Chùa Đại Tuệ và những nghi vấn về mộ phần vua Cảnh Thịnh


Ngôi mộ đá ở chùa
Ngày 18.10 vừa qua, một cuộc hội thảo về phục dựng chùa Đại Tuệ đã được diễn ra tại thành phố Vinh (Nghệ An). Điều này là thể theo nguyện vọng của đa phần người dân Nghệ An về mong muốn trùng tu ngôi chùa hơn 600 năm tuổi linh thiêng với rất nhiều chứng tích lịch sử này.



Lần theo dấu vết lịch sử

Ngoài những di tích tiêu biểu như: Thành nhà Hồ, Lăng mộ bà Hoàng Thị Loan, Lăng mộ mẹ vua Mai và căn cứ địa của Mai Hắc Đế, nay núi Đại Huệ (thuộc địa bàn xã Nam Anh huyện Nam Đàn) được xem là dãy núi linh thiêng còn được biết đến với chùa Đại Tuệ hay còn gọi là chùa Cao. Một ngôi chùa hơn 600 năm tuổi đang thu hút sự quan tâm của dân chúng bởi những bí ẩn của thiên tạo và ngôi mộ rộng lớn 96m2 đắp bằng đá từ bao đời được nhân dân địa phương hương khói.

Qua nhiều sách, tài liệu còn lưu giữ thì chùa Đại Tuệ do Hồ Vương Quý Ly xây để thờ phật bà Đại Tuệ, đã phù hộ cho Hồ Vương xây thành đắp luỹ trên núi để chống quân Minh. Khi Hoàng Đế Quang Trung tiến quân ra Bắc để đại phá quân Thanh có nghỉ ở lại vùng này. Đêm đến được nhà Sư ở chùa mách bảo kế sách hành quân theo đường Thượng Đạo để tránh phục kích của địch và đi ra Đống Đa gần hơn, nhanh hơn. Sau khi thắng trận trở về, Hoàng đế Quang Trung có xuống chiếu cấp 20 mẫu ruộng ở đây làm ruộng chùa. Vì vậy mà chùa Đại Tuệ còn có tên gọi là chùa Đại Huệ. Chùa ở toạ độ 18o45' vị Đông Bắc, 105o28' độ kinh Đông với độ cao so với mặt đất 400m. Từ năm 1945 về trước, chùa có sư chủ trì và là nơi lễ bái, viếng thăm thưởng ngoạn của du khách gần xa. Sau bao biến cố của lịch sử và thời gian, ngôi chùa giờ đây chỉ còn là phế tích nhưng nhân dân vẫn thường xuyên đến hương khói. Theo chân những người dân địa phương, một ngày cuối tháng 10, chúng tôi lên chùa. ở độ cao 800m so với mặt biển, thật ngạc nhiên khi thấy giữa hoang sơ cảnh thiên nhiên ngập tràn cỏ dại và cây rừng, có một ngôi chùa đẫm dấu ấn thời gian. Phần mái chùa hư hỏng hoàn toàn chỉ còn lại tường xây bằng gạch cổ và bệ thờ với những tượng phật, bát hương, bình hao phủ dày rêu phong. Trong khuôn viên chùa có hồ sen, giếng nước ghép đá ngập trong lau lách. Thu hút sự quan tâm của mọi người là những đồ tế khí thiên tạo của ngôi chùa. Ngoài bia đá khắc chữ nho cả hai mặt chưa được phiên dịch đặt trên lưng rùa đá, có 5 quyển sách bằng giấy gió dày hàng trăm chữ nho có dấu ấn chỉ của Vua; Tại chùa còn có nguyên bản đá tự nhiên với những tên gọi lưu truyền: Đá Mõ, Đá Chuông, Đá Ngai, Đá cổng Chùa... Đá Mõ có kích thước khoảng 2x1,3m hình dáng của chiếc mõ gỗ, Đá Chuông dài 5m, rộng 3,9m dán hình chiếc chuông. Đá Ngai với những hoa văn của tạo hóa tuyệt tác.

Huyền thoại qua lời kể của chứng nhân

Ông Nguyễn Nghĩa Bình, một trong những người đầu tiên phát hiện và có công tu tạo ngôi chùa Đại Tuệ trong 10 năm qua kể lại:

"Năm 1973, tôi đang học lớp 10, trong một dịp đi cắt cỏ trên núi Đại Huệ thì thấy một bia đá nằm trong bụi rậm nhưng hồi đó tôi cũng không để ý. Sau này một thời gian dài tôi đi làm ăn kinh tế đến năm 1991, trở về quê hương sinh sống. Tôi vẫn nhớ rõ hôm đó là ngày 26.2.1991, khi đi lấy củi, trên đường xuống núi đột nhiên như có ai đó bảo tôi dừng lại! Nhưng tôi cũng không hiểu sao lúc đó mình lại tự trả lời: Cho tôi về. Rồi tôi lên". Ngày 27.2, từ sáng sớm ông Bình đi lên núi rồi đột nhiên dừng lại trước tấm bia khóc nức nở. Lúc đó có 2 người đi chăn bò đã phụ giúp cùng ông cõng bia lại chùa. Dấu tích chùa nằm đó, hoang tàn, cây cối mọc um tùm, ông Bình lặng lẽ mò mẫm, tìm kiếm những di vật còn sót lại, và ông phát hiện cạnh chùa còn có một ngôi mộ được dân xếp đá thành hình chữ nhật 8x12m có bát hương dân thường xuyên phụng thờ. Từ đó, hàng ngày ông Bình cứ lên chùa phát quang cây cối; những ngày rằm, mồng một hàng tháng ông lại lo hương khói cho chùa. ông Bình kể tiếp: Khoảng năm 2001, trong một lần đang thắp hương, ông bỗng nghe tiếng khua nước. Lúc trở ra, bỗng thấy một con rắn hổ trâu to màu đen trũi, nặng chừng khoảng 6kg. Sau này ông Nguyễn Bá Ba, ông Trần Văn Tuẩn, ông Trần Văn Chiu ở Nam Anh đều tình nguyện theo ông Bình lên núi thắp hương và tu tạo cho Chùa. Người dân Nam Anh nhiều lần lên núi và trông thấy được rắn đen lúc thì đang tắm ở đầm nước gần Mõ Đá; lúc thì ở Cổng Chùa ít phút rồi tự trườn đi. Càng tin vào sự linh thiêng của Chùa Cao nên người dân Nam Anh từ người già đến trẻ con cứ hễ lên núi là không ai bảo ai, người thì mang theo vật liệu như cát, xi măng, kẻ thì gạo, bát đũa, hương trầm, ngũ quả lên cùng góp sức tôn tạo, thắp hương kính viếng chùa. Trong cuốn sổ ghi chép cẩn thận hàng ngày cho đến ngày 07.5 đã có 2283 chuyến của người dân thứ tự đưa lên chùa. ông Bình nói: Có khoảng chừng 28 tấn vật liệu của toàn dân tự nguyện từ trẻ em cho đến người già đưa lên núi để tôn tạo lại chùa đấy!.

Có hay không mộ phần vua Cảnh Thịnh?

Từ chùa Đại Tuệ khoảng chừng 100m về phương Nam là ngôi mộ đắp bằng đá rộng khoảng chừng 100m2 phủ dày dấu ấn thời gian. Phần lớn ngôi mộ chìm trong lau lách, cây rừng. Trước ngôi mộ đá này, Tiến sỹ Sử học Nguyễn Quang Hồng và Tiến sỹ Hồ Bá Quỳnh đã dẫn ra những lời kể những cứ liệu để chứng minh đây là mộ vua Cảnh Thịnh. Tên gọi Chùa Đại Huệ mà nhân dân vẫn thường gọi đã chứng tỏ chùa Đại Tuệ có mối quan hệ thân thiết với Nguyễn Huệ Quang Trung. Từ đây có thể suy luận: Ngôi chùa là nơi ẩn náu an toàn cho thân quyến Quang Trung khi thất thế. Thứ nữa, trong sự nghiệp ngắn ngủi của mình, vua Quang Trung và kế vị là vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) đều đã từng cho người đóng giả mỗi khi phải làm sứ thần sang bàn giao với nhà Thanh. Sứ thần nhà Thanh có biết việc này song không có phản ứng gì. Từ đoạn sử này Tiến sỹ Nguyễn Quang Hồng đặt giả thiết: Trong bối cảnh bị kẻ thù săn đuổi do thất thế, Cảnh Thịnh đã sử dụng cách cho đóng giả để thoát thân và Gia Long đã hành quyết một Cảnh Thịnh... giả (!). Bảo vệ suy luận này, Tiến sỹ Hồng lý giải "cuộc truy bắt Cảnh Thịnh do tướng Nguyễn Phúc Thành chỉ huy kéo dài nhiều ngày từ phú Xuân tới Lạng Sơn. Bấy nhiêu thời gian không chỉ đủ cho một mà nhiều người đóng giả vua để vua Cảnh Thịnh an toàn. Và nơi Quang Toản thật vào mai danh ẩn tích là chùa Đại Tuệ, sau khi viên tịch đã được chôn tại chùa. Từ những giả thuyết có cơ sở này, Tiến sỹ Nguyễn Quang Hồng, Tiến Sỹ Hồ Bà Quỳnh và những cộng sự trong nhóm nghiên cứu đã có kiến nghị nhờ các nhà khoa học khảo cổ và lịch sử xác minh lại. Nếu đúng mộ của Hoàng đế Cảnh Thịnh thì trùng tu tôn tạo lại và lập đền thờ.

Ngày 16.05.2005, nhóm nghiên cứu ngôi chùa và ngôi mộ đá do Hồ Bá Quỳnh và Tiến sỹ Nguyễn Quang Hồng đã lập tờ trình gửi các cơ quan chức năng. Ngày 14.8.2006 Sở Văn hoá thông tin tỉnh Nghệ An đã có công văn 946/SVHTT-QLDS về việc tu bổ, phục hồi chùa Cao hay còn gọi là chùa cổ Đại Tuệ từ nguồn tài trợ và tiền công đức góp phần vào việc phát triển kinh tế, văn hoá - du lịch và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Và ngày 18.10.2009, một cuộc hội thảo có quy mô về việc trùng tu, tôn tạo chùa Đại Tuệ đã được diễn ra với sự tham gia của nhiều nhà khảo cổ và lịch sử có tiếng trong nước. 16 bản tham luận với những nghiên cứu công phu và sự tâm huyết cao cho thấy việc trùng tu chùa Đại Tuệ thực sự là nguyện vọng thiết tha của người dân Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.

Kim Thoa

Khoảng 8 giờ sáng ngày 23.9 vừa qua, ông Bình (người trông nom chùa) đang quét dọn thì bỗng phát hiện hai "cụ" rùa ẩn sau chùa Đại Tuệ. Hai "cụ" nằm im lặng, không nhúc nhích. Người dân địa phương đã thắp hương cầu khấn, xin được bế hai "cụ" vào trong chùa cho nghỉ.

Ông Bình cho hay, hai "cụ" mỗi cụ nặng hơn 15kg, mai đen nhánh, có độ tuổi khoảng 140 năm. Hiện tại hai cụ đang được gửi ra rừng Cúc Phương để đảm bảo các điều kiện sinh sống tốt hơn, chờ khi xây dựng xong bể nước ở chùa Đại Tuệ rồi đón các "cụ" về.