ĐĐ. Thanh Thắng: “Văn hoá, tín ngưỡng dân gian dễ bị tổn thương trong XH hiện đại”
17/08/2011 20:06Tố Nhiên, Minh Đăng (thực hiện)
Kích thước chữ:

Một số người phản ứng gay gắt cũng có nguyên do từ những sự phô trương thái quá trong việc đốt vàng mã mà báo chí đưa tin, và cũng có thể do một số người không sinh sống ở miền Bắc, một vùng đất mà Tam giáo hoà quyện, tín ngưỡng giao thoa, nên ít có những trải nghiệm riêng về tín ngưỡng này.



Trong mấy ngày qua, trên mục diễn đàn của Phattuvietnam.net có những thảo luận chung quanh bài trả lời phỏng vấn của Thượng tọa Thích Thanh Quyết về vấn đề đốt vàng mã, quan điểm của Đại đức về vấn đề này như thế nào?

Tôi nghĩ, nói đến quan điểm thì tuỳ thuộc vào góc nhìn cá nhân, đôi khi còn cần cả những trải nghiệm văn hóa cộng đồng (vùng miền) nữa. Tôi chia sẻ với những quan điểm của Thượng tọa, bởi bài trả lời phỏng vấn đó cũng đã nêu ra đầy đủ ba ý chính: Nhà Phật không có nghi lễ đốt mã; Đừng đốt vàng mã để cầu vật chất; Dân gian hóa đạo Phật.

Chính phủ đã đề ra nghị định cấm đốt vàng mã nơi công cộng, thông tin báo chí cũng nói nhiều đến điều này, tại sao phía Phật giáo lại ủng hộ việc đốt vàng mã?

Phát biểu của Thượng tọa Thích Thanh Quyết, của tôi hay của bất cứ ai về vấn đề ủng hộ hay không đối với việc đốt vàng mã thì cũng không thể đại diện hết cho “phía Phật giáo” được. Bản thân tôi không tán đồng với bất kỳ hình thức đốt vàng mã nào một cách phô trương, lãng phí. Việc nhà nước cấm đốt vàng mã nơi “công cộng” là chính đáng. Nhưng nhà nước vẫn luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân, trong đó có các hình thức tín ngưỡng dân gian.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết cũng đã nói: “Người ta đến chùa không chỉ vì tín ngưỡng Phật giáo mà còn vì tín ngưỡng dân gian. Nếu nhà chùa chỉ dành riêng cho tăng ni, Phật tử thuần túy, những người có tư tưởng Phật pháp thì công việc của chúng tôi sẽ nhẹ nhàng rất nhiều. Chắc sẽ không phải mỗi ngày rằm, mồng một phải đón tiếp bao nhiêu du khách, hóa bao nhiêu vàng hương, ô nhiễm nhiều. Điều này nhà chùa phải chịu trước chứ ai”.

Vậy có nên cho người dân vào chùa đốt vàng mã không?

Theo tôi, ở những vùng miền mà người dân không có tục lệ đốt vàng mã, nay bỗng dưng phát sinh trong đời sống và người ta mang vào chùa đốt thì chúng ta nhẹ nhàng khuyên bảo họ không nên làm như vậy. Còn ở những nơi mà người dân từ lâu đời đã quen với hình thức tín ngưỡng này, thì cố gắng khuyên, nếu khó thì cũng không nên quá gay gắt mà làm tổn thương tình cảm của họ. Vì thực tế, có nhiều gia đình gửi vong và thường niên cúng giỗ ở chùa, nên vào ngày lễ xá tội, họ cũng muốn đốt mộ chút vàng mã để thể hiện lòng thành với người đã khuất. Chứ thông thường, vào ngày này người dân vẫn tự cúng ở nhà, ở mộ là chính.


Chỉ cần một chút đồ cúng tượng trưng cũng đầy đủ ý nghĩa cho một ngày lễ trọng

Theo Đại đức đem niềm tin dân gian vào chùa có lợi ích gì không?

Trong quan hệ nào cũng vậy, phải có được sự tin tưởng với nhau, thì người khác mới gửi gắm, gắn bó. Tôi nghĩ lợi ích ở đây là văn hóa Phật giáo và văn hóa dân gian đã dung hòa, tạo thành một chỉnh thể không thể tách rời.

Trong niềm tin dân gian, người ta tin ngày Rằm tháng Bảy là ngày linh hồn tổ tiên được trở về, hay được thoát cảnh khổ để thăm con cháu và nhận những đồ con cháu dâng cúng. Dĩ nhiên niềm tin này cũng bắt nguồn từ các truyện tích Phật giáo. Vào ngày này, nhờ các phép cúng cô hồn, đặc biệt nhờ uy lực của ngài Tiêu Diện Đại sĩ mà chúng sinh nói chung và các vong linh nói riêng được thoát cảnh khổ, được trở về nhân gian để nhận các đồ hiến cúng.

Riêng về vàng mã, có Vũ Lâm Sứ giả quản việc phân phát, khiến cho việc chia được công bằng, đồ cúng cho ai thì người đó nhận. Người dân còn gửi vàng mã vào chùa, xin điệp cấp Tam bảo để đốt theo, nhằm hộ trì cho vong linh được thụ dụng đồ dâng cúng, không còn phiền não vì phải giành giật.

Riêng đối với nhà chùa (xin lấy dẫn chứng ở miền Bắc), sau bất cứ tuần cúng tứ cửu nào cho vong linh, hay những tuần rằm và những dịp có lễ lớn, nhà chùa đếu có cúng thí thực, trong nghi thức này, một mâm tiền giấy, quần áo chúng sinh là không bao giờ được thiếu. Trong Văn Chiêu hồn, cụ Nguyễn Du có viết: “Gọi là manh áo, thoi vàng/ Giúp cho làm của ăn đàng thăng thiên/ Ai đến đó dưới trên ngồi lại/ Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu/ Phép thiêng biến ít ra nhiều/ Trên nhờ tôn giả chia đều chúng sinh…”.

Dân gian vốn quan niệm và cầu mong vong linh được “ăn no, mặc ấm”, không phải đói khổ. Còn hiện nay những hình thức cúng lễ tốn kém như nhà lầu, xe hơi, tiền đồng, tiền đô la, vật dụng… được làm to lớn và giống như thật chỉ là “thừa giấy vẽ voi”, “phú quý sinh lễ nghĩa”. Đó là những biến tướng của phong tục này. Không ít người thừa tiền, nhưng chỉ biết a dua, phô trương, khoe mẽ trong việc mua sắm nên không hiểu hết ý nghĩa nhân văn của nghi lễ này...

Thực tế, không có kinh điển nào nhắc đến việc cúng vàng mã?

Phật giáo du nhập vào mỗi một quốc gia theo một cách tiếp cận với văn hóa, tín ngưỡng bản địa khác nhau, nên trong quá trình dung hội, tiếp biến, có những cái trở nên đậm nét, có những cái phai nhạt đi, nhằm uyển chuyển, tương thích với tín ngưỡng, tâm lý, tình cảm người dân bản địa. Không phải vì không có ghi trong kinh điển, nên sẽ không có trong văn hoá Phật giáo.

Văn hoá Phật giáo được tạo nên trong quá trình tiếp biến, dung hợp, từ đó tạo ra các hình thức nghi lễ tôn giáo đặc thù. Phật thì chế, Tăng thì khai. Vì vậy Phật giáo đi vào dân tộc nào thì phản ánh rõ nét những tập tục sinh hoạt của dân tộc ấy.

Nếu đem so sánh văn hóa Phật giáo giữa dân tộc này và dân tộc kia thì nhất định sẽ khó có được câu trả lời thỏa mãn. Cho nên, khi nảy sinh các vấn đề phân biệt đúng - sai, tốt - xấu, cao - thấp trong một hiện tượng tín ngưỡng, tôi nghĩ tiếp cận nó dưới cái nhìn văn hóa thì sẽ dễ khoan dung hơn cả. Đây là điều Thượng tọa Thanh Quyết đã từng nhấn mạnh trong phát biểu của mình.

Phải chăng muốn khám phá một hiện tượng tín ngưỡng dân gian thì phải nhìn vào chiều sâu tâm linh của nó?

Đúng như vậy. Để thỏa mãn một điều linh thiêng thuộc về thế giới tâm linh, tinh thần, nếu cái gì chúng ta cũng đem giá trị vật chất ra để so sánh thì sẽ khó tránh khỏi mâu thuẫn. Đừng vì cái món mình ăn thấy ngon, nên buộc người khác cũng phải thấy ngon giống như mình đã ăn. Văn hóa tín ngưỡng không nên có sự cưỡng bức. Hơn nữa chỉ có một vài lần trong năm, trong một không gian tín ngưỡng đặc thù, người dân mới có dịp thể hiện tín ngưỡng này. Đó là lý do, vào những dịp Thanh Minh, Vu lan, hay cúng giỗ, người dân mới đốt vàng mã.

Trong một số nghi thức đặc biệt thường được tố chức vào dịp tháng Bảy âm lịch như Giải oan thích kết, Phá ngục, Chẩn tế, Chuyển pháp luân…, rất cần phải có các hình thức tạo hình bằng giấy, bằng khu tre gỗ (như đồ mã), sau khi tán đàn thì đem đốt. Nơi nào các thầy khéo tay thì tự làm, bằng không thì phải đặt ở những nơi làm đồ mã. Với những nghi thức này có thể gọi đó là văn hoá Phật giáo hay văn hoá dân gian, văn hoá dân tộc đều được cả.

Vậy cá nhân Đại đức từng trải nghiệm tín ngưỡng này như thế nào?

Trong truyền thống gia đình Việt Nam, người làm dâu phải lo việc cúng giỗ cho nhà chồng. Mẹ tôi lấy bố tôi khi ông bà nội tôi đã không còn. Khi ấy, nhà tôi lại ở cách xa quê nội đến mấy trăm cây số, nên mẹ tôi chỉ theo những gì bố tôi kể lại mà ghi nhớ tên tuổi, ngày mất, nơi an táng để hàng năm cúng giỗ. Và như bao nhiêu gia đình khác, mẹ tôi thường mua một ít tiền giấy xưa, còn quần áo thì mua giấy màu về tự cắt lấy để đốt biếu ông bà trong mỗi dịp giỗ tết.

Tôi còn nhớ trong khi cúng biếu quần áo, tiền giấy, mẹ tôi còn ghi rõ tên tuổi ông bà, táng tại đâu, nhận những đồ cúng gì, con cháu nào có lòng mua gửi biếu… Nhờ những dịp như vậy mà mọi người ý thức thêm về việc cúng bái ông bà, tổ tiên.

Riêng ngày Tết Nguyên đán, có lễ rước ông bà về và lễ tiễn (hay còn gọi là lễ hoá vàng), tức đốt một số tiền vàng cúng biếu ông bà đem theo, tuỳ vào lòng thành.

Tôi cũng nhớ, vào những ngày này, mẹ tôi còn sắp riêng một phần để cúng biếu ông tiền chủ bà tiền chủ (những người đã khuất nhưng từng sống ở khu đất ấy), và cũng không quên đốt biếu cho người bạn mà khi còn sống, người bạn ấy thường giúp đỡ mẹ tôi trong những lúc khó khăn, bệnh tật… Tôi nghĩ phần nào tín ngưỡng này cũng tạo ra sự an lòng.

Sau này đi tu, vào chùa làm chú tiểu, không bao giờ cúng cô hồn mà tôi không thấy có cháo và một ít tiền giấy, quần áo tượng trưng.

Có người cho rằng đốt vàng mã chỉ gây hại môi trường và tốn kém, Đại đức có nghĩ như vậy không?

Hầu hết các hiện tượng sinh hoạt xã hội, sản xuất tiêu dùng đều có những mặt trái của nó. Tuy nhiên, với câu hỏi này thì buộc chúng ta phải tiếp tục so sánh, mà biết rằng càng so sánh thì sẽ càng khập khiễng. Nếu chúng ta so sánh tiền tỷ với những thú vui thỏa mãn nhu cầu đa dạng của con người, thì chúng ta nghĩ sao khi người ta bắn pháo hoa tốn tiền tỉ, hay tiêu thụ lượng bia rượu, thuốc lá khổng lồ trong những dịp lễ tết?

Tại sao chúng ta không nghĩ những vất vả kiếm tiền trong cuộc sống không chỉ phục vụ cho nhu cầu ăn, mặc, ở, ngủ, mà còn những nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, tinh thần khác?

Còn về tác hại môi trường, tôi nghĩ với đồ vàng mã được làm chủ yếu bằng tre, nứa, giấy báo cũ, giấy màu và chỉ được đốt trong những dịp nhất định thì không phải vấn đề quá lớn đối với môi trường, và thấp hơn rất nhiều so với những mức độ gây ô nhiễm khác trong xã hội. Có nghiên cứu cho rằng, chỉ cần tiêu thụ 110g thịt cừu là đã ngang bằng với lượng chất thải gây hại của một chiếc xe chạy quãng đường dài 21km.

Thực sự, điều tệ hại nhất trong lối sống cộng đồng hiện nay vẫn là tác hại của bia rượu và thuốc lá, xả rác, nước thải độc hại, lò mổ động vật…, điều này không chỉ được tính bằng bằng thiệt hại vật chất khổng lồ mà còn liên đới đến sức khoẻ và tính mạng của nhiều người. Với bất cứ việc gì cũng vậy, chúng ta phản đối sự thái quá.

Đại đức nghĩ sao về một số phản ứng gay gắt với hiện tượng đốt vàng mã?

Tôi nghĩ một số người phản ứng gay gắt cũng có nguyên do từ những sự phô trương thái quá trong việc đốt vàng mã mà báo chí đưa tin, và cũng có thể do một số người không sinh sống ở miền Bắc, một vùng đất mà Tam giáo hoà quyện, tín ngưỡng giao thoa, nên ít có những trải nghiệm riêng về tín ngưỡng này.


Một cuộc lễ lãng phí, tốn kém, phô trương rất đáng lên án

Khi xưa, trò hát chèo và các trò múa hát, văn thơ Nôm dân gian bị một số triều đình phong kiến xem là dâm từ, làm hại đến thuần phong mỹ tục, nhưng chính nó lại được bảo lưu ở những chốn chùa chiền, trong những lễ hội truyền thống dân gian. Tôi nghĩ các loại hình văn hoá tín ngưỡng dân gian rất dễ bị tổn thương trong môi trường xã hội hiện đại, vì thế mong người Việt mình cùng nhau sàng lọc những giá trị tốt đẹp, đừng để biến tướng thái quá. Ở một số nước châu Á, trước làn sóng cải đạo tín đồ, các nhà sư luôn là người đứng đầu trong việc bảo vệ các hính thức tín ngưỡng, văn hoá bản địa. Tôi cho rằng, ở Việt Nam cũng như thế, không phải là ngoại lệ.

Nếu chúng ta nhìn người dân Nhật chăm chút ngày Vu lan với đầy đủ những hình thức tín ngưỡng có từ lâu đời, thì chúng ta sẽ hiểu và bớt đi những chỉ trích gay gắt đối với tín ngưỡng dân gian của mình.

Trong lễ Vu lan, người Nhật có lễ dâng lửa, và họ cũng đốt lửa hàng ngày để dẫn đường cho các linh hồn trở về nhà, và lễ hội kết thúc với nghi thức Toro Nagashi (thả thuyền giấy). Các con thuyền được làm bằng giấy rồi thả theo các con sông như là biểu tượng để tiễn đưa linh hồn những người quá cố trở về thế giới của họ. Những con thuyền giấy này khác gì đồ mã của ta, nhưng thay vì đem đốt thì họ thả xuống sông.


Nghi thức thả thuyền giấy trong Lễ Vu lan của người Nhật

Tôi rất thích và và chờ đợi những lý giải tiếp theo về “ngọn lửa” của anh Minh Thạnh. Với tôi hình ảnh “ngọn lửa” đúng nghĩa với tâm thành, không phô trương tốn kém trong những dịp cúng giỗ, cúng cô hồn… luôn ấm áp tình người.

Xin cảm ơn Đại đức về cuộc trò chuyện này!

http://www.phattuvietnam.net/diendan/15943.html