Một, hai, ba, bốn, năm… năm người. Không, sáu người. Bốn người thanh niên hì hục khiêng một chiếc cáng, hai người đằng trước, hai người đằng sau. Một người trung niên đi bên cạnh đeo trên người lỉnh kỉnh đồ đạc đôi mắt gần như hút vào chiếc cáng, chốc chốc lại ngẩng đầu nhìn phía trước đầy vẻ sốt ruột. Trong cáng là một cô gái còn rất trẻ, nét mặt thanh tú nhưng quá tiều tụy, đôi mắt nhắm nghiền. Cứ thế, một đoàn sáu người tất tả đi như chạy đua với thời gian.

Trời bắt đầu tối! Đồng không mông quạnh sao mà hoang vắng, sao mà lạnh lẽo. Đoàn người vẫn tiếp tục đi. Người trung niên càng sốt ruột hơn, ông quay qua động viên mấy chàng thanh niên:
- Cố lên, nghe nói chỉ cần qua được ngọn núi trước mắt này là tới.

Mấy chàng trai xốc lại chiếc cáng rồi lại mải miết đi tới. Ánh mắt người trung niên nhìn chiếc cáng đầy vẻ thống khổ, nhưng còn những điểm hy vọng lấp lánh. Những điểm lấp lánh đó càng ngày càng mờ nhạt trước bóng tối của thiên nhiên. Đi thêm một lát thì trời đã tối om, lại thêm chẳng có trăng sao, trời đất như úp vung với bóng tối thuần khiết. Người trung niên rút trong bọc ra một cây đèn rồi đánh lửa. Ánh sáng lắc lư vàng vọt tỏa ra xung quanh nhưng lại nhanh chóng bị bóng đêm dày đặc bóp dí lại. Họ vừa đi vừa mò mẫm tới gần khuya thì tới một chếc hồ không lớn lắm, ánh nước nhuốm màu đen bóng lấp loáng. Người trung niên mặt dù đã cố dấu nhưng tiếng thở dài vẫn trào ra.
- Cha, mình nghỉ ở đây đi.

Giọng nữ yếu ớt cất lên từ chiếc cáng. Người trung niên ngửa mặt lên trời lại thở dài thêm một tiếng rồi nói:
- Ừ, mình nghỉ ở đây một lát, tiếc là ở đây vắng quá!

Bốn người thanh niên vặn cổ, khua tay tính hạ chiếc cáng xuống đất thì giọng cô gái lại cất lên yếu ớt:
- Cha, con thấy có ánh đèn.
- Ừ, cha đốt đèn mà con.
- Không, không phải đèn của mình, bên trái kìa cha.

Phía bên trái, gần mép hồ nước quả nhiên có anh đèn nhỏ nhoi le lói. Sáu người hồ hởi tiến về phía đó. Không ngờ ở đó có một căn nhà khá lớn, trông qua thì là một quán trọ, tới gần lại chỉ sợ không phải, bởi trên biển trước cửa viết ba chữ rất lớn: Nga Mi Quán. Cho dù có lẽ không phải quán trọ, nhưng căn nhà dĩ nhiên trở thành niềm hy vọng của sáu người mệt mỏi. Người trung niên gõ cửa, sau vài lần thì căn nhà như sáng hơn lên, có lẽ người chủ thắp thêm đèn.

Ra mở cửa là một chàng trai, khuôn mặt khắc khổ rất khó đoán tuổi. Thoạt trông thì rõ là thanh niên, nhìn kỹ thì có lẽ chưa chắc phải. Anh ta thò đầu ra ngoài nhìn sáu người một lượt rồi chỉ tay vào chiếc cáng hỏi cộc lốc:
- Cô ấy tên gì?

Người trung niên hơi nhíu mày, rồi ông ta đáp:
- Con gái tôi, tên Nga, nó…

Người thanh niên trong quán chợt mở rộng cánh cửa, mặt nở một nụ cười kỳ cục, trông khuôn mặt lại càng thêm khắc khổ:
- “Mời vào, mời vào!” Nói đoạn anh ta lại lắc lắc đầu, “một cô gái tốt biết mấy!”

Cũng chẳng có nhiều thời gian để cảm thấy lạ, năm người lục tục khiêng chiếc cáng vào. Căn nhà rộng và sáng. Đồ đạc ngăn nắp sạch sẽ, mà có vẻ đúng là quán trọ thật. Người thanh niên nói:
- Có hai phòng, phòng nhỏ thì tôi đang ở, phòng lớn thì mọi người chịu khó dùng chung. Nếu cần gì thì cứ gọi tôi nhé.

Người trung niên cười cười, ông mở tay nải vừa nói:
- Chúng tôi mấy người đi tìm thầy chữa bệnh, lỡ đường nhỡ bước xin…

Nói tới đó thì người thanh niên trong quán đã khoác tay, lắc đầu rồi uể oải đi vào căn phòng nhỏ, có vẻ mọi người đã làm anh ta gián đoạn giấc ngủ ngon. Người trung niên nhún vai, lắc đầu rồi lại gật gật:
- Thật tốt quá, tốt quá!

Năm người lỉnh kỉnh khiêng chiếc cáng vào căn phòng lớn. Căn phòng cũng rất sáng và sạch sẽ, trong đã có sẵn bốn chiếc giường chăn gối tinh tươm.
- Cha, cho con chỗ cạnh cửa sổ nhé.

Cô gái nói giọng cầu khẩn, nghển cổ nhìn cha. Người trung niên muốn nói gì đó, chắc ông ngại có gió lạnh, nhưng rồi ông lại thở dài bế cô gái lại chiếc giường cạnh cửa sổ. Trong ánh sáng có thể nhìn rõ cô gái trắng xanh và gầy guộc, quầng mắt thâm đen, chiếc mũi thẳng và đôi môi nho nhỏ như muốn nhoẻn cười mà vô lực. Cô mặc một chiếc áo rộng thùng thình và mái tóc tết thành hai bím đã rối bời. Trong lúc bốn thanh niên vươn vai xoay người cho đỡ mỏi, họ vốn là người hao lực nhất chặng đường, thì người đàn ông trung niên gỡ các thứ đồ lỉnh kỉnh trên người xuống. Ông bày ra chiếc bàn nhỏ những chiếc bánh gạo tròn, có lẽ là bữa tối của mấy người. Lại lấy ra một chếc bát, rót nước ở bình ra lưng lưng rồi lấy một chiếc bánh gạo bẻ vụn rắc xuống, một cách cẩn thận tỉ mỷ. Rắc hết chiếc bánh thì đã có một bát cháo hòm hòm. Ông lấy một chiếc thìa rồi bưng bát tới giường cô gái. Bốn người thanh niên cũng chẳng nói gì, có lẽ họ cũng quen thuộc rồi, bẻ bánh ngồi ăn.

Bón cho cô gái được vài thìa, cô gái chợt thở dài, buột miệng nói:
- Cha, giá như mà bây giờ có bát canh cá.

Người đàn ông nhìn con đây vẻ thương cảm, nếu bảo ông hái sao được ông cũng hái. Chỉ là đêm khuya, sao có cá chứ. Ông mỉm cười vỗ vỗ vai cô gái nói: “để cha ra hỏi xem, biết đâu chủ nhà có cá.”

Khi ra tới gian nhà ngoài thì chàng thanh niên chủ quán đã ở đó rồi. Có lẽ anh ta là chủ quán thật, nhưng hình như cũng chỉ có một mình anh ta, không thấy ai khác. Anh ta đang đội một chiếc nón lá, tay cầm một cần trúc dài, hông đeo chiếc giỏ nhỏ. Anh ta lại nở nụ cười khắc khổ, hất đầu với người trung niên:
- Tôi đi câu cá, ông đi không?
- Có, vừa may…

Căn nhà tưởng như sát mép nước mà lại không phải, từ nhà đi ra mép hồ nước đi bộ cũng mất một lát. Người thanh niên lầm lũi đi, cha cô gái cũng lặng lẽ đi sau, mấy lần ông muốn mở lời gợi chuyện nhưng không biết nói thế nào, lại thôi.

Đi ven hồ một lát, dường như chàng trai đã chọn được vị trí tốt. Anh ta đặt cái nón lá và ngồi xuống, cẩn thận gỡ chiếc giỏ nhỏ bên hông, lấy từ đó ra con giun nhỏ, ngắt một nửa rồi mắc vào lưỡi câu, nửa còn lại quăng xuống hồ. Khi người trung niên ngồi xuống thì chiếc cần trúc đã thả xuống rồi. Ánh trăng muộn màng chiếu xuống mặt hồ bàng bạc. Không có gió, mặt hồ sóng chỉ lăn tăn. Không gian tĩnh lặng, có thể nghe rõ tiếng côn trung kêu ri rả. Người trung niên ngồi thần ra rồi mãi mới nói được một câu bâng quơ:
- Rốt cục cũng có trăng rồi.

Chàng thanh niên ừ hữ trong cổ, không ra đồng tình, cũng không ra bắt chuyện khiến người trung niên lại càng chẳng biết thế nào. Thần ra một lúc nữa, ông ta chợt thở dài:
- Con gái tôi, nó…

Giọng ông như nghẹn lại. Chàng thanh niên im lặng, nhưng nhìn phần mặt dưới tai hơi kéo lên, có lẽ anh ta lại nở một nụ cười. Một nụ cười đầy khắc khổ.

Bỗng có tiếng xoạch một cái, chiếc cần trúc chĩu xuống.
- Cá cắn câu rồi!

Nói vừa dứt thì chàng trai đã kéo lên một con cá khá lớn. Anh ta nghiêng nghiêng đầu, lại thêm một nụ cười khắc khổ rồi nhìn ra mặt hồ, có vẻ như thế là đủ. Quả nhiên, anh ta xách con cá, cứ để nguyên nó ở dây câu rồi quảy giỏ, đội nón đứng dậy quay về. Cha cô gái lại lặng lẽo đi theo sau. Không hiểu sao ông thấy đi theo chàng trai này cõi lòng thanh thản lạ lùng. Nếu có thể đi mãi, ông cũng cứ đi như thế này.

Quay trở lại phòng với bát canh cá đang tỏa khói. Người đan ông trung niên cảm thấy được sự hạnh phúc từ ánh măt của con gái. Ông ưỡn ngực như thầm bảo “có cha đây, con cứ yên tâm”. Cô gái ăn từng muỗng từ tay cha một cách khó nhọc. Không ngờ là cuối cùng cô có thể ăn hết bát canh cá, điều này thật ông không thể ngờ được bởi từ khi ngã bệnh, con ông thường không ăn quá một bát con mỗi bữa.

Cô gái nhìn qua cửa sổ, trăng đã lên cao, không tròn nhưng rất sáng. Ánh trăng chiếu xuống mặt hồ lấp lánh ánh bạc ánh vàng, khung cảnh thập phần diễm lệ.
- Cha, con đã mơ ước được nhìn cảnh này biết bao lần. Đẹp quá!

Người cha nhìn theo con qua cửa sổ, mắt ông ngân ngấn long lanh. Chỉ cần qua ngọn núi trước mặt kia là có thể có hy vọng chữa lành bệnh cho con. Ông lang ở đó nghe đồn mát tay, chuyện trị nan y. Đã bao lâu ông rong ruổi, mỗi một lần hy vọng lại là một lần thất vọng, nhưng ông quyết không bỏ cuộc. Chỉ là con gái ông mỗi ngày một yếu, chỉ sợ nó không chờ được…
- Thôi ngủ đi con, ngủ đi cho khỏe, hôm nay con thức thế là nhiều rồi đấy.

Cố gái nhìn cha như cầu khẩn, rồi lại quay đầu nhìn ra khung cửa thêm một lát, như thể thu hết khung cảnh vào tâm trí. Sau đó cô ngoan ngoãn nằm xuống và nhắm mắt lại.

Tinh mơ, sáu người lên đường, lại bốn người khiêng cáng, lại lỉnh kỉnh đồ đạc. Chàng thanh niên chủ quán tiễn họ ra tận cửa, anh ta từ chối nhận bất kỳ một khoản tiền nào người trung niên đưa ra. Người trung niên tỏ vẻ rất khó xử, nhưng rồi cũng không biết làm sao, khi đi ra ngoài liền quay lại bái chàng thanh niên một cái. Không ngờ chàng thanh niên cũng kính cẩn bái chào lại họ rồi quay lại đóng cửa. Sáu người lại đi mãi về phía quả núi trước mặt.

---- o0o ----

Ở một ngôi làng nhỏ chỉ với hơn một trăm nóc nhà, có một căn nhà còn đỏ lửa. Bếp lửa bập bùng ấm áp vẽ lên tường những hình ảnh nhảy múa vui mắt. Trên bếp lửa, ấm nước sắp sôi reo ro ro. Chủ nhà đang có khách.

Chủ là một ông lão vẻ mặt phúc hậu, đang rót ấm nước pha trà. Khách gồm năm người, một người đàn ông trung niên và bốn chàng thanh niên, mỗi người đeo lỉnh kỉnh một ít đồ đạc. Bây giờ họ đang ngồi uống trà với nhau. Ông lão chủ nhà chỉ tủm tỉm cười, không nói tiếng nào. Hồi lâu, người trung niên cất tiếng trầm và đục:
- Cảm ơn cụ đã cho chúng tôi nghỉ chân. Lần trước đã phiền cụ, không ngờ lần này cũng vẫn phải nhờ cụ lần nữa.

Ông cụ cười cười, xua tay:
- Không có gì, chỉ là đồng cảm tấm lòng của ông thôi.

Người trung niên thừ người, trông ông có lẽ già thêm cả chục tuổi nữa. Khuôn mặt càng lộ vẻ đau khổ, đôi mắt ngấn lệ.
- Con gái tôi nó bạc mệnh, không chờ được tới lúc gặp thầy giỏi.
Ông dừng một lát, rồi lại nói tiếp:
- Khi bệnh phát giữa đường, trước khi qua đời, nó nói “cám ơn cha, cám ơn cuộc sống, con đã cảm thấy rất mãn nguyện, không còn gì để nuối tiếc. Xin cha cho con ở lại nơi xin đẹp này.” Chỉ có thế…
Nói đến đó cổ họng ông như có gì chẹn lại. Ông cụ chủ nhà lẳng lặng rót trà vào chén vẻ đồng cảm. Chợt người trung niên ngẩng đầu lên hỏi:
- Cách đây chừng sáu quả đồi, có một cái hồ, cụ có biết không?

Cụ già ngừng rót trà nói:
- Biết!

Người trung niên nói tiếp:
- Ở đó có một cái quán trọ, tên là Nga Mi Quán, cụ có biết không?
- Cái hồ thì tôi có biết, nhưng cái quán thì không.

Người trung niên hơi giật mình nói:
- Lần trước, ở nhà cụ ra, chúng tôi tới đó phải nghỉ tại cái quán Nga Mi đó một đêm. Sáng sớm đi ngay. Không ngờ chỉ vừa qua núi thì con gái tôi qua đời. An táng cháu xong, chúng tôi quay lại chỗ cái hồ thì không thấy cái quán nào ở đó cả. Tôi còn tìm xung quanh nhưng tuyệt không có dấu tích gì. Nhưng mà tôi nhận ra chỗ đêm đó tôi ngồi câu cá, chàng chủ quán còn câu được một con cá lớn. Thế mà cái quán thì tuyệt không thấy.

Ông cụ chủ nhà mặt tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên, ông nhìn người trung niên một lát rồi nói:
- Cái hồ đó là hồ thủy lợi, mới đào được có hơn một tháng, nguyên là khô queo, chỉ là cách đây một tuần có trận mưa lớn, cái hồ mới đầy nước. Trong hồ nhất định là không có cá, cá to thì lại càng tuyệt đối không thể có. Xung quanh cũng chẳng có nhà nào ở chứ đừng nói hàng quán.

Người trung niên ngớ người, bốn người thanh niên đi cùng cũng há hốc mồm kinh ngạc.
- Sao có thể, đêm đó chúng tôi cùng ở đó. Căn nhà khá lớn và rất sáng…

Nói tới đó chợt người trung nên lạc giọng. Ông nhớ lại căn nhà rộng và rất sáng ấy, tất cả mọi chỗ đều sáng, tưởng như không có một chút bóng tối nào lẩn khuất trong căn nhà. Thế nhưng trong ấn tượng của ông thì hình như là không thấy một cây đèn nào. Hoàn toàn không có ấn tượng nào về đèn cả.

Năm người khách một người một câu, kể lại câu chuyện cho ông cụ nghe. Cả chủ khách đều lấy làm lạ và không sao hiểu được. Họ mang câu chuyện lạ của mình về nhà, và kể cho hàng xóm nghe, ai cũng thấy kỳ lạ. Nhiều người còn không tin, cho rằng mấy người kẻ mất con, người mệt quá mà đâm ra lẩn thẩn.

Trong số những người nghe kể, có một anh đi buôn chuyến ở xa tên là Lâm. Hơn một năm sau anh ta trở về và kể lại rằng. Có một lần ban đêm đi qua một vùng trung du rất vắng. Anh có gặp một cái quán đề biển là Võ Đang quán. Khi anh xin vào tá túc, thì người mở cửa là một chàng thanh niên trông già trước tuổi. Hắn hỏi anh tên gì. Anh đáp “tên tôi là Lâm”. Không ngờ người thanh niên đó không chịu mở cửa cho vào, còn khuyên anh đi tìm chỗ khác. Hắn ta còn nói: “Xin lỗi, quán tôi đang chờ một người tốt sắp qua đời tên Đang, chuẩn bị đi ngang qua đây, anh nên đi đi thôi”.