Sự thật 4.000 tấn vàng ở núi Tàu đang nằm dưới giếng cổ?
14.03.2016 | 07:30 AM

Mới đây, một số thông tin rộ lên cho rằng, kho báu chứa số vàng 4.000 tấn không phải ở núi Tàu mà đang nằm dưới 3 giếng cổ ở xã Phước Thể, huyện Tuy Phong (Bình Thuận).
Liên quan đến kho báu 4.000 tấn vàng tại núi Tàu từng làm dư luận xôn xao, báo Vietnamnet vừa thông tin, mới đây một người đàn ông sinh sống tại TP.HCM lại trình báo kho báu này không nằm trên Núi Tàu mà đang ở dưới ba “giếng cổ” trên bờ biển xã Phước Thể, huyện Tuy Phong (Bình Thuận).

Theo đó, ngay sau khi tiếp nhận tin báo, chính quyền xã Phước Thể đã lập đoàn đi khảo sát hiện trường, đồng thời báo cáo sự việc lên cấp trên có thẩm quyền xem xét.

Người phát hiện ra địa điểm mới của kho báu tên là H.V.Đ. Người này cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu và tìm kiếm, thăm dò, có thể khẳng định chắc chắn kho vàng được chôn giấu dưới ba cái giếng.

Các địa điểm này cách nhau 500 - 700m ở một khu vực khá hẻo lánh, nằm trên động cát ven biển từ lưu vực Đầm đến cửa Sứt, thuộc xã Phước Thể.

Các giếng có độ sâu 4 - 7m, nằm cách mép nước biển 5 - 50m. Ông Đ. còn khẳng định kho chứa vàng nằm ở độ sâu 7 - 10m, dưới lớp bê-tông dày 40cm.


Địa điểm mới nghi chứa kho báu 4.000 tấn vàng là 3 giếng cổ. Ảnh: Vietnamnet.

Khi hay tin về kho báu 4.000 tấn vàng đang nằm dưới giếng cổ trên địa bàn, nhiều người dân địa phương tỏ ra không mấy… hào hứng. Bởi, đơn giản, họ cho rằng, không thể có chuyện đó xảy ra và kho báu chứa số lượng vàng như thế không thể nằm ở đây.

Liên quan đến kho báu 4.000 tấn bàng này, trước đó, báo Người lao động đã viết: Năm 1963, thông tin về kho báu núi Tàu hé mở khi ông Trần Văn Tiệp (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) được Tỉnh trưởng Bình Tuy là Lê Văn Bường, người giữ tấm bản đồ “kho báu”, tiết lộ. Đây được cho là kho báu chứa 4.000 tấn vàng do một vị tướng lãnh người Nhật Bản chôn giấu trong Thế chiến thứ 2.

Năm 1993 đến tháng 10/2011, được sự đồng ý của UBND tỉnh Bình Thuận, ông Tiệp và các cộng sự bắt đầu dồn tiền của thăm dò kho báu nghi chôn giấu tại đây.

Tháng 6/2012, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục gia hạn thời gian thăm dò kho báu thêm 3 tháng. Sau đó, ông Tiệp tiếp tục xin gia hạn và được chấp thuận thăm dò đến cuối tháng 6/2013. Lúc này, đơn vị tìm kiếm cho biết có một số thông tin mới như phát hiện nhiều khoang rỗng mà ông Tiệp cho rằng là đường dẫn vào hầm kho báu.

Cuối năm 2013, ông Tiệp lại tiếp tục xin gia hạn và được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận. Trong lần xin gia hạn được cho là cuối cùng này, đơn vị tìm kiếm đã thực hiện 372 mũi khoan, 7 đợt phá đá bằng mìn với 1.889kg thuốc nổ, khối lượng đất đá được múc lên từ các hố nổ mìn là 610m3.

Hết thời hạn trên, gia đình ông Tiệp xin cho gia hạn nữa, nhưng các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận khẳng định không có kho báu tại đây. Đến ngày 29/12, khi đang khoan dở 21 mũi để nổ mìn thì hết hạn cho phép nên việc tìm kiếm “kho báu” phải dừng lại.

Đến đầu tháng 3/2015, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ra thông báo thống nhất chủ trương chấm dứt việc thực hiện thăm dò tài sản nghi bị chôn giấu tại Núi Tàu và yêu cầu gia đình ông Tiệp thực hiện hoàn thổ, khôi phục môi trường tại khu vực đã tác động thăm dò theo nội dung đã cam kết. Hiện nay gia đình ông Tiệp đã hoàn thành việc hoàn thổ và Nhà nước đã trả lại 500 triệu đồng tiền ký quỹ.

Nguyễn Hương (t/h)
http://www.nguoiduatin.vn/su-that-40...o-a231483.html