Liệu pháp giác là phương pháp dùng ống giác với áp suất âm ở trong ống ấn vào da. Khi ống giác hút chặt vào da sẽ gây hiện tượng xung huyết hoặc tụ huyết tại chỗ giác để chữa bệnh. Mới đầu người ta dùng sừng để giác được gọi là ống giác (giác chữ Hán có nghĩa là sừng). Sau này người ta đã dùng ống nứa, ống sành, ống thủy tinh thay sừng, song vẫn giữ tên chung là ống giác. Có người còn dùng cả lọ nhỏ, ly nhỏ ... Dù là loại nào, điều quan trọng là miệng ống giác phải nhaÜn và bằng phẳng để bảo đảm khi giác không lọt hơi vào ống và không làm tổn thương da khi ống bị hút vào da.

Thường dùng các cách giác sau:

- Với bông thấm cồn 95o vừa đủ cháy thành lửa để tạo áp suất âm.

- Đốt mảnh bông cồn (hoặc mảnh giấy đốt lên) ném vào lòng ống giác, nhân lúc lửa cháy úp nhanh ống giác lên chỗ giác. Dùng panh kẹp chặt miếng bông cồn, đốt bông cho cháy rồi khoắng vào lòng ống giác, khi rút panh ra lập tức úp nhanh ống giác lên chỗ giác.

- Dùng mảnh bông cồn dán vào thành lòng ống giác, đốt lên, nhân lúc lửa cháy úp nhanh lên chỗ giác.

- Dùng hơi nóng của nước sôi hoặc nước thuốc sôi để tạo áp suất âm (phương pháp này gọi là trúc quản liệu pháp, liệu pháp ống nứa).

- Cho ống giác nứa vào nước đun sôi lên vài dạo, lấy đũa gắp ống nứa lên, để dốc ngược, miệng ống vẫn để trong nước, dùng khăn lót tay, nhấc ống lên, vẩy sạch nước, thấm miệng ống vào khăn khô, rồi úp nhanh vào chỗ giác. Chú ý độ nóng của miệng ống giác để tránh bỏng. Cách làm như trên, xong nước được thay bằng nước thuốc, gọi là giác thuốc.

Trình tự một lần giác thường như sau:

- Xác định vị trí giác, rồi chọn loại ống giác to nhỏ thích hợp. Ví dụ giác ở đầu mặt dùng ống giác nhỏ, chi trên ống giác vừa, các nơi khác ống giác vừa hoặc to.

- Làm thủ thuật giác: nếu hút chặt quá bệnh nhân đau, da trong ống giác phồng to, cần cho thêm không khí vào ống giác bằng cách một ngón tay ấn xuống da sát miệng ống giác, tay kia ép ống giác xuống bên đối diện làm miệng ống giác nghiêng về một bên tạo điều kiện cho hơi có thể lọt vào.

- Lưu ống giác khoảng từ 10 đến 20 phút đến khi ống giác lỏng thì nhấc ống lên. Nếu cần nhấc sớm làm động tác cho khí vào như trên, sau đó nhấc ống lên.

- Tùy yêu cầu, trước hoặc sau giác có thể dùng kim trích nặn máu (trường hợp có huyết ứ hoặc tà lưu ở sâu trong huyết lạc).

- Nếu có tổn thương da cần giải quyết kịp thời.

Trên đây là cách giác lưu. Và thường phải dùng nhiều ống giác cho một lần giác, mỗi ống giác cách nhau 5 đến 7cm, cũng là để chỗ cho lần giác sau.

Song còn cách giác chớp nhoáng. Chỉ dùng 1 ống giác, ngoáy lửa đuổi khí xong úp ống giác vào chỗ giác. Khi ống giác vừa bị hút chặt thì lập tức lấy ra làm thành 1 tiếng kêu lại ngoáy lửa lại giác như trên đến khi da ửng đỏ. Có thể giác hết vùng này đến vùng khác.

Chỉ định về liệu pháp giác

Nên dùng trong những trường hợp sau:

- Cảm lạnh, cảm nóng, đau đầu chóng mặt, mắt sưng đỏ đau ... tất cả đều là chứng thực ở vùng đầu. Tốt nhất là dùng kim tam lăng (kim 3 cạnh) chích nặn 1 giọt máu huyệt thái dương rồi giác bằng ống giác nhỏ.

- Các chứng ho suyễn, hoặc suyễn có đờm mạn tính, chính yếu là giác huyệt ở hai bên lưng từ ngang đốt sống cổ 7 đến ngang đốt sống lưng 7.

- Các chứng đau bụng, sôi bụng, đại tiện phân lỏng nhão ... chính yếu là giác các huyệt ở bụng, ở lưng (dọc hai bên thăn lưng) và vùng đau trong bụng.

- Các chứng đau nhức cơ xương khớp, chính yếu giác ở chỗ có đau (huyệt á thị).

Không nên dùng giác trong những trường hợp sau:

- Vùng da có bệnh, người đang gầy khô, người có cơ nhục đàn hồi kém.

- Người sốt cao mê sảng, người có co giật toàn thân.

- Không giác các vùng có mạch máu nhiều, nơi xương gồ lên, vùng đầu có tóc, mỏm tim, núm vú, mắt, mũi, tai ...

- Không giác vùng bụng dưới và vùng xương cùng của thai phụ.

- Không giác cho người có nhiệt độc ban chẩn.

- Với người phù thũng cần thận trọng khi dùng giác.

Giác cho người bị cảm lạnh

Sau khi bị gió lạnh thấy người sốt sợ lạnh, không có mồ hôi chảy, ngạt mũi, người uể oải ... Giác các huyệt thái dương, đại chùy, phong môn, phế du, ấn đường, khúc trì, hợp cốc.

Hoặc dùng cách giác chớp nhoáng làm cho các vùng huyệt ửng đỏ lên; hoặc dùng cách giác lưu mỗi huyệt 10 đến 15 phút, ngày giác một lần. Chú ý nếu dùng cách giác lưu thì lần giác sau không trùng với lần giác trước liền kề.

Cần giữ ấm cho bệnh nhân khi giác. Sau khi giác xong, lập tức mặc áo, chùm chăn cho ra mồ hôi. Nếu có thể cho uống một ly nước gừng đường nóng hoặc uống bát cháo loãng nóng để giúp ra mồ hôi. Sau khi ra mồ hôi rồi, lấy khăn lau khô người, thay quần áo, giữ ấm.

Giác cho người viêm phế quản

Nếu là cấp tính, có ho, đau xương ức, có thể có thở khò khè, sốt, đau đầu mỏi toàn thân.

Giác các huyết đại chùy, phong môn, thiên trụ, phế du, đản trung, trung phủ.

Hoặc dùng cách giác lưu, mỗi huyệt lưu 20 phút.

Hoặc dùng cách chích xuất huyết các huyệt trên rồi mới giác chùm lên vết chích. Chia làm 2 nhóm huyệt, mỗi ngày giác một nhóm huyệt.

Nếu là mạn tính, có ho đờm nhất là vào sáng sớm, đờm trắng đặc dính khó khạc, nếu bội nhiễm có đờm vàng.

Giác các huyệt phế du, trung phủ, đản trung, tỳ du, thận du, túc tam lý, phong long.

Hoặc dùng cách giác lưu mỗi huyệt 15 phút, hoặc trước khi giác chích xuất huyết các huyệt rồi giác lên huyệt, lưu ống giác mỗi huyệt 15 phút. Chia làm 2 nhóm huyệt, mỗi ngày giác một nhóm huyệt.

Giác cho người có đau dạ dày

Nếu là viêm dạ dày mạn tính, (bệnh đau dạ dày lâu) giác các huyệt can du, đởm du, tỳ du, vị du, túc tam lý, tam âm giao, hoặc trung quản, thiên khu, quan nguyên tam âm giao, túc tam lý.

Giác lưu 10 phút nhóm huyệt 1, chích nặn máu rồi giác lưu 10 phút nhóm 2. Mỗi ngày giác 1 nhóm huyệt.

Giác cho người đau thắt lưng mạn tính

Giác các huyệt thận du, mệnh môn, yêu dương quan, dọc hai bên thăn lưng vùng thắt lưng.

Có thể dùng các cách giác sau

Giác lưu các huyệt trên, lưu 10 đến 15 phút, ngày 1 lần.

- Bôi dầu, cao sao vàng dọc thăn lưng vùng thắt lưng rồi giác chớp nhoáng di chuyển từ trên xuống dưới.

- Giác nước thuốc.

Phương thuốc có các vị sau: ngải diệp, đỗ trọng, phòng phong, quế chi, khương hoạt, độc hoạt, mộc qua, tô mộc, hồng hoa, thiên niên kiện mỗi thứ 10g.

Cho thuốc vào túi rồi cho vào nồi nước, đun sôi lên vài dạo, cho ống giác nứa vào, đun sôi tiếp 1 đến 3 phút, gắp ống tre, lót tay cầm đáy ống vẩy sạch nước, thấm miệng ống vào khăn khô rồi úp lên huyệt. Lưu 10 đến 20 phút. Mỗi ngày một lần, một đợt điều trị là 10 lần.