Vay vốn thánh thần, làm ăn hạ giới

Sáng Mùng 6 Tết, hai vợ chồng sếp Dương - chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Hà Giang - mang lễ và tiền vàng về Bắc Ninh để tạ ơn và trả khoản vay 1 triệu "USD" lãi suất 0% mượn của bà Chúa Kho.

Hai năm trước, tình hình buôn bán của ông Dương gặp vận đen, hàng hóa tiêu thụ chậm do biến động nguyên liệu. Thị trường chứng khoán năm 2006 không chiều lòng ông khiến cho kế hoạch "buôn chứng" lỗ nặng. Lần lượt hai lô đất ở Đông Anh - Hà Nội do bố mẹ cho đều phải đem cầm cố, lấy tiền trả nợ ngân hàng. Bế tắc, ông Dương tìm đến "cửa Chúa" mong hóa giải vận đen.


Dành những ngày đầu năm cho việc cúng lễ vì quan niệm "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Ảnh: Hoàng Hà.

Đầu năm 2007, ông Dương sắm một mâm lễ trị giá 1,5 triệu đồng gồm tiền vàng, ngũ sắc, cây ngọc, cành vàng, về Bắc Ninh để dâng bà Chúa Kho và xin vay 1 triệu "USD" lãi suất 0%. Hẹn một năm sau, ông sẽ mang lễ đến tạ và trả số vốn đã vay.

Năm qua, không biết có phải nhờ vốn của bà Chúa hay không, mà việc bán buôn của ông Dương khấm khá hẳn: Không những trả được nợ, lấy lại hai lô đất mà còn mở rộng được hoạt động kinh doanh. Ơn bà, nhớ lời hứa, mùng 6 Tết, hai vợ chồng sắm lễ tạ và hoàn lại số tiền đã "vay". Ông tiết lộ: "Bà Chúa rất coi trọng chữ tín, được lộc từ vốn của bà mà không có lễ tạ, đến ngày trả nợ mà cứ lờ đi là coi như năm sau "dính chưởng", làm ăn sa sút ngay".

Anh Minh - chủ một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở Hà Nội - cho hay, kể từ khi thành lập công ty (năm 2001) đến nay, năm nào, anh cũng đến cửa Chúa. "Quả thật, nhờ vốn của bà Chúa Kho, công việc làm ăn của tôi gặp rất nhiều vận may", anh nói.

Đền bà Chúa Kho nằm ở làng Cô Mễ, chân núi Kho, bên bờ sông Cầu thuộc địa phận thị xã Bắc Ninh. Hằng năm, các tín đồ về đây ngoài chuyện cúng bái, mục đích chính thường là vay vốn làm ăn hoặc tạ lễ. Người buôn bán nhỏ thì vay từ vài chục đến một trăm cây vàng, giới buôn đất buôn nhà, buôn xe, chơi chứng khoán có kẻ vay cả nghìn lượng.

Tại chùa Bà Thiên Hậu - tỉnh Bình Dương, mấy ngày nay tín đồ ở khắp nơi cũng đổ về để cúng lễ. Vợ chồng ông Phúc - một đại gia bất động sản ở TP HCM - sắm hẳn một chú heo quay cùng với giỏ trái cây lớn, hai bó hương khổng lồ cùng với 6 cặp nến lớn, rượu tây... mang đến. Một thứ không thể thiếu trong mâm lễ của ông Phúc là bao vàng mã.

Năm nào ông Phúc cũng thân chinh đi cúng chùa đầu xuân để cầu một niên làm ăn phát đạt, may mắn và vay mượn tiền Bà về kinh doanh. Năm nay trong gói hàng mã được ông Phúc mang theo có cả một chiếc Roll - Royce Phantom trắng đẹp như hàng quảng cáo, cùng với hình thiết kế một khu biệt thự căn hộ khá sang trọng.

Tâm sự với VnExpress, ông chủ này cho biết, chẳng là tử vi chấm năm nay mạng Thổ của ông hợp với tinh Tý nên sẽ trúng lớn đất đai. Do đó ông tập trung khấn vái Bà, cho năm nay làm ăn như ý. Ngoài chuyện mấy dự án căn hộ, biệt thự cao cấp công ty ông đang xúc tiến ở TP HCM, Bình Dương, được bán vèo vèo, ông còn ấp ủ mơ ước đổi chiếc Mercedes đang đi thành Rolls-Royce, như xu thế hiện nay của nhiều đại gia Sài Gòn.

"Năm ngoái cúng Bà, quả trong năm trúng nhà đất vì giá tăng liên tục nên nay phải lễ trọng hơn", ông Phúc nói. Những năm trước, ông đi cúng và vay tiền thánh thần ở chùa Phật Cô Đơn tại huyện Bình Chánh. Song vài năm nay, lời đồn chùa Bà Thiên Hậu linh thiêng nên ông Phúc chuyển địa điểm đốt hàng mã về đây. Hồi cuối năm, ông cũng đã sắm sanh một lễ trả nợ cho Bà bao gồm một chiếc Mercedes bằng giấy, quần áo, nhà cửa...

Ngoài chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương, tết năm nay nhiều điểm khác ở TP HCM cũng thu hút giới buôn bán nhỏ đến cúng vái xin tiền kinh doanh như chùa Ngọc Hoàng trên đường Mai Thị Lựu, chùa Ấn Độ ở phố Trương Định, ngay trung tâm Sài Gòn...

Bà Hoa, chủ một quán ăn ở chợ Bến Thành cho biết, đầu năm nào bà cũng cúng giải hạn và xin xăm, vay tiền ở chùa Ngọc Hoàng. Lễ bao gồm lợn quay, trái cây, vàng mã ngoài hương hoa. Bà còn cúng dường dịp Tết nào cũng 3 triệu đồng tiền thật để xin vay 3 tỷ tiền âm về làm ăn.

"Có năm bán được, năm thì thất bát tùy tình hình chung, nhưng đầu năm cúng chùa xin vay mới có cảm giác yên tâm làm ăn trong suốt cả năm", bà Hoa nói. Ba năm trước, vì chồng cự nự là vợ mê tín, bà Hoa không đến lễ chùa. Năm đó bà thấp thỏm không yên, lúc nào cũng có cảm giác là trời phật không phù hộ độ trì cho mình làm ăn, gia đình bình yên, hạnh phúc. Tâm lý không ổn, quả năm đó cả nhà bà ai nấy đều ốm dài dài, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. Rút kinh nghiệm, từ đó đầu năm nào bà cũng đến lễ chùa, kéo cả chồng và con cái đi cùng.

Đại đức Thích Trí Nguyên ở Thiền Viện Vạn Hạnh cho rằng, cúng dường Phật là chuyện đức, thiện nguyện và cần thiết, nhất là khi người kinh doanh cảm thấy an lòng nếu lễ Phật. Song, sắm sửa cúng kiếng chùa nhiều hay ít không quá quan trọng, thánh thần trời phật cũng không câu nệ. Thậm chí mâm lễ quá nhiều còn gây lãng phí nếu người dâng không có tấm lòng thành.

Đại đức cũng khẳng định, chuyện kinh doanh bại hay thành còn tùy thuộc vào thời vận, đức độ, phước của mỗi người; chứ không phải cứ cúng chùa, vay tiền âm làm ăn là có thể yên tâm hưởng lợi, không cố gắng làm việc.

Hồng Anh - Phan Anh