Lãnh Binh Tấn (1840[1]-1877) tên thật Huỳnh (hay Hoàng) Văn Tấn, còn được gọi là Huỳnh Tấn, Huỳnh Công Tấn; là một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân vào những năm gần cuối thế kỷ 19 tại Nam Kỳ, Việt Nam.

Cuộc đờiHuỳnh Văn Tấn, người thôn An Long (Yên luông nhị thôn), huyện Tân Hòa[2] (Gò Công), trước thuộc tỉnh Định Tường, nay thuộc tỉnh Tiền Giang.

Lúc đầu, Huỳnh Văn Tấn là thuộc hạ của lãnh tụ kháng Pháp Trương Định. Về sau, vì phạm quân kỷ bị chủ tướng phạt nên bực tức và cũng vì gian lao quá, chịu không nổi, Văn Tấn bỏ hàng ngũ sang làm cộng sự cho Pháp.

Theo sách Cuộc khởi nghĩa Trương Định, thì có lần Tấn ăn hối lộ của một viên cai tổng tại Gò Công, để giúp người này đem gia đình lên Sài Gòn, theo chính phủ mới. Việc vỡ lỡ, Văn Tấn bị Trương Định xử chém, nhưng nhờ có nhiều người can ngăn, nên được tha. Từ đó, ông rấp tâm làm phản. Nhân đi tuần tại miệt Gò Công, Văn Tấn gạt đồng đội trốn sang hạt Tân An, rồi trốn lên Sài Gòn gặp bạn là Trần Hữu Nguôn giới thiệu làm việc cho Pháp.

Có người lại cho rằng Văn Tấn vốn có thói mê đàn bà con gái, nên bị chủ tướng Định cảnh cáo. Có lần Trương Định tát tai Tấn về việc này, nên Tấn sanh tâm thù oán. Còn tài liệu do P.Vial, Giám Đốc Nội vụ ghi lại trong tập hồ sơ "Lãnh Binh Tấn ngày 31 tháng bảy 1869", thì trong một lần giao chiến Văn Tấn bị Pháp bắt. Để đoái công chuộc tội, Tấn xin cung khai đầy đủ mọi việc quân của Trương Định, và bằng lòng làm cộng sự.[3]

Sau đó, vào tháng 2 năm 1862, Huỳnh Văn Tấn dẫn quân Pháp tấn công căn cứ nghĩa quân ở Gò Công. Biết được, Trương Định rất tức giân, cho người lên Sài Gòn tìm cách trừ khử Văn Tấn, nhưng không thành công.

Trong một lần tấn công khác, bị bắn trúng ở đùi, được đưa về Sài Gòn chữa trị, nên Văn Tấn càng dốc lòng muốn diệt Trương Định.

Ngày 19 tháng 8 năm 1864, biết được Trương Định cùng 25 nghĩa quân từ chiến khu Bình Xuân trở về Kiểng Phước, nơi vùng Đám Lá Tối Trời, Văn Tấn liền cho người đi báo với Pháp xin viện binh, còn mình cùng với một số thuộc hạ, mai phục bên nhà Trương Định ở. Tờ mờ sáng hôm sau (20 tháng 8 năm 1864), quân của Văn Tấn tràn vào, Trương Định cùng các thuộc hạ chống trả quyết liệt. Nhưng một viên đạn của đối phương đã trúng ngay xương sống làm Trương Định không thể chiến đấu được nữa. Ông Định đã rút gươm tự sát tại Ao Dinh (Gò Công), để bảo toàn khí tiết. Trong số 25 nghĩa quân theo phò chủ trướng, chỉ còn mười tám người, tất cả đều bị bắt sống. Nghe Văn Tấn dụ hàng, ai nấy đều mắng chửi Tấn thậm tệ, và Tấn đã ra lệnh bắn chết hết.

Ngoài công lao vừa kể, Huỳnh Văn Tấn còn giúp Pháp bắt được Nguyễn Trung Trực, khi vị lãnh tụ này chạy ra đảo Phú Quốc (1868).

Sau bị người Pháp chán ngán vì lối làm việc luông tuồng, quê mùa, thất nhân tâm, lấn quyền...và ngây thơ đến mức dám chê bai, tố cáo lề lối cai trị của quan Tham biện Pháp ở hạt Bến Tre đến quan Giám đốc Nội vụ Pháp (directeur de l'intérieur) Pauli Vial.

Bởi vậy, Quan Giám đốc Nội vụ phẫn nộ, trách mắng, tìm cách đổi Tấn về miền Đông Nam Kỳ, nhưng vào năm 1869, Văn Tấn lại được chút tín nhiệm nhờ qua Cần Giuộc bắt phó đốc binh Bùi Duy Nhứt đang chống Pháp.

Thời kỳ bắt giết bừa bãi đã qua, Pháp muốn chiêu an, nên tìm cớ không dùng Văn Tấn nữa. Năm 1877, Huỳnh Văn Tấn lâm bịnh nặng. Người nhà dùng “ghe hầu” (ghe nhà giàu có mui có buồng riêng) lên Chợ Lớn để chạy chữa, nhưng mới được nữa đường thì mất. Đó là ngày 26 tháng 11 năm 1877, hưởng dương 37 tuổi. Sau khi Huỳnh Văn Tấn mất, nhà cầm quyền Pháp cho xây dựng đài ghi công ông tại tỉnh lỵ Gò Công (nay là thị xã Gò Công). Năm 1945, đài ghi công bị đồng bào kéo đến đập phá tan tành...[4]

Nhận xét
Theo nhà văn Sơn Nam thì: Huỳnh Văn Tấn là người thất học, không tham vọng lớn, khả năng chỉ có giới hạn; nhưng Văn Tấn vẫn trở nên giàu có nhờ tài tổ chức sòng bạc, chiếm đất, bắt dân làm xâu phục vụ cho việc làm ăn riêng tư của mình. Ngoài ra, khi lãnh trách nhiệm dọ thám cho người Pháp, Văn Tấn biết lợi dụng địa vị này, để bắt hay tha người để trục lợi. Thực dân Pháp xài Văn Tấn, chẳng qua để gìn giữ vùng Gò Công và Bến Tre là nơi Tấn từng lui tới, am hiểu nhân dân và địa thế. Pháp phong cho chức lãnh binh của lính mã tà, tức là chức vụ quân sự cao nhứt trong một tỉnh thời đàng cựu. [5]. Vì vậy, Huỳnh Văn Tấn còn được người đời gọi Lãnh Binh Tấn. Về sau, Pháp không phong chức này cho ai nữa vì ở thuộc địa, quyền chỉ huy quân sự nằm trong tay người Pháp. Sở dĩ lúc ban đầu Pháp phong như vậy, chỉ vì muốn Văn Tấn hăng hái hoạt động.[6]

Bài Thơ chống Pháp và tay sai của một tác giả khuyết danh, có câu:
Chó săn có lũ thằng Tường,''
Thằng Lộc, thằng Tấn, thằng Phương một đoàn...[7]
Hay tin ông mất, Tôn Thọ Tường là bạn đồng liêu, có hai câu đối viếng:
Phúc qưới thị thảng lai, oanh liệt hùng tâm khinh nhứt trịch,
Thinh danh ưng bất hủ, ức dương công luận phú thiên thu.
Tạm dịch:
Giàu sang ấy thoáng qua, lừng lẫy hùng tâm khinh một ném,
Tiếng tăm đành chẳng mục, chê khen công luận phú ngàn năm.
Thông tin thêm
Trên mười lăm năm tiếp tay cho Pháp, Văn Tấn gầy được một sản nghiệp to lớn về ruộng đất để lại cho các con, hai trai ba gái. Một gái chết nhỏ, hai gái đi tu theo Nhà Dòng, con trai lớn được người đời gọi là cậu Hai Miêng. Văn Tấn mất, Pháp cho làm tang lễ trọng thể. Và có lẽ vì sợ những người căm hận Văn Tấn, nên gia đình bí mật chôn ông vào một trong năm cái huyệt và xây năm mộ giống nhau ở Yên Luông! Vợ Văn Tấn, được dân gọi là Bà lớn, người hiền thục, lập một ngôi chùa thờ Quan Thánh, gọi là chùa Ông, trong có bài vị thờ Văn Tấn. Năm 1987, bài vị vẫn còn. Ngôi chùa nay là nhà trẻ Sơn ca. Để ghi nhận công lao Văn Tấn, Pháp cho lập tháp và khắc bia. Tháng 10 năm 1945, nhân dân kéo đến phá tan tháp.[8]
Con trai Huỳnh Công Tấn là Huỳnh Công Miêng, du học bên Pháp, về xứ lúc đầu theo Phủ Trần Bá Lộc, đánh với phe "Văn Thân" ngoài Thuận Khánh, do Mai Xuân Thưởng dẫn đầu. Sau này nghĩ sao không rõ mà không nhận chức gì, chỉ ngao du ăn xài theo bực công tử. Đi khắp Lục Tỉnh, đi đến đâu, ưa đánh lộn bênh vực người mắc nạn, hết tiền vô quan Tây "mượn xài". Quan nể tình cũ ông cha, hằng trợ giúp và dầu phạm pháp cũng không bắt tội. Khi chết được đời nhắc tên trong "vè Cậu Hai Miêng" với danh từ ngộ nghĩnh là "lưu linh miễn tử".