Người ta nói tháng tám là tháng mùa thu, không ai cưới vợ, cưới chồng, bởi vì Ngưu Lang Chức Nữ mới vừa lau dứt nước mắt biệt ly. Nhưng vào thời đại tân tiến, người ta chỉ tin vào cái gì thực tế, chớ mấy vụ kiêng cử đó bị coi là chuyện cổ tích hồi xưa.

Tôi không thích đi ăn đám cưới, không phải vì sợ tốn tiền, chỉ vì tủi thân mình chẳng bao giờ được làm đám cưới đám hỏi gì hết; hai vợ chồng chúng tôi gặp nhau hồi ở đảo, rồi ăn ở cho tới nay đã hai chục năm, có được hai đứa con.

Đi về Việt Nam vào tháng tám, ý chừng là không gặp tiệc cưới, vậy mà cũng không tránh được! Một cô bạn học cũ của vợ tôi mời chúng tôi đi ăn đám cưới của đứa con trai lớn. Ngày đám cưới chỉ cách ngày trở về Sydney của chúng tôi đúng 24 giờ đồng hồ, thành ra vợ tôi ngần ngừ khi cầm tấm thiệp trên tay, trước mặt cô bạn cũ. Vậy là cô bạn một hai nằn nì, năn nỉ lại còn thòng thêm một lời hứa hẹn là sẽ dành một bàn riêng cho bạn học cũ hồi lớp 12 trường Gia Long xưa. Nghe nói tới đây, gương mặt vợ tôi bắt đầu “dãn nở”, và khi cô bạn xướng lên thêm vài cái tên bạn học cũ sẽ tới dự đám cưới là vợ tôi mặt mày sáng rỡ. Hình như ai cũng khoái gặp lại bạn học lớp 12, áng chừng là để sống lại vài tiếng đồng hồ của những ngày xưa thơ dại. Ngoài ra, nếu không có đám cưới, đám tiệc, thì làm sao các bà khoe cho hết mấy bộ áo dài, áo đầm…?

Vợ tôi trang điểm gần hết nửa ngày, và yêu cầu tôi mang theo cái video camera để quay phim bạn bè. Nàng nhắc đi nhắc lại hai ba lần: “để làm kỷ niệm, mình về Sydney còn có cái để nhớ lại bạn bè.” Tôi chắc mẳm trong bụng là thế nào trong mấy người bạn này cũng có một anh chàng nào đó là tác giả của những bức thư tình xa xưa, mà vợ tôi không tiện nói ra.

Đám cưới này đãi tiệc trong một nhà hàng nằm ở một khu vui chơi của núi Bửu Long; tôi không biết có phải vì thiên hạ thích trở lại thời thượng cổ cho nên mới dẫn nhau lên núi ăn tiệc cưới, hay là vì gia đình hai họ quên đặt tiệc cưới trước, thành ra cuối cùng phải mời tiệc ở chốn “sơn lâm” bởi vì nhà hàng Saigon đã không còn chỗ. Bạn bè Saigon được nhà trai thuê cho một chuyến xe 40 chỗ ngồi để đi và về, coi như là đi ngắm cảnh không tốn tiền. Khỏi lo chuyện “Drink and Drive is a crime” (dịch nôm na là đã uống rượu vô mà còn lái xe là ngốc). Thiệt là hết ý!

Nhà hàng nằm ngó ra cái hồ gọi là hồ Long Ẩn, chắc tại vì cái tên này mà khu vui chơi này rồng cuốn, rồng bay đủ kiểu. Bạn bè vợ tôi tha hồ chụp người, chụp cảnh trước khi bước vào tiệc. Tôi cẩn thận làm bổn phận của một người chồng ngoan đạo với cái máy camera, lúc thì quay phim, lúc thì chụp hình. Vợ tôi hứa với bạn bè là sẽ gởi hình về cho mỗi người, thành ra tôi phải tỏ ra là mình không hà tiện kẻo lại mang tiếng là “Việt kiều Úc không sang bằng Việt kiều Mỹ”! Thì hại cho đồng hương của mình sao?
Tai nạn xảy ra khi tôi đứng chụp hình cho vợ tôi và một cô bạn đứng gần bên cái đầu rồng. Cái đầu rồng này phun nước mỗi năm phút một lần, và tôi vô tình đứng ngay trong “tầm bắn”. Tôi ướt nhem đầu tóc và một mảng áo phía trước, kể cả cái camera!

Từ đó tới tàn buổi tiệc, tôi mất quyền hành nghề nhiếp ảnh. Tôi có bảo hiểm du lịch, và cái video camera còn thời hạn bảo hành, nên tôi không lo ngại lắm, chỉ tò mò muốn biết mấy thước phim mình quay ra sao.

Về tới Sydney bữa trước bữa sau, tôi lật đật mở máy, cắm vào tivi để kiểm tra. Không biết vì ướt nước, vì X ray của sân bay, hay vì cái gì khác mà toàn bộ màn hình lấm tấm một màu xanh như sương khói, từ đầu cho đến cuối phim, nhưng phần âm thanh thì tuyệt đối rõ ràng với hai giọng nói kỳ lạ, khàn khàn như phát ra từ cổ họng bị nghẹn, và đứt quãng.

Sau khi lắng nghe hết cuộn phim, vợ chồng tôi ngớ người ra, và đổ mồ hôi lạnh! Đó là một cuộc đối thoại giữa hai hồn ma phụ nữ, một người mới chết, một người chết đã lâu (chắc là vài năm). Hai người là chị dâu, em chồng. Cô em chồng là vợ của cán bộ tập kết, người chị dâu có con đi vượt biên. Dường như khi gặp nhau sau cái chết thì những linh hồn này trở thành “trong vắt”, nghĩa là nghĩ sao nói vậy, không có cái kiểu lịch sự quanh co.

Vợ tôi lập tức gọi điện thoại về Saigon nói chuyện với cô bạn học cũ. Qua một thôi nhập đề lung khởi dông dài , nàng mới hỏi thăm về cái nhà hàng, và biết ra là khu du lịch đó xây trên một nghĩa địa cũ mà nhà nước giải toả để làm chỗ vui chơi. Hai hồn ma chắc là đang lúc “vui vẻ” nên mới bắt ngay tần số vào trong cái camera. Nhưng làm sao hai hồn ma này “nhập” vô cái camera của tôi, trong khi có tới một chục người cũng chụp hình chụp ảnh trong bữa tiệc đám cưới đó, vừa là dân tài tử như tôi, vừa là mấy bác phó nhòm có giấy phép, thì tôi không tài nào biết được.

Một vài người bạn thân khuyên tôi bán bản quyền cuồn băng này cho ASIO, may ra họ có thể nghiên cứu ra những bí mật của cuộc sống sau cái chết. Nhưng vợ tôi cản tới cùng:

- Đừng, anh à, mình ăn bao nhiêu cũng hết, mà tội cho mấy người khuất mặt. Phải bảo vệ chuyện riêng tư cho họ chớ.
- Em à, đã chết rồi thì còn biết cái gì nữa.
- Cũng phải kính trọng vong hồn của họ một chút.
- Em nghĩ coi, nếu như họ không muốn những người trần thế chúng ta biết về những gì họ trao đổi với nhau trong cuộc gặp gỡ đó, thì chưa chắc gì cuồn băng video của anh ghi lại được tiếng nói của họ, chưa kể là mấy hình ảnh đám cưới bị xoá hết trơn.
Cuối cùng thì vợ tôi đồng ý, có phần miễn cưỡng, rằng chính hai hồn ma này muốn tâm tình của họ được lắng nghe bởi người thế gian. Đây cũng là luận điểm khiến tôi ngồi ghi lại từng câu trên băng. Tuy vậy, lòng vẫn nơm nớp e rằng lần tới khi tôi mở lại, thì cuồn băng của tôi sẽ hoặc là trắng toát, hoặc là đầy đủ hình ảnh của những người khách dự đám cưới mà tôi đã chụp hình, đã quay phim.

Đây là phần đàm thoại:
- Cô Chín ! Cô mới xuống tới đó hả ?
- Chị Sáu, em mới xuống tới, còn hơi quáng mắt.
- Ờ, chút xíu nữa là hết à. Ai mới chết cũng bị quáng mắt một hồi mới quen được với đèn đường ở đây.
- Ủa, có đèn đường hả ?
- Thiệt ra, không có cái bóng đèn gì hết, mà tự nhiên có ánh sáng, dân ở nay quen miệng gọi đèn đường vậy thôi. Cô ‘đi’ sớm như vậy cũng khoẻ hả? Nghe nói cô cảm cúm rồi sưng phổi có hai tuần, rồi ‘đi’ luôn.
- Dạ, chết thì khỏe nhưng buồn lắm chị Sáu ơi. Ủa mà sao chị biết hết mọi việc vậy?
- Ờ, ở đây có một cái đài truyền hình, dành riêng cho mấy con ma già để biết chuyện nhà.
- Em tưởng chết là hết chuyện chớ. Mà ở đây cũng có truyền hình nữa sao?
- Chỉ có mấy người vô thần mới tưởng chết là hết chuyện. Cô thấy không, cô chết rồi mà cũng còn chuyện để nói mà. Mấy con ma già coi được truyền hình trực tiếp cuộc đời, nhưng mấy con ma trẻ, tức là chết non, chết yểu, thì lại không. Tụi nó dễ nóng máu, có khi dám trở lại trần gian làm chuyện bậy bạ.
- Em coi truyền hình được không?
- Cô thấy cái màn ánh sáng trước mặt không? Hể cô định thần được, chỉ cần nhìn chăm chú vô cái màn sáng đó là thấy cái truyền hình.
- Em không thấy cái gì hết.
- Ba vía của cô còn ở trên đường đi cho nên cô chưa thấy gì được đâu. Phải đợi mấy ngày nữa cho ba cái vía đó nhập về đủ.
- Vậy chị Sáu thấy tụi nhỏ nhà em ra sao? Lúc em đi, thấy có cái gì hút đi mạnh quá, hết hồn vía, không biết cái gì nữa hết.
- Tui thấy con Hà khóc lóc, kể lể là hai đứa con dâu của cô không chăm sóc cô gì hết. Cô bịnh mà phải tự mình đi giặt giũ, nấu ăn. Nó nhắc lại chuyện cô dẫn 5 đứa con đi Nam Vang rồi từ đó đi ra Hà Nội để theo chồng tập kết hồi năm 1954.
- Hồi đó khổ quá. Em một nách năm đứa con, chồng thì suốt ngày chỉ có biết việc cơ quan.
- Ai biểu cô! Đang ở miền Nam lúa ruộng phì nhiêu không chịu ở, đi chạy ra ngoài đó …
- Chồng đâu thì vợ đó, chị Sáu coi, nhà em đi tập kết ra ngoài đó, thành ra em phải đi theo… quanh năm suốt tháng đói, mà lại chiến tranh …. đâu có biết là xứ gì mà cực khổ quá trời !
- Nhưng tới sau 75 thì cô sướng quá rồi, làm dân cách mạng gộc, được cấp nhà cửa, mà nhà của dân tướng, rộng minh mung. Nghe nói cái nhà cô dượng bán được hơn 200 cây vàng hả ?
- Nhưng mà em có làm được cái gì với mớ vàng đó đâu, chị Sáu! Mấy đứa nhỏ kêu là bán căn nhà đi, rồi về ở với tụi nó cho vui. Hai vợ chồng em lúc đó cũng ngoài 70, tính trong bụng là bán căn nhà, bỏ vô tiết kiệm, thì cộng với mớ tiền lãnh hưu là dư dả sống cho tới ngày nhắm mắt. Ai dè, mới vừa bán được căn nhà, thằng Tư với thằng Út mượn hết mớ vàng để lập công ty. Bốn năm năm sau này, em với nhà em phải đi ở mỗi đứa con một hai tháng, như là ở đậu nhà thiên hạ. Ở với con gái thì mặn ngọt với con rể, mà ở với con trai thì mắc cô con dâu.
- Ủa, tui tưởng gia đình cô là “gia đình văn hoá cách mạng” chớ, mà lại là gia đình liệt sĩ nữa làm sao mà chuyện đó xảy ra?
- Chị Sáu ơi, chuyện đó là chuyện hồi chiến tranh, người ta phải giữ cái danh đó để lãnh gạo với nhu yếu phẩm, chớ thời buổi sau này, nhà nào mở miệng ra cũng “cây vàng”, với lại “đô la”.
- Úy trời! Cô nói tui mới biết chớ ai nói thì tui không tin đâu à.
- Tiền vàng ai mà không ham?
- Tiền vàng ai mà không ham, chị Sáu? Cái hồi em chưa bán căn nhà, thằng Tư lâu lâu ghé qua cho vợ chồng em một trăm đô la. Ba mấy đứa nhỏ nói “Tao đi đánh Mỹ để tụi bây xài tiền Mỹ hả ?”. Thằng Tư cười ngất, trả lời “Ba ơi, ba thiếu tiến bộ với thời đại rồi. Tổng Thống Mỹ tới mà còn được ngay dân Hà Nội-ngàn-năm-văn-hiến tiếp đón rầm rộ”.
- Tui tưởng là chỉ có Việt kiều mới xài đô la thôi chớ. Ủa, thằng Tư là cán bộ nhà nước mà.
- Ờ, thì nó làm cán bộ, nhưng mà nó nhạy bén với thời cuộc lắm. Hồi 1976, nó biết em giữ dùm mớ vàng cho vợ chồng thằng Tư của chị….

- Vợ chồng thằng Tư tui nhờ cô giữ vàng dùm? Vậy mà tui cứ sợ mấy đứa con tụi nó thiếu thốn, tuần nào tui cũng ghé cho nải chuối, hoặc là hai lon gạo lúc mà cả nước ăn độn khoai mì.
- Chị không biết đâu, vợ chồng tụi nó giấu dữ lắm. Tụi nó thấy em là dân cán bộ, mới nhờ em giữ dùm. Vàng mà đúc thành nguyên một cái trứng gà. Cái hồi em mới dọn nhà về Tân Định ở, chưa biết hàng xóm đực cái ra sao, em đi chợ ngày nào cũng lận lưng cái hột gà đó, mệt lắm. Sau này, thằng Tư nhà em mới chỉ vẽ cho thằng Tư nhà chị xây cái trại gà, bởi vì sản xuất nông nghiệp hồi đó không có bị kêu là tư sản. Một chục năm sau này, em đâu có khi nào mua thịt gà, hột gà. Hai vợ chồng nó tháng nào cũng đem gà với hột gà tới cho.
- Mà tui là mẹ nó, chưa hề thấy một cọng lông gà! Khi nào gặp, tụi nó đều than là lỗ lã, nào gà bị bịnh, nào kiếm không ra thuốc chủng ngừa…
- Vậy hả? Nói sao mà giống như là công nghiệp nuôi gà thời kỳ cúm gà 2004 vậy? Em nhớ hồi năm tám mươi mấy chín mươi tụi nó làm ăn khá lắm mà. Phân gà còn bán được cho mấy người làm ruộng để làm phân bón nữa.
- Còn thằng Tư của cô thì sao? Nghe nói nó ra công ty tư nhân để cạnh tranh với nhà nước. Nó làm ăn được không?
- Cũng khá; nó mua căn nhà vila có sân thượng đậu được máy bay chuồn chuồn. Nhưng mà em nghi là nó mượn vàng của vợ chồng em để lo cho đứa con gái đi du học ở bên Ăng-lê.
- Vậy hả, sao không đi học bên Mỹ, nhiều bà con giòng họ hơn? Thằng Sáu của tui ở bên đó, con Năm cũng ở bên đó.
- Tụi nó tính rồi, chị Sáu ơi. Đi Mỹ nhiều dân chống cộng quá. Con nó là con cán bộ, đi học Ăng –lê “êm” hơn.
- Vậy hả? Rồi nó học xong chưa?
- Nó lấy chồng bên đó luôn, khỏi học nữa.
- Vậy là nó đi học nước ngoài để lấy chồng thôi hả?.
- Con nhỏ nó quậy quá! Thành ra cha mẹ nó mới kiếm cách cho nó đi học nước ngoài.
- Úy ! Tui tưởng con người ta học giỏi mới đi du học chứ?
- Có tới mấy kiểu đi du học lận chị đâu có biết hết; kiểu này là kiểu con cưng cán bộ lỡ đường. Mà thôi, nó lấy chồng, được ở lại nước ngoài, vậy là nó cũng nên thân rồi. Ủa mà chị Sáu, em nhớ chị đi Mỹ mà lọt hồi cũng trở về Việt Nam?
- Thằng Sáu đi vượt biên, bảo lãnh cho tui với thằng Út qua. Hồi năm đầu mới qua, con vợ thằng Sáu keo kiệt quá, cằn nhằn tối ngày là tui không có tiền già, tui phải dọn qua ở với con gái Năm, lúc đó cũng mới qua Mỹ theo diện H O. Thằng chồng nó tốt, mấy đứa cháu ngoại cũng lo lắng cho tui lắm. Nhưng chỗ đó lạnh quá, một năm mấy tháng tuyết đóng, tui ở hoài trong nhà, nhớ bà con quá mới phải về ở VN với thằng Hai.
- Vợ thằng Hai nấu ăn ngon lắm. Nó làm được hết mấy món mắm.
- Ừ. Mấy đứa cháu nội con thằng Hai thương tui lắm. Tui ở với thằng Hai cho tới chết. Nhưng khổ nỗi, tui khắc khẩu với thằng Hai. Nó giống ba nó quá, mà lại ương ngạnh không kém gì.
- Chèn ơi, chị Sáu! anh Sáu mất đã bốn chục năm mà chị cũng còn giận ảnh sao
- Ổng nhậu cho đã, lăn ra nằm liệt giừờng ba năm trời, rồi chết queo hồi thằng út mới có 6 tuổi. Cực biết bao nhiêu mà nói. Hồi đó cô đi tập kết ra Bắc rồi, đâu có biết hết.
- Ở ngoài đó cũng có cái khổ của ngoài đó. Mấy chục năm trời, hở ra là kiểm điểm, sơ tán vợ chồng con cái có mấy khi ở chung được, mà muốn ăn con gà cũng phải giấu giấu giếm giếm.
- Cô biết cái khổ của miền Bắc trước như vậy rồi mà sao khi cô về trong Nam, cô không nói tiếng nào cho thằng cháu của cô tránh cái nạn đánh tư sản.
- Nhà em nói phải thi hành triệt để chính sách, phải tuyệt đối bí mật và không được dao động.
- Báo hại thằng Hai cứ tin tưởng có cô đỡ đầu, nó nhất định không chịu nhúc nhích gì hết. Dân Saigon Chợ Lớn chạy đi dấu hàng, thằng Hai nói “không sao”.
- Lúc đó nhà em đâu có cho em đi thăm ai đâu.
- Tui nhớ hoài cái hồi mấy ông cán bộ tới niêm phong mấy tiệm bán đồ điện của thằng Hai. Rồi mấy tuần sau họ lấy xe cam-nhông chở đi hết, để lại mấy tờ biên nhận, toàn là giấy lộn.
- Nhà em nói muốn làm cách mạng thì phải hy sinh…
- Mà tui có thấy cách mạng chỗ nào đâu? Mấy ổng bứng hết mấy người nhà giàu này để mấy người nhà giàu khác thế chỗ vậy thôi! Cô có công nhận không?
- Nhà em nói đó là những phần tử thoái hoá….
- Cô cái gì cũng nói “nhà em nói, nhà em nói”! Nghe ra giống cái ra-dô nói thì đúng hơn. Vậy chứ phần cô thì cô nói sao? Cô nói sao cho ra lẽ cái chuyện cô để cháu ruột cô bị đánh tư sản?
- Chị Sáu à, thiệt tình em cũng sốt ruột cho cháu mình lắm chớ. Nhưng cái hồi đánh tư sản đó, nhà em nhất định không cho em nói gì hết, suốt ngày ổng cứ lập đi lập lại là em phải tôn trọng nền “chuyên chính vô sản”.
- Thằng Hai không hiểu nó “bóc lột nhân dân” ở cái chỗ nào để đến nỗi bị tịch thu hết tài sản mà nó làm lụng gầy dựng hết mấy chục năm. Nó cũng không hiểu tại sao nó đối với cô bằng tình ruột thịt, mà cô lại bí mật với nó cái chuyện đánh tư sản?
- Sống mấy chục năm ở miền bắc lúc nào cũng quen với cảnh giác, cảnh báo… thành ra… mà thôi, chị Sáu ơi, chị cũng phải thông cảm chớ. Mấy cái người nằm gai nếm mật mấy chục năm trong rừng bây giờ họ cũng phải xài cái quyền của họ cho đã nư…
- Cô đi ra ngoài Bắc hồi đó thằng Hai đã ngoài 20 tuổi, nó thiệt tình quí mến cô, ngó lại coi, chỉ có một mình cô là cô ruột của nó. Thằng Hai chở cô đi thăm họ hàng từ Saigon cho tới Hóc Môn, Tây Ninh. Thằng Hai tặng cho cô cái tủ lạnh với cái tivi đó, cô nhớ không?
- Dạ nhớ. Sau này tụi nhỏ đòi bán đi để mua cái mới, em không chịu, nói là để kỷ niệm. Tụi nhỏ nói, “Ảnh không cho má thì đồ đó cũng bị tịch thu. Má lẩn thẩn.”
- Cái hồi đánh tư sản đó, thiệt là muốn điên lên. Hết chuyện đổi tiền, rồi bị tịch thu tài sản, rồi lại đổi tiền. Cái nhà nước gì mà lạ, chỉ muốn cho dân mạt rệp.
- Ủa, mà cái gì giống như chong chóng quay ở đàng kia?
- À, cái hồn đó đang làm kiểm điểm đó mà.
- Ủa, xuống đây mà cũng làm kiểm điểm nữa hả ? Em tưởng cái thứ đó chỉ có ở cái nước cộng sản như Việt Nam mình thôi chớ?
- Đó là tui nói theo giọng của cô, nghĩa là giọng của mấy ông Việt cộng đó. Thiệt ra thì mấy hồn ma đó đang trên đài sám hối ăn năn.
- Là sao chị Sáu?
- Cô còn nhớ ông bà mình hay nói ăn ở thất đức chết xuống bị lửa tam muội đốt cháy từ trong bụng đốt ra không?
- Dạ nhớ, mà em có thấy lửa nào đâu?
- Mấy cái vong hồn đó đang bị phạt về tội ác của họ theo kiểu là họ bị bắt phải xem lại mấy cảnh tượng mà họ đã làm hồi còn sống….,
- Nghĩa là sao?
- Thí dụ như cái ông đó đương quay như chong chóng là bởi vì lệnh của ổng ban ra mà hàng trăm con người chết, bây giờ ụ ổng bị bắt phải coi lại mấy trăm cái chết của dân với lính. Coi lại như vậy làm cho hồn vía của ổng hoảng sợ, ăn năn, cắn rứt, đau khổ, dày vò… cũng giống như lửa tam muội đốt từ bên trong đốt ra. Khổ lắm! Chưa hết, có lúc hồn của ổng sẽ thấy giống như ổng đang bị chết như mấy người nạn nhân đó vậy.
- Ghê quá ! Mà sao chị biết… cái chong chóng đó là một ông nào đó... làm cho người ta chết? Tỉ như ổng làm chuyện gì khác thì sao?
- Tại cô mới xuống đây, ba vía của cô còn chưa về tới chỗ nên cô chưa thấy, chớ mấy con ma chết lâu như tui thấy rõ ràng cái chong chóng đó là mấy người bị sốt rét nằm rên hù hụ kìa, rồi tới mấy chiếc xe nhà binh trúng đạn kìa, có một người đi lạc trong rừng, té lên té xuống... rồi có một người nào nữa chỉ còn xương bọc da ngồi trong cái nhà giống như nhà tù!
- Nghe ghê quá! Vậy…chị có bị phạt không, chị Sáu?
- Có chớ. Tui phải đẻ lại thằng Hai mấy chục lần, chịu đủ cảnh đau đẻ y như hồi còn sống, bởi vì tui …ư…ư… hơi khó khăn với thằng Hai.
- xxxxxxxxxxxxxx
Cuồn băng đến đây thì âm thanh bỗng trở thành những tiếng léo nhéo, rít lên điếc lỗ tai, băng vẫn còn hơn một nửa, nhưng không nghe được tiếng nào. Vợ tôi để cuộn băng ở một góc bàn, và làm một lư hương, cắm hai cây nhang cúng hai hồn ma ấy. Tôi thì băn khoăn hết mấy ngày, không biết họ còn tiếp tục nói những chuyện gì.

(-ST-)