Bác sĩ Anthony J.Sattilaro là Giám đốc của một bệnh viện lớn ở Hoa Kỳ, nhưng bị mắc bệnh ung thư di căn. Nhờ áp dụng phương pháp thực dưỡng Macrobiotics dựa trên triết lý và y học cổ truyền phương Đông, ông đã xoá được không chỉ dấu vết ung thư mà cả những định kiến để tiếp nhận một tri thức mới về sự sống. Sau đây là lời tâm tình của ông được trích dịch từ tập sách Living well naturally (Sống tự nhiên).


Cũng như nhiều người Mỹ trí thức khác, tôi đã từng tự cho mình là người duy lý nhất. Bất kỳ cái gì cũng muốn được xem là thực thì phải được chứng minh bằng biểu hiện vật lý, nghĩa là người ta phải cảm nhận được cái đó bằng năm giác quan (thấy được, ngửi được, sờ được, nghe được và nếm được) hoặc đo lường được các tác dụng của nó, bằng các dụng cụ khoa học.

Nói cách khác, cái gì cũng có trong tự nhiên đều phải có hình có dáng, không hình, không dáng và không đo đạc nghĩa là không có thực. Tư tưởng duy lý làm tôi choáng ngợp đến độ dù “nghi” là một điều gì đó về sự sống và thân phận con người cao rộng hơn quan điểm vũ trụ thuần vật lý, tôi cảm thấy không thích hợp khi phải diễn tả một nỗi nghi như vậy ngay cả với chính tôi vả lại người bày tỏ một viễn ảnh tâm linh về đời sống thường dùng những lời lẽ mang màu sắc cảm tính hơn là lý trí.

Lúc tốt nghiệp y khoa, lý trí đã hoàn toàn chi phối phần ước mong bổ khuyết về mặt tâm linh của tôi. Tôi nói là chi phối, chứ không phải là tiêu diệt, vì tiếng nói bên trong vẫn thỉnh thoảng vọng lên thì thầm trong câm lặng như khuấy động hồn tôi.

Nhưng tiếng thì thầm ấy chưa đủ sức đẩy lùi tham vọng thành công sự nghiệp cá nhân và thỏa mãn các mộng ước đời thường, vì nếp nghĩ suy duy lý phục vụ cho tham vọng đắc lực hơn, mà tôi cũng đầy tham vọng như bao nhiêu người khác óc duy lý thấy mọi cái hiện hữu như là thực thể riêng biệt và vì không có cơ sở khoa học chứng minh cho thực tại tâm linh, nên người ta chỉ để ý đến đặc quyền đặc lợi của chính mình, mà tất cả đều được sắp đặt tùy theo mức độ quan tâm đến sự sống còn; và tôi đã phấn đấu để sống còn trong lĩnh vực đầy đua chen của ngành y và sau đó là công việc điều hành bệnh viện.
Vì tình thương cần sự hy sinh quên mình, nên tất yếu không phát triển được trong một môi trường đấu tranh, chụp giựt. Bởi lẽ đó tôi thường thầy mình cô đơn (hoặc tự cô lập ) trong cuộc sống, nếu lẻ loi chăng cũng chỉ là một nhóm bạn thân mà đời người cũng có những lúc nhằm tôi với con mắt ganh ty.

Mỉa mai thay, vào lúc tôi với đến được nấc thang thành công khá cao - được đề cử làm giám đốc một bệnh viện lớn - thì lại chạm trán với cơn khủng hoảng nhất đời: bệnh ung thư! Bỗng dưng tiếng thì thầm trong tôi vang lên mồn một, và những thần tượng khoa học duy lý bắt đầu sụy đổ.

Trong tâm, tôi thấy mình đạt đến giới hạn của kiến thức và quyền lực. Tôi sắp chết mà y học tiên tiến thì chẳng giúp được gì, ngoại trừ lấy đi xương sườn bị ung thư và cặp tinh hoàn. Mặc dù phẫu thuật tinh vi và thuốc men đầy đủ, cái chết dường như cầm chắc!
Các cuộc phẫu thuật đã nghiền nát tâm tư tình cảm của tôi.
Cuối cùng, tôi lần mò vào một hệ thống trị liệu tuy chẳng có cơ sở hợp lý nào, nhưng tôi bám vào đó vì nó cho tôi hy vọng.
Lẽ dĩ nhiên ban đầu tôi không tin hẳn một phương pháp chỉ gồm ăn chay quân bình âm dương, thể dục khí công và tĩnh tâm thiền định lại có thể giải quyết được một vần đề làm các bậc trí thức sáng chói nhất nước Mỹ phải bó tay.

Tuy nhiên, càng ngày càng thấy mình khỏe ra trên đà hồi phục, tôi càng thêm tin tưởng hiệu lực của phương pháp này. Điều làm cho nền móng duy lý của tôi rung rinh hơn cả đó là sự kiện kỹ thuật nói trên được giải thích bằng những thuật ngữ trái ngược với tư tưởng duy lý, nhất là với kiến thức của Tây y chính thống.
Lời giải thích của phương pháp Thực dưỡng tuy có đưa ra những luận điểm khoa học, nhưng đối với trình độ hiểu biết của tôi lúc bấy giờ (1978), tất cả đều có vẻ mơ hồ gượng ép.

Hơn nữa, phương pháp này lại đề cập đến một sự hiện diện của một năng lực phổ quát mà phương Đông gọi là “khí”, năng lượng này có một trong mọi sinh vật và là nhiên liệu chính yếu của cuộc sống. Các kỹ thuật ăn chay lành mạnh, châm cứu, thể dục khí công và tĩnh tâm thiền định nhằm cải thiện dòng năng lượng đã bị rối loạn, đưa cơ thể trở lại trạng thái quân bình”.

Đối với phương Tây, lời giải thích này có vẻ là thần học hơn là khoa học. Cho rằng năng lượng phổ quát là nguồn sống đích thực dường như là một cách nói khác về Thượng đế và các ân sủng của Ngài.
Người phương Đông cho rằng trong và quanh cơ thể có một môi trường năng lượng, vậy môi trường đó có phải là linh hồn của con người hay không? Như vậy, theo quan điểm này, con đường duy nhất tôi phải đi đến cũng để khỏi bệnh là cởi mở tự ngã để tiếp nhận năng lượng trị liệu hay ân sủng của vũ trụ?

Những suy tư như thế khiến tôi cảm thấy cuộc đời như giấc mộng và tôi dấy lên niềm phân vân day dứt không nguôi, vì triết lý phương Đông kêu gọi phần mỹ cảm hay tâm linh.
Dù sao tầm nhìn tâm linh giúp tôi cảm thấy mình dồi dào sức mạnh và năng lực nội tại hơn là tầm nhìn duy lý có thể đem lại. Các phương pháp dưỡng sinh cổ truyền của cả Đông lẫn Tây đều xác nhận như nhau: bằng cách ăn uống lành mạnh, tĩnh tâm và sống giản dị, người ta thanh tẩy được con người mình, trở nên trong sạch và thấm nhuận nguồn năng lượng chân nguyên của vũ trụ, các hành động của con người nhờ thế sẽ có ý nghĩa hơn vì được thôi thúc bởi những động lực tinh thần hơn là những dục vọng tầm thường.

Hàng ngày tôi đi qua đi lại giữa hai thế giới - từ thế giới của Descartes, nền tảng y học hiện đại, đến quan điểm tổng hợp về thực tại, cơ sở của phương pháp Thực dưỡng mà tôi hy vọng sẽ giúp đời tôi.
Khỏi phải nói, tôi cam chịu một nỗi niềm tựa hồ cơn khủng hoảng. Không có gì vốn liếng kinh nghiệm bản thân có thể giúp tôi nắm bắt cách suy tư mới, ngoại trừ những hiểu biết về niềm tin Thiên Chúa do nhà thờ thuyết giảng còn sót lại từ thời thơ ấu.

Thật vậy, tôi đã không đến nhà thờ nhiều năm và các tín điều thuyết giảng của tôn giáo không còn vướng bận trong tâm thức hàng ngày của tôi nữa. Như vậy, phương pháp Thực dưỡng dường như xa lạ đối với tôi đến nỗi có lúc tôi tưởng chừng những người truyền bá đã bịa ra lời giải thích cho thực tại khi họ áp dụng nó. Nhưng nếu làm tôi băn khoăn nhất là liệu quan điểm tổng hợp tâm thể này có thể đem lại kết quả hay ho nào không?

Tôi đã phân vân giữa hai đều chọn lựa: hoặc là dẹp bỏ óc duy lý và hy vọng tìm thấy giá trị trong những gì tôi đang làm, hoặc là phủ nhận mọi thực chất trong những gì xảy đến với tôi, và tôi đã chọn cả hai.
Tôi phải tập chấp nhận sự kiện có hai lối nhìn vào thực tại: một là dựa vào lý trí cho rằng mỗi sự vật trong thiên nhiên đều có thể cô lập như một thực thể riêng lẻ, cách phân biệt và vận động theo những quy luật có tính máy móc; và hai là cảm nhận bằng tâm linh, thấy rằng mọi sự vật trong thiên nhiên, bao gồm mọi đời sống, là thống nhất, và vận động của đơn vị thống nhất này bị chi phối bởi một năng lực vô tận còn gọi là “lượng năng” hay “chân tâm” luôn luôn nâng cao thể chất và tinh thần đến chỗ tốt đẹp.

Vì lẽ đó, tôi vẫn để xét nghiệm y khoa đều đặn, chính những xét nghiệm này chính ra cũng là tiếng nói quen thuộc giúp chứng minh được thực tế. Các xét nghiệm đều cho thấy sức khỏe của tôi trên đà phục hồi và cuối cùng là những dầu vết ung thư hoàn toàn biến mất. Như vậy phương pháp xa lạ không chính thống này đã có tác dụng thực sự, mặc dù lời giảng giải căn bản mang tính chất bí ẩn.
Dù sao, tôi cũng đến độ tin rằng đằng sau mọi hiện hữu có một động lực mà người phương Đông gọi là Phật tính, động lực đó cũng là tình yêu vô biên và vô hạn, nhưng đồng thời cũng cương quyết nhắc nhở và kiên trì giáo dục để nâng cao tâm thức chúng ta.

Một trong nhưng cách hành tác dường như thường có của động lực đó là xô đẩy chúng ta vào những biến cố làm tê liệt tri giác, phá vỡ những niềm tin và thành kiến đã có đến độ chúng ta sụm xuống như đống gạch vụn của một tòa cao ốc sụp đổ tan tành. Chính vào thời điểm thập tử nhất sinh này có thể và thường xảy ra một hình thức “tái sinh” chuyển thể, và đó là lúc khởi đầu một đời sống mới.

Chân Phương (lược dịch)
Anthony J.Sattilaro