kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Ðề tài: Người tu Tịnh Độ nên xem (3)

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Người tu Tịnh Độ nên xem (3)

    Lời cổ đức khai thị cũng thật, vì lợi ích chúng ta mà thuyết nói, nếu nghe mà chẳng thực hành thì thật là uổn phí...Một lần chúng ta đọc là một lần nghe khai thị, hai lần đọc là hai lần nghe khai thị...rồi dùng lời dạy ấy mà tu theo...Xưa Đệ tử của Ấn Quang đại sư cũng chỉ đọc thư thầy gởi..mà y cứ tu, lâm chung kẻ đứng, người ngồi vãng sanh rất nhiều . Nếu ai từng có duyên đọc Văn Sao của Tổ sẽ thấy lời này chẳng ngoa...
    Vì vậy, nếu muốn thực sự có lợi ích, thì xin hãy chọn một vị cổ đức..ghi nhớ lời vị ấy mà tu.. nhẫn tới một đời chẳng quên lời dạy. Thì lâm chung chắc thật, chẳng sai đường mà vãng sanh Tây Phương..xin các đồng tu lưu ý..
    Liên Trì đại sư khai thị
    1. Vọng niệm là bịnh; niệm Phật là thuốc. Bịnh lâu thì một viên thuốc chẳng trị hết nổi. Vọng niệm chất chứa thì chẳng thể nào vừa niệm đã trừ hết được nổi. Lý lẽ nhất định như vậy. Ðừng lo ngại những vọng niệm khác tơi bời [khởi lên], chỉ quý ở chỗ niệm Phật tinh chuyên, khẩn thiết. Từng chữ phân minh; câu, câu nối tiếp. Dốc sức chấp trì thì mới có phần xu hướng được, nghĩa là: do sức chơn thật tích tụ lâu ngày nên đến một ngày nào đó sẽ chợt rỗng rang [khai ngộ]. Ví như mài chày làm kim, luyện sắt thành gang, quyết định chẳng dối. Tuy có lắm môn để nhập đạo, nhưng chỉ có một môn này là đường vắn tắt nhất, chẳng thể coi thường, chớ có coi thường.

    2. Ðạo này chí huyền, chí diệu, lại rất mực giản dị. Vì giản dị nên bị bậc cao minh xem thường! Sanh tử chẳng lìa nhất niệm mà thậm chí muôn pháp thế gian, xuất thế gian cũng chẳng ngoài nhất niệm. Nay đem cái niệm ấy niệm Phật thì sẽ thiết tha, tinh chuyên, chơn thật xiết bao! Nếu xét kỹ tận nguồn nhất niệm ấy thì nó chính là tự tánh Di Ðà, chính là ý của Tổ Sư tự phương Tây đến. Ví dù chẳng ngộ được, nhưng nương niệm lực ấy mà vãng sanh Cực Lạc, vượt ngang sanh tử, chẳng bị luân hồi nữa thì cuối cùng sẽ đại ngộ vậy. Xin buông bỏ muôn duyên, trong mười hai thời niệm niệm khăng khăng. Ðấy chính là là điều tôi rất mong mỏi.

    3. Sự hiếu thế gian có đến ba, hiếu xuất thế gian chỉ có một. Cái hiếu thế gian gồm: Một là thừa hoan hầu hạ, dùng thức ngon lành dâng lên mẹ cha. Hai là đỗ đạt làm quan, dùng tước lộc để vinh hiển mẹ cha. Ba là tu đức trau hạnh để thành thánh, thành hiền nhằm làm rạng rỡ mẹ cha. Thế gian gọi ba điều ấy là hiếu vậy. Sự hiếu xuất thế gian là khuyên cha mẹ trai giới, tu đạo, nhất tâm niệm Phật, cầu nguyện vãng sanh, vĩnh biệt tứ sanh (không còn sanh trong bốn loài: noãn, thai, thấp, hóa), mãi mãi thoát khỏi lục đạo, gởi thân trong thai sen, thân cận Phật Di Ðà, đắc bất thối chuyển. Người con báo hiếu coi việc ấy là trọng đại nhất.

    Khi xưa, tôi vừa chớm biết nhập đạo, song thân đã khuất, do thương cảm bèn viết bài văn tự trách bất hiếu để bày tỏ nỗi bi hận. Nay thấy trong chúng tại gia, xuất gia có đủ điều may mắn càng bội phần cảm khái, lệ nhỏ ròng ròng. Cúi đầu, rập đầu xin khuyên: Người chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ cho được yên ổn là hiếu. Người lập thân hành đạo để cha mẹ nở mặt là đại hiếu. Người khuyên cha mẹ dùng pháp môn niệm Phật cầu được vãng sanh Tịnh Ðộ là đại hiếu nhất trong những người đại hiếu. Tôi sanh muộn, vừa nghe được Phật pháp thì mẹ cha đã khuất, đau đớn thấu trời, tuy muốn đáp đền vẫn không làm cách nào được. Xin thưa cùng mọi người: khi cha mẹ còn tại thế nên sớm khuyên niệm Phật. Ngày cha mẹ mất nên lễ Phật, tụng kinh ba năm. Nếu chẳng làm được như vậy thì hoặc là suốt cả một năm hay trong bốn mươi chín ngày cũng được. Hiếu tử muốn báo cái ân cù lao, không thể không biết đến điều này.

    4. Phàm là người học Phật chẳng cần bàn đến hình dạng trang nghiêm, chỉ quý ở chỗ chơn thật tu hành. Cư sĩ tại gia chẳng nhất thiết phải áo dà, khăn đạo. Người để tóc cứ mặc thường phục niệm Phật, chẳng nhất thiết phải khua mõ, gõ khánh. Người thích yên tịnh cứ yên lặng niệm Phật, chẳng bắt buộc phải quây quần lập hội. Người ngại việc có thể tự đóng cửa niệm Phật, chẳng cần phải đến chùa nghe kinh. Người biết chữ có thể tuân theo giáo pháp niệm Phật. Ngàn dặm thiêu hương chẳng bằng ngồi yên trong nhà niệm Phật. Cúng dường tà sư chẳng bằng hiếu thuận cha mẹ niệm Phật. Kết giao rộng rãi với bè bạn ma chẳng bằng một mình thanh tịnh niệm Phật. Gởi tiền kho cho kiếp sau (1) chẳng bằng hiện tại làm phước niệm Phật. Hứa nguyện, cầu đảo chẳng bằng hối lỗi đích thân niệm Phật. Tập tành học theo sách vở ngoại đạo chẳng bằng một chữ không biết mà niệm Phật. Vô tri bàn xằng lẽ Thiền chẳng bằng chắc thật trì giới, niệm Phật. Mong cầu yêu quỷ linh ứng chẳng bằng chánh tín nhân quả niệm Phật.

    Nói tóm lại, đoan tâm diệt ác niệm Phật như vậy thì gọi là thiện nhân. Nhiếp tâm dứt trừ tán loạn để niệm Phật như vậy thì gọi là hiền nhân. Ngộ tâm đoạn hoặc niệm Phật như thế thì gọi là thánh nhân.


    Khẩu quyết niệm Phật của Thảo Am thiền sư.

    * Quan trọng

    Có ai mà chẳng niệm nổi A Di Ðà Phật, thế mà lại khó niệm. Có ai mà chẳng nguyện sanh Tây phương Cực Lạc, nhưng rất ít kẻ được vãng sanh! Ấy là do người niệm Phật chưa nắm được bí quyết vậy. Niệm Phật phải cho thật chân thành, thiết tha, chỉ nghĩ đến một chữ CHẾT mà thôi. Trong mỗi niệm luôn nhớ một chữ CHẾT thì tự nhiên lãnh đạm đối với các cảnh duyên, tình ái cũng tự mỏng nhẹ. Ðến lúc đấy (lúc chết) thì danh lợi, thế lực, giàu có cũng chẳng biết dùng để làm gì! Ðến chừng ấy, có muốn thấy nghe hay biết cũng chẳng được; tứ đại đều đã chia lìa cả thì còn nương dựa vào đâu? Cô hồn vô chủ làm sao được tự do đây!

    Khi ấy, chẳng thấy Di Ðà, chỉ sợ gặp la sát. Khi ấy, chẳng sanh Tịnh Ðộ, sợ lạc vào thai lừa. Ví dù không có ác nghiệp cũng chẳng tránh khỏi phải sanh trở lại vào nhân đạo. Dẫu có nhân lành cũng chưa từng tránh khỏi phải thọ phước báo cõi trời dễ hết. Chớ bảo tự mình làm chủ! Nghiệp quả kéo lôi, thật khó trốn tránh. Chớ bảo sanh tử vốn là không! Thức tâm chưa tận thì hoàn toàn vẫn ở trong luân hồi. Chớ nên xem nhẹ điều này vì việc [sẽ xảy ra trong] ngày mai, hôm nay còn chẳng biết được! Chớ có xem thường điều ấy đến nỗi luống uổng đời này, rồi phải trầm luân vĩnh viễn. Trong hết thảy mọi sự, không có gì [quan trọng] bằng sanh tử đại sự cho nên chẳng còn bận tâm gì đến hết thảy các sự khác. Coi hết thảy thời đều như là lúc đang lâm chung thì thời nào cũng là thời niệm Phật. Niệm Phật như thế mới là tâm khẩn thiết; tâm khẩn thiết như vậy mới được sanh về Tịnh Ðộ. Phải chí tử hạ thủ công phu thì mới thành tựu Tịnh nghiệp. Có thường nghĩ đến lúc chết thì tâm mới thiết tha. Phải như vậy mới có thể đạt đến thành Phật; đấy mới là bí quyết niệm Phật chơn thành.

    Hổ Khê tôn giả khai thị
    A. Phàm là người tu Tịnh Ðộ thì rõ ràng là phải chống cự với sanh tử, chứ chẳng thể nói xuông rồi thôi. Phải nghĩ đến vô thường vùn vụt, thời gian chẳng đợi ai. Phải nên dốc chí thực hiện thì mới được; chứ còn nếu nửa tiến, nửa lùi, dường như tin, tựa hồ ngờ, mặc cho may rủi thì còn làm được việc gì, làm sao thoát khỏi luân hồi nổi! Nếu đã tin biết được thì từ ngày nay trở đi phải phát đại dũng mãnh, phát đại tinh tấn, đừng quan tâm là hiểu hay chẳng hiểu, [chớ nệ là] kiến tánh hay không kiến tánh, cứ chỉ chấp trì một câu Nam Mô A Di Ðà Phật giống hệt như nương tựa vào một tòa núi Tu Di dù có bị lay lắc vẫn chẳng động. Chuyên tâm, nhất ý để tham niệm hay quán niệm, ức niệm, thập niệm, hoặc niệm thầm, niệm rõ tiếng, hệ niệm, lễ niệm. Niệm đâu tâm theo đấy, luôn nhớ, luôn niệm. Sáng cũng niệm, tối cũng niệm, đi cũng niệm, ngồi cũng niệm; tâm niệm chẳng để luống qua. Niệm Phật chẳng rời tâm, ngày ngày, giờ giờ chẳng buông bỏ, miên miên mật mật như gà ấp trứng thường giữ cho hơi nóng liên tục. Ðấy chính là tịnh niệm liên tục, lại dùng thêm trí quán chiếu thì liền biết được rằng Tịnh Ðộ chính là tự tâm. Ấy mới là công phu của bậc thượng trí tu tấn.

    Giữ được định như thế, chủ yếu là thực hành như thế để làm chỗ dựa an ổn. Ví dù có gặp cảnh khổ, vui, thuận, nghịch hiện tiền vẫn chỉ niệm A Di Ðà Phật, không hề có một niệm đổi khác tấm lòng, không hề có một niệm tâm thối đọa, không hề có một niệm tạp tưởng tâm. Cho đến hết đời, vĩnh viễn không có niệm khác, quyết định cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nếu quả có thể dụng công như vậy thì sanh tử nghiệp chướng, vô minh trong bao kiếp sẽ tự nhiên tiêu sạch, trần lao tập lậu tự nhiên sạch hết không còn sót. Chẳng lìa bổn niệm, tận mặt thấy đức A Di Ðà. Công thành hạnh mãn, nguyện lực hỗ trợ nên lúc mạng chung quyết sẽ sanh trong thượng phẩm.

    B. Ðiều cốt yếu trong sự tu hành chơn tín là cầu sanh về Tây phương Cực Lạc thế giới: Chuyên chú tâm ý vào một niệm, trì một câu A Di Ðà Phật. Chỉ có một niệm này là bổn sư của mình. Chỉ có một niệm này chính là hóa Phật. Chỉ có một niệm này là vị tướng quân mạnh mẽ phá tan địa ngục. Chỉ có một niệm này là gươm báu chém tan các tà. Chỉ có một niệm này là đèn sáng soi tan tăm tối. Chỉ một niệm này là thuyền lớn để vượt đại khổ hải. Chỉ một niệm này là phương cách tốt lành để thoát sanh tử. Chỉ một niệm này là đường tắt thoát khỏi tam giới. Chỉ một niệm này là bổn tánh Di Ðà. Chỉ một niệm này để thấu đạt Duy Tâm Tịnh Ðộ. Chỉ nên ghi nhớ một câu A Di Ðà Phật trong tâm niệm, chớ để lạc mất. Niệm niệm thường hiện tiền, niệm niệm chẳng rời tâm. Vô sự cũng niệm như thế. Hữu sự cũng niệm như thế. An vui cũng niệm như thế. Bịnh khổ vẫn niệm như thế. Sống cũng niệm như thế. Chết cũng niệm như thế. Một niệm phân minh chẳng mê như thế thì cần phải hỏi ai để tìm đường về nữa!


    Hám Sơn đại sư khai thị
    * Ðiều quan trọng thứ nhất trong việc tu hành là đối với sanh tử tâm phải khẩn thiết. Ðối với sanh tử tâm chẳng khẩn thiết sao lại dám nói là niệm Phật đã thành khối? Vả lại, chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, niệm niệm vọng tưởng, tình căn che lấp kỹ, thường ngày chưa từng phản tỉnh. Nay muốn dùng cái tâm tin tưởng hời hợt để đoạn sanh tử nhiều kiếp thì khác nào giọt nước làm sao dập tắt nổi đống củi đang cháy, há có lý này chăng?

    Nếu quả thật đương nhân đối với sanh tử, tâm thật khẩn thiết, niệm niệm như cứu đầu đang bị cháy, chỉ sợ một phen mất thân người thì vạn kiếp khó có lại được. Nên giữ chặt một câu niệm Phật này, nhất định muốn chống cự lại các vọng tưởng. Trong hết thảy xứ, niệm niệm hiện tiền, chẳng còn bị vọng tưởng lôi kéo, che chướng. Hạ công phu siêng nhọc như thế thì lâu ngày thuần thục, tự nhiên tương ứng. Có như vậy thì dẫu chẳng cầu được thành một khối mà vẫn tự nhiên kết thành một khối. Ðiều này cũng giống như người uống nước, nóng, lạnh tự mình biết, chẳng thể nói cho người khác biết được. [Niệm Phật được thành tựu] hoàn toàn là do mình ra sức. Nếu chỉ niệm Phật ngoài da thì dẫu nhọc nhằn bao năm tháng cũng chẳng hưởng được gì.

    * Mỗi ngày trừ hai thời công khóa, chỉ đem một câu A Di Ðà Phật đặt ngang nơi ngực, niệm niệm chẳng quên, tâm tâm chẳng mê. Chẳng nghĩ gì đến hết thảy việc đời, chỉ lấy một câu Phật hiệu làm mạng căn của chính mình. Cắn chặt [câu niệm Phật] nơi hàm răng quyết chẳng buông bỏ; thậm chí ăn uống, cử động: đi, đứng, nằm ngồi, trong mọi lúc một câu niệm Phật này luôn hiện tiền. Hễ gặp phải cảnh thuận, nghịch, vui, giận, phiền não, hay lúc tâm chẳng yên bèn đem một tiếng niệm Phật khởi lên một phen thì liền thấy phiền não tiêu diệt ngay lập tức. Do niệm niệm phiền não chính là gốc khổ sanh tử nên nay ta dùng niệm Phật để tiêu diệt phiền não thì chính là Phật đã độ thoát nỗi khổ sanh tử. Nếu niệm Phật tiêu diệt được phiền não thì mới có thể dứt sạch sanh tử, chứ không có pháp nào khác! Nếu niệm Phật đến khi làm chủ được phiền não thì sẽ làm chủ được mộng mị. Nếu đã kiểm soát được mình trong khi mộng mị thì trong khi bịnh khổ cũng sẽ tự chủ được. Nếu đã tự chủ được trong khi bịnh tật thì lúc mạng sắp lâm chung sẽ liền biết được chỗ mình sẽ sanh về. Ðiều này chẳng có gì là khó làm, chỉ cốt luôn một dạ nghĩ đến sanh tử khẩn thiết, chỉ cần dựa vào một mình câu niệm Phật chứ không còn suy nghĩ chi khác. Lâu ngày thuần thục, tự nhiên được đại an lạc, được đại thọ dụng.

    Ngẫu Ích đại sư khai thị
    Công phu niệm Phật quý tại tâm tin chơn thật. Ðiều cốt yếu thứ nhất là tin rằng ta là Phật chưa thành, A Di Ðà Phật là vị Phật đã thành. Thể của ta và Phật không hai.

    Kế đó, tin Sa Bà thật sự là khổ, cõi An Dưỡng thật đáng nương về. Ưa, chán rành rành. Tiếp đó, tin nhất cử, nhất động hiện tại đều có thể hồi hướng cõi Tây phương. Nếu chẳng hồi hướng thì dẫu là sự lành bậc thượng cũng chẳng được vãng sanh. Nếu biết hồi hướng thì tuy trót lầm lỡ tạo ác hạnh nhưng mau mau đoạn trừ cái tâm tương tục, khởi lòng ân cần sám hối; nhờ sức sám hối cũng được vãng sanh. Huống hồ là trì giới, tu phước, các thứ thắng nghiệp, há chẳng đủ để trang nghiêm Tịnh Ðộ ư?

    Chỉ vì tín lực chẳng sâu nên nghiệp thù thắng bị chìm trong hữu lậu. Nếu lại toan bỏ pháp này, tính tu pháp khác thì thật là lầm lạc quá sức vậy. Chỉ càng phải nên tin chơn thật hơn, hết thảy hành động chẳng cần phải thay đổi.

    Triệt Ngộ thiền sư khai thị

    * Hết thảy pháp môn lấy minh tâm làm cốt yếu, hết thảy hạnh môn lấy tịnh tâm làm điều quan yếu, mà pháp thiết yếu để minh tâm lại không chi bằng Niệm Phật. Nhớ Phật, niệm Phật thì ngay hiện tại hoặc trong tương lai sẽ nhất định thấy Phật, chẳng cần nhờ đến phương tiện mà tự được tâm khai. Như vậy, Niệm Phật chẳng phải là điều cốt yếu để minh tâm hay sao?

    Hơn nữa, pháp thiết yếu để tịnh tâm cũng không chi bằng Niệm Phật. Một niệm tương ứng với một niệm Phật. Niệm niệm tương ứng với niệm niệm Phật. Thanh châu bỏ vào nước đục, nước đục chẳng thể không trong; Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn chẳng thể chẳng thành tâm Phật. Như vậy, Niệm Phật chẳng phải là điều thiết yếu để tịnh tâm sao? Một câu Phật hiệu gồm đủ cả hai thứ quan yếu: Ngộ và Tu. Ngộ thì tin vào đấy, Tu là chứng trong đấy. Tín giải tu chứng gồm trọn các thừa Ðại, Tiểu; cốt tủy các kinh không chi chẳng được thâu trọn [trong pháp Niệm Phật này]. Như vậy, một câu Di Ðà chẳng phải là đạo trọng yếu nhất hay sao?

    * Cái tâm một niệm hiện tiền của bọn ta toàn chơn thành vọng, toàn vọng tức là chơn; trọn ngày chẳng đổi, trọn ngày tùy duyên. Hễ chẳng duyên theo Phật giới để niệm Phật giới thì sẽ niệm cửu giới. Chẳng niệm tam thừa thì niệm lục phàm. Chẳng niệm nhân thiên thì niệm tam đồ. Chẳng niệm quỷ, súc sanh thì niệm địa ngục. Hễ đã có tâm thì chẳng thể vô niệm. Lấy vô niệm làm bản thể cho cái tâm thì chỉ có mình đức Phật làm được. Từ bậc Ðẳng Giác trở xuống, hết thảy đều là hữu niệm; hễ khởi lên một niệm thì ắt lạc vào mười giới. Lại chẳng có niệm nào ra khỏi mười giới vì chẳng có chi ra ngoài mười pháp giới vậy. Mỗi một niệm khởi lên là cái duyên của một lần thọ sanh. Ðã biết rõ lý này mà chẳng niệm Phật thì thật là chưa từng có vậy.

    * Cái quý trọng nhất trong đời không gì hơn tinh thần. Cái đáng mến tiếc nhất trong đời không chi hơn ngày tháng. Một niệm tịnh thì Phật giới duyên khởi, một niệm nhơ chính là cái nhân sanh ra cửu giới. Cứ móng khởi một niệm thì thành ra chủng tử của thập giới, há chẳng nên trân trọng hay sao? Ngày hôm nay đã qua, mạng cũng theo đó mà giảm. Một tấc thời quang chính là một tấc mạng quang, chẳng đáng mến tiếc sao? Ðã biết tinh thần đáng trân trọng, chẳng nên lãng phí cho nên niệm niệm chấp trì danh hiệu Phật; chẳng để quang âm trôi qua phí uổng nên khắc khắc huân tu tịnh nghiệp. Nếu như bỏ qua danh hiệu Phật, tu các thánh hạnh tam thừa khác thì cũng còn là lãng phí tinh thần giống như là đem cái nỏ ngàn cân để bắn chuột cống; huống hồ là còn gây tạo cái nghiệp sanh tử lục phàm nữa ư?

    Nếu như bỏ qua Tịnh nghiệp để riêng nhận lấy Quyền Thừa Tiểu Quả thì cũng còn là luống uổng quang âm, cũng giống như là đem như ý bảo châu đổi lấy một bữa cơm, manh áo, huống hồ là chấp lấy quả thiên nhân hữu lậu! Trân trọng thế ấy, nuối tiếc thế ấy thì tâm chuyên nơi Phật sẽ dễ cảm, hạnh siêng mà nghiệp dễ tinh, chắc chắn sẽ được sanh Tịnh Ðộ, tận mặt gặp gỡ Phật Di Ðà. Khi ấy, vâng lời Phật khai thị, đích thân hầu cận đấng Từ Tôn, diệu ngộ tự tâm, thâm chứng pháp giới, kéo dài một niệm thành cả kiếp, rút ngắn cả kiếp dài dặc thành một niệm. Niệm lẫn kiếp viên dung, được đại tự tại, chẳng đáng tiếc nuối, trân trọng hay sao!

    * Một người nghèo túng xa trông thấy một xâu tiền, toan đến lượm lấy, thì hóa ra là con rắn liền đứng phắt qua một bên. Lại có một người khác đi đến cầm lấy xâu tiền đem đi. Ðấy là tiền chẳng phải là rắn mà thấy là rắn là do nghiệp cảm vời, do duy tâm sở hiện vậy. Tiền thấy là rắn là do nghiệp cảm trong tâm hóa hiện, mà thấy rắn là tiền há cũng chẳng phải là do nghiệp cảm trong tâm biến hiện đó ư? Thấy tiền là rắn chỉ là vọng kiến do biệt nghiệp của một người tạo ra. Thấy rắn là tiền chính là bởi vọng kiến của nhiều người đồng phận. Ðối với vọng kiến của một người thì dễ biết được cái vọng ấy; còn với vọng kiến của nhiều người thì khó lòng hay biết nổi! Ðem cái dễ biết để sánh với cái khó biết thì cái khó biết đó cũng là dễ biết. Rắn đã là rắn, mà tiền cũng là rắn. Suy theo đây thì thấy: Căn thân bên trong, cảnh giới bên ngoài, từ một phương đến mười phương và bốn đại bộ châu, tam thiên đại thiên thế giới đều cũng như rắn nơi đống tiền. Chỉ có điều con rắn duy tâm sở hiện ấy lại cắn được người, tiền duy tâm sở hiện ấy lại cũng có thể hưởng dụng được. Chớ bảo duy tâm là không có ngoại cảnh; sự uế khổ của Sa Bà cũng như sự vui trong sạch nơi cõi An Dưỡng đều chỉ do tâm biến hiện, nhưng gặp phải sự uế khổ chỉ do tâm đã biến hiện ra ấy thì bị bức bách lớn và đối với cảnh an vui trong sạch cũng do tâm biến hiện ấy, ta lại có thể hưởng dụng lớn lao. Uế khổ lẫn tịnh lạc đều chỉ là do tâm biến hiện thì sao chẳng bỏ cái uế khổ duy tâm, chọn lấy cái tịnh lạc duy tâm mà lại đành cam chịu tám khổ nung nấu trong suốt bao kiếp dài lâu vậy.

    * Ðiều trọng yếu trong cuộc sanh tử của chúng ta chỉ là hai thứ lực. Một là tâm vấn vít nhiều mối, nặng nề vướng lấy, đó là tâm lực. Hai là như người mắc nợ, chủ nợ nào mạnh hơn sẽ lôi đi trước; đấy là nghiệp lực.

    Nghiệp lực rất lớn, tâm lực còn lớn hơn: Do nghiệp không có tự tánh, hoàn toàn nương vào tâm; vì tâm có thể tạo nghiệp, tâm có thể chuyển được nghiệp nên chỉ có tâm lực là nặng. Do nghiệp lực nên có thể lôi đi luân hồi; nhưng nếu dùng tâm trân trọng để tu Tịnh nghiệp thì Tịnh nghiệp mạnh. Tâm trọng, nghiệp cường thì chỉ còn hướng thẳng đến Tây phương, nên mai sau khi báo hết mạng tận sẽ nhất định sanh về Tây phương, chẳng sanh vào chốn khác! Giống như cây to, tường lớn, lúc bình thường đã nghiêng về Tây thì đến ngày nào đó ngã xuống, chúng sẽ quyết định chẳng đổ sang chỗ khác.

    * Cái tâm năng niệm nơi một niệm hiện tiền của bọn ta toàn chơn thành vọng, toàn vọng tức là chơn, trọn ngày tùy duyên, suốt ngày bất biến. Một câu Phật hiệu ta niệm đó toàn là từ đức mà lập danh: Ngoài đức chẳng có danh, dùng danh để chiêu đức; ngoài danh không đức, ngoài tâm năng niệm chẳng hề có riêng vị Phật được niệm, cũng không có riêng cái tâm năng niệm. Năng, sở chẳng hai, chúng sanh và Phật y hệt như nhau, vốn lìa tứ cú, vốn tuyệt bách phi, vốn trọn hết thảy, vốn chứa hết thảy, dứt tuyệt đối đãi một cách viên dung chẳng thể nghĩ bàn. Hành giả Liên tông nên từ nơi đây mà tin nhập.

    * Hết thảy chúng sanh bổn lai là Phật. Chơn tâm vốn có, vọng tánh vốn không. Tánh vốn sẵn đủ hết thảy pháp lành. Chỉ vì chạy theo cái duyên mê nhiễm đã lâu, chưa đoạn được cái vọng vốn không, chưa chứng được cái chơn vốn sẵn có, trọn chưa hề tu gốc lành nên Phật [trong tâm mình] là vị Phật chưa thành. Nay muốn đoạn cái vọng vốn không, chứng cái chơn vốn có, tu cái lành vốn sẵn trọn đủ, thành được quả Phật mình sẵn có, ngộ được tịnh duyên, xét tìm con đường thật thẳng tắt, thật nhanh, chí đốn, chí viên thì không chi bằng một hạnh Trì Danh Niệm Phật. Do cái tâm năng niệm vốn là toàn chơn thành vọng, toàn vọng tức chơn nên đức Phật được niệm cũng vốn là toàn đức lập danh, toàn danh tức đức. Ngoài tâm năng niệm không có riêng một vị Phật được niệm; ngoài đức Phật được niệm, không có riêng cái tâm năng niệm. Năng, sở đều mất; tâm, Phật nhất như. Trong niệm niệm, điều phục trọn vẹn, đoạn trừ trọn vẹn ngũ trụ phiền não, chuyển biến trọn vẹn, diệt trừ trọn vẹn ba tạp nhiễm chướng, phá trọn vẹn ngũ ấm, siêu xuất trọn vẹn ngũ trược, thanh tịnh trọn vẹn bốn cõi [Tịnh Ðộ], niệm trọn vẹn tam thân, tu trọn vẹn vạn đức, chứng trọn vẹn bổn chơn, viên thành Vô Thượng Diệu Giác. Một niệm đã như vậy thì niệm niệm cũng như thế. Chỉ cần niệm niệm được liên tục như thế thì sẽ chế phục, đoạn trừ, tu chứng chẳng thể nghĩ bàn được. Lấy cái tâm toàn là Phật này để niệm vị Phật của toàn tâm thì sẽ thật sự được toàn phần oai đức thần lực của quả Phật nơi tự tâm ngầm gia bị cho. Một câu Phật hiệu chẳng tạp lẫn duyên khác thì mười niệm thành tựu, nhanh chóng vượt qua nhiều kiếp. Chẳng tin điều này thì khác gì gỗ đá! Bỏ pháp này đi tu pháp khác thì nếu không phải là cuồng cũng là si. Biết còn nói gì được, biết còn nói gì đây!

    * Trong lúc lúc niệm Phật, chẳng nên có ý tưởng chi khác. Chẳng có tưởng gì khác thì chính là Chỉ. Trong lúc niệm Phật cần phải rành rẽ phân minh; rành rẽ phân minh chính là Quán. Trong một niệm đủ cả Chỉ, Quán; chẳng phải là có Chỉ và Quán riêng biệt! Chỉ chính là nhân của Ðịnh, Ðịnh là quả của Chỉ. Quán là nhân của Huệ, Huệ là quả của Quán. Một niệm chẳng sanh rành rẽ phân minh là Tịch mà Chiếu. Rành rẽ phân minh, một niệm chẳng sanh chính là Chiếu mà Tịch. Có thể làm được như vậy thì chắc chắn không nghiệp nào chẳng thành. Thành được như vậy thì là Thượng Phẩm. Một người cho đến trăm ngàn vạn ức người tu như thế đều sẽ thành tựu như thế. Lẽ đâu người niệm Phật lại chẳng lưu tâm hay sao?

    Ba điều tối quan trọng lúc lâm chung

    Ðiều bi thảm nhất trong thế gian thật không chi bằng cái chết, nhưng khắp cả người đời, có ai may mắn thoát được nổi? Vì vậy, người hữu tâm muốn lợi mình lợi người thì chẳng thể không sớm lo liệu. Thật ra, một chữ CHẾT vốn chỉ là giả danh. Do kỳ hạn của quả báo chiêu cảm từ [các nhân] đời trước đã tận nên bỏ tấm thân này rồi lại thọ cái thân khác vậy. Kẻ chẳng biết Phật pháp thì thật chẳng biết tính toán cách nào, chỉ đành mặc cho nghiệp xoay chuyển. Nay đã được nghe pháp môn Tịnh Ðộ phổ độ chúng sanh của đức Như Lai thì phải nên tín, nguyện niệm Phật, sắp sẵn tư lương vãng sanh, hầu mong thoát được cái huyễn khổ luân hồi sanh tử, chứng sự vui chơn thật Niết Bàn thường trụ.

    Nếu ai có cha, mẹ, anh, em và các quyến thuộc mắc phải trọng bịnh, bịnh tình khó bề thuyên giảm thì nên phát tâm hiếu thuận, từ bi, khuyên họ niệm Phật cầu sanh Tây phương và trợ niệm cho họ để mong người bị bệnh nhờ đó sau khi chết liền được sanh về Tịnh Ðộ. Sự lợi ích như thế kể sao cho xiết? Nay tôi nêu lên ba điều trọng yếu để làm căn cứ hòng thành tựu sự vãng sanh cho người lâm chung; lời lẽ tuy thô vụng nhưng ý vốn lấy từ kinh Phật. Nguyện người thấy nghe, gặp được nhân duyên này sẽ đều cùng làm theo.

    Ba điều trọng yếu là:
    * Một là khéo chỉ dạy, an ủi, khiến sanh chánh tín.
    * Hai là cả nhà thay phiên niệm Phật để giúp tịnh niệm.
    * Ba là hết sức tránh xao động, khóc lóc, kẻo làm hỏng việc.


    Nếu có thể tuân hành theo ba pháp này thì quyết định sẽ tiêu trừ được túc nghiệp, tăng trưởng Tịnh nhân, được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây phương. Một phen đã được vãng sanh thì sẽ siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, dần dần tấn tu ắt sẽ đạt tới quả Phật viên thành mới thôi. Sự lợi ích như vậy hoàn toàn nhờ vào sức trợ niệm của quyến thuộc. Có làm được như thế mới là hiếu chơn thật đối với cha mẹ, mới thật là chơn đễ (5) đối với anh em trai, chị em gái, mới thật là chơn từ đối với con cái, mới thật là chơn nghĩa, chơn huệ đối với bằng hữu và đối với mọi người; dùng những điều ấy để vun bồi thêm cái nhân Tịnh Ðộ của mình. Xin thưa với những người cùng tin tưởng là cứ lâu ngày chày tháng sẽ nào có khó gì mà chẳng tập thành lề thói được. Nay tôi sẽ trình bày từng điều một để lúc lâm chung khỏi bối rối vậy.

    a. Ðiều thứ nhất là khéo chỉ bày, an ủi, khiến sanh chánh tín: Thiết tha khuyên người bịnh buông xuống hết thảy, chỉ nhất tâm niệm Phật. Nếu như cần phải giao phó việc gì thì phải mau giao phó. Giao phó xong thì chẳng đếm xỉa đến nữa, chỉ nghĩ ta nay theo Phật vãng sanh cõi Phật; tất cả sự giàu vui, quyến thuộc thế gian, các thứ trần cảnh đều là chướng ngại, thậm chí khiến mình mắc hại. Vì thế, chẳng nên sanh tâm niệm quyến luyến. Phải biết là một niệm chơn tánh của chính mình vốn chẳng có chết. Cái chết vừa nói đó chỉ là xả thân này để lại thọ cái thân khác mà thôi. Nếu chẳng niệm Phật thì sẽ phải thuận theo nghiệp lực thiện, ác để lại thọ sanh trong nẻo lành, dữ. Nếu như trong lúc lâm chung, nhất tâm niệm Nam Mô A Di Ðà Phật thì do tâm niệm Phật chí thành sẽ quyết định cảm được Phật phát đại từ bi, đích thân tiếp dẫn khiến mình được vãng sanh. Ðừng nghi rằng: mình là nghiệp lực phàm phu, làm sao chỉ do niệm Phật trong một thời gian ngắn lại có thể thoát khỏi sanh tử, vãng sanh Tây phương? Nên biết rằng: vì đức Phật đại từ bi nên kẻ tội nhân thập ác, ngũ nghịch rất nặng lúc lâm chung, tướng địa ngục hiện ra mà nếu có thiện tri thức dạy cho niệm Phật bèn hoặc niệm mười tiếng hoặc chỉ một tiếng thì cũng được Phật tiếp dẫn, vãng sanh Tây phương. Hạng người ấy chỉ niệm mấy câu còn được vãng sanh, sao còn ngại mình nghiệp lực nặng, niệm Phật ít ỏi nên sanh lòng nghi nữa ư? Phải biết là chúng ta vốn có chơn tánh, chơn tánh của ta và chơn tánh của Phật chẳng hai; chỉ vì ta hoặc nghiệp còn sâu nặng nên chẳng thọ dụng được! Nay đã quy mạng nơi Phật như con nương về cha chính là trở về với cái ta vốn sẵn có, chứ nào có phải là điều gì bên ngoài đâu!

    Hơn nữa, xưa kia, đức Phật đã phát nguyện: “Nếu có chúng sanh nghe danh hiệu của ta mà chí tâm tin ưa, dẫu chỉ mười niệm mà nếu chẳng được vãng sanh thì chẳng lấy ngôi Chánh Giác”. Vì thế, hết thảy chúng sanh lúc lâm chung phát tâm chí thành niệm Phật cầu sanh về Tây phương thì không một ai là chẳng được ngài rủ lòng từ tiếp dẫn. Ngàn vạn phần chẳng được hoài nghi nữa! Hoài nghi chính là tự mình lầm lạc, họa ấy chẳng nhỏ. Vả lại, lìa cõi khổ não này sanh về thế giới vui vẻ ấy là điều hết sức khoái ý cho nên phải sanh tâm hoan hỷ, ngàn vạn phần chẳng được sợ chết. Dẫu sợ chết cũng tránh khỏi cái chết, lại còn mất phần vãng sanh Tây phương nữa vì tâm mình trái với tâm Phật vậy. Dẫu Phật sẵn lòng đại từ bi cũng vô phương cứu tế người chẳng nương theo lời dạy của Phật!

    Vạn đức hồng danh của Phật A Di Ðà giống như lò luyện lớn lao; tội nghiệp trong nhiều kiếp của chúng ta như một mảnh tuyết trong hư không. Nghiệp lực phàm phu do bởi niệm Phật nên nghiệp liền tiêu diệt, giống như mảnh tuyết bám vào bên lò lửa lớn liền bị tiêu hết chẳng còn gì nữa. Vả lại, nếu nghiệp lực đã tiêu thì bao nhiêu thiện căn sẽ tự nhiên tăng trưởng thù thắng; sao lại còn ngờ chẳng được vãng sanh, Phật chẳng đến tiếp dẫn nữa ư?

    Chỉ dạy, an ủi ngọn ngành, uyển chuyển như thế khiến cho bịnh nhân tự mình sanh tâm chánh tín. Ðấy chính là những điều cần phải khai thị cho bịnh nhân. Còn như những việc chí thành, tận hiếu mà ta phải nên làm thì cũng chỉ chú trọng ở những điểm ấy; chẳng nên thuận theo thói tục cầu thần, tìm thuốc. Mạng lớn đã sắp hết thì làm sao quỷ thần, thuốc men giữ cho khỏi chết được! Nếu đã nhọc lòng vì những sự vô ích như thế thì đối với một sự niệm Phật sẽ bớt thành khẩn, làm sao cảm thông đức Phật được! Nhiều kẻ lúc cha mẹ lâm chung chẳng tiếc tiền của, thỉnh vời nhiều thầy thuốc đến khám. Ðấy là mua tiếng hiếu, cốt ý muốn được người đời khen mình tận hiếu đối với cha mẹ; nào hay thiên, địa, quỷ thần xét soi tường tận nỗi lòng mình. Vì vậy, đối với những sự tống táng cha mẹ mà quá sức phô trương thì nếu chẳng mắc tai trời cũng ắt bị vạ người. Kẻ làm con chỉ nên chú trọng đến nơi thần thức của cha mẹ sẽ sanh về. Lời xưng tụng của thế nhân chẳng đáng cho kẻ sáng mắt nhếch mép cười, lẽ đâu mình lại dốc lòng mong mỏi, thật chỉ khiến cho mình phải mắc vào cái lỗi bất hiếu to lớn mà thôi!

    b. Thứ hai là cả nhà thay phiên niệm Phật để giúp tịnh niệm. Trước đó, đã giáo hóa bịnh nhân khiến họ sanh chánh tín; nhưng vì tâm lực người bịnh ấy yếu ớt, chưa kể đến hạng người lúc còn khỏe mạnh chưa bao giờ niệm Phật, cho nên chẳng dễ niệm liên tục lâu được. Cho đến giờ đây lấy niệm Phật làm việc chánh thì cũng hoàn toàn nhờ vào người khác trợ niệm thì mới có thể có sức. Vì vậy, quyến thuộc trong nhà nên cùng phát tâm hiếu thuận, từ bi, vì người ấy trợ niệm Phật hiệu. Nếu bịnh tình còn chưa đến nỗi sắp chết vào bất cứ lúc nào thì nên chia ban niệm Phật. Nên chia thành ba ban, mỗi ban hạn định mấy người. Ban đầu tiên niệm Phật ra tiếng, ban thứ hai và thứ ba niệm thầm. Niệm một tiếng đồng hồ thì ban thứ hai niệm tiếp; ban thứ nhất, ban thứ ba niệm thầm. Nếu có việc gì cần làm thì nên lo liệu trong lúc niệm thầm; còn trong lúc trực ban trọn chẳng nên bỏ đi. Ban thứ hai niệm xong, ban thứ ba niệm tiếp. Xong rồi lại trở lại từ đầu. Niệm một tiếng, nghỉ hai tiếng; [như vậy thì niệm] suốt cả ngày đêm thì cũng không mệt nhọc lắm. Phải biết là mình chịu giúp người đạt được Tịnh niệm vãng sanh thì mình cũng sẽ được hưởng báo có người trợ niệm. Chớ có nói là chỉ vì cha mẹ nên mới phải tận hiếu như vậy, mà đối với người dưng cũng phải nên vun bồi ruộng phước của mình, trưởng dưỡng thiện căn của mình thì mới đúng là cái đạo tự lợi, chẳng uổng làm người. Thành tựu một người được vãng sanh Tịnh Ðộ chính là thành tựu một chúng sanh làm Phật. Công đức thế ấy há nghĩ lường nổi ư!

    Ba ban liên tục, tiếng niệm Phật chẳng ngớt. Nếu sức bịnh nhân niệm nổi thì nương vào đó mà niệm nho nhỏ theo. Chẳng niệm nổi thì lắng tai nghe kỹ, tâm không có niệm gì khác thì tự có thể tương ưng với Phật vậy. Tiếng niệm Phật chẳng nên quá to; to thời tổn hơi, khó niệm lâu được; cũng chẳng thể quá nhỏ khiến bịnh nhân chẳng nghe được rõ. Chẳng nên niệm quá mau, cũng chẳng nên quá chậm. Quá mau bịnh nhân niệm theo chẳng nổi mà nghe cũng chẳng rõ. Quá chậm thì chẳng tiếp hơi nổi nên cũng khó có ích. Nên niệm chẳng cao, chẳng thấp, chẳng rề rà, chẳng gấp gáp; từng chữ phân minh, từng câu rành mạch khiến từng chữ, từng câu lọt tai thấu dạ bịnh nhân; nhờ vậy mà họ có sức niệm.

    Về pháp khí dùng cho việc niệm Phật, chỉ nên dùng dẫn khánh (6), còn các thứ khác đều chẳng nên dùng. Tiếng dẫn khánh trong trẻo khiến tấm lòng người nghe thanh tịnh. Tiếng mõ trầm đục chẳng thích hợp cho việc trợ niệm khi lâm chung. Thêm nữa, nên niệm bốn chữ Phật hiệu. Lúc bắt đầu thì niệm vài câu sáu chữ; rồi sau đó chỉ niệm bốn chữ A Di Ðà Phật, chẳng niệm Nam Mô. Do ít chữ dễ niệm nên bịnh nhân sẽ để tâm niệm theo hoặc nhiếp tâm lắng nghe, đều tốn ít tâm lực. Quyến thuộc trong nhà niệm như vậy mà thỉnh thiện hữu ở ngoài đến cũng niệm như vậy. Dù nhiều người hay ít người đều phải niệm như thế, chẳng nên niệm một chốc, lại nghỉ một chốc rồi mới lại niệm tiếp khiến bịnh nhân niệm Phật gián đoạn. Nếu ăn cơm thì nên ăn vào lúc thay phiên, đừng để tiếng niệm Phật gián đoạn.

    Như lúc bịnh nhân sắp tắt hơi thì cả ba ban cùng niệm cho đến tận sau khi đã tắt hơi hẳn rồi mới lại chia ba ban niệm suốt ba tiếng đồng hồ nữa. Sau đấy, mới ngưng niệm để lo liệu, sắp đặt mọi việc. Trong lúc niệm Phật, chẳng để cho bè bạn đến trước bịnh nhân thăm hỏi, vỗ về. Ðã có lòng đến thăm thì hãy cùng đại chúng niệm Phật mấy thời. Ấy mới là tấm tình yêu mến chơn thật, có ích cho bịnh nhân. Còn nếu cứ theo thói tục thường tình thì chính là đã xô người xuống biển. Tình ấy tuy đáng cảm, nhưng [để xảy ra] sự ấy mới thật là đau đớn. Toàn là cậy vào người chủ chốt hiểu rõ đạo lý, bảo trước với người đến thăm để khỏi tổn thương tình cảm, lại tránh di hại cho bịnh nhân bị phân tâm mà chẳng được vãng sanh vậy.

    c. Thứ ba là kiêng dè xáo động, khóc lóc để khỏi làm hỏng đại sự: Lúc người sắp chết chính là lúc phân biệt giữa thánh phàm, người, quỷ, [tình trạng khác nào] ngàn cân [treo] đầu sợi tóc; cần phải hết sức cẩn thận, chỉ nên dùng Phật hiệu khai thị, dẫn dắt thần thức người ấy chứ chẳng nên tắm rửa, thay áo, hoặc dời chỗ nằm. Người ấy nằm như thế nào, cứ để yên người đó nằm trong tư thế ấy, chẳng nên có chút dời động. Cũng chẳng nên đối với việc ấy mà sanh bi cảm hoặc đến nỗi khóc lóc. Ấy là do khi đó [người chết] thân chẳng tự chủ được; mỗi một sự lay động là toàn thân lẫn chân tay đều bị đau đớn như bị cắt chặt, giằng xé. Hễ đau đớn thì sanh tâm sân hận nên tâm niệm Phật bị ngưng dứt. Do sanh tâm sân hận nên phần nhiều bị đọa vào độc loại, đáng sợ hãi thay. Nếu [người chết] thấy [thân quyến] buồn đau, khóc lóc thì tâm mến luyến phát sanh nên tâm niệm Phật cũng bị ngừng nghỉ. Vì mang tâm ái luyến mà ra đi nên đến nỗi đời đời, kiếp kiếp chẳng được giải thoát. Lúc ấy, điều có lợi nhất thì không chi bằng nhất tâm niệm Phật; điều tai hại nhất không chi bằng vọng động, khóc than. Nếu như vọng động, khóc than đến nỗi [người chết] sanh lòng sân hận cùng mến luyến thì có muốn sanh Tây phương, cả vạn trường hợp cũng chẳng được một.

    Thêm nữa, người sắp chết hơi nóng rút dần từ dưới lên trên là tướng siêu sanh, còn hơi nóng từ trên rút xuống dưới là tướng đọa lạc. Vì vậy, có thuyết:
    Ðảnh thánh, nhãn thiên sanh
    Nhân tâm, ngạ quỷ phúc
    Súc sanh tất cái ly,
    Ðịa ngục cước phản xuất

    Nhưng nếu cả nhà chí thành trợ niệm thì người chết ắt tự có thể sanh thẳng về Tây phương; chẳng nên rờ rẫm thăm dò khiến cho khi thần thức người chết chưa rời khỏi xác, nhân đấy bị đau đớn, tâm sanh phiền đau nên chẳng được vãng sanh. Lỗi họa ấy thật là vô lượng vô biên. Xin các thân hữu đều phải khẩn thiết niệm Phật, chẳng cần dò xem nóng lạnh ở chỗ nào. Làm con nên lưu tâm điều này mới là thật hiếu. Nếu cứ thuận theo các thói tục thế gian thì há chẳng phải là xô người thân xuống bể khổ chẳng thương xót gì chăng, chỉ cốt mong một lũ vô tri vô thức xúm lại khen mình đã có thể tận hiếu ư? Hiếu như vậy thì có khác chi là yêu mến la sát nữ. Kinh dạy: “La sát nữ ăn thịt người, bảo: ‘Vì ta yêu ngươi nên ăn thịt ngươi’. Kẻ vô tri hành hiếu khiến cho người thân mất vui được khổ, há chẳng phải là giống hệt cái tình yêu người của la sát nữ hay sao? Tôi nói ra lời này, chẳng phải là không đếm xỉa đến tình người mà chỉ là muốn cho ai nấy đều thấy rõ thực tế, đều mong cho người chết vãng sanh, kẻ sống được phước. Chỉ vì do đáp ứng tấm lòng chơn thành của con hiền, cháu thảo thương yêu người thân nên chẳng nệ lời lẽ dường như quá khích. Người thương yêu người thân thật sự khá nên lượng thứ cho.

    Thuyết: Ðảnh thánh, nhãn sanh thiên... là nói về khi người đã tắt hơi, toàn thân đã lạnh, chỉ còn đảnh đầu nóng thì ắt đã siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Nhãn sanh thiên là nếu mắt cùng trán còn nóng thì sanh trong thiên đạo. Chỗ ngực còn ấm thì sanh nhân đạo. Riêng bụng còn nóng thì sanh ngạ quỷ. Riêng đầu gối còn nóng thì sanh làm súc sanh. Riêng bàn chân còn nóng thì sanh địa ngục. Ðấy là do hai nghiệp thiện, ác đã tạo của người ấy lúc còn sống đến giờ đây cảm hiện như thế, chứ chẳng thể dựa vào thế lực nào để làm giả ra như vậy được. Khi đó, nếu bệnh nhân có thể chí thành niệm Phật, lại thêm sức của quyến thuộc và bạn lành trợ niệm sẽ quyết định có thể đới nghiệp vãng sanh, siêu phàm nhập thánh vậy. Chẳng cần phải để ý thử sờ xét nghiệm, đến nỗi làm hỏng việc. Mong mỏi lắm thay!

    Hiện đời được phước
    Sách Long Thư Tịnh Ðộ chép: “Hoặc có kẻ bảo cầu sanh Tịnh Ðộ là việc sau khi chết, chẳng biết là có lợi ích gì lớn lao cho ngay khi đang còn sống chăng? Phàm Phật dạy người, không điều gì là chẳng lành. Ðã lấy việc cầu sanh Tịnh Ðộ làm tâm thì hễ ý nghĩ đến điều gì, miệng nói đến điều gì, thân làm ra điều gì, không gì là chẳng lành. Trong đời hiện tại, người ấy đáng coi là bậc quân tử, là đại hiền, được người kính trọng, được thần nhân phù trợ, phước duyên được tăng, thọ mạng được vĩnh viễn.

    Kế đến là khống chế được nghiệp duyên, chẳng còn chuyên chí vào cõi này; do vậy, ác duyên giảm bớt; bởi đấy, thiện duyên càng tăng. Giả sử có kẻ chẳng biết lễ nghĩa, chẳng sợ hình phạt, chỉ cậy vào khí lực, chỉ chuyên chú theo đuổi cái lợi thế gian, nhưng nếu chỉ tạm biết lấy Tịnh Ðộ làm tâm thì ắt cũng tự giảm bớt lỗi mình. Tuy tất cả việc làm của kẻ ấy chưa thể đều phù hợp với lễ nghĩa hết cả nhưng cũng trở nên khá gần với lễ nghĩa vậy, lẽ đâu phải chịu vướng trong hình phạt hay sao? Nếu như ai nấy đều được như vậy thì dần dần có thể thoát khỏi bầy tiểu nhân, trọn quy về quân tử, đối với những người quen biết trong xóm đều xem như người lành. Do những lẽ ấy, há còn dám bảo: tuân theo giáo pháp của Phật, lấy Tịnh Ðộ làm tâm là vô ích đối với cuộc sống hiện tại hay chăng?”

    Các sự lành hỗ trợ
    Sách Long Thư Tịnh Ðộ chép: “Cúng Phật, trai tăng, tạo tháp, dựng chùa, niệm tụng,
    lễ sám, hiếu dưỡng cha mẹ, kính anh trọng em
    . Trong vòng họ hàng, không ai chẳng hòa mục. Xóm giềng làng nước đối đãi tử tế với nhau. Thờ vua thì dốc lòng son vì nước. Làm quan thì nhân từ, lợi dân. Làm bề trên thì khéo làm cho mọi người an vui. Làm kẻ dưới thì siêng gắng phục vụ bề trên. Hoặc là chỉ giáo kẻ ngu mê, hoặc phù trợ người cô quả, yếu đuối, hoặc cứu người đang bị tai nạn cấp bách, hoặc huệ thí kẻ bần cùng, hoặc dựng cầu, đào giếng; hoặc thí cơm, cấp thuốc, hoặc giảm sự tiêu xài của chính mình để làm lợi người khác. Hoặc dùng tiền của làm lợi người khác, giảm bớt chi dùng của chính mình, hoặc dạy người làm lành, hoặc giúp thiện, ngăn ác. Cứ tùy nghi mà làm hết thảy việc lành thế gian hay xuất thế gian, chẳng nệ lớn, nhỏ, ít, nhiều; hoặc là chỉ dùng một tiền đem cho người hoặc là cho một vốc nước đỡ khát. Ðối với mỗi việc lành dẫu nhỏ nhoi cũng đều khởi niệm rằng: Nguyện đem thiện duyên này hồi hướng Tây phương, nhờ các điều thiện hỗ trợ quyết sẽ được vãng sanh”.

    Mười điều mất mát nếu chẳng tu
    Phật dạy pháp tu hành đường tắt khiến hết thảy chúng sanh mau siêu sanh tử; nhưng người chướng nặng chẳng chịu tấn tu thì sẽ chịu mười điều mất mát:
    Một, chẳng tin lời Phật.
    Hai, chẳng tuân thánh giáo.
    Ba, chẳng tin nhân quả.
    Bốn chẳng trọng cái linh tâm của mình.
    Năm, chẳng cầu tiến lên.
    Sáu chẳng thân thiện hữu.
    Bảy, chẳng cầu giải thoát.
    Tám, cam chịu luân hồi.
    Chín, chẳng sợ ác đạo.
    Mười, cam làm loài ma.
    Ngược lại, tu hành thì được mười thứ lợi ích thù thắng.

    Mười thứ tín tâm
    Muốn hết sạch sanh tử, tu hành Tịnh nghiệp thì nên phát mười thứ tín tâm; niệm niệm chẳng quên thì sẽ quyết sanh về Tịnh Ðộ, đắc bất thối chuyển.

    Một: tin pháp của Phật đã nói là lời chân thành phát xuất tự miệng vàng, chơn thật chẳng dối.
    Hai: tin rằng phàm phu còn mê thì thức thần chẳng diệt, xoay vần trong sáu nẻo chẳng ngơi.
    Ba: tin rằng tu hành trong cõi này nếu chưa được đạo quả thì chẳng tránh khỏi bị luân hồi.
    Bốn: tin rằng nếu chưa thoát khỏi luân hồi thì dẫu sanh lên trời vẫn chẳng tránh khỏi bị đọa lạc.
    Năm: tin rằng chúng sanh sanh về thế giới Cực Lạc sẽ vĩnh viễn chẳng thoái chuyển.
    Sáu: tin chúng sanh phát nguyện, nguyện sanh Tịnh Ðộ sẽ quyết định vãng sanh.
    Bảy: tin rằng một phen xưng danh hiệu Phật sẽ diệt được tám mươi ức kiếp sanh tử tội nặng.
    Tám: tin người niệm Phật sẽ được thần thông quang minh của A Di Ðà Phật nhiếp thủ chẳng hề buông bỏ.
    Chín: tin người niệm Phật luôn luôn được hằng sa chư Phật trong mười phương thế giới cùng dùng thần lực hộ niệm.
    Mười: Tin là khi đã sanh về Tịnh Ðộ sẽ có thọ mạng vô lượng, trong một đời sẽ chứng đắc Vô Thượng Bồ Ðề.
    Chẳng thể tin tưởng sâu sa vào mười điều trên, lại còn sanh nghi hoặc thì dẫu có niệm Phật vẫn chẳng được vãng sanh.

    Hiếu dưỡng cha mẹ
    Ngài Trường Lô Trách thiền sư soạn văn khuyên hiếu thuận gồm một trăm hai mươi thiên. Một trăm thiên đầu giảng rõ hiếu dưỡng ngọt bùi là sự hiếu thế tục. Hai mươi thiên sau giảng rõ: khuyên cha mẹ tu Tịnh Ðộ là sự hiếu xuất thế. Cái hiếu của thế gian một đời là hết; cái hiếu xuất thế không lúc nào tận. Không có điều hiếu nào lớn bằng việc làm cho cha mẹ được vãng sanh Tịnh Ðộ! Cha mẹ còn sống mà chẳng khuyên lơn như vậy được thì một mai cha mẹ khuất bóng rồi, dẫu đau lòng tận lực hậu lễ cũng nào có ích gì?

    Quán Kinh trước sau hai lượt dạy hiếu dưỡng cha mẹ là Tịnh nghiệp, chính là ý này. Lại nói: Khi cha mẹ tin biết niệm Phật là lúc trồng hoa sen. Lúc nhất tâm niệm Phật là lúc hoa sen ló khỏi mặt nước. Niệm Phật thành công là lúc hoa nở thấy Phật vậy. Người hiếu tử xét thấy khi cha mẹ sắp vãng sanh bèn đem các việc lành cha mẹ đã làm được trong cả đời soạn sẵn thành một bài, luôn luôn đọc lên khiến mẹ cha hoan hỷ. Lại khuyên cha mẹ khi nằm, ngồi đều hướng về Tây để chẳng quên Tịnh Ðộ. Bày tượng Di Ðà, thiêu hương, gõ khánh, niệm Phật chẳng dứt. Lúc [cha mẹ] xả báo, lại càng dụng tâm, chớ có than khóc làm cha mẹ mất chánh niệm. Cha mẹ được sanh Tịnh Ðộ hưởng các điều khoái lạc, há chẳng phải là việc tốt lành sao! Hiếu dưỡng cả một đời chính là lúc này đây. Nhắn những kẻ con hiếu cháu thuận chớ quên điều ấy!
    Last edited by bachliencu; 21-02-2011 at 10:51 AM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. BỬU SƠN KỲ HƯƠNG - TÁC GIẢ VƯƠNG KIM
    By vankhuc in forum Bửu Sơn Kỳ Hương
    Trả lời: 9
    Bài mới gởi: 22-07-2012, 04:47 PM
  2. Tâm sự của một người về Bát Nhã
    By nguoi_mu in forum Đạo Phật
    Trả lời: 25
    Bài mới gởi: 03-06-2011, 08:26 AM
  3. Dành cho người hữu duyên
    By nguoi_mu in forum Đạo Phật
    Trả lời: 101
    Bài mới gởi: 24-04-2011, 07:54 PM
  4. Người tu Tịnh Độ nên xem
    By bachliencu in forum Tịnh Độ Tông
    Trả lời: 15
    Bài mới gởi: 21-02-2011, 02:18 AM
  5. Người tu Tịnh Độ nên xem (2)
    By bachliencu in forum Tịnh Độ Tông
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 19-02-2011, 01:35 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •