( hoa hậu xứ mường bên trái )
Không biết, cái danh hiệu Hoa hậu đến với người Việt Nam từ khi nào, nó là thứ ngoại nhập hay hàng "quốc nội"? Chỉ biết, chưa bao giờ các cuộc thi sắc đẹp lại hỗn loạn với nhiều điêu trá, nhiều vương miện bị rơi theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen trước hàng triệu triệu con mắt chua xót của thiên hạ như bây giờ.

Lịch sử, thảng hoặc có ghi lại mấy dòng về việc thực dân Pháp cho thi người đẹp ở Hà Nội hay Sài Gòn, hồi đầu thế kỷ XX, nhưng hầu như chưa có cuộc thi hoa hậu nào ở vùng (hồi đó) được xem là thiểu số mà lại có tiếng vang như "Hoa hậu xứ Mường".
Có lẽ, vì quá xúc động trước vẻ đẹp nguyên sơ, ngơ ngác của đàn bà, con gái người Mường (ở khắp Hòa Bình, Hà Tây cũ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Sơn La...) nên, trong thời gian cai trị của mình, người Pháp đã tổ chức tới 5 cuộc thi Hoa hậu xứ Mường. Nhưng, mãi mãi, không có một Hoa hậu xứ Mường nào lộng lẫy, thơ ngây và song hành cùng nhiều câu chuyện lịch sử quyến rũ, ám ảnh như Hoa hậu Hà Thị Tẻo.

Bà từng được Chánh quan lang tỉnh Mường đưa vào cung đình Huế với danh nghĩa là mỹ nhân đem "tiến" vua Bảo Đại, từng làm ngỡ ngàng đắm say bao vị quan người Pháp cai trị hay kinh lý xứ Mường, rồi bà làm vợ của Tri châu Lạc Sơn, con dâu của Chánh quan lang (Quan đầu tỉnh, như chức Tuần phủ dưới xuôi) Hòa Bình. Song, cuộc đời bà, sau khi chế độ nhà lang sụp đổ, cũng lại thê thiết buồn đau, nghiện ngập đến khó tin.
76 năm đã qua kể từ khi bà Hà Thị Tẻo đăng quang Hoa hậu xứ Mường, vẻ đẹp của bà đã trở thành huyền thoại, cụm từ “Hoa hậu xứ Mường” đã trở thành một câu cửa miệng của nhiều người ở cả một vùng đất rộng lớn, trở thành một khái niệm về nhan sắc, bao nghệ sĩ đã lấy cảm hứng từ cuộc đời bà để sáng tác phim ảnh, tiểu thuyết. 76 năm, đi dọc con đường mây mù vòng cua như nhể ốc, để tìm lại một nàng hoa hậu ở giữa hoang vu góc núi Mường Vang, phải nói là còn lãng mạn hơn cả mây ngàn Tây Bắc.

Không! Khi đã chạm được đến kho tài liệu về cuộc đời bà Tẻo, những bức ảnh sửng sốt, những câu chuyện sinh động và đáng suy ngẫm đến tê lòng, chúng tôi lại nghĩ rằng: nếu không viết lại, nếu không công bố kho tư liệu này, sẽ là có lỗi với lịch sử. Những câu chuyện bị ẩm mốc, mối mọt bởi thời gian; bởi đói nghèo, và quan trọng hơn, nó còn bị mốc mọt bởi sự kỳ thị của người ta, kỳ thị với chế độ quan lang tàn ác một thời.

Hoa hậu Hà Thị Tẻo sinh năm 1917, bấy giờ, nước ta còn nằm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Xứ Mường là cái tên chung để gọi tỉnh Hòa Bình ngày nay (và vùng phụ cận rộng lớn có người Mường sinh sống). Lúc đầu, tỉnh lị đặt ở Chợ Bờ, Suối Rút, mãi sau mới chuyển về khu vực có cái làng tên là Hòa Bình, nhân thế, tên tỉnh cũng được đổi theo tên làng, như chúng ta đã biết. Chính phủ bảo hộ của người Pháp khi ấy đã thiết lập một tỉnh Hòa Bình có Chánh quan lang (quan đầu tỉnh), dưới có Án sát rồi có Hội đồng Quan lang gồm 12 chức sắc địa phương (thổ lang người Mường), bên trên, có một viên Công sứ "cầm trịch".

(hoa hậu xứ mường bên chiếc oto giữa núi rừng )
Vị Chánh quan lang tỉnh Mường lúc đó mà Hoa hậu xứ Mường của chúng ta xuất hiện có tên là Quách Vị, là dòng dõi quan lang lớn đã nhiều đời "ăn lộc" đất Mường Vang (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình hiện nay). Chánh quan lang ngày xưa, như một ông vua trong cả cõi mênh mông, bấy giờ không gọi là "cai trị" hay "làm quan", mà gọi là "ăn lộc". Tức là, trong mắt người dân, "lang đến nhà như cha sống lại", lang không chỉ là chức sắc, mà còn là một thứ gần như tín ngưỡng trong tâm thức của đời đời người xứ Mường. Khát ra suối uống nước, đói đến nhà lang.

Ông Quách Vị, do có công đem quân sơn dõng của mình đi đánh dẹp các cuộc nổi dậy chống lại chế độ bảo hộ của người Pháp, nên được ngoại bang nó cất nhắc đặc biệt. Khi các chí sĩ yêu nước Đốc Bang, Tổng Kiêm thống lĩnh binh mã đánh chiếm được tỉnh lị Hòa Bình, giết chết nhiều binh lính và quan viên người Pháp, thu được vũ khí rồi rút theo đường sông Đà để mưu đồ nghiệp lớn, Quách Vị cũng có đem lính dõng người Mường đi hỗ trợ "triều đình" dẹp "giặc cỏ".

Sau, vì nhiều lý do, nghĩa quân của Đốc Bang bị thất bại, các thủ lĩnh yêu nước bị đày ra Côn Đảo, Quách Vị nhân thế, càng được người Pháp "ghi điểm". Từ Tri châu Lạc Sơn, năm 1920, ông Vị được bầu vào Hội đồng Quan lang tỉnh Mường với 12 ông to nhất tỉnh. Từ năm 1925, Quách Vị liên tiếp hai khóa làm Chánh quan lang (có lẽ tương đương Chủ tịch tỉnh bây giờ) ở Hòa Bình.

Đúng thời gian này, cô bé mà sau này là Hoa hậu xứ Mường được bố mẹ bán làm con nuôi Quan chánh lang Quách Vị. Bố Tẻo là ông Hà Quang Trung, người Việt gốc Hoa, mẹ là người Việt ở Hà Nội. Có nhiều nguồn tư liệu nói về nguyên nhân bán con của ông cụ Trung. Có người bảo, ông nghiện thuốc phiện, đổ đời vào ống tẩu, rồi bán hết đàn con 4-5 đứa để lấy tiền phục dịch nàng tiên nâu, ả phù dung đàng điếm.

Có người bảo, ông là thương gia có tiếng ở Hà Nội, làm nghề buôn trâu mộng, chuyên đóng tàu chở trâu ra nước ngoài bán. Một lần, giữa trùng khơi, bão tố nổi lên, cả trăm con trâu bị nướng vào bụng cá. Vỡ nợ, sẵn tài lẻ của người Hoa cố hương, ông đi làm đầu bếp cho dinh phủ của Quan đầu tỉnh Hòa Bình Quách Vị. Tại đây, thấy Hà Thị Tẻo là đứa con gái nhỏ quá xinh đẹp, Quách Vị đem lòng cảm mến và đã chính thức "mua" Tẻo từ tay ông Trung để làm con nuôi.

Không biết ông Vị mua Tẻo với ý gì, hay chỉ đơn giản là tình thương mến (như cha - con) giữa một người tột đỉnh quyền lực giàu sang với một cô bé con nhà nghèo quá đáng yêu. Dẫu thế nào thì sự thực cũng quá đau lòng. Bởi vợ chồng ông Trung đã bán (hoặc nói tránh đi, là cho đi làm con nuôi) tất cả mấy người con của mình.

Khi chúng tôi lên Mường Vang tìm hiểu, anh Quách Công Phiếm, cháu đích tôn ông Quách Hàm (chồng Hoa hậu Hà Thị Tẻo) còn giở sổ đọc rõ ràng "gia phả" bán con của ông Trung như sau: có một em gái và một anh trai của bà nội tôi (tức bà Tẻo) bị bán lên mạn Bắc Thái, Cao Bằng. Có bà Vinh ngoài 90 tuổi vẫn còn sống. Một bà nữa cũng lưu lạc mãi, sau này sang Pháp (bà Hà Thị Phúc) rồi về tạ thế ở Sài Gòn với một tâm trạng cực kỳ sầu tủi. Những người ấy đều đẹp lộng lẫy một thời, có người lấy ông đại tá, có người lấy ông lãnh đạo tỉnh, sau này con cái cũng thành đạt.

Riêng bé Hà Thị Tẻo, sau khi làm con nuôi ông Quách Vị, em được cải họ, mang họ Quách của bố nuôi: Quách Thị Tẻo. Da trắng, mặt mũi thanh tú, dáng dong dỏng cao, tâm hồn nhạy cảm đặc biệt, dường như cô Tẻo sinh ra để làm Hoa hậu xứ Mường, hoa hậu ở một cuộc thi năm 1933 và là hoa hậu của mọi thời đại