Trường sinh bất lão, giấc mơ có thật?


Trường sinh bất lão - trẻ mãi không già là một ước vọng từ lâu đã xuất hiện trong xã hội loài người. Và cho đến ngày nay, con người vẫn luôn tìm mọi cách để thoát khỏi vòng quy luật “sinh lão bệnh tử”. Vậy liệu “trường sinh bất lão” phải chăng là một nhiệm vụ bất khả thi?


Từ Đông sang Tây

Nhiều nền văn hoá khác nhau đều phản ánh giấc mơ “trẻ mãi không già” của loài người. Một trong tứ đại kỳ thư của Trung Hoa là “Tây Du Ký” đề cập đến chuyện Mỹ Hầu Vương Tôn Ngộ Không muốn trường sinh bất lão nên mới đi tu tiên học đạo. Sau khi đại náo Thiên Cung, Tôn Ngộ Không đã theo con đường tu hành, đưa Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh, đạo thành chính quả. Văn hoá Việt Nam có hình ảnh chú Cuội ngồi dưới cây đa trên cung trăng. Theo truyện kể thì cây đó thực ra là cây thuốc trường sinh. Tuy nhiên để chăm nuôi cây trường sinh phải tưới cây bằng nước sạch. Vợ Cuội để nước bẩn vào cây nên cây tróc rễ bay lên trời. Cuội về thấy vậy chỉ kịp quăng rìu móc vào cây và bay cùng cây bất tử mãi lên tận cung trăng. Vậy là cây thuốc trường sinh bất lão cũng chẳng còn nhưng âu đó cũng là hình ảnh của một mơ ước trẻ mãi không già. Mặt trăng cũng là một biểu tượng khác của sự “trường sinh bất lão” liên quan đến truyền thuyết về Hằng Nga và Hậu Nghệ. Sau khi hai vợ chồng bị Ngọc Hoàng đầy xuống trần gian, Hậu Nghệ tìm được hai liều thuốc trường sinh bất tử. Tuy nhiên Hằng Nga vì muốn là tiên nên uống hết cả phần của chồng rồi bay lên cung trăng bỏ lại Hậu Nghệ nơi hạ giới với nỗi hận lòng khôn nguôi.

Phương Tây cũng đầy khát khao với ước mơ trường sinh bất lão. Mảnh đất Neverland đầy huyền thoại là nơi mà cậu bé biết bay Peter Pan cùng với những người bạn của mình có những cuộc đối đầu không ngơi nghỉ với thuyền trưởng Hook. Và ở mảnh đất Neverland đó, tất cả mọi người đều sống trường sinh bất lão, không bao giờ lớn lên, mãi mãi gắn bó với tuổi thơ. Trong trường ca kỳ vĩ Faust của đại thi hào người Đức Johann Wolfgang Goethe (1749-1832), với 12.000 câu thơ trác tuyệt được ví như những lâu đài tư tưởng trong vắt như pha lê, con quỷ sứ mang tên Mephisto đã lấy nhiều thứ trong đó, có sự “trường sinh bất lão” để mua lấy linh hồn của Tiến sĩ Faust.

Trong bài phỏng vấn Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tezin Gyatso tại Dharamsala (Ấn Độ), nhà báo người Pháp Jean Claude Carriere của tạp chí Share Vision đã hỏi Lạt Ma nghĩ gì trong việc công nghệ nhân bản vô tính và phát triển khoa học có thể đưa đến kết quả là sự trường sinh bất lão. Lạt Ma đã trả lời: “Nhân bản vô tính một bản sao giống hệt chúng ta, nghĩa là sự tiến hoá bị chấm dứt. Trường sinh bất lão sẽ khiến loài người phải ngăn chặn sinh sản. Cả hai điều đó đều không nên làm”.


Đi tìm thuốc trường sinh bất lão


Tần Thuỷ Hoàng đế (Qin Shih-huang-ti) (259-210 BC) có niềm tin bệnh hoạn về phương thuốc trường sinh bất lão. Muốn ở mãi ngôi cao, vị hoàng đế đầ tài năng nhưng bạo ngược này đã lệnh cho đạo sĩ Từ Phúc phải dong thuyền ra biển tìm bằng được đảo Bồng Lai và lấy được thuốc tiên về. Từ Phúc sau đó đã đem nhiều người với lý do là đi tìm thuốc trường sinh bất lão rồi trốn đi đến Nhật Bản và ở lại đó. Giấc mộng trường sinh bất lão của Tần Thuỷ Hoàng chỉ mãi là giấc mộng vì năm 210 TCN, Tần Thuỷ Hoàng đã mang theo giấc mộng đó với mình xuống cõi tuyền đài khi chỉ mới 49 tuổi. Tuy nhiên với mong muốn là sau khi chết, linh hồn mình vẫn là hoàng đế nên ông đã cho xây dựng khu lăng tẩm đồ sộ và hoành tráng với hàng ngàn chiến binh và hàng vạn đồ dùng xa xỉ để ông sử dụng sau khi... chết.


Trên thực tế, có nhiều trường hợp người ta trẻ mãi không già nhưng nguyên nhân là một loại phía bệnh lý. Y học thế giới và Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp “chậm lớn” như vậy. Và có một điều đang xảy ra ngay trước mắt chung ta, đó là tuổi thọ trung bình của con người ngày càng tăng lên rõ rệt. Nhìn lại lịch sử, thế kỷ 18, tuổi thọ trung bình của loài người chỉ là 36 tuổi. Ngày nay tuổi thọ trung bình đã tăng lên 68 tuổi. (Nước ta là 68.1 tuổi). Tuổi thọ bình quân của những nước châu Âu là 76 tuổi. “Nhân sinh thất thập” đã không còn là chuyện “cổ lai hy” nữa.


Tuổi thọ ngày càng cao do những điều kiện về chăm sóc sức khoẻ cộng đồng phát triển mạnh mẽ. Nó cũng đi đôi với việc con người đã chú tâm nhiều hơn đến việc rèn luyện cơ thể, phòng bệnh và chữa bệnh và thực hiện những chế độ dinh dưỡng hợp lý. Xét về mặt lý thuyết, con người có thể sống tới 150 tuổi. Thậm chí nếu những điều kiện sinh dưỡng ở mức hoàn hảo, con người có thể sống tới 200 tuổi. Tuy nhiên con người luôn có tham vọng cướp đoạt quyền tạo hoá mà không phải tốn công. Người ta muốn sống lâu nhưng mà sống và thực hiện theo những chế độ sinh hoạt khá khắt khe để sống lâu thì... khổ quá. Chính vì vậy những nhà khoa học vẫn đang tìm nhiều cách khác để tăng tuổi thọ cho con người. Một trong những hướng đi triển vọng là nghiên cứu sinh học tế bào và giải mã gen. Những loại thuốc giúp cho con người chậm lão hoá lại cũng đã được sản xuất và sử dụng tự do như thuốc hormone tăng trưởng hay còn gọi là thuốc hGH hoặc GH).


Một loại hoá chất nữa được tinh chế từ loài sên biển có tên BIO cũng là kỳ vọng có thể tạo cho con người sự trường sinh bất lão. Chất hoá học BIO có tác động đến những phân tử của tế bào gốc, giúp những phân tử này giữ nguyên hiện trạng mà không lớn lên, ngăn ngừa sự già cỗi của các tế bào gốc. Tuy nhiên BIO còn cần phải được nghiên cứu rất nhiều.

Đã là con người ai mà không muốn sống lâu? Người muốn sống lâu để hưởng thụ. Người muốn sống lâu để giúp đỡ mọi người được nhiều hơn. Mơ ước trường sinh bất lão kể ra cũng là một mơ ước chính đáng. Tuy nhiên nếu một người biết sống một cuộc sống đầy ý nghĩa và tốt đẹp cho đến khi qua đời, hình ảnh người đó sẽ vẫn sống mãi. Đó là cách trường sinh bất lão mà ai cũng có thể làm được.



(Theo Bách Khoa toàn thư Encarta, phần Imortality và các đường link)


Hoàng Tùng