Độc chiêu tham nhũng của "đệ nhất quan tham" Hoà Thân
24/02/2011 0718

Hoà Thân là viên quan đại thần được hoàng đế Càn Long, triều đại nhà Thanh (Trung Quốc) sủng ái bậc nhất. Sự sủng ái đặc biệt của Càn Long cộng với năng lực bản thân, Hòa Thân sau đó đã được thăng các chức hàm quan trọng như: Đại học sĩ, Quân cơ đại thần, Cửu môn đề đốc.

Đồng hành với những chức hàm trọng yếu đó, Hoà Thân còn khét tiếng bởi danh xưng "đệ nhất quan tham" cùng những độc chiêu tham nhũng ghê gớm.

Mua quan bán tước



Khi là viên đại thần đứng đầu các bộ như Bộ Hộ, Phủ Nội vụ - nơi có quyền hạn phụ trách các vấn đề điều phối lương thực, vũ trang trong quân đội, Hòa Thân đã luôn đánh tiếng để các quan lại dưới quyền hối lộ khi muốn thăng quan tiến chức. Không những thế, bất kỳ việc chi tiêu nào cho triều đình muốn được thông qua nhanh chóng, giới quan lại đều phải "qua cửa" Hòa Thân thì mọi việc mới được diễn ra thông suốt.

Ngoài việc ăn hối lộ và ăn chặn tiền bạc của triều đình, tài sản của Hòa Thân còn được nhân lên hàng ngày nhờ việc mua quan bán tước. Được hoàng đế Càn Long sủng ái và lần lượt giữ những ngôi vị cao nhất trong hàng ngũ đại thần, Hòa Thân luôn nắm trong tay danh sách quan lại trong toàn quốc. Những ai muốn thăng chức nhanh hoặc muốn mua một chức vị quan nào đó dù nhỏ hay to cũng đều phải qua tay Hòa Thân. Có những viên quan liêm khiết không muốn thăng tiến bằng con đường hối lộ thì sẽ bị Hòa Thân gây khó dễ. Trong 24 năm đương quyền, Hòa Thân đã đút túi khoảng 40 triệu lạng bạc với riêng việc mua quan bán tước này.
Lạm dụng quyền lực

Theo quy định của triều đình nhà Thanh, các quan lại không được tham gia vào việc kinh doanh và thu lợi nhuận từ những dịch vụ như cầm đồ, buôn bán... Tuy nhiên, điều này đã không làm khó được kẻ ham tiền và ưa lũng đoạn như Hòa Thân. Trong khi đương chức, viên quan này đã tự mình mở hàng loạt những ngành nghề kinh doanh hái ra tiền như cửa hàng lương thực, cửa hàng buôn bán vũ khí, nhà hàng, quán rượu, ngân hàng. Trong chốn thương trường, Hòa Thân luôn tỏ ra là một người ngang ngược, ngạo mạn, trắng trợn chụp giật. Ngay trong xử lý mối quan hệ xã hội, y cũng mượn oai, trịch thượng hiếp đáp kẻ khác. Trong lĩnh vực kinh doanh, dựa vào thân thế cùng với quyền lực của mình, Hòa Thân đã thâu tóm hầu hết những cửa hàng buôn bán cùng nhiều mặt hàng tại kinh thành và nhiều tỉnh lớn khác tại Trung Quốc vào thời điểm đó. Tất cả chuỗi cửa hàng của Hòa Thân tại kinh thành đều có những kẻ có máu mặt cầm đầu và sẵn sàng trừ khử những đối thủ không thích nằm dưới trướng của đại thần họ Hòa.

Không chỉ dừng lại ở đó, để kiếm thêm tiền bạc vào túi của mình, Hoà Thân còn nghĩ ra mọi biện pháp để vơ vét tài sản từ quốc khố. Vì quá sủng ái Hòa Thân, vào năm 1788 trong 3000 vạn lạng bạc tiền thu thuế, Càn Long đã để Hòa Thân tự do chi phí cho mọi hoạt động của triều đình. Trong lần này, với tài biến hóa sổ sách kế toán, Hòa Thân đã đút túi không dưới vài vạn lạng.

Không hối lộ nhiều không gặp mặt


Chân dung đời thực của Hòa Thân.

Hòa Thân xuất thân là một công tử Mãn Châu. Khi mới gia nhập triều đình, Hòa Thân giữ chức vị Thị vệ. Tuy còn trẻ nhưng Hòa Thân đã sớm có năng lực làm việc cũng như các đóng góp cho triều đình, vì thế Hòa Thân được Càn Long rất tín nhiệm, trọng dụng. Theo như lời đồn đại, Càn Long có một ấn tượng rất đặc biệt với vẻ ngoài của Hòa Thân. Vẻ ngoài ấy hao hao giống với một người tì thiếp đã bị thất sủng và qua đời do lỗi của Càn Long khi ông còn nhỏ. Vì vậy Càn Long luôn có một sự ưu ái đặc biệt với Hòa Thân, thường bỏ qua các sai sót và nuông chiều ông ta.
Một điều đặc biệt nữa trong cách thức nhận hối lộ của Hòa Thân chính là ở "đẳng cấp": Không hối lộ nhiều không gặp mặt. Không phải ai Hòa Thân cũng tiếp, vì thế muốn gặp được vị đại thần này, các quan lại cũng phải đưa ra một mức giá hợp lý.


Chuyện kể rằng, có vị quan tuần phủ trong dịp ngao du đến kinh đô đã nghe người nói đến cái tên Hòa Thân. Vì muốn được thăng chức sau nhiều năm phải giữ chân tèm nhèm trong tỉnh, vị này đã mang số tiền 5000 lạng bạc để làm lộ phí. Kết quả là viên quan này chỉ được một tên hầu trong phủ họ Hòa ra tiếp kiến. Trong buổi gặp gỡ này, tên hầu đã đánh tiếng rằng muốn gặp được Hòa Thân ít nhất phải mang 20 vạn lạng, còn dưới mức đó thì đừng bao giờ bước chân tới phủ.

Cũng có viên quan biết được sở thích sưu tập ngọc trai của Hòa Thân nên đã nghĩ ra một cách để được tiếp kiến vị quan tham này. Viên quan trên đã mua rất nhiều ngọc trai cao cấp về rồi sai người bọc vàng xung quanh nhằm tăng giá trị quà tặng. Kết quả là trong lần đầu bước chân vào phủ họ Hòa, viên quan này đã được đích thân Hòa Thân đón tiếp.

"Núi" tài sản không cứu nổi mạng sống

Trong những năm tháng trên đỉnh cao của quyền lực, số của cải mà Hòa Thân đã tham ô, nhận hối lộ thì không cóỏ bất kỳ một vị quan tham nhũng nào trong lịch sử Trung Quốc cổ đại và hiện đại vượt qua được. Lòng tham vô đáy của Hòa Thân tựa nạn đại dịch hoành hành khắp nơi khiến quan bé, quan lớn, quan thấp, quan cao đều bị "lây nhiễm" và ra sức tham nhũng.

Những vụ tham ô của Hòa Thân dần hé mở khi vua Càn Long thoái vị vào tháng 1/1796. Trong 24 năm từ khi Hòa Thân bắt đầu được hoàng đế Càn Long để mắt và sủng ái, vị đại thần này đã thâu tóm, vơ vét được một số tài sản lớn tới khó tin. Sự giàu sang của ông ta được thể hiện qua số tài sản bị tịch thu khi hoàng đế Gia Khánh lên ngôi gồm có: Những dinh thự, đất đai có tổng cộng 3.000 phòng, 8.000 mẫu (32 km2) đất; 42 ngân hàng; 75 hiệu cầm đồ.

Ngoài ra, còn có: 60.000 lạng vàng bọc đồng, 100 thỏi vàng lớn nguyên chất (1.000 lạng mỗi thỏi), 56.600 thỏi bạc cỡ vừa (100 lạng mỗi thỏi), 9 triệu thỏi bạc nhỏ (10 lạng mỗi thỏi), 58.000 cân tiền ngoại, 1.500.000 đồng tiền xu, 600 cân nhân sâm Cát Lâm thượng hạng, 1.200 miếng ngọc bội, 230 chuỗi ngọc trai (mỗi viên ngọc trai có cỡ gần tương đương quả anh đào lớn), 10 viên ngọc trai lớn (cỡ tương đương quả mơ), 10 viên hồng ngọc, 40 viên ngọc bích lớn, 40 bàn đựng bộ đồ ăn bằng bạc (10 bộ mỗi bàn), 40 bàn đựng bộ đồ ăn bằng vàng (10 bộ mỗi bàn), 11 tảng san hô (mỗi tảng cao hơn 1m), 14.300 xấp lụa tốt, 20.000 tấm len lông cừu loại tốt, 550 tấm da cáo, 850 tấm da gấu, 56.000 tấm da cừu và da gia súc độ dày khác nhau, 7.000 bộ quần áo tốt (mặc trong cả bốn mùa), 361.000 bình bằng đồng và thiếc, 100.000 đồ sứ được làm bởi các nghệ nhân có tiếng, 24 giường bằng vàng ròng có trang trí tinh xảo (mỗi giường có cẩn 8 loại đá quý khác nhau), 460 đồng hồ tốt của châu âu cùng với 606 gia nhân, 600 tì thiếp trong phủ...

Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước lượng vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, nhiều lời đồn cho rằng nó còn tương đương số tiền mà quốc khố nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được. Tuy nhiên, sau khi hoàng đế Càn Long băng hà chỉ có 15 ngày, Hòa Thân đã phải phụng chỉ tự thắt cổ chết trong ngục thất, kết thúc cuộc đời khét tiếng gian tham của mình.


Sử sách Trung Quốc còn ghi lại rằng vào cuối đời Càn Long, trong các cống phẩm và vật dụng các tỉnh cống nạp triều đình thì chỉ có 12% được đưa vào ngân khố. Còn 88% còn lại "bị hút" về phủ Hòa Thân.

Theo ước tính vào những năm đó, số châu báu quý hiếm trong phủ của viên đại thần họ Hòa này còn lớn gấp 3 đến 4 lần so với triều đình. Có những viên ngọc hoặc trân châu quý hiếm đến nỗi, đến hoàng đế còn chưa được nhìn thấy thì trong tay Hòa Thân lại có … vài viên. Vậy nên, thời đó dân gian đã lưu truyền câu nói nổi tiếng: "Cái Càn Long có Hòa Thân có, cái Càn Long không có chưa chắc Hòa Thân không có".

Theo Đời Sống & Pháp Luật