"Ma chài" ở vùng cao

23/12/2011 12:00

Một đứa trẻ ốm đau quặt quẹo, một người khoẻ mạnh lăn ra đột tử, nhà bỗng dưng bị cháy, gia súc bỗng nhiên bị chết…, tất cả những sự việc không may xảy ra chưa rõ nguyên nhân, đều được một bộ phận người dân tộc thiểu số vùng cao quan niệm là do "ma chài".

Hủ tục và niềm tin mù quáng này cùng với một thực tế "phép vua thua lệ… bản" ở không ít địa phương, đã và đang gây nên nhiều vụ án đau lòng giữa đại ngàn…

Những cái chết oan nghiệt

Khi chúng tôi lên đến nơi thì cỏ cây đã phủ xanh phần mộ bà Vàng Thị Say, 50 tuổi, ở bản Nậm Chua 4, xã Nà Hỳ, huyện Mường Nhé (Điện Biên). Người chết đã nằm dưới 3 thước đất nhưng cái chết oan uổng của bà vẫn làm nhói lòng và ám ảnh dân bản đến tận hôm nay. Ba tháng trước, khi đang ăn cơm ở trong chính ngôi nhà của mình, bà Say bị chính người hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau tên là Lầu A Sở, 21 tuổi xông vào chém chết. Người phụ nữ Mông hiền lành chân chất, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, không thù oán với ai, nhưng lại bị tước đi mạng sống hết sức tàn độc chỉ vì mê tín…

Đầu năm 2011, vợ Lầu A Sở sinh được một bé gái. Nhưng không hiểu sao đứa bé cứ ốm đau quặt quẹo, nuôi mãi chẳng lớn. Trong một cuộc trà dư tửu hậu mừng chiến tích bắn được con lợn rừng ở bờ sông Nậm Pồ, mấy gã trung niên trong bản thì thào với Sở rằng, con gái của anh ta bị "ma chài" làm rồi, phải tìm ra và giết "con ma" ấy đi!? Theo quan niệm mê tín của người Mông, "ma chài" thường nhập vào ai đó để làm hại những người trong gia đình, dòng họ của mình.

Nhưng tìm "ma chài" thật chẳng dễ giữa vài trăm dân bản, cho đến một hôm khi đi làm cỏ nương, Lầu A Sở vô tình gặp bà Vàng Thị Say. Đúng lúc gần giáp mặt với Sở, bà Say lại rẽ sang con đường mòn dẫn lên núi, sự vô tình này làm hắn cho rằng bà có ý đồ xấu nên mới cố tình tránh mặt!? Cơn nghi ngờ mù quáng của A Sở bị đẩy lên đỉnh điểm khi cô con gái ốm nặng và không qua khỏi. Hắn quyết định sử dụng "chiêu" cuối cùng theo cách mà nhiều người vẫn làm, đó là lấy trứng gà để tìm "ma chài". Cách "phát hiện" cổ điển nhất là đặt quả trứng trên cái chai thuỷ tinh hoặc sống dao, sau đó đọc tên, địa chỉ cư trú những người nghi vấn, nếu đọc đến tên ai mà quả trứng vẫn không rơi thì chắc chắn người đó sẽ là "ma"(!).

Việc trừ ma có thể nhờ thầy mo, nhưng nếu thầy mo bất lực thì chỉ còn cách là giết người đang bị "ma chài" nhập. Mấy lần tiếp cận, tìm cách đẩy bà Say xuống vực, nhưng âm mưu của hắn không thành vì bà Say đều đi làm nương cùng chồng. Thời cơ thuận lợi cho toan tính tội ác của Sở đã đến khi chiều hôm ấy, trời đổ mưa rào.



Các đối tượng Lầu A Sở, Thào A Hồ và Thào A Páo (từ trái qua).
Ngồi trong nhà, Lầu A Sở nhìn mưa nhoè trời mà lòng hắn ngùn ngụt ý định trả thù người đã "gây nên" cái chết cho cô con gái bé bỏng(!). Hắn khoác áo mưa, bịt kín mặt sau đó xách theo con dao phát nương bén ngọt đi về phía nhà bà Say. Quan sát thấy bà đang ngồi ăn cơm một mình trong nhà, Sở như con hổ dữ, cầm dao xông vào chém liên tiếp vào đầu, vào cổ làm nạn nhân chết ngay tại chỗ…

Thấy tôi bần thần sau khi đọc và xem hết bản kết luận điều tra cùng bản ảnh kỹ thuật hình sự của vụ án, Trung tá Nguyễn Huy Bình, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Điện Biên cất giọng buồn bã: "Đây không phải là vụ việc đầu tiên xảy ra tại địa bàn. Chỉ riêng huyện Mường Nhé, trong vòng mấy tháng đã liên tiếp xảy ra 2 vụ giết người dã man (nạn nhân đều là phụ nữ) vì nghi ngờ nạn nhân là "ma chài", "ma chò". Nghiêm trọng ở chỗ, đến khi bị bắt, hung thủ không có sự ăn năn, hối cải vì vẫn cứ nhầm tưởng mình đang "thay trời hành đạo", lãnh sứ mệnh diệt trừ cái ác cho dân bản(!).

Mang theo nỗi ám ảnh từ câu chuyện của Trung tá Bình, chúng tôi ngược đường quay lên xã Nà Khoa (Mường Nhé). Con đường độc đạo vào bản Huổi Đáp chênh vênh giữa một bên là vách đá dựng đứng, bên kia là miệng vực há ra toang hoác, nham nhở đến rùng mình…

Ngôi nhà của anh Thào A Sènh mới được dựng lại, tuềnh toàng, hun hút gió lùa nhưng đang là nơi trú ngụ của 5 bố con sau khi vợ anh - Giàng Thị Sú, 39 tuổi bị người ta bắn chết vì bị nghi là "ma chài". Cái chết tức tưởi của vợ cũng chưa xoá hết mặc cảm và sự kì thị của mọi người, anh Sèng phải tháo dỡ nhà cũ, dựng một ngôi nhà khác lẻ loi ở cuối bản. Trong nỗi đau tột cùng và giọng kể đứt đoạn do phải dồn nén xúc động, anh Sèng nhớ lại thời điểm tai họa bất thần giáng xuống gia đình.

Sau Tết Mông năm nay, nhiều trẻ con, người già ở bản Huổi Đáp bị ốm đau liên miên. Người dân hoang mang mời thầy mo, giết cả 3 trâu, 10 lợn, tốn kém cả vài chục đồng bạc trắng mà người thì vẫn thi nhau ốm, có vài cháu bé bị thổ ra máu rồi chết (sau này cơ quan y tế kết luận trẻ em ốm đau là do bị suy dinh dưỡng, thay đổi khí hậu, các trường hợp tử vong là do viêm phổi, kiết lỵ).

Lo sợ ma quỉ sẽ lần lượt bắt hết trẻ con trong bản, một vài người đã kéo nhau vào rừng đặt lễ và nhờ "trứng gà" tìm giúp con "ma chài". Chẳng biết họ nhờ thần linh phù hộ và tìm thế nào, nhưng người này rỉ tai người kia, vô phúc cho chị Giàng Thị Sú khi tự dưng bị khép cho cái tội "ma chài". Trong số những người tích cực rêu rao chị Sú là "ma" nhất có Thào A Páo. Páo năm nay 40 tuổi, nhưng đã có đến 3 cháu ngoại, 1 cháu nội. Páo tìm gặp Thào A Hồ, SN 1972 bàn tính phương án "xử" chị Giàng Thị Sú … tội chết?!



Hiện trường xảy ra vụ án.
Tuy căm ghét chị Sú, nhưng Páo vẫn không dám động thủ nên đã nhờ Thào A Hồ lấy mạng chị Sú với giá… 3 triệu đồng. Sau nhiều ngày theo dõi, nghe ngóng và tìm hiểu qui luật hoạt động của gia đình chị Sú, đêm hôm ấy, khi chỉ còn nghe tiếng nai tác trên đỉnh Xì Thau Chải, Thào A Hồ mang súng kíp, nhồi thêm nhiều viên bi đạn rồi lặng lẽ đến mật phục ở sau nhà chị Sú.
Khoảng 2h sáng, qua ánh điện vàng vọt kéo về từ thuỷ điện mini, phát hiện vợ chồng chị Giàng Thị Sú và anh Thào A Sèng đã say giấc nồng, Hồ luồn súng qua khe vách, gí sát vào đầu chị Sú bóp cò… Sau khi gây án, hắn về nhà Thào A Páo lấy tiền công và bỏ trốn, nhưng chỉ một tuần sau, cả hai tên bị lực lượng trinh sát Đồn Biên phòng 415 và lực lượng Công an bắt giữ tại địa bàn bản Ngải Thầu, xã Nà Bủng (Mường Nhé)…

Phép vua thua… lệ bản?!

Cũng như người Thái, người Dao, người Cống hay người Sán Chỉ…, dân tộc Mông thờ đa thần. Bà con quan niệm có thần ở "trên giời" và thần ở "hạ giới"; có ma nhà (ma lành) và ma ác. Nhưng "ma" nào thì cũng phải thờ cúng, ma nhà thì phù hộ, ma ác như "ma chài", "ma chò" thì phải xua đuổi, diệt trừ. Người vùng cao nhìn chung có tình cảm sâu sắc, nhưng tâm lý lại thể hiện đơn giản; tư duy gắn liền với thực tế, chất phác, ngay thẳng, dễ tin nhưng cũng dễ ngờ. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, vận động loại bỏ các hủ tục tồn tại cả ngàn năm nay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một việc không đơn giản.



2 bố con Lò Văn Sam (trái) và Lò Văn Chung - những kẻ gây nên cái chết cho cháu Lò Ngọc Anh 9 tuổi ở bản Đán Đanh, xã Thanh An, Điện Biên.
Thậm chí nói như Thượng tá Nguyễn Đình Du, Trưởng Công an huyện Điện Biên, thì sang thế kỷ 21 cả chục năm rồi, nhưng đâu chỉ ở bản làng vùng sâu, mà ngay khu vực lòng chảo Mường Thanh, một số người dân vẫn còn mê tín đến mù quáng. Câu chuyện xảy ra tại bản Đán Đanh, xã Thanh An cách đây chưa lâu là một ví dụ.

Cũng chỉ vì nghi ngờ cô bé Lò Thị Anh, 8 tuổi ở cùng bản là "ma chài" làm cho con mình ốm, tên Lò Văn Chung, SN 1975 đã giết cháu Anh, cắt nhiều bộ phận trên cơ thể của nạn nhân, rồi thông đồng với bố đẻ là Lò Văn Sam, SN 1948 giấu xác nạn nhân trong rừng. Vụ việc này đã gây chấn động, làm dư luận hết sức căm phẫn, hiện trường xảy ra vụ án chỉ cách trung tâm thị trấn vài ba cây số...

Một số điều tra viên còn cho biết, có một thực tế đáng buồn là ngay cả khi lực lượng Công an vào điều tra, không ít người dân vẫn tỏ thái độ bất hợp tác, cá biệt có người còn hả hê vì ai đó đã "giúp" bản giết đuổi "con ma" đi rồi?!. Lại có những vụ án xảy ra, nhưng dân bản thống nhất "đóng cửa bảo nhau", không trình báo cơ quan công an.

Chính tình trạng "phép vua thua… lệ bản" này đã khiến lực lượng Công an cũng như các cơ quan tố tụng khác gặp không ít khó khăn trong điều tra, khám phá và xử lý các vụ án.

Vụ việc xảy ra tại bản Nà Sản B, xã Sa Dung (Điện Biên Đông) cách đây vài năm là một câu chuyện buồn điển hình. Do nghi ngờ Lầu Thủ Pó là "ma chài" làm nhiều người trong dòng họ Lầu bị ốm, 6 đối tượng Lầu Bua Dơ (SN 1966), Lầu Giống Nếnh (SN 1975), Lầu Giả Nu (SN 1968), Lầu Sái Dính (SN 1963), Lầu Vả Mua (SN 1973) và Lầu Dúa Khứ (SN 1965) đã bắt trói, sau đó ép Lầu Thủ Pó phải ăn lá ngón tử vong.

Vụ việc xảy ra gần 2 năm sau mới bị phát hiện, vì người trong dòng họ bưng bít, tung tin là Lầu Thủ Pó vượt biên sang Lào làm ăn. Cơ quan điều tra phải rất vất vả dựng lại hiện trường, tìm kiếm xác nạn nhân dưới vực sâu mấy trăm mét mới có kết luận chính xác vụ án, truy bắt và đưa 6 đối tượng ra xét xử trước pháp luật…

Hủ tục, trong đó có từ mê tín dị đoan khi bị đẩy đến mức mù quáng bao giờ cũng để lại những hậu quả đau lòng. Nhiều nơi do chính quyền và lực lượng chức năng làm tốt công tác phòng ngừa đã ngăn chặn được các vụ án nghiêm trọng, nhưng thực tế lại đang tồn tại một hệ luỵ khác.

Những người bị nghi là "ma chài" có thể không bị dân bản "tự xử án", nhưng họ vẫn bị cộng đồng, gia đình xa lánh, ghẻ lạnh, phân biệt đối xử; thậm chí bị hành hung, gây thương tích. Và sự kì thị bị đẩy lên đỉnh điểm khi họ bắt buộc phải rời bỏ quê hương, bản quán. Cuộc sống nơi rừng xanh núi thẳm vốn dĩ đang làm họ chênh vênh cùng những khó khăn, vất vả, thì nay những hủ tục và quan niệm mù quáng lại tàn nhẫn hất họ và gia đình xuống vực thẳm với tình cảnh không có lối thoát…