VẠN-HẠNH THIỀN-SƯ

Vài dòng tiểu sử của Thiền Sư dưới đây giúp cho độc giả có một ý niệm tổng quát về đời tu hành đắc quả hiện tiền của một bậc tu hành mà nhiệm vụ đời Đạo vẫn song toàn trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam thời Lý.

Sử liệu về Ngài Vạn Hạnh Thiền Sư rất hiếm, phần nhiều căn cứ vào quyển Đại Nam Thiền Uyển Đăng Lục là tác phẩm đầu nhà Trần được trường Bác Cố Viễn Đông kiểm nhận là chính xác. Theo đó thì Vạn Hạnh Thiền Sư họ Nguyễn, tên thật và năm sanh không được ghi nhận. Sách Thi Văn Lý Trần của nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội có ghi tên thật Ngài là Nguyễn Văn Hạnh, người ở châu Cổ Pháp, làng Dịch Bảng thuộc tỉnh Bắc Ninh nay là Hà Bắc.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình Phật giáo. Thuở nhỏ sư thông minh khác thường học thông Tam Tạng kinh là Kinh, Luật, Luận của Phật giáo Nguyên thỉ và cũng đã tham cứu đến khoa Bách Luận là căn bản của Phật giáo Đại Thừa do Bồ Tát Long Thọ chủ trương. Sư cũng lão thông giáo lý của Tam giáo Đạo là Nho, Thích, Lão rất thông dụng vào hai đời Lý Trần, cũng là cơ bản của nền văn minh cường thịnh nhất, có nhiều chiến công oanh liệt nhất của hai đời Lý, Trần trong lịch sử nước nhà.

Tuy tài cao học rộng, nhưng xem thường phú quí vinh hoa, Sư xuất gia thờ Thiền Ông làm Thầy ở Chùa Lục Tổ, tại làng Đình Bảng huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc nơi còn Phật tích. Ngoài giờ phục vụ Chùa, Sư học hỏi không chán và chuyên luyện về khoa Tổng Trì Tam Muội là Pháp Môn chỉ quán Thiền Định cho đến chỗ đại định cao thâm, Sư cũng đã dày công khổ luyện và đã đắc quả hiện tiền. Vì thế Sư mới thông suốt, biết trước mọi biến cố nước nhà để giúp hai Vua Lê Đại Hành và Lý Công Uẩn để an dân trị nước được thanh bình, hạnh phúc. Chính Sư đã dạy dỗ và góp công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi Lý Thái Tổ.

Một câu chuyện dưới đây để chứng minh Sư đã đắc Đạo tại thế nên biết trước việc sắp đến cho mình. Bấy giờ có tên Đỗ Ngân thù hận Sư muốn ám hại. Sư biết trước nên cho người mang đến y một bài kệ, dịch nôm như vầy :

Thổ, Mộc tương sinh Kim với Cấn
Cớ sao mưu hại giấu trong thân
Lúc này lòng ta buồn bã vô cùng
Nhưng về sau ta chẳng bận ngầm.


Sư dùng tên của Ngũ Hành : Thổ, Mộc, Kim, Cấn trong bài kệ. Nếu chiết tự hai chữ Thổ và Mộc hiệp lại thành chữ Đỗ, hai chữ Cấn và Kim hiệp lại thành chữ Ngân, tức là ám chỉ tên Đỗ Ngân là người toan mưu hại Sư. Y sợ liền bỏ ý định.

Ngoài ra trong thời gian Vua Lê Ngọa Triều làm những điều tàn bạo ác độc, động lòng Trời nên có hiện nhiều điềm lạ các nơi. Sư phân tích biện giải và cho biết nhà Lê sắp đổ, nhà Lý lên thay, Sư có làm bài kệ sấm dịch nôm như sau :

Trong vòng ba tháng nữa
Thân Vệ sẽ lên nối ngôi (1)
Cây đà in chữ quốc
Đất nước mười ra đi
Gặp Thánh Chúa hiệu Thiên Đức.


(1) Thân Vệ là chức điện tiền chỉ huy sứ của Vua Lê phong cho Lý Công Uẩn.

Nhà Sư mới nói với Thân Vệ Lý Công Uẩn là môn đệ của Ngài đang du học tại Chùa Lục Tổ với sư: "Gần đây tôi thấy nhiều lời sấm lạ báo hiệu nhà Lê phải mất mà nhà Lý tất phải lên thay. Người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai khoan từ nhơn đức bằng ông, đương nắm binh quyền trong tay lại được lòng dân chúng. Người đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân Vệ còn ai đương nổi. Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết để xem đức hóa của ông ra thế nào. Tôi chỉ ân hận không kịp thấy đời thạnh trị mà thôi ".

Xem thế đủ thấy chí hướng của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư mặc dầu đã xuất gia lìa thế không màng lợi lộc vinh hoa, nhưng vẫn thiết tha đến vận mạng của nước non dân tộc mình.

Cái học mà Sư đã truyền cho các môn đồ ở Chùa Lục Tổ không phải là cái học Phật giáo xuất thế tiêu cực, lãnh đạm với việc đời, mặc kệ quốc gia hưng vong, đất nước bị xâm lăng, đồng bào bị đô hộ, lầm than, khốn khổ mà cái học Phật nhập thế tích cực, nhưng lúc nào cũng lo nhiệm vụ đối với nước non dân tộc thi hành xong thì các nhà sư liền từ chối mọi vinh hoa phú quí hiến dâng, trở lại Thiền đường vui thú tiêu dao, với hài cỏ gậy tre, non xanh nước biếc ngày tháng ung dung tự tại. Nào có bận bả chi đâu.

Đó là điểm độc đáo của Thiền Việt Nam qua hai đời Lý Trần làm tiêu biểu. Khác hẳn với Thiền thuần túy của Ấn Độ và Trung Hoa.

Triết thuyết của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ cũng được Đức Lý Thái Bạch Đại Tiên đương kiêm Giáo Tông Vô Vi minh giải qua mấy dòng: "Người tu hành dầu đứng trước muôn ngàn ngoại cảnh đổi thay cũng đừng để lòng xao động, dầu danh lợi trước mắt, quyền uy trong tay, cũng vẫn xem như bọt nước đầu gành, mây bay đỉnh núi. Tuy nhiên người tu hành còn có bổn phận vi nhân. Nếu rộng ra thì Vũ trụ là nhà, nhơn loại là anh em mà tình là non sông cây cỏ. Thâu hẹp lại là gia đình, xã hội, dân tộc. Đến lúc cấp thiết cũng lo đỡ vạc nâng thành cứu dân cứu nước, như VẠN-HẠNH THIỀN-SƯ đời Lý, PHÙ-VÂN QUỐC-SƯ đời Trần trong lịch sử nước nhà của chư đệ muội. Những vị ấy giúp đời mà không nhân ngã, không danh lợi, khi xong việc cũng hài cỏ gậy tre, ung dung tiêu sái, nào có bận bả chi đâu".

Thiền Sư được Lý Thái Tổ phong làm Quốc sư, nhưng vẫn ở tại Chùa. Khi quốc gia hữu sự mới vào triều giúp ý kiến cho Vua rồi trở về Chùa.

Thiền Sư liễu Đạo nhằm ngày rằm tháng 5, năm Mậu Ngọ (30/6/1018) thọ trên 80 tuổi, niên hiệu Thuận Thiên thứ chín, không bịnh mà thác, người đời bấy giờ bảo là Sư hóa thân. Trước khi lìa bỏ xác phàm.Thiền Sư cho dời tất cả môn sanh và cho bài kệ này:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc Xuân vinh, Thu hựu khô
Nhâm vận thịnh suy vô bể úy
Thịnh suy như lệ thảo đầu phô.


Ông Ngô Tất Tế dịch:

Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối Xuân tươi, Thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương Đông.

Thấy đệ tử thương khóc, Thiền Sư bảo rằng: “Các con muốn ta đi về đâu? Ta không lấy chỗ trụ để trụ và cũng không nương vào chỗ không trụ để trụ.”

Đời sau,Vua Lý Nhân Tông có làm bài kệ để truy tặng:

Vạn Hạnh dụng tam thế (tế)
Chân phù cổ sấm ký
Hương quan danh cổ pháp
Trụ tích trấn vương kỳ.


Tạm dịch:

Vạn Hạnh dụng ba cõi
Chân thật lời sấm xưa
Rạng danh quê Cổ Pháp
Gậy Phật giữ nghiệp xưa.

Đây là đại khái tiểu sử của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư mà chúng tôi muốn nhắc lại để quí độc giả nhận thấy sự liên hệ giữa Ngài đối với dân tộc, đất nước Việt Nam và Cao-Đài Quốc-Đạo Nam Bang mà chính dân tộc nầy được Đức Chí-Tôn THƯỢNG-ĐẾ chọn để khai Đạo và từ đây sẽ phóng phát ra năm châu bốn bể.

Sứ mạng của Thiền Sư đã được chứng minh qua một bài thi:

THI:

VẠN-HẠNH THIỀN-SƯ đến cõi trần,
Giúp người học Đạo thoát mê tân,
Hỡi ai đã có cơ duyên sẵn;
Thuyền đến bến sông kíp bước lần.


Thiền Sư đã thả thuyền Bác-Nhã để đưa rước người chí thành tâm đạo, quyết cầu tu giải thoát:

Nước biếc sông xanh một chiếc đò,
Ai qua bĩ ngạn giúp đưa cho,
Bao nhiêu hành lý xin chừa lại,
Chỉ chở Hà-đồ với Lạc-thơ.


CHÍ-TÍN