GIỚI THIỆU VÀ GIẢI THÍCH VỀ KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ BA LA MẬT
(tiếp theo từ tập san Nghiên cứu Phật học số 8)

Thích Thái Hòa
Năm cách nhìn vạn hữu:
Kinh Kim Cang Bát Nhã đã nói với chúng ta rằng, Như Lai có năm cách nhìn đối với mọi sự hiện hữu.

Cách nhìn thứ nhất là cách nhìn của nhục nhãn, tức là nhìn theo nghiệp chủng thiện ác xen tạp và điều kiện hiểu biết của con người hay của những chúng sanh cấp thấp. Ấy là cách nhìn không xa, không vượt qua khỏi bóng đêm, và các chướng ngại vật khác. Và cũng như là cách nhìn không vượt ra khỏi ngoài miếng cơm, manh áo, nhà ở, tranh nhau chức quyền và những nhu cầu tình cảm trần tục. Đó là cách nhìn của con người và hết thảy chúng sanh cấp thấp.

Trong khi làm Nhà giáo dục, Nhà đạo đức, Nhà hướng dẫn đời sống tâm linh cho con người, Như Lai đã nhìn con người với mọi sinh hoạt từ cá nhân đến cộng đồng, từ thể tánh tâm thức đến những hình tướng biểu hiện của chúng bằng con mắt nầy, để thấy rõ đâu là những nhân duyên, những khát khao, những lực dụng, những sở đắc và đâu là những hệ lụy của họ, nhằm có thể thương và đồng sự với họ để giúp họ tiến lên cách nhìn và cách giải quyết mọi vấn đề một cách như thực của một bậc Toàn Giác.

Cách nhìn thứ hai là cách nhìn của thiên nhãn, tức là cách nhìn theo thiện nghiệp của phước báo hữu lậu thuộc các loài chư thiên Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, ấy là cách nhìn của những chúng sanh có những điều kiện phước báo và hiểu biết cấp cao.

Đối với cách nhìn của chư thiên Dục giới, họ thấy phước báo, mạng sống và quyền lực của con người quá thực nhỏ nhoi, đi đứng nặng nề chậm chạp, sự hiểu biết không ra ngoài gang tất, còn đối với họ đi đứng bằng năng lượng ánh sáng, cái nhìn linh hoạt không bị các vật thể làm trở ngại, hưởng thụ các dục lạc tùy theo ý muốn, bởi từ những cái nhìn ấy mà họ sinh tâm kiêu mạn hoặc thương xót đối với thế giới loài người, nhưng đối với phước báo và sự hiểu biết thuộc chư thiên Sắc giới và Vô sắc giới thì họ mù tịt, chẳng thấy và chẳng biết được gì.

Đối với chư thiên Sắc giới, thì hình sắc của họ hết sức vi tế và tâm thức của họ thì hết sức linh hoạt, ái dục trong tâm thức đã được chế ngự và chuyển hóa bằng thiền định, nhưng ái kiến còn dày đặc, họ có thể nhìn thấy phước báo, mạng sống, quyền lực và sự hiểu biết của loài người và chư thiên ở các cõi trời Dục giới quả thực là cạn cợt và kém cỏi. Từ cách nhìn ấy, họ sanh tâm kiêu mạn và nhàm chán đối với những gì mà thế giới loài người và chư thiên ở các cõi trời Dục giới sở đắc và tự hào. Và cũng từ cách nhìn ấy mà những hạt giống ngã kiến, ngã mạn, ngã ái và ngã si từ nơi tâm thức của họ tăng vọt, khiến cho mọi cách nhìn của họ bị mờ đục bởi ngã kiến, không thể nhìn thấy được tự thân của mọi sự hiện hữu, và khiến họ bị mù mịt không thể nhìn thấy xuyên suốt được những thể tính, nhân duyên, tác dụng, năng lực, quả báo cũng như thọ mạng của chính họ, và của chư thiên ở các cõi trời Vô sắc giới.

Đối với chư thiên Vô Sắc giới, do họ đã chế ngự được ái kiến ở trong tâm thức bằng các thứ Không-định, nên họ có thể nhìn thấy xuyên suốt những gì gọi là văn minh của thế giới loài người, cũng như chư thiên Dục giới và Sắc giới, và họ có thể thấy rõ tính chất bất thực của những thế giới nầy, họ có thể thấy Không gian là vô biên; Tâm thức là vô biên cũng như thấy Không gian và Tâm thức không còn làm nền tảng cho mọi sự hiện hữu, mà làm nền tảng cho mọi sự hiện hữu chính là tưởng và không phải tưởng, từ cách nhìn nầy mà họ sinh khởi tưởng, ái tưởng, ái cái không phải tưởng và khởi lên ái trước đối với cái vô sắc, nên họ không còn thấy rõ tính chất bất thực của tưởng, cũng như tính chất bất thực của cái vô sắc, do đó họ đã bị tưởng và đối tượng của tưởng làm trở ngại, nên họ không thể vượt thoát sinh tử và không thể nhìn thấy tự tính chân như ở nơi mọi sự hiện hữu.

Đức Như Lai là bậc thầy dạy đạo giải thoát cho chư thiên và loài người, nên Ngài đã nhìn thế giới của họ bằng con mắt của chính họ để thông cảm những nỗi đau, những nỗi lo lắng, những bất lực và bất an của họ, nhằm giúp họ vượt ra khỏi những ràng buộc thuộc về thân hành hoặc tâm hành, hay nói cách khác là giúp họ vượt thoát sự chấp thủ năm uẩn là tự ngã, nhằm hướng tới một đời sống cao thượng, giải thoát của một bậc Thánh hay là đời sống của một bậc Giác Ngộ.

Cách nhìn thứ ba là cách nhìn của tuệ nhãn, nghĩa là nhìn mọi sự hiện hữu bằng con mắt của tuệ, tức là thấy rõ mọi sự hiện hữu từ vật thể đến tâm thức, chúng chỉ là những tập hợp sinh khởi do duyên, chúng là vô thường và không có tự thể thực hữu cho chính nó. Do có cách nhìn nầy mà những hạt giống, ngã kiến, ngã ái, ngã mạn và ngã si ở trong tâm thức của người nhìn, từ từ được chuyển hóa, khiến cho cách nhìn của họ, càng ngày càng phù hợp với tự thân bình đẳng của thực tại, hay là tự tính chân như của vạn hữu. Nếu những hạt giống ngã kiến, ngã ái, ngã mạn và ngã si nơi tâm thức của người nhìn được tảo trừ bao nhiêu, thì người ấy có cách nhìn xuyên suốt và thấy rõ tự tánh bình đẳng nơi vạn hữu bấy nhiêu.

Cách nhìn nầy là cách nhìn mọi sự hiện hữu của các vị Thánh giả Thanh văn, các vị Thánh giả Duyên giác và các vị Bồ tát từ hàng Bát Địa trở xuống. Và do nhìn vạn hữu thường xuyên với cách nhìn nầy, nên các hàng Thánh giả và Bồ tát ấy có được tự do và có được chủ quyền trong sự sống chết có phân kỳ.

Đức Như Lai đã sử dụng cách nhìn nầy, nhằm đồng sự với các hàng Thánh giả Thanh văn, Duyên giác và các hàng Bồ tát Bát Địa trở xuống, để thấy rõ những gì sở đắc và những gì đang bị mắc kẹt của họ để giúp họ tháo gỡ và tiếp tục tu tập, nhằm tiến tới cách nhìn vạn hữu của các bậc Toàn Giác.

Cách nhìn thứ tư là pháp nhãn, đây là cách nhìn thấy rõ tự tướng và cọng tướng của vạn pháp hay tự tính vô tính của vạn hữu. Nghĩa là thấy rõ cọng tướng của vạn hữu không những không có thực thể mà tự tướng của vạn hữu cũng không có thực thể; không những thấy rõ nội dung của pháp mà còn thấy rõ nội dung của cái không phải pháp; không những thấy rõ pháp tướng mà còn thấy rõ pháp tánh; không những thấy rõ pháp tu mà còn thấy rõ pháp chứng; không những thấy rõ nhân tu mà còn thấy rõ duyên tu và quả chứng.Với cách nhìn nầy không những giúp cho người nhìn đoạn trừ sạch các lậu hoặc thuộc về phiền não mà còn đoạn trừ các lậu hoặc thuộc về vô minh nữa, để tiến bước vững chắc đến địa vị Giác Ngộ Hoàn Toàn.

Pháp nhãn là cách nhìn vạn hữu của các vị Bồ Tát từ Bát Địa trở lên, với cách nhìn nầy Như Lai đã đồng sự cùng với các hàng bồ tát ấy để giúp họ vượt thoát mọi ý niệm về pháp và phi pháp, khiến họ nhập vào cảnh giới tự giác thánh trí hay tự tính giác ngộ bình đẳng của chư phật.

Cách nhìn thứ năm là Phật nhãn, ấy là cách nhìn bằng con mắt của phật. Bằng con mắt nầy, Phật đã thấy hết thực thể, thực tính, thực tướng, thực dụng, thực lực, thực nhân, thực duyên, thực quả, thực báo và sự thực về gốc rễ, ngọn ngành của vạn hữu. Và cũng bằng con mắt nầy, Đức Phật thấy rõ về xứ và về phi xứ; thấy rõ nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo ba đời của hết thảy chúng sanh; thấy rõ hết thảy các loại thiền định đưa đến giải thoát; thấy rõ tâm tánh của hết thảy chúng sanh; thấy rõ mọi loại lý giải thù thắng; thấy rõ hết thảy cảnh giới của chư Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh văn và lục đạo chúng sanh; thấy rõ về đạo và thấy rõ về phi đạo; thấy rõ sinh mệnh nhiều đời; thấy rõ các loại sinh tử về phân đoạn và biến dịch; thấy rõ các lậu hoặc đã hết. Do có con mắt thấy tất cả và biết tất cả mà không bị bất cứ một cái gì làm ngăn ngại, nên Đức Phật còn gọi là Như Lai hay là bậc Chánh Biến Tri, là Bậc đã đạt đến nơi hạnh phúc cao thượng…

Với năm loại con mắt của Phật ở kinh Kim cang Bát Nhã, Đức Phật đã hỏi Ngài Tu Bồ Đề như sau:

“Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu nhục nhãn phủ? Như thị Thế Tôn. Như Lai hữu nhục nhãn. Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu thiên nhãn phủ? Như thị Thế Tôn. Như Lai hữu thiên nhãn. Tu Bồ Đềø ư ý vân hà? Như Lai hữu tuệ nhãn phủ? Như thị Thế Tôn. Như Lai hữu tuệ nhãn. Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu pháp nhãn phủ? Như thị Thế Tôn. Như Lai hữu pháp nhãn. Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Như Lai hữu phật nhãn phủ? Như thị Thế Tôn. Như Lai hữu phật nhãn (Đại Chính Tân Tu 8, tr 751c).

Tương đương với Phạn bản như sau:” Bhagavàn àha -tat kimï manyase Subhùte samïvidyate tathàgatasaya màmïsacaksïuhï? Subhùtir àha - evam etad bhagavan, samïvidyate tathàgatasya màmïsacaksïu / Bhagavàn àha - tat kimï manyase Subhùte samïvidyate tathà-gatasya divyamï caksïuhï? Subhùtir àha - evam etad bhagavan, samïvidyate tathà-gatasya divyamï caksïuhï/ Bhagavàn àha - tat kimï manyase Subhùte samï-vidyate tathàgatasya prajnõà-caksïuhï? Subhùtir àha - evam etad bhagavan, samï-vidyate tathàgatasya prajnõà-caksïuhï / Bhagavàn àha - tat kimï manyase Subhùte samïvidyate tathàgatasya dharmacaksïuhï?Subhùtir àha - evam etad Bhagavan, samï-vidyate tathàgatasya dharma-caksïuhï/ Bhagàvan àha - tat kimï manyase Subhùte samïvidyate tathàgatasya buddhacaksïuhïï? Subhùte àha - evam etad bhagavan, samïvidyate tathàgatasya buddhacaksïuhï//.

Nghĩa là: Đức Thế Tôn nói, hỡi Subhùti, ý Thầy nghĩ như thế nào, Như Lai hiện có mắt thịt không? Subhùti thưa, bạch Thế Tôn, đúng như vậy, Như Lai hiện có mắt thịt. Đức Thế Tôn nói, hỡi Subhùti, ý Thầy nghĩ như thế nào, Như Lai hiện có mắt chư thiên không? Subhùti thưa, bạch Thế Tôn, đúng như vậy, Như Lai hiện có mắt chư thiên. Đức Thế Tôn nói, hỡi Subhùti, ý Thầy nghĩ như thế nào, Như Lai có mắt tuệ không? Subhùti thưa, bạch Thế Tôn, đúng như vậy, Như Lai hiện có mắt tuệ. Đức Thế Tôn nói, hỡi Subhùti , ý Thầy nghĩ như thế nào, Như Lai hiện có mắt pháp không? Subhùti thưa, bạch Thế Tôn, đúng như vậy, Như Lai hiện có mắt pháp. Đức Thế Tôn nói, hỡi Subhùti, ý Thầy nghĩ như thế nào, Như Lai hiện có mắt Phật không? Subhùti thưa, bạch Thế Tôn, đúng như vậy, Như Lai hiện có mắt Phật.

Với năm cách nhìn nầy, kinh Kim Cang Bát Nhã đã giúp cho ta thấy rõ đâu là phát bồ đề tâm, đâu là chưa phải phát bồ đề tâm; đâu là bồ tát, đâu chưa phải là bồ tát; đâu là phước đức, đâu chưa phải là phước đức; đâu là thân tướng, đâu chưa phải là thân tướng; đâu là thân lớn, đâu không phải là thân lớn; đâu là pháp tướng, đâu chưa phải là pháp tướng; đâu là pháp, đâu là phi pháp; đâu là thuyết pháp, đâu chưa phải là thuyết pháp; ai là người nhập vào các thánh quả, ai là người chưa nhập vào các thánh quả; thế nào là sở đắc, thế nào là vô sở đắc; thế nào là trang nghiêm, thế nào là phi trang nghiêm; thế nào là thanh tịnh tâm, thế nào là phi thanh tịnh tâm; thế nào là bát nhã ba la mật, thế nào là không phải bát nhã ba la mật; thế nào là vi trần, thế nào là phi vi trần; thế nào là thế giới, thế nào là phi thế giới; thế nào là thực tướng, thế nào là phi thực tướng; thế nào là đệ nhất ba la mật, thế nào là không phải đệ nhất ba la mật; thế nào là nhẫn nhục, thế nào là phi nhẫn nhục; thế nào là chúng sanh, thế nào là phi chúng sanh; thế nào là phàm phu, thế nào là phi phàm phu; thế nào là Như Lai, thế nào phi Như Lai; thế nào là pháp tu và pháp chứng, thế nào không phải là pháp tu và không phải là pháp chứng…

Chẳng hạn, trong kinh Kim Cang Bát Nhã nói: “Chư vi trần, Như Lai thuyết phi vi trần, thị danh vi trần; Như Lai thuyết thế giới, phi thế giới, thị danh thế giới (Đại Chính Tân tu 8, tr 750a) = Nghĩa là: Các vi trần, Như Lai nói chúng không phải là vi trần, nên gọi đó là vi trần; Như Lai nói thế giới, chúng không phải là thế giới, nên gọi đó là thế giới”

Tại sao kinh Kim Cang Bát Nhã lại có cách nhìn vi trần, thế giới, phàm phu, thánh nhân, Pháp, Như Lai cũng như các vấn đề khác với lối biện chứng” Nó, không phải là nó, nên gọi là nó” một cách độc đáo nầy?

Bởi cách nhìn nhục nhãn hay thiên nhãn hoặc cách nhìn của phàm phu, thì vi trần chỉ là vi trần, thế giới chỉ là thế giới, con người chỉ là con người, tâm chỉ là tâm, vật chỉ là vật, pháp chỉ là pháp, chúng sanh hay phàm phu chỉ là chúng sanh hay phàm phu, Thánh nhân hay Như Lai chỉ là Thánh nhân hay Như Lai… với cách nhìn nầy chỉ đẩy người nhìn đi tới cuộc sống với hai cực đoan. Một là đoạn kiến đưa tới lối sống ăn chơi trác tán, chẳng có gì ngày mai, bất chấp nhân quả tội phước, biến con người trở thành con thú, và một con thú biết ăn chơi, có nhiều tham vọng và biết đam mê quyền lực, nên con thú nầy là một con thú hung hăng, độc ác, nó tạo ra mọi bất ổn xã hội và có khả năng tàn hại đến tất cả mọi loài và ngay cả môi trường sống của chính nó; hai là thường kiến, đưa tới lối sống ép xác khổ hạnh, sống mà không dám sống, đầy khiếp đảm và sợ hãi, đầy mặc cảm tội lỗi và yếu đuối, phó thác thân phận của chính mình cho các thế lực siêu nhiên, với ngày đêm năn nỉ ơn trên ban phước và tha tội, và tất cả hành động của nó là chỉ để dành cho ngày mai, một ngày mai mơ hồ và vô vọng. Với cách nhìn thường kiến như vậy, nó chỉ tạo nên cho con người và xã hội hèn yếu, phó mặc cho định mệnh, nô lệ giáo điều và thần linh, cuồng tín và thụ động.

Nhưng, đối với cách nhìn của kinh Kim Cang Bát Nhã” nó không phải là nó, nên gọi nó là nó”, giúp cho ta có cuộc sống không bị rơi vào hai trường hợp cực đoan như trên. Vì sao? Vì bởi con người được tạo nên bởi những yếu tố không phải là con người, như các yếu tố lỏng, rắn, nhiệt, khí và tâm thức. Như vậy, các yếu tố lỏng, rắn, nhiệt, khí và tâm thức đâu phải là con người, nhưng chúng lại hòa điệu với nhau tạo nên con người. Do đó, không có bất cứ trường hợp nào con người chỉ là con người mà con người được tạo nên bởi những yếu tố không phải là con người. Nên con người có thể tiến lên hay thụt lùi do bởi ý chí hùng tráng hay tâm tư hèn nhược cùng với những điều kiện tương ứng với nó. Và cũng như vậy, không có trường hợp nào thế giới chỉ là thế giới mà thế giới được tạo nên bởi những cái không phải là thế giới, đó là không gian và thời gian. Và chính không gian được tạo nên bởi những cái không phải là không gian, đó là các phương và hướng; và chính thời gian được tạo nên bởi những cái không phải là thời gian, đó là các lực chuyển động sinh diệt nơi mọi sự hiện hữu tác động tương quan. Và như vậy, thời gian không còn là thời gian đơn thuần mà trong thời gian đã có mặt của không gian, và không gian không còn là không gian đơn thuần mà trong không gian đã có mặt của thời gian. Và cũng như vậy,vật chất được tạo nên bởi những cái không phải vật chất, đó là vi trần và năng lượng… Tâm được tạo nên bởi những cái không phải là tâm, đó là những ý niệm, những tập khí và những chủng tử tâm hành… Phàm phu được tạo nên bởi những yếu tố không phải là phàm phu như sáu căn, sáu trần, sáu thức cùng tương ưng với các tâm sở hữu lậu. Thánh nhân được tạo nên bởi những yếu tố không phải là Thánh nhân cũng gồm sáu căn, sáu trần, sáu thức cùng với các thiện pháp vô lậu. Và Như Lai cũng được tạo nên bởi những yếu tố không phải là Như lai, gồm các yếu tố của tuệ giác, như: Ứng cúng, Chánh biến tri, Thế gian giải, Minh hành cụ túc…; Biết về thị xứ về phi xứ; biết về thể tính, tướng dụng, nhân duyên, quả báo và gốc rễ ngọn ngành của hết thảy thế giới nhiều như vi trần; và biết rõ hết thảy tâm tánh của các chủng loại chúng sanh trong hết thảy thế giới nhiều như vi trần ấy và biết rõ tâm thức của hết thảy chúng sanh vận hành một cách siêu tốc mà tốc lực của ánh sáng cũng không thể so sánh và đối chiếu trong muôn một. Chính những yếu tố nầy tạo nên Như Lai hay bậc Giác Ngộ.

Do đó, Kinh Kim Cang Bát Nhã đã giúp cho ta cách nhìn vạn hữu tự nó không phải là nó và mỗi một yếu tố tạo nên vạn hữu, tự thân của mỗi yếu tố ấy, tự nó cũng không phải là nó, nó được khẳng định từ những cái không phải nó. Nhìn và thấy mọi sự hiện hữu như vậy là nhìn và thấy bằng mắt tuệ hay là bằng mắt pháp hoặc sâu xa, chính xác và siêu việt hơn là bằng mắt Phật.

Nhìn và thấy vạn hữu bằng Kim Cang Bát Nhã một cách thường trực như vậy mỗi ngày sẽ giúp ta mở rộng tầm nhìn,và giúp ta khám phá, đánh giá sự thực của một vấn đề qua nhiều cách nhìn khác nhau, khiến cách nhìn, cách đặt vấn đề và cách giải quyết vấn đề của ta trở nên phong phú và phóng khoáng, khiến cuộc sống của ta không bị rơi vào khung trời chật hẹp và làm nô lệ cho một bản ngã phàm tục mà hư ảo, hay đuổi săn và nắm bắt những danh tướng phù hư và khiến ta không bàng hoàng và kinh ngạc trước những thành bại, hơn thua, trước những thay hình đổi dạng, thay tâm đổi tánh của con người, của vạn loại chúng sanh một cách nhanh chóng như nuớc bọt đổ dốc, như sao băng, điện chớp.

Nhìn và thấy mọi sự hiện hữu bằng Kim Cang Bát Nhã, giúp ta thấy đâu là thực và hư của chính ta, của những vấn đề chung quanh ta và vạn hữu. Cái thực của vạn hữu được phơi bày dưới cách nhìn của nhục nhãn, nó lại trở thành cái phi thực, cái hư ảo dưới cách nhìn của chư thiên; cái thực của vạn hữu được phơi bày dưới cách nhìn của chư thiên, nó lại trở thành cái hư ảo và bất thực dưới cách nhìn của tuệ nhãn; cái thực của vạn hữu được phơi bày dưới cách nhìn của tuệ nhãn, nó lại trở thành cái phi thực và hư ảo dưới cách nhìn của pháp nhãn; cái thực của vạn hữu được phơi bày dưới cách nhìn của pháp nhãn, nó lại trở thành cái phi thực và hư ảo dưới cách nhìn của phật nhãn. Và chỉ có cách nhìn của phật nhãn mới xuyên suốt tính thể của vạn hữu trong mọi thời gian và trong mọi không gian, cũng như trong mọi chủng loại. Tại sao cách nhìn của phật nhãn lại xuyên suốt như vậy? Vì ở trong cách nhìn ấy, không còn ý niệm về ngã và phi ngã; không còn ý niệm về con người và phi con người; không còn ý niệm về chúng sanh và phi chúng sanh; không còn ý niệm về thọ mạng và phi thọ mạng; không còn ý niệm về pháp và phi pháp; không còn ý niệm về thực thể và phi thực thể, và về hư và phi hư.

Bởi vậy, trong kinh Kim Cang Bát Nhã, Đức Phật nói: “Tu Bồ Đề, Như Lai sở đắc pháp, thử pháp vô thực vô hư ( Đại Chính Tân Tu 8, tr 750b)”.

Tương đương với Phạn bản như sau:”Api tu khalu punahï Subhùte yas Tathàgatena dharmo ‘bhisamïbuddho desùito nidhyàtah, na tatra satyamï na mrïsa”.

Nghĩa là: Lại nữa, hỡi Subhùti! Pháp được chiêm nghiệm, chứng ngộ và trình bày bởi Như Lai, Pháp ấy không phải thực, không phải hư.

Cũng bằng cách thấy “pháp vô thực vô hư”, của Phật nhãn, một đoạn khác của kinh Kim Cang Bát nhã, Đức Phật lại tiếp tục dạy như sau:
“Nhược hữu nhân ngôn: Như Lai đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Tu Bồ Đề, thực vô hữu pháp, Phật đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Tu Bồ Đề, Như Lai sở đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, ư thị trung vô thực vô hư ( Đại Chính Tân Tu 8, tr 751b).”

Tương đương với Phạn bản là:” Yahï kasùcit Subhùte evamï vadet – Tathà-gatenàrhat samyaksamï-buddhena anuttarà samyak-samïbodhir abhisamïbudd-heti, sa vitatham vadet/ abhyàcaksïìta màmï sa Subhùte asatodgrïhìtena/ tat kasya hetohï? nàsti Subhùte sa kasùcid dharmo yas tathàgatena anuttaràmï samyaksamïbodhim abhi-samïbuddhahï/ yasù ca Subhùte tathàgatena dharmo ‘bhisamïbuddho desùito và tatra na satyamï na mrïsà/.

Nghĩa là: Hỡi Subhùti! Nếu có người nào bảo rằng: Với Như Lai, A la hán, bậc vô thượng chánh đẳng, chánh giác, có chứng đắc giác ngộ, thì người ấy nói không đúng. Nầy Subhùti! Do hiểu không đúng, nên người ấy đã nói lời phỉ báng tôi. Tại sao? Hỡi Subhùti ! Vì không có pháp giác ngộ nào được chứng đắc bởi Như lai, bậc Vô thượng chánh đẳng giác. Nầy hỡi Subhùti! Pháp được chứng ngộ và trình bày bởi Như lai, pháp ấy không phải là thực, không phải là hư.

Với Phật nhãn, Đức Như Lai đã thấy rõ các hàng bồ tát từ bát địa trở lên, sự vướng mắc đối với ngã tưởng trong năm uẩn đã được chặt đứt, nhưng vẫn còn có thể vướng mắc đối với những ảnh tượng của ngã trong từng uẩn, và cũng còn mắc kẹt đối với các pháp hành mà nhất là mắc kẹt vào pháp lục độ, tức là mắc kẹt vào pháp tu và pháp chứng hay nhân tu và quả chứng. Và để giúp đỡ cho hàng bồ tát nầy vượt qua những mắc kẹt ấy, nên ở Kinh Kim Cang Bát Nhã, Đức Phật đã dạy: “Nếu có người nào bảo rằng: Với Như Lai, bậc A la hán, bậc Vô thượng chánh đẳng, chánh giác có chứng đắc giác ngộ, thì người ấy nói không đúng. Nầy Subhùti! Do hiểu không đúng, nên người ấy đã nói lời phỉ báng tôi. Tại sao? Vì không có pháp giác ngộ nào được chứng đắc bởi Như Lai, bậc Vô thượng chánh đẳng, chánh giác. Nầy hỡi Subhùti! Pháp được chứng ngộ và trình bày bởi Như lai, pháp ấy không phải là thực, không phải là hư.” Đây là một trong những lời dạy tiêu biểu của Đức Phật ở trong kinh Kim Cang Bát Nhã, không những giúp cho những vị Bồ tát tu tập thoát ra khỏi những sự mắc kẹt đối với các ý tưởng, về ngã, về con người, về chúng sanh và về thọ mạng mà còn giúp cho các vị bồ tát chặt đứt phăng những ý tưởng về pháp tu và pháp chứng hay là về nhân tu và quả chứng. Hay nói cách khác, lời dạy nầy của Đức Thế Tôn là gươm báu tuệ giác chặt đứt phăng những ý niệm về ngã đã được biến dạng từ ngũ uẩn sang núp kín và trộn lẫn ở trong pháp phát tâm bồ đề, ở trong pháp hành bồ đề và ngay cả trong quả chứng bồ đề.

Như vậy, cách nhìn của phật nhãn theo kinh Kim Cang Bát Nhã, đó là cách nhìn không còn bị vướng mắc giữa chủ thể và đối tượng hay giữa đối tượng và chủ thể; và đó cũng là cách nhìn không bị vướng mắc bởi nhân tu, pháp tu và quả chứng; và đó cũng là cách nhìn rộng lớn, viên mãn, tịch lặng và siêu việt nhị nguyên. Bằng cách nhìn này, kinh Kim Cang Bát Nhã đã chặt đứt mọi hệ lụy phiền toái đối với vạn hữu trong cuộc sống của hành giả.

6-Vạn hữu đều là phật pháp:

Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện, bản Hán dịch của Ngài Cưu Ma La Thập, Đại Chính Tân Tu 9, tr 9b, trong phần trùng tụng, Đức Phật đã nói về pháp cứu cánh và pháp phương tiện như sau:
“ Chư Phật lưỡng túc tôn,
tri pháp thường vô tánh,
phật chủng tùng duyên khởi,
thị cố thuyết nhất thừa.
Thị pháp trụ, pháp vị,
Thế gian tướng thường trú,
Ư đạo tràng tri dĩ,
Đạo sư phương tiện thuyết.”
Nghĩa là:
Chư Phật đấng Tôn kính
đầy đủ trí và đức,
thấy và biết các pháp
vốn không có tự thể,
hạt giống của giác ngộ
cũng khởi từ nhân duyên,
vì vậy, nói nhất thừa.
Thể của pháp thường trụ;
tính của pháp nguyên vị.
Nên, tướng của thế gian,
cũng thường trú vắng lặng.
Nơi đạo tràng Giác ngộ,
các Đạo sư biết vậy,
mới phương tiện thuyết pháp.

Bản thể cứu cánh của vạn hữu là không có tự thể, bản tính đích thực của vạn hữu là không có tự tính, và thực tướng của vạn hữu là vô tướng hay là tịch diệt tướng, thấy và biết như thực về Thể, Tính và Tướng của vạn hữu như vậy, các Đấng Giác Ngộ mới có thể vận dụng vô số phương tiện để thuyết pháp độ sinh. Các Ngài nói thuận, nói nghịch, nói có, nói không, nói không phải có, không phải không, hay nói uẩn, xứ, giới, hay nói Tứ Thánh Đế, Mười hai duyên khởi, Lục độ vạn hạnh…, tất cả đều là tùy theo duyên của chúng sanh mà cởi mở sự trói buộc cho họ, đưa họ đi về đích điểm duy nhất là Phật đạo. Do đó, bất cứ phương tiện nào được biểu hiện hay vận dụng từ sự cứu cánh của giác ngộ, thì các phương tiện ấy, đều là phương tiện của giác ngộ, hay đều là pháp của giác ngộ.

Từ những ý nghĩa ấy mà ở kinh Kim Cang Bát Nhã, Đức Phật đã nói rằng:”Nhất thiết pháp giai thị phật pháp ( Đại Chính Tân Tu 8, tr 751b) = Phạn: “Tasmàt Tathàgato bhàsïate -sarva dharmà buddhadharmà iti.” Nghĩa là: Do đó, Như Lai nói hết thảy pháp đều là Phật pháp.

Phật pháp là pháp Đức Phật hằng chứng ngộ, pháp Đức Phật hằng sống và pháp Đức Phật hằng giảng dạy. Pháp Niết bàn, Pháp chân như vô vi, Pháp thân thanh tịnh, ấy là những pháp Đức Phật hằng chứng ngộ; Pháp vô lậu Giới Định Tuệ, Pháp Bát Thánh Đạo, Pháp quán chiếu duyên khởi Trung đạo, Pháp Lục độ vạn hạnh …, là những pháp Đức Phật hằng sống; Và lẽ đương nhiên, Pháp Đức Phật chứng ngộ như thế nào, hằng sống như thế nào, thì Ngài sẽ giảng dạy như thế ấy. Pháp Ngài hằng giảng dạy cho thính chúng là Pháp Tứ Thánh Đế, đối với pháp nầy, Diệt Thánh Đế là pháp hằng chứng của Đức Phật, Đạo Thánh Đế là pháp hằng sống của Đức Phật, Tập Thánh Đế là pháp vĩnh viễn đoạn trừ ở nơi Đức Phật, và Khổ Thánh Đế là pháp Đức Phật hằng vĩnh ly. Ở trong pháp Tứ Thánh Đế, Diệt Thánh Đế thuộc về pháp Niết Bàn vô vi, Đạo Thánh Đế vừa hữu vi vừa vô vi, vì trong ba mươi bảy pháp trợ đạo, Bát Thánh Đạo là vô vi, vô lậu, các pháp hành còn lại thuộc về hữu vi, hữu lậu, do duyên vào sự thực hành các pháp trợ đạo ở trong Đạo Thánh Đế nầy, mà các thiện pháp vô lậu từ đó phát sinh. Do đó, Đạo Thánh Đế vừa hữu lậu, vừa vô lậu, vừa hữu vi, vừa vô vi. Tập Thánh Đế và Khổ Thánh Đế là hoàn toàn thuộc về pháp hữu vi, hữu lậu. Cũng từ những ý nghĩa đó, mà pháp Đức Phật thuyết giảng, pháp ấy không nhất định là pháp hữu lậu hay vô lậu, pháp hữu vi hay pháp vô vi, không nhất định là pháp có hay pháp không, vì sao? Vì đối với những ai tu tập bị mắc kẹt vào pháp hữu lậu, thì Đức Phật dạy cho họ lợi ích về pháp vô lậu, đối với ai tu tập bị mắc kẹt vào pháp vô lậu, thì Đức Phật giảng dạy cho họ pháp vô tu, vô chứng của chư phật, đối với những ai tu tập mà mắc kẹt vào pháp hữu vi, thì Đức Phật sẽ giảng dạy pháp vô vi, khiến cho họ liễu ngộ pháp không còn đối đãi sinh diệt; đối với những người mắc kẹt nơi những ý niệm vô vi, thì Đức Phật giảng dạy pháp ly niệm hay vô niệm, khiến cho họ mọi niệm tưởng bặt dứt. Bởi vậy, Pháp mà Đức Phật trình bày cho thính chúng không nhất định là hữu vi hay vô vi. Ngài Tăng Triệu là một trong những học trò xuất chúng của Ngài Cưu Ma La Thập đã có nhận định về sự thực hành đối với pháp hữu vi và vô vi như sau:
“Hữu vi tuy ngụy khí chi tắc phật đạo nan thành;
Vô vi tuy chơn chấp chi tắc tuệ tâm bất lãng”.
Nghĩa là:
Pháp hữu vi tuy là hư ngụy, nhưng bỏ nó thì phật đạo khó thành;
Pháp vô vi tuy là chơn thật, mà kẹt nó thì tuệ tâm không sáng.

Lại nữa, nếu chúng ta đọc kỹ Kinh Satipatthàrasutta của Pàli, tức là kinh số mười của Trung bộ Nikàya và Kinh hai mươi hai của Trường bộ Nikàya thuộc Thượng Tọa bộ (Theravada) và Niệm Xứ Kinh (Smrïty’upasthana) thuộc Trung A Hàm của Nhất Thiết Hữu Bộ( Sarvàstivada), bản Hán dịch của Cù Đàm Tăng Già Đề Bà, đời Đông Tấn ( 317 - 420 ), Đại Chính Tân Tu 1, tr 582, thì ta thấy Đức Phật dạy rằng, các pháp như: Đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, nói năng, co, duỗi, thở vào, thở ra, mặc áo đắp y, cho đến tóc răng, ruột già, ruột non, lá lách, phèo phổi, tim gan, móng tay da dày, da non, xương tủy, máu mũ, đàm dãi, xương tay, xương chân, đầu lâu…, cho đến các cảm giác vui buồn, trung tính, các chủng tử tâm hành có hiện khởi hay không hiện khởi, các thức uẩn, các nội pháp như chủng tử và các căn, các ngoại pháp như hình sắc, âm thanh, mùi vị, hương thơm, xúc tiếp và ảnh tượng, cho đến xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, lá rơi, chim hót…, các pháp biến động thuộc thế gian, hay pháp bất động thuộc xuất thế gian đều là những điều kiện hay đều là những phương tiện để thực hành pháp chánh niệm tỉnh giác; chúng đều là những điều kiện để thiền quán, và để thể nhập Toàn Giác. Hay nói theo Kinh Kim Cang Bát Nhã, tất cả những điều kiện ấy, đều là những điều kiện để thể chứng Thực tướng Bát Nhã hay là Thanh tịnh pháp thân.

Bởi vậy, ở trong Kinh Kim Cang Bát Nhã, Đức Phật dạy:”Nhất thế pháp giai thị phật pháp”, nghĩa là hết thảy vạn hữu đều là pháp giác ngộ.

Như vậy, ở Kinh Kim Cang Bát Nhã, Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy, các pháp đều là pháp để giác ngộ, nên giác ngộ là giác ngộ ngay giữa cuộc đời, không nên đi tìm kiếm bất cứ một sự giác ngộ nào ngoài cuộc đời. Chính ngay ở nơi mọi động tác ăn uống, nằm ngồi, đi đứng, nói năng, làm việc, mặc áo, kinh hành, buồn vui, thở, cười, thuận nghịch…, mà giác ngộ đạo. Nghĩa là chính ngay nơi bản thân, cuộc sống và hoàn cảnh của con người, mà chứng nghiệm đạo và sống đời sống giải thoát, chứ không phải từ bỏ con người và từ bỏ cuộc sống của con người để tầm đạo và có đời sống đạo. Đời sống đạo là chính ngay giữa cõi đời nầy và chính ngay nơi cuộc sống của con người mà thánh thiện.

Bởi vậy, ở trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Đại Chính Tân Tu 48, tr 351c, Lục Tổ Huệ Năng đã có bài kệ nổi tiếng như sau:

Phật pháp tại thế gian,
Bất ly thế gian giác,
Ly thế mích bồ đề,
Kháp như cầu thố giác.

Nghĩa là:
Phật pháp tại cuộc đời,
Rời đời không giác ngộ;
Bỏ đời tìm bồ đề,
Giống như tìm sừng thỏ.

Cũng bằng tư tưởng tất cả pháp đều là phật pháp, Vua Trần Nhân Tông đã có bài thi kệ trong Cư trần lạc đạo phú như sau:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên;
Gia trung hữu bửu hưu tầm mích,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Nghĩa là:
Ở đời vui đạo thuận theo duyên,
Hễ đói cứ ăn, mệt ngủ liền;
Trong nhà có báu, ngưng tìm kiếm,
Đối cảnh không tâm hỏi chi thiền.

Đạo ngay giữa cuộc đời, ngay trong lòng cuộc sống, nên ngay giữa cuộc đời mà nhận ra lẽ đạo và sống với đạo, nghĩa là ngay nơi Khổ đế mà nhận ra Tập đế; ngay nơi Tập đế mà thực hành Đạo đế và chứng nhập Diệt đế, đó là một trong những tư tưởng chủ đạo của kinh Kim Cang Bát Nhã, mà tư tưởng ấy, đã tạo nên những con người bồ tát có thực giữa cuộc đời với vô biên hạnh nguyện và với vô số phương tiện thiện xảo để khai quật Phật tánh cho hết thảy chúng sanh.

Lại nữa, Phật pháp là phương tiện để cứu đời, nên mọi phương tiện đều là phương tiện của phật pháp. Phương tiện ấy được vận khởi từ đại trí và đại bi.

Mọi phương tiện được vận khởi từ đại trí, nên phương tiện ấy, mang theo chất liệu của đại trí và có tác dụng xóa sạch mọi mê lầm cho chúng sanh; và phương tiện ấy, cũng được vận khởi từ đại bi, nên nó mang theo chất liệu của đại bi và có tác dụng xoa dịu mọi nỗi khổ đau cho hết thảy chúng sanh. Nhưng thực ra trí và bi không phải là hai thực thể tách biệt ở nơi một con người có nội dung giác ngộ. Nơi con người giác ngộ trí chính là bi và bi chính là trí. Nên người có tuệ giác Bát Nhã có thể sử dụng mọi phương tiện một cách khéo léo và tài tình để cứu người, giúp đời, khiến cho đời bình an và khiến cho mọi người đều dự phần vào hạnh phúc tối thượng ở trong phật đạo.

Do đó, phương tiện phải có gốc rễ từ Bồ đề tâm hay Bát Nhã, nếu không có từ Bồ đề tâm hay Bát Nhã, bồ tát sẽ không có khả năng thi thiết và sử dụng mọi phương tiện để cứu người, giúp đời và hóa độ hết thảy chúng sanh. Phương tiện có gốc rễ từ Bồ đề tâm hay Bát Nhã, các Nhà phật học gọi là phương tiện trí hay quyền trí.

Nên, ở trong Mười ba la mật của Bồ tát đạo, Phương tiện Ba la mật (upàya pàramità ) được các Nhà phật học Mật giáo xếp vào Kim Cang bộ và biểu thị cho trí môn, tức là cửa ngõ vào và ra của trí tuệ.

Trên phương diện tu tập, chuyển hóa những hạt giống sai lầm nhiều đời ở nơi tâm thức, nếu ta nhận ra tất cả các pháp đều là phật pháp, nghĩa là ta phải nhận ra tất cả những tập khí sai lầm ở nơi tâm thức ta, đều là những phương tiện giúp ta quán chiếu để khám phá tự thân thực tại về mặt khổ đau, về mặt sinh tử, tức là về mặt Khổ đế và Tập đế hay nói theo Luận Đại Thừa Khởi Tín là Sinh diệt môn; và nếu ta cũng nhận ra được những hạt giống tốt đẹp trong tâm thức ta, và biết chúng là những phương tiện giúp ta quán chiếu để khám phá tự thân thực tại về mặt giải thoát, về mặt Niết bàn, tức là về mặt Diệt đế và Đạo đế hay cũng nói theo Luận Đại Thừa Khởi Tín là Chân như môn.

Và trên phương diện thiệp thế cũng vậy, với cách nhìn, tất cả pháp đều là phật pháp, giúp ta có thể sử dụng vô số phương tiện để hành đạo mà không bị chướng ngại bởi không gian, thời gian và chủng loại, nghĩa là ở trong bất cứ không gian nào, thời gian nào và đối với bất cứ chủng loại thuận nghịch nào, ta đều có thể hành đạo, để cứu người, giúp đời và hóa độ hết thảy chúng sanh, khiến cho tất cả đều có thể hội nhập vào cảnh giới Thánh trí tự chứng.

Như vậy, với cách nhìn của Kinh Kim Cang Bát Nhã, tất cả pháp đều là phật pháp đã giúp cho ta một cách nhìn toàn diện trong sự tu tập và hành đạo, khiến cho ta không bị rơi vào cục bộ trong cách nhìn, hạn hẹp trong cách sống và nghèo nàn trong cách ứng xử.

Ở Việt Nam, những khuôn mặt đã đạt tới tư tưởng và cuộc sống đạo tầm cở nầy như: Huệ Nghiêm, Thanh Biện, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, Viên Chứng, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ… và rất nhiều khuôn mặt khác nữa. (Còn tiếp).

T.H.
* Ban biên tập chân thành xin lỗi Thượng Tọa Thích Thái Hòa cũng như quý độc giả, vì lý do kỹ thuật, nên phần Phạn văn trích dẫn của thượng tọa trong bài Giới Thiệu Và Giải Thích Đề Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật ở trong Tập San Nghiên Cứu Phật Học số 8, có những sơ xuất. Vậy, Ban biên tập kính xin Thượng Tọa và quý độc giả hoan hỷ.

Nguồn: http://www.quangduc.com/phatdan/92tapsan05.html