Bạt ngàn mộ chí khắc câu thơ buồn

Tại tỉnh Tây Ninh có một khu mộ kỳ lạ. Trên từng mộ bia đều lưu lại những di bút, tuyệt bút của người quá cố và thân nhân họ bằng những áng thơ với nhiều thể thơ tự do, song thất lục bát, thất ngôn tứ tuyệt… Bên cạnh những vần thơ tiễn biệt, trên nhiều ngôi mộ của "nghĩa địa thơ" ấy còn có sự hiện diện của những tác phẩm hội họa với cảnh đồng quê, sông nước mênh mang, trù phú, đầm ấm…

Đường đến… Cực Lạc Thái Bình

Rời TP HCM được 40km, xe chúng tôi lăn bánh đến địa phận huyện Trảng Bàng, quê hương của món bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc tuyệt hảo và đặc biệt là đặc sản bánh canh hai tô ăn kèm với cả chục món lá rừng thơm lựng với nhiều hương vị chua - chát - đắng - cay.

Do Trảng Bàng cách trung tâm tỉnh lỵ Tây Ninh hơn 60km nên khi chúng tôi hỏi thăm về "nghĩa địa thơ" thì ai nấy đều lắc đầu. Nhìn thấy một thánh thất của đạo Cao Đài với lối kiến trúc uy nghi như một lâu đài cổ xưa nằm giữa một cánh đồng lúa vàng thơ mộng, chúng tôi ghé tham quan.

Trong câu chuyện giữa đời với đạo, chúng tôi lặp lại câu hỏi về "nghĩa địa thơ" và được đạo hữu (người theo đạo) của thánh thất là ông Kỳ Huỳnh Bá, nhà ở ấp Hiệp Định, xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành (huyện giáp ranh với thị xã Tây Ninh), báo tin vui: "Nghĩa địa thơ, họa ấy có thật chứ không phải tin đồn".

Ông Bá cho biết, nghĩa địa kỳ lạ ấy có tên gọi Cực Lạc Thái Bình, thuộc địa phận xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu. Sau chỉ dẫn tận tình, ông Bá bỏ nhỏ: "Hai cụ thân sinh của tôi cũng được an nghỉ tại đấy, mộ phần cũng được khắc thơ, vẽ tranh như hàng chục ngàn mả mồ khác".


Toà thánh Cao Đài.

Xe lăn bánh đến Tòa thánh Tây Ninh, "tổng hành dinh" của đạo Cao Đài, nghe chúng tôi hỏi về Cực Lạc Thái Bình, một đạo hữu đoán định "chắc mấy chú không phải là dân ở đây?" rồi tự biện giải: "Đã là dân thị xã, dẫu là người theo Công giáo, đạo Hòa Hảo, đạo Phật… và chẳng theo tôn giáo nào cũng đều biết đến nghĩa địa Cực Lạc Thái Bình. Bởi đây là nghĩa địa kỳ lạ nhất thế giới, thu hút nhiều khách phương xa đến để đọc thơ, xem các bức họa trên các mả mồ".

Mỗi ngôi mộ là một trang thơ

Đứng giữa nghĩa địa thơ với hàng chục ngàn ngôi mộ, từ những ngôi mộ xưa cổ với rêu phong phủ đầy đến rừng mộ xuất hiện trong vài năm gần đây được lát gạch bông, đá hoa cương trắng muốt, chúng tôi nhận thấy "mái nhà" yên giấc ngàn thu của bất kỳ người quá cố nào cũng hiện diện những bia đá khắc thơ của vợ tiễn chồng, mẹ nhớ con, huynh đệ sầu bút, tỷ muội cảm hoài…

Chúng tôi dừng lại ngôi mộ được xây bằng đá mài của cụ bà Trần Thị Bảnh, 72 tuổi, nơi có bài thơ "Hoài niệm mẫu thân": "Cù lao chín chữ nghĩa ân sâu/ Biển rộng non cao hiếu đứng đầu/ Nhớ đến ơn sanh lòng quặn thắt/ Tưởng công dưỡng dục lệ tuôn châu...". Cạnh đó là những lời tiễn biệt của một người bạn với người nằm dưới mộ: "Ân sâu khó tả công cao rộng/ Tôn quý đạo hằng khắc ghi tâm/ Lập ngôn nhắc nhở tiên nghiêm dạy/ Mộ đức ngàn thu tiếng vẫn còn".

Ở nơi an nghỉ của em Lê Thị Ngọc Linh, 17 tuổi, thật xót xa trước bài thơ "Thương con" trên mặt sau bia đá của cô gái bạc mệnh này: "Thương hoa chưa nở vội tàn/ Phải chăng vì nợ trần gian hết rồi?/ Mẹ cha đau lắm con ơi!/ Gia đình nội, ngoại cũng rơi giọt sầu". Và đây là chút tâm tình của một người chồng góa vợ: "Nào nghĩ đất bằng nay dậy sóng/ Không ngờ hy vọng lại tang thương/ Thôi đành vĩnh biệt âm dương cách/ Lúc nhớ chỉ đành thắp nén hương".


Những ngôi mộ có thơ, có tranh tại nghĩa địa.

Vào sâu trong nghĩa địa, chúng tôi còn đọc được nhiều bài thơ giã biệt cuộc sống hay những lời huấn thị, dặn dò với con cháu do chính người dưới mộ sáng tác lúc sinh thời. Chúng tôi cũng được chiêm ngưỡng những bức tranh sông nước êm đềm, những vườn thiên thai đầy cỏ cây hoa lá với muôn trùng chim muông trên các mộ bia. Có ngôi mộ hiện diện đến 3 bài thơ của chồng tiễn vợ, con khóc mẹ, phụ mẫu xót nhớ thương con…

Tại Văn phòng Ban quản lý nghĩa địa Cực Lạc Thái Bình, sau khi cho biết nghĩa địa được kiến tạo từ năm 1928 với tổng diện tích 58ha do họ đạo Cao Đài quản lý, ông Bùi Bạch Mai, người quản lý nghĩa địa, bật mí: "Thơ trên các bia mộ có 2 nguồn, nếu không thích nguồn có sẵn từ Ban quản lý nghĩa trang thì gia chủ cứ việc sáng tác, miễn là có vần có điệu, nội dung trong sáng, rõ ràng, hợp đời, hợp đạo, không vi phạm thuần phong mỹ tục, pháp luật của Nhà nước là được".

Cũng theo lời ông Mai, quỹ thơ của Ban quản lý hiện có khoảng 1.000 bài, nguồn từ sưu tầm trên sách báo, từ sáng tác "ủng hộ" của các bậc cao niên và những người yêu thi phú… "Chúng tôi có một tổ chuyên tạc bia đá. Khi có hữu sự, thân nhân người quá cố đến đặt bia sẽ được đưa ra tập thơ được phân thành nhiều chủ thể như khóc cha, tiễn chồng, nhớ mẹ, thương con… cho họ lựa chọn đặng khắc tạc. Bằng không thì thợ sẽ tạc theo thơ có sẵn của họ".

Nghĩa địa Cực Lạc Thái Bình đang trong giai đoạn chỉnh sửa nên vật liệu ngổn ngang. Bên này là khu cổ mộ với nhiều kiểu dáng khác nhau, bên kia là trùng trùng lớp lớp gần 5.000 ngôi mộ đồng dáng ngay ngắn, sạch đẹp mà theo giải thích của ông Mai mới được quy hoạch sau này: "Ngày trước do không có quy củ nên khoảng cách giữa các ngôi mộ rất xa, gây tốn kém quỹ đất. Trước tình trạng tổng diện tích 58ha bị mả mồ choán gần hết nên chúng tôi phải chỉnh trang lại. Hiện mỗi ngôi mộ của đạo hữu được quy định diện tích 1.2x2.4m, khoảng cách giữa các ngôi mộ là 40cm. Tùy theo chức sắc, hạng phẩm lúc sinh thời của người quá cố (lễ sanh, đạo hữu, giáo hữu, giáo sư…) mà mộ phần được bài trí nhiều hoa văn - họa tiết trang trí…".

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết việc đồng nhất mộ phần ở nghĩa địa Cực Lạc Thái Bình còn vì tư tưởng "Chết đồng quan đồng quách". Bà Thái Văn Nô, nhà ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, lúc ghé nghĩa địa thăm mộ người chồng quá cố, tâm tình: "Khi sống tùy điều kiện kinh tế gia đình, chức vụ trong hệ thống công quyền mà kẻ ở nhà cao, người sống nơi nhà tranh vách lá. Nhưng một khi lìa cõi hồng trần thì ai cũng bình đẳng như ai. Quy định chung kiểu mộ để tránh tình trạng có người cậy tiền bạc xây mồ to mả rộng, rồi con gà hơn nhau tiếng gáy, người xây sau cố làm to làm bự hơn người trước, từ đó dẫn đến nạn chạy đua mồ mả làm lãng phí tiền bạc, làm tủi thân những người có hoàn cảnh khó khăn".

"Đất cho chứ không bán"

Không chỉ gây sự ngạc nhiên trong chúng tôi về rừng mả mồ đầy thơ họa, nghĩa địa Cực Lạc Thái Bình còn ẩn chứa điều kỳ lạ khác mà có lẽ chẳng nơi đâu có thể có được. Còn nhớ lúc đang chuyện trò, ông Mai tiếp một người đàn ông ăn vận khá sang trọng nhà ở xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành.

Sau khi giới thiệu mình tên Nguyễn Văn Sơn, người đàn ông cho biết cụ thân sinh của anh trước khi mất mong muốn được yên nghỉ tại nghĩa địa Cực Lạc Thái Bình nên anh có nhu cầu mua một lô đất để an táng cụ. Anh nói: "Tôi biết đây là nghĩa địa của người theo đạo Cao Đài, còn ba tôi là người ngoại đạo. Nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, rất mong Ban quản lý nghĩa địa tạo điều kiện cho tôi mua đất đặng làm theo di nguyện của cụ". Người đàn ông vừa dứt lời, ông Mai giọng nghiêm nghị: "Chúng tôi không bán đất, không kinh doanh".

Nhìn người đàn ông luống cuống, âu lo vì nghĩ mình sẽ không làm tròn ước nguyện của cụ thân sinh, ông Mai giãn giọng: "Do anh không biết thôi chứ tuy là đất của Tòa thánh Cao Đài nhưng nghĩa địa Cực Lạc Thái Bình không chỉ là nơi an nghỉ của những người theo họ đạo. Bất kể sang hèn, tôn giáo, ai có nhu cầu chôn cất cho chính mình sau này hoặc người thân đều được chúng tôi đón nhận. Chúng tôi sẽ cấp đất chứ không bán. Với một điều kiện là xây dựng theo mẫu do Ban quản lý đưa ra. Chi phí xây dựng mộ từ 3 triệu rưỡi đến 5 triệu đồng tùy chất lượng vật liệu và họa tiết trang trí".

Được lời như cởi tấm lòng, người đàn ông cảm tạ rối rít rồi ngỏ ý bồi dưỡng chút đỉnh nhưng các thành viên Ban quản lý nghĩa địa khước từ. "Nếu vì tiền chúng tôi đã không làm ở đây" - một người trong ban quản lý dứt khoát: "Tất cả chúng tôi gắn bó với nghĩa địa trên tinh thần tự nguyện, không hưởng lương, không nhận tiền của bất kỳ ai. Với trường hợp nghèo khó, chúng tôi còn tặng bia mộ".

3h chiều, trời đang nắng đó bỗng tối sầm báo hiệu một cơn mưa lớn chuẩn bị ập đến. Chúng tôi rời nghĩa địa Cực Lạc Thái Bình với mối hoài cảm sâu sắc về một vùng đất cực lạc ngàn đời, nơi thân nhân của hàng chục ngàn người nằm dưới mộ không phải lo toan chuyện mua đất, “xí” đất xây dựng mộ phần, sinh phần như TP HCM; nơi mọi người khi nhắm mắt xuôi tay đều bình đẳng như nhau, cùng an lạc dưới một mái nhà với trăm hoa ngàn thơ đậm tình đậm nghĩa
Nguyễn Thành Dũng (theo CAND online)


Cực lạc Thái Bình nhìn từ vệ tinh.