Hành trình lý giải thuật thôi miên (1)

19/11/2011 09:22

Từ xưa đến nay, một số khả năng đặc biệt của con người vẫn là ẩn số đối với khoa học. Có vô vàn vụ án được cho là sử dụng thuật thôi miên để thực hiện tội ác xảy ra tại Việt Nam và trên thế giới khiến nhiều người hoài nghi.
Kỳ 1: Những câu chuyện do nạn nhân bị thôi miên kể lại



Dùng thuật thôi miên để phạm tội

Trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 12-2010, các sinh viên trong ký túc xá của trường Đại học ĐL vẫn còn nhớ như in câu chuyện về 5 sinh viên năm thứ 1 của trường bị một số đối tượng vào tận phòng để lừa đảo tài sản trị giá gần 50 triệu đồng gồm máy tính xách tay, điện thoại di động, thẻ tài khoản ATM… Hình thức mà đối tượng lừa đảo này áp dụng là vào phòng giả vờ bán hàng khuyến mại, sau đó tìm cách nói chuyện để các sinh viên này mơ màng, rơi vào trạng thái không kiểm soát được hành động của mình, không biết đối tượng lấy tài sản và ra khỏi phòng lúc nào. Tương tự như câu chuyện của 5 sinh viên nói trên, rất nhiều người bị mất tiền và tài sản trong trạng thái không hiểu lý do tại sao? Phương thức của các đối tượng này cũng hết sức đa dạng. Nếu đơn giản thì tình cờ làm quen rồi đi theo để hỏi han, nói chuyện sau đó lấy điện thoại, còn phức tạp hơn thì vào nhà hoặc các cửa hàng, đóng vai người đi tiếp thị hoặc người mua hàng để tìm cách chiếm đoạt tiền hoặc tài sản. Khi đã "hoàn hồn", những nạn nhân này đều cho rằng mình bị các đối tượng lừa đảo bằng cách… thôi miên.

Cách đây không lâu, trên đường Cầu Giấy, Hà Nội đã xảy ra một vụ "cướp của giữa ban ngày" mà nạn nhân là một cô gái trẻ. Theo lời kể của nạn nhân, khi cô vừa rời một cửa hàng tạp hóa thì có hai phụ nữ to béo đi trên một chiếc xe máy bám theo. Người phụ nữ ngồi sau bắt chuyện và nhìn chằm chằm vào sợi dây chuyền bạch kim cô đang đeo trên cổ. Sau vài phút trò chuyện, không hiểu sao cô gái ngoan ngoãn dừng xe để yên cho bà ta tháo sợi dây chuyền một cách dễ dàng. Khi họ đi khỏi, nạn nhân mới sực tỉnh và không hiểu sao mọi chuyện lại diễn ra nhanh đến như vậy. Mới đây tại miền Trung, một nhóm gồm ba đối tượng vào cửa hàng mua bán phụ tùng xe ô tô T.H. (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) gạ gẫm chị N. mua lọ nước hoa với giá 50 triệu đồng. Sau đó, bằng thủ đoạn của mình, các đối tượng đã khiến chị N. mất kiểm soát bản thân, nghe theo và sang nhà chị gái mượn 50 triệu đồng về mua nước hoa. Rất may, ngay khi các đối tượng vừa đi khỏi, chị N. chợt tỉnh liền tri hô và người dân gần đó đã hỗ trợ bắt gọn ba đối tượng trên giao cho công an phường. Chị N. cho biết: "Người phụ nữ lớn tuổi bảo tôi lấy tiền trả cho chị ta. Tôi như người điên, làm theo sự điều khiển của bà ta mà không hề ý thức được gì".

Cũng trong khoảng thời gian gần đây, hàng chục người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đến CQCA trình báo về việc bị một nhóm người thôi miên, lừa đảo lấy tiền và tài sản. Sau nhiều tháng truy tìm, công an huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã bắt được 3 đối tượng đang trên đường chạy trốn. Theo lời kể của các nạn nhân thì thủ đoạn của các đối tượng này là lựa chọn các hàng quán đơn lẻ ở xa khu dân cư để hành động. Lúc đầu, một đối tượng giả làm người đi giới thiệu bán các sản phẩm như son môi, phấn, dây chuyền, ngọc trai… để tiếp cận các chủ quầy hàng. Sau đó, 2 đối tượng khác đến sử dụng thuật thôi miên và lấy tiền, vàng của các chủ quán này. Hầu hết các nạn nhân đều kể lại rằng, họ ngồi nói chuyện với người bán hàng rồi đột nhiên cảm thấy mệt mỏi, nửa tỉnh nửa mê, dần dần không kiểm soát được suy nghĩ, hành động của mình, rồi tự động lấy vàng hoặc tiền đưa cho những người lạ mặt. Họ rơi vào trạng thái mê man hơn 15 phút và tỉnh dậy mới biết bị mất tài sản. Một trường hợp khác nghe có vẻ ly kỳ và khó hiểu hơn như sau: Một thiếu nữ trên đường đi làm về gặp một người đàn ông đi cùng chiều, ông này đã chủ động bắt chuyện và đọc thơ tình cho cô nghe. Người này giới thiệu là nhà thơ và đang đi tìm cảm xúc để sáng tác. Sau một hồi trò chuyện, cô gái thấy người mệt mỏi, choáng váng, chân tay không muốn cử động, để cho anh ta mặc sức sàm sỡ mình mà không thể chống cự… Còn rất nhiều vụ việc bị mất tài sản, lừa đảo, chiếm đoạt, lợi dụng theo những kiểu "thôi miên" tương tự. Nhưng cho đến nay, vì nhiều lý do nên rất ít vụ việc được trình báo đến cơ quan điều tra.




Ảnh minh họa

Những ai dễ bị thôi miên?

Theo những nhà ngoại cảm ở Việt Nam nhận định, thôi miên là một dạng ức chế thần kinh của lớp vỏ não con người. Đây là trạng thái ức chế từng phần của vỏ não, giống như khi ta đang ngủ nhưng vẫn tồn tại một tiềm thức, một "điểm thức" nào đó ở vỏ não. Trên thế giới hiện nay vẫn tồn tại 2 giả thiết về cơ chế của thôi miên: Thứ nhất là thôi miên dùng lời nói, ánh mắt dẫn dụ người khác vào trạng thái mất ý thức, chịu sự điều khiển của người thôi miên. Trường hợp thứ hai là điều khiển bằng tự lực sinh học, do những người có khả năng đặc biệt điều khiển hành động người khác bằng ý nghĩ của mình.

Theo Th.S BS chuyên khoa II Đào Trần Thái (Đại học Y TP HCM) thì người dễ bị thôi miên là những người dễ bị ám thị. Ám thị là sự tiếp nhận thụ động tác động tâm lý từ bên ngoài, gây biến đổi nhất định về thể chất, tâm thần và là hiện tượng tâm lý bình thường. Tính ám thị khi bị thôi miên dao động tùy lứa tuổi, tăng cao ở những người trẻ tuổi (lúc nhân cách chưa ổn định và chưa hoàn chỉnh). Những người trẻ chưa có gia đình, tuổi thanh thiếu niên dễ bị ám thị. Những người tính tình thiên về cảm xúc, không sống về lý trí dễ bị thôi miên. Tính dễ bị ám thị còn phụ thuộc vào trình độ nhận thức, kinh nghiệm sống, tình trạng sức khỏe và nhân cách. Những người nhận thức kém, ít trải nghiệm trong cuộc sống, sức khỏe kém, đang ở trong tình trạng mệt mỏi... cũng rất dễ bị thôi miên. Nhiều nghiên cứu cho thấy một ám thị thôi miên gây ra các phản ứng neuron. Ví dụ, nghiên cứu do giáo sư Stephen Kosslyn, khoa thần kinh Bệnh viện đa khoa Massachusetts ở Boston tiến hành năm 1997: giáo sư đề nghị một nhóm 16 người quan sát một bảng màu đặt theo nhiều cấp độ và một bảng màu xám nhạt dần.

Các phản ứng của não được ghi nhận bằng kỹ thuật X-quang lớp phát hạt positron. Khi người tham gia trong tình trạng thôi miên, giáo sư yêu cầu từng người một "nhìn" bảng màu xám thành các màu sắc, thì vùng chẩm, xương đỉnh, một trong các khu vực nhận thức màu sắc được kích hoạt, tức là não đã phản ứng như nó nhìn thấy các màu ở vị trí màu xám, điều mà ám thị thôi miên yêu cầu. Theo thang độ của "tính dễ được thôi miên" do Đại học Stanford phát triển, 5% trong số chúng ta trơ ì với kỹ thuật thôi miên và chỉ 10% là bước vào trạng thái thôi miên sâu một cách nhanh chóng. Nhưng người ta còn chưa biết tại sao cho đến nay, vẫn không hề có sự tương quan nào giữa cấu trúc cá nhân và tính dễ ám thị được chứng minh. Theo tài liệu nghiên cứu trên thế giới, mỗi người đều có thể tự bảo vệ mình trước thuật thôi miên. Ví dụ, nếu có cảm giác nghi ngờ hoặc không thoải mái khi có người lạ đến bắt chuyện thì nên chấm dứt ngay cuộc trò chuyện và bỏ đi. Bên cạnh đó, để làm sao lãng và thoát ra khỏi sự kiểm soát của người thôi miên, đôi khi chỉ cần quay đi phía khác, xem đồng hồ hoặc chỉnh lại quần áo…

Có thể tự phòng và tránh thuật thôi miên?

Vẫn biết có đầy rẫy những câu chuyện về thôi miên được lưu truyền từ xưa đến nay, từ khắp nơi trên thế giới. Có vô vàn bài báo và nghiên cứu về thôi miên. Có những người tin cũng có những người nghi ngờ, coi thuật thôi miên là những sản phẩm tưởng tượng. Nhiều kẻ xấu thì dựa vào đó để làm những việc mờ ám. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể tránh được việc bị người khác thôi miên, sai khiến, lại là điều quan trọng, bởi phòng bệnh hơn chữa bệnh, nếu biết cách để khống chế cảm xúc, tâm lý của mình thì mọi người có thể cảnh giác hơn để tự bảo vệ chính mình.

Theo bác sĩ Hà Văn Tuấn (Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM), nếu thật sự có tội phạm sử dụng thuật thôi miên để gây án thì cũng có nhiều cách để phòng tránh. Trong đó, quan trọng nhất là cố gắng hạn chế tiếp chuyện người không quen biết. "Trẻ em, phụ nữ và thanh niên trẻ tuổi khi chỉ có một mình thì nên dè chừng, cảnh giác, không quá hào hứng khi tiếp chuyện với người lạ. Phải thường xuyên cử động, không để họ nhìn lâu vào mắt, vào gáy mình. Trí não luôn nghĩ nhiều việc khác để không bị cuốn vào câu chuyện của họ" - ông Tuấn khuyến cáo. Cùng quan điểm, bác sĩ Võ Văn Bản (Bệnh viện Pháp Việt, TP HCM) cũng tư vấn, khi giao tiếp với người lạ, mọi người nên chủ động ngắt câu chuyện đang nói hoặc làm việc khác để chấm dứt sự dẫn dắt của kẻ xấu. Nếu thấy mi mắt nặng, chân tay khó cử động... cần cắt ngay câu chuyện.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, muốn chống đỡ với thôi miên, mọi người nên tự mình tạo ra trường năng lượng mạnh bằng cách tập yoga, tập thiền, dưỡng sinh... để có sự tập trung tốt, có góc nhìn tốt hơn, khái quát hơn về cuộc sống xung quanh. Luôn cảnh giác với những việc làm mờ ám, không phù hợp với hoàn cảnh, cộng với bản lĩnh vững vàng sẽ không dễ bị thôi miên. Hiện nay, trên thế giới đã hình thành những tổ chức chuyên đào tạo kỹ thuật sử dụng thuật thôi miên vào những công việc xấu xa, trước những việc làm như vậy thì mọi người phải biết tự cảnh giác để bảo vệ chính mình, tìm hiểu thôi miên sẽ không còn là điều mê tín, bởi có tìm hiểu về thôi miên thì mới biết cách phòng và tránh không để những trường hợp đáng tiếc xảy ra.


(Còn nữa)