NĂM ÔNG THẺ CỦA BỬU SƠN KỲ HƯƠNG

Không phải ở Việt Nam phải đợi tới năm 1849 Đức Phật Thầy Tây An mới xuất hiện mở ếm, và cũng không phải đợi đến năm 1714 mới có Mạc Cửu ở Hà Tiên, mới có ếm đối với nhân tài trong nước, mà một số nhà phong thủy nổi tiếng như :
1) Cao Biền : thời nhà Đường Trung Quốc vừa là tướng, vừa là nhà phong thủy chuyên đi ếm khắp nơi.
2) Hoàng Phúc : là tướng giỏi đời Đường Trung Quốc, tiếp tục Cao Biền trấn ếm nước Nam để không thể nào có được những nhân tài xuất chúng.
3) Mạc Cửu : được vua Tàu nhà Thanh sai sang đất Việt giả khổ nhục kế để thực hiện mưu đồ.
4) Sư Chân Nhân (852 - 936) : phá ếm của Cao Biền.
5) Thiền sư Định Không : tu chùa Quỳnh Lâm, từng mở ếm của Cao Biền.
6) Sư Vạn Hạnh : người tâu lên vua Lê Đại Hành dời đô vào Thăng Long tránh những sự ếm đối của Tàu, và chọn nơi có long huyệt.
7) Tả Ao Nguyễn Đức Hiền : người làng Tả Ao, ngài lưu sách phong thủy nói rõ sự thấp cao cho người đời biết mà tránh ếm của người Tàu.
8) Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm : tiên đoán thần tài về sự thịnh suy nước Việt… nhất là mở cõi phương Nam.
9) Đức Bổn Sư Núi Tượng mở ếm tại Thủy Đài Sơn, và ông đạo Lập mở ếm ở Bài Bài.

Sự xuất hiện 5 cây thẻ của Phật Thầy Tây An cùng các đệ tử phá trấn ếm là việc thường thấy đối với những bậc tu hành đã chứng đắc, như: Thiền sư Định Không, Sư Chân Nhân, Sư Vạn Hạnh… đều xuất hiện mở ếm của các thầy phong thủy Tàu, hóa giải được hết các trận đồ “trấn ếm những vùng địa linh ở Việt Nam”, nên 5 Cây Thẻ xuất hiện vào thời Đức Phật Thầy Tây An cũng không ngoài lẽ đó.

NĂM CÂY THẺ CỦA PHẬT THẦY TÂY AN

Vào năm 1851, Phật Thầy Tây An chỉ giáo cho vị đệ tử Trần Văn Thành (Đức Cố Quản) cùng một số đạo hữu lên núi tìm gỗ “lào táo” là loại gỗ chắc để làm trụ cột, gọi là “cây thẻ”; khi tìm được gỗ, cho vuốt búp sen và khắc bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương”. Do lòng tôn kính các di tích của Đức Phật Thầy nên các đạo hữu Bửu Sơn Kỳ Hương thường gọi 5 Cây Thẻ là Năm Ông Thẻ.


Cây Thẻ bằng gỗ lào táo

Khi khắc xong mang đi năm nơi mà khi đứng từ đỉnh núi Cấm nhìn xuống có thể thấy là thế “Ngũ Long Trấn Phục”. Tại núi Cấm đặt 1 cây và 4 cây dưới đồng bằng được thể hiện qua bức tranh sống động như sau :



1) Cây thẻ số 1 : Đông phương Thanh Đế cắm ở làng Vĩnh Hanh.
2) Cây thẻ số 2 : Bắc phương Hắc Đế cắm ở làng Vĩnh Thạnh Trung.
3) Cây thẻ số 3 : Tây phương Bạch Đế cắm ở Bài Bài làng Vĩnh Tế.
4) Cây thẻ số 4 : Nam phương Xích Đế cắm ở Giồng Cát rừng tràm Vĩnh Điều.
5) Cây thẻ Trung ương Huỳnh Đế: Cắm ở Thiên Cẩm Sơn (núi Cấm) gần hang Bác Vật Lang.

Cả 5 cây thẻ đều thể hiện niềm tự hào về đất nước thống nhất có chủ quyền như ý nghĩa bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt.

1) Cây thẻ số 1 cắm ở làng Vĩnh Hanh: thuộc Đông phương Thanh Đế, nay thuộc xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, nằm trên đường vào lộ tẽ Tri Tôn.



Đây là cây “thẻ ẩn”, được cắm khuất mình dưới “Sơn Thủy” hòn non, nằm ở Bàn Thông Thiên có “Quần Long Phục Thức” (群 龍 伏 拭) trông rất nghiêm trang huyền bí. Bên trong là Dinh Quan Thẻ. Một ngôi thờ “Tiền Đình Hậu Tự”. Trước thờ Quan Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực, với hai bức tranh nói lên ý thơ :
“Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khiếp quỷ thần”


Bàn thờ Thần Nguyễn Trung Trực

Phía sau thờ Phật Thầy Tây An và Đức Huỳnh Giáo chủ, chung quanh tường được thiết trí nhiều bức tranh nói lên cuộc hành đạo “Bửu Sơn Kỳ Hương” nhất là của Đức Phật Thầy Tây An.

2) Cây thẻ số 2 cắm ở làng Vĩnh Thạnh Trung: thuộc Bắc phương Hắc đế, nay thuộc ngọn Thạnh Mỹ, xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Đốc tỉnh An Giang (ở kinh số 7 đi vô 5km).



Đây là ngôi đền thờ một trong 5 cây thẻ lộ thiên rõ nhất. Thường ngày cây thẻ này được quấn lớp vải đỏ thờ rất trang nghiêm trong một đền thờ giữa hai hàng gươm giáo. Chúng tôi sau khi lạy các bàn và xin phép ông Từ thỉnh xuống để mở lớp vải đỏ bên ngoài. Giờ nguyên cây thẻ hiện ra (nghe nói: năm cây thẻ đều giống nhau) đây là chứng tích “lịch sử đạo” lưu lại cho hàng vạn tín đồ “Bửu Sơn Kỳ Hương”.

3) Cây thẻ số 3 cắm ở Bài Bài: thuộc Tây phương Bạch Đế cắm ở Bài Bài làng Vĩnh Tế.



Cây thẻ số 3 được thờ ở chùa Bồng Lai Cổ Tự, là nơi ông đạo Lập tức Lý Chánh Trung phá ếm và trồng lại cây thẻ số 3. Cây thẻ này là cây thẻ thuộc hướng Tây: Tây Phương Bạch Đế, nằm trấn biên giới Việt Nam-Campuchia ở Bài Bài xã Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang (đường lộ núi Sam đi vô 4km).



Nghe bà Từ kể lại thuở trước vào lúc giặc giã, cả chùa và xóm làng tránh nạn, lợi dụng lúc không người nên có ông thầy trị bệnh tà, chặt khúc chót trên cây thẻ để trị bệnh. Sau đó ông chết “bất đắc kỳ tử”, vợ con sợ quá nên mang trả lại chùa. Vì vậy hiện nay, phần còn lại của cây thẻ đã được bào chuốt bóng đẹp cả trong ngoài, đặt kính cẩn trên bàn thờ và được bà con khắp nơi đến chiêm ngưỡng và lễ bái.

Phía trước chùa thờ Đức Phật Thích Ca, phía sau thờ Trăm Quan Cựu Thần, bài vị thờ Phật Thầy và ông Đạo Lập. Có điều đáng chú ý là: thờ ông Đạo Lập cùng với ông Cử Đa. Nhớ ngày xưa ngài Cử Đa đã đánh Pháp tại đồn Cây Mít cách Bài Bài vài cây số. Nghe bà Từ kể, ông Đạo Lập là bạn thân ông Cử Đa. Sau khi thất trận đó, ông Cử Đa về tu ở Tà Lơn và đắc đạo tại đó (xem quyển Sấm Tà Lơn).





Hiện phần còn lại của cây thẻ vẫn nằm y như cũ, được đặt lên trên hầm bằng tấm lưới sắt; để mọi người đến chiêm ngưỡng bên cạnh cột phướng cũ của nền chùa.

4) Cây thẻ số 4 cắm ở Giồng Cát:
thuộc Nam Phương Xích Đế.

Thẻ này ở rừng Tràm làng Vĩnh Điều, Huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Vì ở giữa rừng Tràm nên vị trí không xác định, do đó thất lạc đến ngày nay.

Mới đây có một số tín đồ có tâm đạo rất cao, đã được báo mộng và tìm ra vị trí cây thẻ, vì chỉ qua giấc mộng nên chưa thuyết phục được chính quyền để cất lên các lăng thờ như bốn cây thẻ kia, mặc dù đã xin phép, và nhiều lần bị đổi thay…



Đường và địa điểm Giồng Cát, vì ở giữa đồng nên phải theo kinh rạch mà đi. Khởi hành tìm cho được cầu Mặïc Lung, ở Vĩnh Điều nằm trên kinh Vĩnh Tế, cách Hà Tiên khoảng 20km. Từ cầu Mặc Lung nầy đi tắc ráng khoảng 10 - 12km theo kinh mới đào, thường đò sẽ biết và đưa đến Cây Thẻ số 4 nầy, hiện được che tôn thành cái miễu bé, như các miếu cô hồn dọc đường vậy. Nhưng với lòng thành, hy vọng Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân.

5) Cây thẻ số 5 đặt tại Núi Cấm: được gọi là Trung Ương Huỳnh Đế vì là cây thẻ chính, nằm vị trí giữa so với 4 cây kia.

Ta lên núi Cấm lấy mốc là Chùa Phật lớn (Trung tâm hành hương) đi về hướng tây tới chùa mới xây là chùa Vạn Linh (hiện tại xây Tượng Phật Di Lặc, với uy thế kỳ quan).


Chùa Vạn Linh

Rồi từ chùa Vạn Linh đi tiếp khoảng vài trăm mét đến chỗ có tấm biển nhỏ có mũi tên ghi chữ “Hang Ông Thẻ và Bác Vật Lang”, từ đó xuống có dây nương theo mà đến miệng hang.


Hang Bác Vật Lang ở núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn)

Ở phía dưới hang Ông Thẻ và Bác Vật Lang, theo truyền thuyết Đức Phật Thầy cho cắm thẻ nầy ở giữa Núi Cấm, và ở giữa 4 cây thẻ kia nên gọi là Trung Ương Huỳnh Đế (Rồng Vàng).

Mỗi cây thẻ đều có thời gian xuất hiện khác nhau, bao giờ đủ 5 cây thẻ xuất hiện là thời kỳ phát triển thịnh vượng và bình an.