Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Huyền thoại về ông “Năm Thiếp” Núi Tượng


Miền Thất Sơn (Bảy Núi) ở huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang) thuộc phía Tây Nam Đồng bằng sông Cửu Long từ xa xưa được xem là linh địa của đất Nam bộ. Nơi đây thời mới khai mở đất phương Nam, điệp trùng rừng núi hoang vu, lam sơn chướng khí mịt mù, đầy dẫy hùm beo, sấu, tượng, rắn hổ mây…



Có rất nhiều giai thoại, truyền thuyết dân gian về Thất Sơn huyền bí nhưng đa phần không có xuất xứ rõ ràng, thường mang màu sắc tâm linh, pha lẫn hoang đường. Có một nhân vật lịch sử mà cuộc đời, sự nghiệp của ông như là một huyền thoại ly kỳ gắn liền với vùng đất biên thùy Bảy Núi. Đó là Ngô Lợi- một lãnh tụ nghĩa quân kháng Pháp, người sáng lập ra đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, được các tín đồ gọi là Đức Bổn sư- dân gian gọi ông là ông “Năm Thiếp”.

Ngô Lợi sinh năm 1831, quê quán ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Cha tên là Ngô Nhàn, làm nghề thợ mộc; mẹ tên Phạm Thị Xuyến, là người Bình An, tỉnh Định Tường (Tiền Giang).

Ngô Lợi ngoài cương vị là người khai sáng một tôn giáo mới, ông còn là một lãnh tụ nghĩa quân kháng Pháp có tầm vóc và hoạt động khá rộng ở miền Tây thời ấy. Lực lượng nghĩa quân của ông đa phần là những đệ tử, tín đồ của đạo Tứ Ân. Dưới ông là các ông Trò, ông Gánh, vừa lo việc đạo, vừa ngấm ngầm sẵn sàng khởi nghĩa khi có thời cơ!

Tương truyền lúc 20 tuổi, ông viết Bà La Ni Kinh dài 223 chữ Hán, khuyên người đời lánh dữ, làm lành, tĩnh tâm tu niệm. Đến năm 37 tuổi, vào ngày mùng 5 tháng 5 năm Đinh Mão (1867), bỗng nhiên ông lăn ra bất tỉnh. Sau 7 ngày 7 đêm ngủ thiêm thiếp không ăn uống, ông từ từ tỉnh lại, trở thành người “giải thoát tẩy trần tâm, giáo nhơn tùng thiện đạo” (rũ sạch lòng trần, dạy người theo đạo lành). Bởi đi “thiếp” vào ngày mồng Năm và thỉnh thoảng ông lại có những cuộc đi thiếp như thế, nên người đời còn gọi ông là “Năm Thiếp”. Mỗi lần đi thiếp xong, ông thường nói những việc quá khứ và dự báo việc tương lai, nên được nhiều người tin theo. Về sau người trong đạo Hiếu Nghĩa cho rằng ngày 5 tháng 5 năm Đinh Mão (1867) chính là năm khai sơn, lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Một tài liệu khác (Địa chí An Giang tập 2) nói đạo Hiếu Nghĩa ra đời tại núi Tượng (Tri Tôn, An Giang) vào năm 1876, tức là năm Ngô Lợi cùng một số đệ tử vào khai hoang, lập ấp mở chùa miếu, am tự.

Năm 1878. Từ đêm 16 đến 18 tháng 2, Ngô Lợi tổ chức trai đàn qui tụ trên 200 người, giảng thuyết về Hội Long Hoa. Lần trai đàn thứ hai diễn ra vào ngày 30 tháng 4 năm 1878. Lòng yêu nước, chống thực dân xâm lược của tín đồ được hâm nóng lên. Kết thúc trai đàn, Ngô Lợi phong Võ Văn Khả làm chánh tướng, Lê Văn Ong làm phó tướng để cùng lãnh đạo công cuộc kháng Pháp. Cuộc lễ kéo dài ba ngày ba đêm liền, vừa để cầu siêu cho những vong linh “vị quốc vong thân”, vừa để khơi dậy, kích thích ngọn lửa ái quốc trong lòng của hàng ngàn người đến dự.

Như kế hoạch đã định – ngày 2 tháng 5 năm 1878, một cuộc nổi dậy đã nổ ra ở Cai Lậy (Mỹ Tho) nhưng do lực lượng yếu, thiếu sự phối hợp với các nhóm khởi nghĩa khác, nên nghĩa quân của Ngô Lợi nhanh chóng bị dẹp tan. Hai ông Lê Văn Ong, Võ Văn Khả bị quân Pháp bắt và xử chém tại Thuộc Nhiêu (Cai Lậy) năm 1879, còn Ngô Lợi cùng nhiều nghĩa quân trốn thoát về căn cứ núi Tượng.

Trong các báo cáo, thực dân Pháp nhận xét Ngô Lợi là một nhân vật nguy hiểm cho nền trị an của thuộc địa. Trong công văn của Giám đốc sở Nội vụ Sài Gòn đề ngày 29 tháng 5 năm 1878 phát lệnh truy nã Ngô Lợi, gởi cho các Tham biện Nam kỳ, Pháp treo giá 1.000 quan tiền thưởng cho ai bắt được Ngô Lợi, kèm theo lời mô tả ông Lợi “vóc người cao ráo, ốm yếu, có 3 chòm râu dài”. Nhưng những cố gắng bắt sống Ngô Lợi đều thất bại, người ta đồn ông có phép “ẩn thân, tàng hình”.

Một câu chuyện “phản gián” khá ly kỳ diễn ra vào cuối năm 1887. Đốc phủ sứ tay sai Pháp là Trần Bá Lộc cho bộ hạ thân tín của mình là Nguyễn Thành Liễu (Năm Cũi) trà trộn, tìm cách kề cận ngài Ngô Lợi để ám sát ông. Nhưng Năm Cũi đã được cảm hóa bởi đức độ, uy tín của ông Năm Thiếp, tự nguyện ở lại với nghĩa quân. Nguyễn Thành Liễu được tổ chức giết Tổng đốc Lộc. Cuộc ám sát không thành, Trần Bá Lộc thoát chết trong gang tấc! Có lúc dân gian, tín đồ phao tin ông Năm Thiếp đã chết và đắp mộ giả ở núi Dài, họ cúng bái, tảo mộ vào các dịp lễ, Tết nhằm đánh lạc hướng, tránh sự theo dõi, truy bắt của thực dân Pháp.

Truyền thuyết dân gian vùng Ba Chúc- Núi Tượng còn kể rằng: xa xưa, có một người khách trú phương Bắc là đệ tử nhiều đời của Cao Biền (806-820) làm Tiết Độ Sứ Giao Châu kiêm pháp sư đại phù thủy của vua Đường được sai đi trấn yểm các long mạch của nước Nam) – Khi đến Thủy Đài Sơn còn gọi là Núi Nước thuộc xã Ba Chúc, Tri Tôn (An Giang), tên “hậu đệ tử” của Cao Biền phát hiện long mạch trên Núi Nước nên y đã ra tay “yếm huyệt”. Rất nhiều năm sau, tới đời thầy Ngô Lợi, khi đến Núi Nước lập chùa, ông đã phát hiện ra dã tâm của tên đệ tử Cao Biền ngày trước. Ngô Lợi cho đào lấy trụ yếm lên phá hủy, trụ đá ấy dài độ một tầm, vuông chừng hai nán tay gộp lại có kẻ, khắc chữ cổ tượng hình rất lạ lùng! Trụ đá trấn yểm có sức nặng lạ kỳ! Phải huy động hàng chục người mới kéo nó lên khỏi huyệt! Trụ đá bị vất xuống lung (ao) trâu đầm có phân, nước tiểu hôi hám để hủy đi tà khí! Về sau, trong một đêm mưa to, gió lớn, trụ đá ấy bị sấm sét đánh tan tành ra tro bụi! Ngay chỗ huyệt bị yếm, ông Ngô Lợi cho dựng lên ở đỉnh núi một con rùa bằng đá (tượng trưng cho sự trường thọ), hiện nay Con Rùa Đá vẫn còn nguyên vẹn phía sau Núi Nước!

* * *

Khi phong trào Cần Vương (1885) lan rộng ra cả nước, phó Tổng binh thành Hà Nội Lê Công Chánh tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng ở Bình Định. Về sau, ông được cử vào Nam kỳ, đến Thất Sơn để vận động, gây dựng phong trào. Lê Công Chánh đã gặp Ngô Lợi và Nguyễn Xuân Phong bàn bạc công việc ở núi Dài. Từ ấy, căn cứ An Định – Núi Tượng là một cơ sở quan trọng của phong trào Cần Vương ở Nam kỳ.

Làng nghĩa quân An Định và lãnh tụ Ngô Lợi như là cái gai chọc vào mắt bọn Pháp, quân Pháp nhiều lần tổ chức ruồng bố, càn quét nhằm tiêu diệt quân khởi nghĩa. Chỉ tính trong 12 năm (1876-1888), thực dân Pháp đã đến đốt phá, bắt bớ, tra tấn, tù dày những tín đồ ở làng An Định đến bảy lần, tín đồ Hiếu Nghĩa gọi là “đạo nạn”, ví như như vào năm 1885, Ngô Lợi cùng với tín đồ đạo Hiếu Nghĩa kết hợp với nghĩa quân của Hoàng Thân Sivôtha (Campuchia) nổi dậy, đánh chiếm hai bờ kênh Vĩnh Tế và làm chủ Tịnh Biên. Nhưng ngay đó, quân Pháp do đại úy Ferussac đem quân chiếm lại và còn tấn công vào An Định, khiến Ngô Lợi phải cùng với nhiều tín đồ phải chạy sang Vườn Dầu, thuộc Campuchia để lánh nạn. Ngày 2 tháng 6 năm 1886, quân Pháp mở cuộc hành quân sang Campuchia, đánh vào căn cứ Vườn Dầu nhưng thất bại. Bọn thực dân tức tối đốt phá chùa chiền, làng mạc. Căn cứ An Định trở thành đống tro tàn! Năm 1887, quân Pháp do thiếu tá Peiqnaux ở Châu Đốc chỉ huy, cùng hai cộng sự là Trần Bá Lộc và cai tổng Trương Văn Keo kéo quân vào An Định. Bị kháng cự ở núi Trà Sư, nên khi Pháp tràn được vào làng, họ đã đốt sạch nhà cửa, chùa chiền, bắt nhiều người tra tấn để tìm Ngô Lợi. Nhưng bọn chúng vẫn không thể tìm được ông! Kết cuộc, Pháp xử bắn 8 người, đày ra Côn Đảo 13 người, cưỡng bức 407 gia đình gồm gần hai ngàn người già trẻ xuống tàu về quê quán và cho sáp nhập thôn An Định vào xã Ba Chúc, sáp nhập thôn An Thành vào xã Lương Phi…

Năm 1890, phong trào Cần Vương thất bại, các cuộc khởi nghĩa ở Nam kỳ bị thực dân Pháp đàn áp mạnh mẽ nên đã tạm lắng xuống. Ông Ngô Lợi phải thường xuyên lẩn tránh. Nhân vật lịch sử- huyền thoại của Thất Sơn- nhà yêu nước, lãnh tụ kháng Pháp, giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa Ngô Lợi đã qua đời ở núi Tượng khi chí lớn chưa thành! Ông mất đi để lại sự tôn kính với muôn vàn thương tiếc và cảm phục cho người đời sau.

Tương truyền, trước đây vì sợ Pháp làm hại, đệ tử thân tín cõng xác Ngô Lợi, mà tín đồ gọi là kim thân, giấu trong hang (Vồ Cấm, Núi Tượng), đến khi bình yên mới kín đáo đưa về giấu nơi chùa Tổ (chùa Tam Bửu). Đến nay không biết kim thân có còn hay ở nơi đâu (!?) – Ngôi mộ Tổ (Ngô Lợi) nằm bên sân chùa Tam Bửu (Ba Chúc) và ở thôn An Thành là mộ giả.

Đặng Hoàng Thám
http://vanliencac.wordpress.com