Thái giám ngoại quốc đầu tiên trong triều đình Trung Quốc

- Phác Bất Hoa không chỉ nắm trong tay quyền lực khuynh đảo triều đình mà đồng thời còn là thái giám có quốc tịch ngoại quốc đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Chính vì thế, những câu chuyện về Phác Bất Hoa cho tới nay vẫn còn được ghi chép rất nhiều trong cả chính sử lẫn dã sử với đầy màu sắc truyền kỳ…
Thái giám có thể nói là một sản phẩm dị dạng của chế độ phong kiến ở Trung Quốc. Cách thức vô nhân đạo mà người ta sử dụng để tạo ra các thái giám cũng thể hiện sự tàn bạo cực điểm của các vương triều phong kiến.
Một số người dân nghèo, vì sự sinh tồn, vì miếng cơm manh áo, đành phải cắt bỏ sinh thực khí của mình để vào cung phụng sự hoàng đế, hoàng hậu và cũng như các hoàng thân.

Là một thái giám, họ không chỉ phải chịu sự hủy hoại sinh lý và tâm lý mà còn phải chịu áp lực rất lớn từ phía dư luận xã hội. Trong mắt của nhiều người, thái giám là tầng lớp có thân phận thấp hèn bậc nhất trong xã hội phong kiến.

Tuy nhiên, cũng không phải không có những ngoại lệ. Trong lịch sử Trung Quốc đã xuất hiện không ít những thái giám nắm giữ quyền cao chức trọng, thậm chí làm khuynh đảo cả triều đình. Chẳng hạn như Triệu Cao thời nhà Tần, Ngụy Trung Hiền thời nhà Minh, Lý Liên Anh thời nhà Thanh,… đều nhờ sự sủng ái của hoàng đế mà quyền lực lẫn tiền bạc không ai bì nổi.

Dẫu rằng, sau này, kết cục của họ đều không mấy tốt đẹp, song “một phút huy hoàng” ấy cũng đủ khiến hậu nhân ngàn đời sau phải nhắc tới họ, dẫu là với thái độ khen hay chê.



Phác Bất Hoa trên phim

Trên thực tế, số lượng những thái giám có thể “lưu danh sử sách” như Triệu Cao, Ngụy Trung Hiền, Lý Liên Anh không phải là nhiều. Bởi lẽ không phải ai cũng có may mắn và cơ hội để có thể thâu tóm quyền lực như Triệu – Ngụy – Lý.

Tuy nhiên, trong lịch sử cũng từng xuất hiện những người may mắn hơn. Thái giám Phác Bất Hoa thời nhà Nguyên là một ví dụ. Họ Phác không chỉ nắm trong tay quyền lực khuynh đảo triều đình mà đồng thời còn là thái giám có quốc tịch ngoại quốc đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

Chính vì thế, những câu chuyện về Phác Bất Hoa cho tới nay vẫn còn được ghi chép rất nhiều trong cả chính sử lẫn dã sử với đầy màu sắc truyền kỳ.
Theo sử sách ghi chép, Phác Bất Hoa vốn là người Cao Ly, sau đó trở thành thái giám của triều đình nhà Nguyên vào những năm trị vì của vua Văn Tông. Với quốc tịch Cao Ly, Phác Bất Hoa trở thành thái giám ngoại quốc đầu tiên trong lịch sử gần 3.000 năm của cung đình Trung Quốc.

Trong chốn hậu cung của nhà Nguyên, họ Phác có quan hệ cực kỳ thân thiết với Hoàng hậu Kỳ Lạc, nhờ vậy, quan chức ngày một thăng tiến cao hơn. Quyền lực của Phác Bất Hoa lớn tới mức, ngay cả các đại thần trong triều đình cũng phải nịnh bợ y, không bao giờ dám hành động trái ý của y.
Chuyện kể rằng, vào năm Phác Bất Hoa 7 tuổi, trong một lần ngẫu nhiên, họ Phác bị tịnh thân. Vì thế, sau đó, Phác Bất Hoa được đưa vào hậu cung triều Nguyên giữ một chân tạp vụ với công việc chính là gánh nước pha trà và quét dọn bàn ghế.

Cùng vào cung với Phác Bất Hoa lần đó còn có một tiểu cô nương tên là Kỳ Lạc. Kỳ Lạc là bạn đồng trang lứa với Phác Bất Hoa nên hai người rất thân nhau. Trong cung, Kỳ Lạc được giao đảm nhận một số công việc liên quan tới may vá thêu thùa.

Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, Phác Bất Hoa và Kỳ Lạc lại cùng nhau chơi đùa, nói chuyện hay tâm sự với nhau về nỗi nhớ nhà. Trong những ngày tháng khó nhọc, lạ nước lạ cái chốn cung cấm, Phác Bất Hoa và Kỳ Lạc quan tâm chăm sóc nhau như anh em, đồng thời trải qua những tháng ngày vui vẻ của tuổi thơ.

Thời gian trôi qua, cả hai đều tới tuổi trưởng thành. Lúc này, Kỳ Lạc đã trở thành một thiếu nữ kiều diễm và xinh đẹp. Một lần, con trai của vua Văn Tông là Thỏa Hoan Thiếp Mộc Nhĩ đang chơi đùa trong hoàng cung thì nhìn thấy cô gái xinh đẹp Kỳ Lạc.

Thỏa Hoan bèn thu nạp Kỳ Lạc về phủ làm vợ. Kỳ Lạc không chỉ xinh đẹp hơn người mà còn thông minh nhanh nhẹn, biết đoán ý người, bề ngoài lại luôn tỏ ra hiền dịu, ngoan ngoãn vì thế rất được Thỏa Hoan sủng ái.
Chẳng bao lâu sau, Thỏa Hoan lên ngôi hoàng đế, tức Nguyên Thuận Đế. Kỳ Lạc theo đó cũng được phong làm Nhị Hoàng hậu.

Kỳ Lạc mặc dù đã trở thành mẫu nghi thiên hạ, vinh hoa phú quý hưởng không hết, song vẫn không quên được người bạn cũ cùng là người Cao Ly của mình. Vì thế, Kỳ Lạc đã điều Phác Bất Hoa tới làm việc tại Hưng Thánh Cung của mình, đồng thời thăng chức cho họ Phác lên làm Vinh Lộc Đại phu kiêm Tư Chính Viện Sứ.

Tư Chính Viện là cơ quan quản lý tài chính trung ương dưới triều Nguyên, tương đương với Bộ Tài chính trong cách chính phủ hiện nay. Đây có thể nói là một công việc béo bở và kiếm ra tiền đối với bất kỳ ai.

Kỳ Lạc Hoàng hậu đã cho Phác Bất Hoa một cơ hội tốt như vậy, đương nhiên họ Phác cũng không thể cho qua. Chỉ trong một thời gian ngắn, Phác Bất Hoa đã có một gia tài kếch xù, đồng thời cũng chia cho Kỳ Lạc Hoàng hậu một phần không ít.

Mặc dù tìm mọi cách kiếm tiền nhưng Phác Bất Hoa lại rất cẩn thận nên triều đình gần như không hề để ý tới. Thêm vào đó, Phác Bất Hoa lại rất giỏi trong việc quan hệ, thường mang những thứ mình tham ô được tặng cho các hoàng thân quốc thích cũng như các nhân vật tai to mặt lớn trong triều khiến ai cũng nghĩ rằng, Phác là người hảo tâm, tốt tính.
Tuy nhiên, sau khi đã giàu có thì tiền tài không còn thỏa mãn được dục vọng của Phác Bất Hoa nữa. Họ Phác bắt đầu ngấp nghé quyền lực trong triều đình.

May mắn là Nguyên Thuận Đế lại rất tin sủng Phác Bất Hoa, thường xuyên phái Phác ra ngoài làm những chuyện như vi hành hoặc cứu tế. Điều này đã giúp Phác Bất Hoa xây dựng một con đường tắt để bước vào trung tâm quyền lực của triều đình.

Sau khi Kỳ Lạc Hoàng hậu sinh được một đứa con trai và được lập làm thái tử, Phác Bất Hoa bắt đầu dồn mọi tâm sức của mình vào thái tử. Tất cả mọi chuyện ăn ngủ, vui chơi của thái tử đều do một tay Phác Bất Hoa lo liệu.

Khi chán ghét việc chính sự, chỉ thích hưởng lạc, Nguyên Thuận Đế không những giao toàn bộ việc triều đình lại cho thái tử mà còn phong cho Sóc Tư Giám, người mà Phác Bất Hoa tiến cử làm tể tướng, thay mình giúp thái tử xử lý các công việc thường ngày.

Đến thời điểm này, quyền lực của Phác Bất Hoa đã có thể nói là khuynh đảo trong ngoài triều. Bất kể là chuyện thăng giáng quan chức hay các quốc sách của triều đình, nhất loạt đều do một tay Phác Bất Hoa quyết định. Những kẻ có ý chống đối với mình đều bị Phác Bất Hoa tìm cách loại trừ.

Do Nguyên Thuận Đế giao hết việc triều chính cho Phác Bất Hoa và Sóc Tư Giam, triều đình trong ngoài bắt đầu bất an. Các thế lực quân phiệt trong nước bắt đầu nổi lên tạo phản.

Để mở rộng phạm vi thế lực của mình, các thế lực quân phiệt cũng bắt đầu tham gia vào cuộc đấu tranh giành quyền lực với cung đình. Thiên hạ bắt đầu bước vào giai đoạn loạn lạc. Lúc bấy giờ, thái tử cũng đã có ý muốn đăng cơ tự mình nắm quyền, nên nhân cơ hội triều đình đang hỗn loạn muốn nhân cơ hội ép cha mình nhường ngôi.

Lúc bấy giờ, Phác Bất Hoa, Sóc Tư Giám cùng Kỳ Lạc Hoàng hậu đều tán đồng cách làm của thái tử. Ba người cùng nhau bàn bạc kế hoạch tạo phản, ép Thuận Đế phải nhường ngôi đồng thời loại trừ những người chống đối.
Đương lúc cả 3 người đang theo kế hoạch, loại bỏ những quan viên chống đối mình trong triều thì Thuận Đế phát hiện ra âm mưu của họ. Những hành động lộng hành, vô pháp vô thiên của bọn Phác Bất Hoa và Sóc Tư Giam trong triều đình không ngừng đến tai Thuận Đế.

Vì thế, Thuận Đế ra lệnh bắt Phác Bất Hoa và Sóc Tư Giám nhốt vào đại lao. Bột La Thiếp Mộc Nhi, một người thường ngày rất thù ghét Phác và Sóc, nhân cơ hội thái tử ra ngoài đã giết chết cả hai.

Lúc bấy giờ, cục diện hỗn loạn của các thế lực quân phiệt vẫn chưa được giải quyết triệt để, Chu Nguyên Chương ở phía nam đã mang quân tấn công tới kinh đô, uy hiếp sự tồn vong của triều Đại Nguyên.

Nguyên Thuận Đế thấy đại cục đã mất, không khỏi rơi nước mắt, hối hận nói với thái tử: “Mẹ con nhà ngươi đã làm mất thiên hạ của ta. Thiên hạ của nhà Nguyên bị hủy trong tay của mẹ con nhà ngươi rồi!”
Nguyên Thuận Đế mặc dù nói như vậy, song trong lòng thì thừa hiểu rằng, tất cả đều là do bản thân ông ta đã quá tin tưởng viên thái giám Phác Bất Hoa. Sau khi Phác Bất Hoa chết không bao lâu, triều Nguyên cũng bị diệt vong.
  • Ngọa Long