạo chúng tôi sẽ hướng dẫn cho các em phải tham gia trong đó vì khi mình đi qua bên kia thế giới thì không ai biết và những tài liệu như thế này rất quan trọng bởi vì sử của chúng ta oai hùng thì mình muốn những người trẻ hiểu được nước Việt Nam ta như thế nào. Pháp có Jeanne d’Arc thì Việt Nam ta có Hai Bà Trưng.”

Chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng Việt Nam vùng Washington xin được kết thúc ở đây. Chúng tôi ước mong được đón nhận những tin tức về sinh hoạt cộng đồng từ những hội đoàn, những tổ chức kinh tế, xã hội, văn hóa và từ thiện cũng như của các cá nhân thuộc Washington D.C và vùng phụ cận. Xin gởi e-mail đến địa chỉ vietnamese@voanews.com với tiêu đề gởi sinh hoạt cộng đồng vùng Washington. Hà Vũ sẽ liên hệ với quý vị.

-----------