Cafe Đắng



“Anh thấy cafe có đắng không? Em không thấy đắng!...” câu hỏi của cô gái, cứ văng vẳng trong đầu chàng trai? Tại sao vậy nhỉ? Cafe mà mình hay uống đắng, đắng lắm mà? Vậy mà tại sao cô gái – luôn gọi một ly đen, đá và không đường – lại hỏi vậy?

Chàng trai chưa uống như thế bao giờ, ngay cả ly cafe ít đường nhất, thì ly cafe ấy vẫn rất đắng, rõ ràng một điều là càng ít đường thì càng đắng...
Rồi một buổi chiều, một chiều thứ bảy, vẫn như thói quen thường lệ, chàng trai đến quán cafe ấy, nhưng lần này, chàng trai đi một mình. Gọi cho mình một ly đen đá, ngồi suy nghĩ miên man...

Hình ảnh ly cafe-đen-đá-không-đường lại hiện lên trong đầu... chàng trai quyết định gọi thử một ly, bởi chàng muốn hiểu tại sao “cafe lại không đắng”. Ngay khi thử nhấp ngụm cafe-đen-đá-không-đường đầu tiên, chàng trai đã hiểu ra, tại sao “cafe không đắng”. Đó là ngụm cafe nhạt nhất mà chàng trai đã từng uống, nó ngang ngang và... nhạt toẹt.

Ở đâu đó, trong một quyển sách đã đọc, người ta nói rằng, mọi sự vật, hiện tượng đều có hai mặt đối lập, nhưng không mâu thuẫn. Một xã hội luôn có người tốt, kẻ xấu, nếu không có người xấu, sẽ chẳng ai có thể có một chuẩn mực để suy xét xem người này, người kia có tốt hay không? Nếu không có bóng tối, chắc chắn người ta sẽ không có khái niệm về ánh sáng, về ban ngày, vì lúc nào bầu trời cũng như thế... nếu không có thất bại, đau khổ, chắc chắn, sẽ không cảm nhận được niềm hạnh phúc, sung sướng của sự thành công... nếu bạn nghĩ mình đang yêu, mà chưa từng một lần ghen, một lần đau khổ, hãy nghĩ lại... nếu không có mùa đông giá rét, người ta đâu thể biết rằng mùa xuân ấm áp, mùa hè nóng nực ra sao... và như thế, lẽ đương nhiên, không có đường thì cafe làm sao trở nên đắng?

Những người không trực tiếp làm ra đồng tiền, không biết đến sự vất vả, không biết đến bao nhiêu mồ hôi công sức phải bỏ ra để có được tài sản ấy, thì làm sao biết quý trọng nó. Nhan nhản trên báo, đài, internet là những câu chuyện về những “phá gia chi tử”, trong số họ, có kẻ bố mẹ làm quan to tham nhũng, lộng quyền,... nhưng trong số ấy, cũng có những đứa con sinh ra trong một gia đình, mà bố mẹ phải vất vả, làm ăn chân chính, lương thiện mới nuôi sống được gia đình. Thế thì tại sao? Bởi cha mẹ họ khổ, họ không muốn con cái họ phải khổ như họ, và họ “dành cho con tất cả những gì có thể”, nhưng họ không biết rằng, như thế họ đã làm hại con mình: “thương cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi”, họ không ghét nhưng vô tình lại “ghét” họ làm cho con cái họ coi thường giá trị công sức của đồng tiền...cũng giống như “easy come, easy go” một câu nói của người Mỹ chỉ ra giá trị của những thứ mà mình “dễ dàng có được” chỉ là những thứ “dễ dàng ra đi”...

Trong tình yêu, với những người “không đẹp”, tình yêu đến với họ “khó” hơn, “lâu” hơn, họ phải đấu tranh, hy sinh để có được tình yêu để có được đúng cái mình cần, và như vậy họ được hạnh phúc hơn. Còn với những “người đẹp” xung quanh họ lúc nào cũng có những người tung hô họ, sẵn sàng mang đến cho họ những gì họ muốn, những người đó bằng một cách nào đó, vô tình hay hữu ý, “coi thường” tình yêu. Vì họ không biết đến giá trị của tình yêu, họ không phải khổ vì yêu, họ không phải gian nan, vất vả, hy sinh vì tình yêu, và như thế mãi mãi... cafe-đen-đá-không-đường không bao giờ đắng!

(Sưu tầm)