Sau trận đại bại ở Warterloo vào ngày 18/6/1815, Napoleon bị buộc phải thoái vị lần thứ 2 và bị đày ra đảo thánh bà Helene giữa Đại Tây Dương do lính Nga, Anh, Phổ canh giữ. Ông bị đồn là mất tại đó ngày 5/5/1821 nhưng trên thực tế, bị giam cầm và chết ở đây không phải là Napoleon mà là một người giống hệt hoàng đế.

Phải trả giá chỉ vì… giống hoàng đế

Sau khi đăng quang hoàng đế ít lâu, theo lệnh của Napoleon, các nhân viên mật vụ của ông tỏa đi khắp châu Âu để tìm kiếm những người giống hoàng đế. Theo một số nguồn tin, có bốn người giống hệt Napoleon luôn luôn túc trực trong đại bản doanh của ông và không được xuất đầu lộ diện.

Ba người trong số đó phải trả giá đắt cho sự giống nhau đó – một người bị ăn đạn, một người bị đầu độc ngay trước trận Waterloo, người thứ 3 bị ngựa quật ngã và bị trở thành tàn phế. Chỉ còn người thứ 4 tên là Francois Eugene Robeaud, sau khi Napoleon bại trận và bị phế truất, trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình là ngôi làng Balencuoc ở Pháp, trên bờ sông Meuse. Tại đó, ông ta sống trong căn nhà của mình với người chị gái chưa lập gia đình. Thế nhưng người cựu chiến binh của hoàng đế vẫn không bị lãng quên...

Mùa hè năm 1818, một cỗ xe ngựa sang trọng mà người dân tỉnh lẻ hiếm khi thấy, xuất hiện trên đường làng Balencuoc và đậu trước ngôi nhà xềnh xoàng của Robeaud. Ai ngồi trong cỗ xe được che rèm kín mít và có quan hệ như thế nào với người cựu chiến binh – lời giải đáp cho câu hỏi này tới nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Những người làng tò mò được chính Robeaud giải thích rằng đó là một người nào đó muốn mua mấy chú thỏ của ông cho một người bạn. Ai mà biết được rằng có đúng như vậy không. Có điều sau đó ít lâu, vào tháng 8 năm đó Robeaud và người chị gái của ông ta bỗng nhiên vĩnh viễn biến mất khỏi ngôi làng vào một đêm khuya khoắt, không một lời chào tạm biệt bà con hàng xóm.

Còn sở cảnh sát thì không hiểu vì sao lại quan tâm đến vụ việc này. Phải chăng do chỗ anh chàng cựu binh Robeaud từng phụng sự dưới triều hoàng đế Napoleon hay vì một lý do khác?

Hơn một năm sau người ta tìm thấy chị của Robeaud ở Nanta. Bà sống ở đó khá phong lưu. Tất cả các khoản chi phí đều được vị bác sĩ hảo tâm từng đến mua thỏ, thanh toán song phẳng qua bưu điện hoặc có người đem tiền đến tận nhà. Song sở cảnh sát không mấy chú ý tới người chị gái mà chủ yếu quan tâm đến số phận của Robeaud, anh ta đang ở đâu – điều này bà chị cũng không rõ. Bà chỉ biết láng máng rằng cậu em được tuyển mộ làm thủy thủ, thường đi biển rất lâu và rất xa. Và tung tích của Robeaud bị xóa nhòa từ đấy.

Khi nhà buôn mang tên “hoàng đế”

Cũng vào khoảng thời gian đó, những người canh giữ hoàng đế Napoleon trên đảo Saint Helene thấy rằng người tù của họ thay đổi một cách khác thường. Qua cách nói năng cử xử, ông ta càng ngày càng ít giống với vị chúa tể từng chinh phục cả thế giới. Và nét chữ của ông ta vào những năm gần đây cũng chẳng giống mấy với những gì mà Napoleon viết.

Thực tế người bị giam cầm và chết ở đảo thánh bà Helene không phải là Napoleon mà là một người giống hệt hoàng đế.

Còn có thêm một chứng cớ lạ lùng nữa được ghi nhận vào cuối năm 1818, khi Robeaud biến mất khỏi ngôi làng. Viên tướng Bertran, một trong những chiến hữu của hoàng đế, theo ông ra đảo thánh bà Helene và ở đó cho đến ngày cuối cùng của hoàng đế. Người ta còn lưu giữ được một bức thư của phu nhân tướng quân Bertran gửi cho một người nào đó. Trong bức thư có một câu bí ẩn: “Thắng lợi, thắng lợi rồi! Napoleon rời đảo”.

Vào những ngày cuối cùng của năm 1818, khi vợ viên tướng Bertran trong lúc xốc nổi, đã để lộ ra rằng Napoleon rời khỏi nơi giam giữ, thì một con tầu cập bến Verona ở Italy. Một hành khách duy nhất bước lên bờ - đó là signor Revard, như người ta gọi ông. Đến Verona, Revard làm nghề buôn bán. Chẳng bao lâu người thương gia mới đến có một người bạn hàng người bản xứ tên là Petrussi, chuyên buôn bán kim cương.

Người dân thành Verona vốn vui tính. Bởi vậy, khi nhận thấy người công dân “lính mới tò te” của họ trông rất giống những bức chân dung của Napoleon, thì ngay từ những ngày đầu tiên họ đã đặt tên cho ông là “Hoàng đế”. Một số người thậm chí đã xưng hô với ông như vậy. Để đáp lại, Signor Revard chỉ nhếch mép cười một cách miễn cưỡng.

Còn nói đến chuyện buôn bán làm ăn thì theo lời Petrussi, Revard chả có chút kinh nghiệm nào cả. Ông ta không mảy may quan tâm đến việc lỗ lãi. Thật là một điều kỳ lạ đối với một nhà kinh doanh.

Mấy năm trôi qua. Bất thình lình vào trưa ngày 23/8/1823, một cỗ xe ngựa dừng lại cạnh văn phòng thương mại, nơi Revard và Petrussi đang ở đó. Người tùy phái xin được gặp Signor Revard, và sau khi tin chắc rằng đây đích thực là ông ta, đã trao cho người mình cần gặp một bức thư có đóng dấu xi. Những điều mà “hoàng đế’ đọc được trong bức thư rõ ràng làm cho ông ta lo lắng. Bằng một giọng xúc đông, ông ta thông báo với Petrussi rằng do có tình hình gấp nên ông ta buộc phải rời khỏi đây.

Sau hai giờ, ông ta xuất hiện trong văn phòng một lần nữa. Signor Revard giờ bận y phục theo kiểu đi đường. Cỗ xe ngựa với người tùy phái vẫn chờ ông ở cửa. Lúc chia tay, ông ta đưa cho người bạn hàng một chiếc phông bì và dặn rằng nếu sau ba tháng nữa ông ta không trở lại thì nhờ signor Petrussi đích thân mang đến Paris và trao cho người có tên trên phong bì.

Khi tiếng bánh xe kêu lọc cọc trên con đường lát đá đã lắng xuống, Petrussi đưa mắt liếc nhìn chiếc phong bì. Trên đó người bạn hàng của ông tự tay mình đã ghi dòng chữ: “Kính gửi Đức vua nước Pháp”.

Bí mật được chôn vùi 30 năm

Ba tháng trời trôi qua, Signor Revard không quay trở lại thành Verona. Theo lời hứa, Petrussi bèn đến Paris để trao chiếc phong bì. Về chuyện này, ông ta không cho ai biết. Mọi người chỉ biết rằng vì sự vất vả này ông ta đã được thưởng hậu hĩnh đến mức không thể giải thích nổi. Nhân danh đức vua, người ta đã trao cho ông 100.00 đồng curon. Về quy mô của số tiền đó, có thể thấy được một cách gián tiếp như sau: vào thời điểm bấy giờ, nhạc sĩ nổi tiếng Sebastien Bach được trả thù lao một curon cho buổi trình diễn của ông.

Đó là khoản tiền trả công cho sự giúp đỡ hay đồng thời cũng cho sự im lặng? Có lẽ cả hai. Bởi vì Petrussi đã im lặng suốt 30 năm. Có lẽ đó là thời hạn được quy ước ở Paris.

Cuối năm 1853, Signor Petrussi đột ngột đến gặp các nhà chức trách ở Venora và nói rằng ông ta muốn thông báo một tin rất quan trọng và sẵn sàng thề chỉ nói sự thật. Sau đó ông ta nói ra những điều mà chúng ra biết ở phần trên. Mỗi một lời nói của ông đều được ghi lại và ông cùng các nhân chứng khác đã ký tên xác nhận ở dưới cùng theo đúng thủ tục hiện hành.

Câu nói cuối cùng của ông khẳng định người bạn hàng của ông không ai khác chính là Napoleon Bonapart. Tập hồ sơ này cho đến nay vẫn được lưu giữ trong kho lưu trữ ở Verona. Chuyện gì đã xảy ra với signor Revard sau khi ông ta rời thành Verona, không ai có thể biết một cách chính xác. Việc ông ta không quay trở lại Verona, đã được một số người viết tiểu sử của Napoleon gắn vơi một sự cố xảy ra trong lâu đài Schonbrunn ở Áo vào đêm 4/9/1823, tức là sau khi Signor Revard rời thành Verona được hai mươi hôm.

“Kẻ trộm” được mai táng trong hầm mộ gia đình công chúa nước Áo

Theo quyết định của người đã chiến thắng Napoleon, cậu con trai nhỏ tuổi của cựu hoàng đế nước Pháp hơn một năm bị giam giữ trong tòa lâu đài. Đêm hôm đó bầu không khí báo động bao trùm khắp tòa lâu đài Schonbrunn. Đức vua La Mã (đó là tước chính thức được phong cho cậu con trai của Napoleon) bị lên cơn sốt phát ban rất nguy kịch. Căn bệnh hiểm nghèo này thường kết thúc bằng sự tử vong. Trừ chú bé đang lâm bệnh, tất cả mọi người đều nghe thấy một tiếng súng vang lên trong khu lâu đài giữa đêm khuya tịch mịch. Chính phát súng đó đã lấy đi sinh mạng người cha của chú bé.

Theo lời người lính canh, khi mọi người trong lâu đài đã đi ngủ, anh ta nghe thấy tiếng sột soạt và nhìn thấy một người từ trên tường tụt xuống. Anh ta bắn một phát theo đúng điều lệ. Xong đáng tiếc là người lính gác không chỉ là một binh sĩ cần mẫn mà còn là một tay súng thiện xạ.

Không một ai sống trong tòa lâu đài hoặc cư dân trong vùng biết tung tích kẻ bị bắn chết. Cũng như không một ai có thể nói rằng tại sao kẻ lạ mặt lại định thâm nhập vào tòa lâu đài giữa đêm khuya khoắt. Sở cảnh sát coi như vụ này đã khép lại và định đưa kẻ xấu số đi chôn. Nhưng theo lời đề nghị khẩn khiết của vợ Napoleon là công chúa Áo Marie Louise, thi hài người quá cố được mai táng dưới một nấm mồ vô danh trên lãnh thổ lâu đài.

Theo một giả thuyết khác, người quá cố được mai táng trong hầm mộ gia đình của Marie Louise nhưng cũng vô danh.

Francois Eugene Robeaud, người đóng giả Napoleon, có phần may mắn hơn. Cái chết của ông ta không phải là vô danh. Trong cuốn sổ của nhà thờ ở làng quê ông ta còn lưu trữ những dòng: Francois Eugene Robeaud sinh tại làng đó năm 1711. Mất trên đảo thánh bà Helene. Ngày chết bị xóa mờ. Lý do duy nhất khiến ai đó thấy cần phải làm điều đó có lẽ là sự trùng khớp giữa ngày chết của ông và ngày chết của Napoleon – 5/5/1821.

Nếu như điều phỏng đoán phù hợp với sự thật thì người nằm dưới tấm bia mộ hoàng đế nước Pháp Napoleon Bonapart trong khu mai táng các vĩ nhân “invalid” giữa Thủ đô Paris tráng lệ không phải là hoàng đế mà cũng chẳng phải là Napoleon. Nhưng do tự nguyện gánh lấy số phận của vị hoàng đế, ông ta xứng đáng được nằm ở đó.
Theo Bee