Cúng sao có giải được hạn?
17/02/2008 09:39


Đi lễ đầu Xuân tại đền Quán Thánh. Ảnh: Hồ Quang

(HNM) - Nói đến việc cúng sao giải hạn và làm lễ cầu an tại các chùa ở Hà Nội thì không thể không nhắc đến chùa Phúc Khánh. Vào những ngày này, khi mà cả Hà Nội đang như đông cứng vì cái rét tê tái kéo dài, đường phố trở nên vắng vẻ thì ngược lại tại chùa Phúc Khánh không khí tấp nập đến lạ thường.



Mặc cho giá rét, những con nhang đệ tử vẫn ùn ùn kéo đến chùa lễ và đăng ký làm lễ cầu an, cúng sao giải hạn đầu năm. Sân chùa vốn khá nhỏ nay lại càng không đủ sức chứa xe cộ. Người dân quanh đó bèn khoanh vùng luôn một dãy phố Tây Sơn làm nơi trông giữ xe máy. Một chủ trông xe cho biết mỗi ngày chị cũng kiếm được vài ba trăm ngàn đồng nhờ làm dịch vụ này.



Tại sân chùa, chen vào một đám đông vây quanh 2 cái bàn có mấy người đang ngồi ghi chép, chúng tôi thấy phiếu đăng ký làm lễ cầu an và cúng sao giải hạn đã xếp nhiều chồng dày đến 20 cm. Một phụ nữ lớn tuổi tận tình hướng dẫn cho những người mới đến ra bàn bên cạnh tra bảng dò sao, xem năm nay mình bị sao nào chiếu, sau đó mới xếp thứ tự nộp tiền. Phí mỗi lần giải hạn là 70.000 đ/người, cầu an là 50.000đ/người. Tại chùa Phúc Khánh, ngoài những con nhang đệ tử lâu năm của chùa, có rất nhiều người đến đây cúng sao giải hạn theo phong trào, người này mách bảo người kia. Chị Nguyễn Thị Bình, ở phố Chùa Láng cho biết: “Ban đầu tôi cũng chỉ đi lễ cùng với cô bạn thôi. Nhưng rồi vào chùa thấy mọi người đăng ký làm lễ giải hạn, tôi cũng làm cho yên tâm. Phí làm lễ giải hạn, cầu an không đáng bao nhiêu, mình lại yên tâm suốt một năm”. Những người đến chùa giải hạn không chỉ là người trong nước mà còn nhiều khách thập phương từ nhiều nước trong khu vực.



Thông thường, người ta tổ chức cúng sao vào tháng Giêng nhằm hóa giải bớt những tai ương có thể xảy đến với mình trong năm tới. Nhiều chùa tổ chức đăng ký làm lễ từ tháng 11-12 âm lịch của năm trước. Vào thời điểm hiện tại, một số chùa đã không nhận đăng ký làm lễ giải hạn nữa. Theo lịch được niêm yết công khai tại chùa Phúc Khánh thì ngày mồng 8 tết sẽ làm lễ khóa sao La Hầu, ngày rằm tháng Giêng sẽ làm lễ khóa sao Thái Bạch, ngày 18 tháng Giêng khóa sao Kế Đô.



Thủ tục làm lễ cầu an và giải hạn ở chùa rất đơn giản. Sau khi ghi tên, nộp lệ phí thì vào giờ đã định của các ngày nói trên, những ai bị sao nào chiếu thì đến nghe nhà chùa đọc kinh, đọc tên mình, nhận sớ và hóa vàng là hoàn tất. Tuy nhiên cũng còn có một hình thức làm lễ giải hạn cầu an ở chùa khác. Đó là một nhóm gia đình đăng ký với chùa để làm một đàn riêng. Mỗi đàn chỉ cúng cho khoảng chục gia đình. Nhà sư tụng kinh cầu an xong thì đọc sớ từng gia đình, trong đó ghi rõ tên tuổi, địa chỉ ở đâu, sao nào chiếu cho từng người. Cũng có nhiều người không làm lễ tại chùa mà làm lễ tại các đền, điện tư. Không ít người cầu kỳ thuê thầy cúng về dâng sao giải hạn tại gia. Với hình thức này thì gia chủ phải bỏ ra khá nhiều tiền thậm chí là đến 5, 7 triệu đồng để làm lễ giải hạn cho mình.



Điều đáng nói là theo hòa thượng Thích Thanh Tứ, trụ trì chùa Quán Sứ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì trong kinh Phật không đề cập đến việc cúng sao có thể giải được hạn. Ông cho biết, theo kinh Phật thì không có thần thánh nào gây vận hạn cho con người cả, tất cả là do con người tạo ra, gieo nhân nào thì gặt quả nấy, muốn được phúc thì phải làm phúc chứ không thể xin mà được. Cúng sao giải hạn là tập quán bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian của người dân Việt Nam. Nhà chùa làm lễ dâng sao cốt để giải quyết về phần tâm lý cho người dân mà thôi.



Đi chùa làm lễ cầu an, cúng sao, giải hạn đầu năm từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Tuy nhiên nếu bày đặt các nghi lễ rườm rà, thuê thầy cúng bái gây tốn kém tiền của thì là điều không nên làm.



Lâm Vũ - HaNoiMoi