“Võ Tòng đánh hổ” là hư cấu
Thứ Bảy, 26/02/2011 --- cập nhật 10:48 GMT+7




Võ Tòng, ngoại hiệu Hành giả, là một trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, một nhân vật nổi tiếng của Thủy Hử truyện. Nhân vật này cũng xuất hiện trong Kim Bình Mai - một phụ bản của Thủy Hử, và một số tác phẩm khác.



Mặc dù xuất hiện trong tác phẩm nào, Võ Tòng luôn được xây dựng với hình ảnh là con người trượng nghĩa, dũng cảm và gắn liền với tích tay không đánh chết hổ trên đồi Cảnh Dương (thuộc thành phố Liễu Thành, tỉnh Quảng Đông ngày nay). Tuy nhiên, xung quanh nhân vật này, nhiều người còn hồ nghi vì tính chân thực của những câu chuyện liên quan. Liệu Võ Tòng có thực sự tay không đánh chết hổ và liệu nhân vật này có nguyên mẫu thực ngoài đời hay không?
Bí mật về nguyên mẫu nhân vật Võ Tòng


Tượng Võ Tòng trong miếu thờ của ông tại khu du lịch đồi Cảnh Dương, thành phố Liễu Thành, Trung Quốc

Trong Thủy Hử của Thi Nại Am, Võ Tòng xuất thân từ huyện Thanh Hà, phủ Đông Bình, tỉnh Sơn Đông. Gần đây, nhiều nhà sử học của tỉnh này, sau khi tiến hành nghiên cứu đã phát hiện ra một chi tiết vô cùng thú vị: Võ Tòng là một nhân vật có thật trong lịch sử của tỉnh Sơn Đông. Tuy nhiên, đó một con người có tài nhưng không đến mức đặc biệt như trong truyện Thuỷ Hử.

Hiện nay, trong nhiều tài liệu liên quan đến lịch sử Trung Hoa như Lâm An huyện chí, Tây Hồ đại quan, Hàng Châu phủ chí đều có ghi nhận một quan tri huyện mang tên Võ Tòng. Nhân vật này sống ở thời Bắc Tống (1038-1227) và nổi tiếng trong vùng bởi tính liêm khiết, ưa chính nghĩa, hết lòng với công vịệc. Trong những tài liệu này cũng ghi lại một số đặc điểm của nhân vật này như sau: "Võ Tòng người Hàng Châu, cha mẹ trước đây vốn là một người chuyên đi bán những sản phẩm mỹ nghệ. ông có tướng mạo tráng kiện, mày ngài, ngực nở và đặc biệt có giọng nói rất hào sảng".

Sử sách cũng ghi lại, sau khi lớn lên và đỗ đạt, Võ Tòng làm tới chức tri huyện Hàng Châu. Để miêu tả diện mạo và tính cách của nhân vật này, sách Hàng Châu phủ chí còn ghi: "Quan tri phủ Hàng Châu- Võ Tòng là người có võ nghệ cao cường, một nhân tài xuất chúng. Khi làm quan tri phủ, Võ Tòng luôn là một quan chức công tâm, không vụ lợi cho bản thân, vì thế được dân chúng vô cùng yêu mến. Tuy nhiên, tai họa đã giáng xuống đầu con người này khi ông đã xử tù con trai của một viên quan cấp cao hơn trong tỉnh. Kết quả là Võ Tòng đã bị bè cánh của viên quan kia hãm hại, vu oan, kết quả là ông bị tước chức và phải đi khỏi huyện Hàng Châu”.

Người tiếp quản chức tri phủ của huyện Hàng Châu thay cho Võ Tòng là Thái Kim, con trai của Thái sư đương triều. Đây là viên đại gian thần với rất nhiều mưu mô thâm độc và cách thức để tham nhũng tiền bạc của triều đình. Khi lên nhậm chức, dựa vào địa vị của người cha, tên Thái Kim đã đặt ra một loạt những loại sưu thuế mới nhằm hà hiếp, bóc lột tài sản của người dân trong huyện. Dưới sự trị vì của tên tham quan này, dân chúng ở huyện Hàng Châu sống vô cùng khổ cực, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng kêu than và oán trách. Cũng từ khi Thái Kim lên làm huyện lệnh Hàng Châu, dân chúng vùng này đã đặt cho y một biệt danh là Thái Hổ - nhằm biểu lộ sự tàn ác hơn mãnh thú của viên quan này.

Thấy tình cảnh khốn khó của nhân dân trong huyện, là một người ưa chính nghĩa, Võ Tòng đã không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Sau khi bị mất chức, ông đã nuôi một nỗi hận lớn với bọn tham quan và quyết tâm phải trừ khử bè lũ này, trừ mối nguy hại cho nhân dân trong vùng. Vào một ngày, Võ Tòng giấu một con dao đã được mài nhọn và hiên ngang đi đến tri phủ của huyện lệnh Hàng Châu. Khi tới nơi, Võ Tòng đã hùng dũng bước vào phòng của tên Thái Kim và với sự căm phẫn của người dân Hàng Châu, Võ Tòng đã đâm một nhát chí mạng, kết thúc cuộc đời của viên tham quan khét tiếng.

Tuy nhiên, sau khi đâm chết viên huyện lệnh, Võ Tòng đã bị bắt và ngay lập tức bị xử tử. Để tưởng nhớ công ơn trừ khử được tham quan, giải họa cho dân chúng, nhân dân trong vùng Hàng Châu đã lập bia thờ Võ Tòng ngay cạnh phần mộ của ông. Sau khi đi qua khu vực này, nghe được câu chuyện của người dân, Thi Nại Am đã lấy một số tình tiết trong câu chuyện có thật về Võ Tòng để xây dựng nên một nhân vật cùng tên trong tác phẩm Thủy Hử nổi danh.

Tích Võ Tòng giết hổ nhiều chỗ vô lí



Trong hồi thứ 23 của Thủy Hử, gần như toàn bộ nội dung câu chuyện xoay quanh việc Võ Tòng tay không đánh chết hổ. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích văn học, xoay quanh câu chuyện này cũng có những tình tiết khá vô lý.

Cụ thể như đoạn viết: "Võ Tòng vội giật lùi lại vào khoảng hai mươi thước, vừa hay khi ấy hai chân trước của cọp ta vồ xoài xuống chỗ đất ở trước mặt Võ Tòng, chàng liền vứt văng gậy ra một bên, rồi vung hai tay ra nắm lấy bờm con hổ mà ấn xuống đất. Hổ ta hết sức cựa dậy, song bị Võ Tòng cũng hết đè xuống, mà giơ gót cẳng nhè giữa mặt con hổ mà rọi lấy rọi để một hồi. Hổ tức mình kêu gầm rít lên, rồi hai chân sau cào đập cào xuống mặt đất, làm cho đống đất đằng sau lõm xuống hẳn như vũng sâu vậy. Mãi sau hổ ta mệt nhoài mệt lử không còn hơi sức nào cự lại được, Võ Tòng liền tay trái giữ chặt lấy bờm ấn xuống đất, rồi rút tay phải ra mà giơ những nắm đấm tay như sắt, hết sức bình sinh, đánh luôn cho năm bảy mươi quả đấm nữa. Hổ ta bị đấm một lúc, vọt máu tươi ra khắp cả mồm mũi và hai mắt, rồi chỉ thở lên hồng hộc, mà lử đi không cựa được".

Trong đoạn văn này, nhiều người cho rằng có tình tiết khá vô lý. Ai cũng biết rằng hổ rừng có một sức khỏe phi thường và xét về độ dẻo dai thì chúng là vô địch thiên hạ. Tuy nhiên sau khi đọc đoạn miêu tả trên, độc giả có cảm giác sức mạnh của con hổ rừng này chỉ tương đương với một con chó nhỏ. Và việc đánh chết con hổ đầy uy lực và khét tiếng hung hãn của Võ Tòng lại diễn ra vô cùng nhanh gọn và đơn giản.

Nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu thực sự Võ Tòng tay không đánh chết một đối tượng được coi là mạnh nhất trong thế giới động vật? Và nếu như nhân vật này thực sự đánh chết được hổ thì thời gian đích thực là bao lâu hay chỉ trong thời gian ngắn ngủi như vậy?

Tuy nhiên một số nhà bình luận cũng "bỏ qua" cho Thi Nại Am những tình tiết chưa được thật lôgic này. Họ cho rằng, thực chất Võ Tòng chỉ là nhân vật hư cấu trong một tác phẩm nghệ thuật nên việc ông có đánh chết được hổ như thế nào cũng không quan trọng. Vì đó cũng có thể chỉ là biểu tượng cho sức mạnh của con người, biểu tượng cho mong muốn làm được những việc mà tại thời điểm đó con người chưa thể thực hiện được.

Còn phần lớn các ý kiến khác cho rằng, có thể Thi Nại Am vì đã nghe câu chuyện của nguyên mẫu Võ Tòng tại Hàng Châu giết chết tên tham quan có biệt danh Thái Hổ để gây dựng nên câu chuyện của Võ Tòng trong Thủy Hử. Việc xây dựng tình tiết Võ Tòng đánh chết hổ cũng có thể mang hàm ý, ước vọng của nhân dân: Dù cho thâm độc hiểm ác như thế nào thì cũng sẽ phải trả giá bởi những người chính nghĩa, quân tử. Với chi tiết mới này, bạn đọc hẳn sẽ hiểu hơn ý nghĩa ẩn trong truyện Thuỷ Hử.

(Còn nữa)

Kỳ tới: Võ Tòng yêu hay giết chị dâu?

Theo Đời Sống & Pháp Luật