Trước hết, nhân dịp đầu năm TV xin cầu chúc cho tất cả cả bạn được sức khỏe, bình an, và tâm hồn luôn ...mát mẻ. Và bây giờ, TV xin vào vấn đề chính.

Trong thời gian qua, TV rất vui vì trong Thế Giới Vô Hình vốn là nơi chuyên về ...bùa ngãi, lại có rất nhiều bài viết về Phật Pháp. Quy tụ không ít độc giả cùng tham vấn. Thế nhưng đáng tiếc là hầu như đa số những đề mục được lập ra không được bao lâu thì đều dẫn đến tranh cãi, thậm chí còn chửi bới lẫn nhau. Mà tựu trung cũng chỉ vì ...Phật Pháp!!!

Từ xưa đến nay, chỉ nghe người ta nói Phật Pháp dẫn dắt chúng sinh từ bờ mê sang bến giác. Hóa độ chúng sinh từ người ác trở thành hiền. Ấy vậy mà bây giờ tận mắt chứng kiến cảnh ...Phật Tử vì Phật Pháp mà tranh cãi, không những khiến cho bản thân mình không vui, mà còn khiến cho mọi người chán nản. Có câu:

"Nhàn trung kiểm điểm bình sanh sự
Tĩnh lý tư lương nhật sở vi."

Mong rằng các bạn xem đến đây hãy dùng trí tuệ và nền tảng Phật Học của mình mà lượng định nhé!

Nhận thấy những vấn đề bị ....nóng ....lên xung quanh 2 việc, nên hôm nay, TV xin mạn phép có vài lời góp ý như sau:

1/ Đại Thừa và Tiểu Thừa hay Nam Tông và Bắc Tông:

Bản thân TV đến với Phật Pháp qua cửa chùa ...Nguyên Thủy Nam Tông. Nên TV ngày xưa cũng rất bức xúc, hay nói cho đúng là ...trái tai, gai mắt với bên Bắc Tông. Vì sao?

Đó là vì xét theo lịch sử Phật giáo thì rõ ràng chỉ có 1 vị Phật được tất cả mọi giới công nhận, đó là đức Phật Thích Ca mà cả bên Nam Tông và Bắc Tông cùng thờ phụng. Ấy vậy mà trong khi các Phật Tử Nam Tông luôn dùng câu ....Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật làm câu tán thán công đức của Ngài thì các Phật Tử bên Bắc Tông thông thường chỉ lấy câu ....Nam mô A Di Đà Phật.... làm câu cửa miệng. (TV chỉ đề cập đến Phật giáo ở VN).

Rõ ràng quá bất hợp lý, phải không các bạn? Bởi lẽ dù cho đức Phật A Di Đà là có thật đi nữa, nhưng dẫu sao ngày nay người ta biết tới Phật Giáo là từ đức Phật Thích Ca hình thành (tạm gọi vậy) nên. Có lý đâu vị giáo chủ, tổ sư, chính thống hiện hữu, thực tại lại không ...niệm. Mà lại chỉ niệm tới 1 vị Phật ở 1 cõi xa xăm nào đó....

Thử hỏi, nếu không có đức Phật Thích Ca truyền đạo (tạm gọi vậy) thì ngày nay, liệu có ai biết tới cái gì gọi là ...Tịnh Độ, Mật Tông, Thiền Tông ...v...v... của các vị theo Bắc Tông hay không?

Đó là 1 vấn đề. Vấn đề thứ 2 khiến cho TV trái tai, gai mắt là ở chỗ bên Bắc Tông tiếng là tu theo Phật nhưng nhìn vào, ngoài cái đầu không có tóc ra, không thấy giống môn sinh của Phật ở chỗ nào. Từ y phục, cho tới việc tu hành.

Phật còn tại thế, vẫn mỗi ngày trì bình khất thực độ nhật. Ấy là vì đã đi tu như Ngài thì không được làm việc gì để sinh lợi (vật chất), nhất là càng không được thọ nhận hay tích trữ bất cứ một tài sản nào. Do vậy, phải nhờ vào miếng cơm của bá tánh mà độ nhật để có sức khỏe mà tu hành. Cũng vì vậy mà lại là phương tiện cho bá tánh có cơ hội làm phước.

Các vị sư Nam Tông ngày nay, vị nào đạo hạnh đầy đủ vẫn hành trì như vậy. Vị nào chưa thoát khỏi những vướng mắc của vật chất thì ít ra vẫn mỗi ngày trì bình khất thực, và không bao giờ ăn quá Ngọ.

Trong khi các vị sư Bắc Tông thì tu theo Phật mà hành thì y như mấy ông ...đạo sĩ. Từ việc ăn chay, gõ mõ tụng kinh, cho tới trang phục, và làm đủ trò phù chú, cúng kiếng.

Cũng vì lẽ đó mà người ta thường đến với chùa Bắc Tông hơn. Bởi vì muốn xin gì cũng được. Bói toán, xin xăm, gieo quẻ, thứ nào cũng có. Thậm chí muốn thỉnh tranh tượng Phật về thờ thì cũng phải đi chùa Bắc Tông. Vì ở đó mới biết làm phép ...khai quang, điểm nhãn cho Phật?

Đã vậy, họ còn tuyên bố mình đang tu hành theo Đại Thừa. Diễn nghĩa đen là như chiếc xe lớn. Có thể chở được nhiều người. Trong khi bên Nam Tông chỉ đang tu hành theo Tiểu Thừa. Như một chiếc xe nhỏ không chở được ai. Đôi khi có người còn nhận xét bên Tiểu Thừa là hạng ích kỷ, chỉ biết tự tu cho mình mà không giúp gì được cho ai cả?...
.................................

Nói chung, khi tâm ta còn chấp nhặt như vậy, thì đừng nói gì là các Phật tử hay tu sĩ, vốn là người ít nhiều còn phàm tâm, tục tánh, mà dù có đắc đạo như đức Phật đi nữa vẫn có cái để ta ...bài bác. Cụ thể là trong kinh có nói ...khi Phật đi truyền đạo, trước sự oai nghiêm, đức độ của Ngài, với giáo pháp thâm sâu, mầu nhiệm thì vô số người noi theo, ủng hộ. Đồng thời cũng có không ít kẻ phá hoại, từ hàng ngoại đạo cho tới nội bộ tăng lữ của mình như ông Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta).

Chúng ta nên hiểu rằng thực tế không có cái đạo nào gọi là ...Đạo Phật cả. Mà chỉ có con đường, phương pháp tu hành như đức Phật để có thể thoát khỏi bể khổ sinh tử luân hồi như Ngài. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không nên dùng hai chữ Phật Giáo để tách ly chúng sinh. Để phân biệt người và ta, bạn và thù...v...v...từ đó mà có thái độ cho thích ứng.

Một người biết tu tâm, dưỡng tánh, hành thiện lánh ác thì dù họ là Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, ..v...v... đi nữa thì cũng là một Phật tử, là người dù biết Phật Pháp hay không, nhưng vẫn biết sống hợp theo lẽ đạo mà đức Phật Thích Ca truyền lại. Do vậy, gọi họ là Phật tử hoàn toàn không có gì là không đúng cả.

Ngược lại, một người biết Phật Pháp, thuộc kinh điển, thậm chí có thể là hàng tu sĩ xuất gia đi nữa, nhưng tâm đầy tà niệm, trí đầy ngã chấp, phân biệt đối xử, so sánh thiệt hơn, tự cao tự đại ...v...v... thì đó mới chính là hàng ...ngoại đạo. Ngoại đạo ở đây không có nghĩa là không phải thuộc một tôn giáo, mà là ...sống ngoài lẽ đạo mà đức Phật Thích Ca đã tu chứng và truyền dạy lại cho hậu thế chúng ta.

Kinh văn có ghi lại rằng ....xưa kia, ông Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta) vốn cũng là người có khả năng vượt trội. Ông cũng đắc thần thông (vì vậy mà khi tự lập giáo phái, cũng có rất nhiều tăng sĩ mê theo các phép thuật đó mà đi theo ông ta.), cũng có căn cơ vững vàng. Nhưng cũng vì ngã chấp, tà niệm mà so đo với đức Phật. Để rồi tự mình chia rẽ tăng chúng mà tự lập môn hộ. Rồi thì đi xa hơn nữa bằng việc rắp tâm giết hại Phật.

Quả thật là sai 1 li, đi 1 dặm vậy!... Do vậy, thật không sai khi cho rằng ...hạ đồ đao xuống là có thể thành Phật. Ở đây, hạ đồ đao không phải chỉ ở hiện tượng bỏ con dao xuống, mà ý chính là ....lòng đã biết hướng thiện mà lánh ác. Và khi đã biết hướng thiện, chắc chắn người đó đã biết phân biệt được Thiện-Ác. Cứ thế mà hành, theo thời gian, thiện tâm tích tụ đầy đủ, huệ nhãn ngày càng sáng suốt, thì chắc chắn sẽ có ngày đắc đạo mà thành Phật.

Chúng ta nên biết đức Phật giảng đạo, nói về những sự thật đúng với tất cả chúng sinh trong Lục Đạo Luân Hồi, do vậy, thật sai lầm khi ta phân biệt con người và súc sinh. Phật giáo và các tôn giáo khác. Nhất là ngay bản thân Phật giáo mà đi phân biệt Đại Thừa và Tiểu Thừa, Thiền, Tịnh, Mật, ...v...v... Thật là không có gì sai lầm hơn.

Vì sự phân biệt có chỗ khác nhau giữa người và ta mà chúng ta luôn ôm ấp bản ngã vào lòng. Để rồi tự trói buộc mình, nhốt mình trong nhà tù được bao bọc bằng chữ Tôi ấy.

Tôi không làm được việc này, vì gia đình Tôi không thích. Tôi không đi được chỗ nọ là vì vợ con Tôi không cho. Tôi biết lời Phật dạy là đúng, nhưng còn chưa hành theo là vì Tôi còn phải lo cho gia đình tôi, vợ con tôi.....v..v... Thử nghĩ, vậy khi chết, đâu có ai trong cái Tôi đó cho hay muốn, mà vẫn phải lìa đời đó thôi! Phải không các bạn?

Từ chỗ phân định rạch ròi quá như vậy, nên tốt với Tôi, giúp cho Tôi, hợp ý Tôi thì ...Tôi vừa lòng. Có trái tai, gai mắt, thậm chí thấy bạn chửi người ta Tôi cũng cho qua. Bằng ngược lại, chê Tôi, chỉ trích Tôi, ghét Tôi, ...thì không xong với Tôi đâu! Tôi sẽ tìm đủ mọi cách để ...ăn miếng, trả miếng ...thì Tôi mới hả dạ.

Suốt đời cứ như vậy, không khác gì một người cứ đứng một chỗ để lo lắng và bảo vệ cho cái Tôi ấy. Làm sao mà có thể đi nơi khác mà thấy được, học được nhiều điều tốt đẹp khác chứ?

Chúng ta phân biệt giữa người và ta nên mới có bạn và thù. Để rồi cứ lẩn quẩn mãi trong vòng thù, bạn đó.

Chúng ta phân biệt giữa người và vật nên mới lạm sát vô can, dễ duôi cho khoái khẩu, bổ thân mà tàn hại sinh linh. Tạo nghiệp chồng chất.

Chúng ta phân biệt giữa tôn giáo mình và tôn giáo kia nên cố chấp, bảo thủ, định kiến, mê tín (tin theo mê muội) với tôn giáo của mình và ra sức bài xích, chê bai, phỉ báng tôn giáo khác. Kết quả là ta không học và hành theo được những cái hay, lẽ phải qua sự truyền bá của các tôn giáo. Các tôn giáo chỉ như là tấm bản đồ. Trong đó có nhiều con đường dẫn đến nơi mà ta muốn đến. Nếu ta không chịu xem, thì có lẽ suốt đời ta chỉ biết mỗi một đường mà thôi. Một khi con đường đó có trở ngại, là ta sẽ bị phong tỏa. Không biết nẻo mà lần...

Nếu bạn tin Phật, thì hãy xem ngay bản thân đức Phật cũng học hỏi kinh điển Vệ Đà, bái nhiều người làm thầy mà gom góp kiến thức. Để rồi sau đó tự mình chiêm nghiệm mà nhận ra chỗ đúng sai, khi có được con đường chính đạo thì lập tức hành theo mà đắc đạo.

Nếu khi ấy Ngài cứ cố chấp mà tẩy chay các đạo khác thì xem như Ngài không còn đường để đi. Đơn giản vì lúc đó lấy đâu ra ...Đạo Phật để theo.

Nếu Ngài mê tín theo một vị thầy mà nhất nhất y theo, thì chắc chắn Ngài không thể nào có được cái nhìn của bậc Toàn Giác. Bởi vì vị thầy nào cũng có chỗ khiếm khuyết của mình.

Chúng ta phân biệt Nam Tông, Bắc Tông, Tịnh Độ, Mật, Thiền v..v... vô hình trung chúng ta đã là một ông Đề-Bà-Đạt-Đa hiện đại. Đang làm cái việc phá hòa hợp tăng mà không biết. Và đó là một trong ngũ nghịch đại tội mà kinh văn nhắc đến.

Việc đó không biết các bạn nhận thấy thế nào, tội phước có lẽ chưa tới ngay, nhưng rõ ràng khi tâm còn phân biệt như vậy, ta đã đang tự trói buộc mình. Đang làm nền tảng cho hỷ, nộ, ái, ố bành trướng. Mầm bệnh Tham, Sân, Si từ đó cũng có chỗ mà phát triển. Chắc chắn bạn không thể nào an lạc cho được.
.................................................. .............................

Cuối lời, TV mong sao chúng ta đang đi theo con đường của đức Phật để lại. Con đường của Ngài đưa đến giải thoát, nay ta chỉ chập chững đi theo, tuy chưa đạt cảnh viên mãn giải thoát khỏi sinh tử, luân hồi, thì ít ra cũng cảm thấy mát rượi vì tâm ta mỗi ngày cởi bỏ được những xiếng xích trói buộc. Trí ta thêm sáng suốt vì mỗi ngày ta lau được một lớp bụi đang phủ lấp tâm nhãn....

Là người học Phật, ta phải noi gương Phật ít nhiều mà biểu lộ hiện tánh hiền từ, bao dung, nhẫn nại .v...v... Nếu không khuyến khích nhau trong con đường đi tới thì cũng đừng gây trở ngại cho nhau mà dẫn đến nản chí, thối lui... Và nhất là ở nơi Vô Hình này, ta nên giữ theo Chánh Ngữ trong Bát Chánh Đạo của Phật truyền lại. Có vậy thì mới khiến nơi đây bớt thù thêm bạn. Nhờ vậy mà mỗi người đều có được lợi lạc ít nhiều.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

...Thân ái,
-Thiên Vương-