Trên thế giới, ở những nơi có người tu bùa phép, đều có đồn đãi về những chuyện luyện thiên linh cái (hộp sọ của người nữ), thiên linh chưởng (bàn tay người chết), cái lưỡi của thây ma, những hình nộm, những bình nước hôi thúi (Phi Châu) v.v… Sau đây là một câu chuyện đặc biệt về việc luyện cây đao phép của Tây tạng....
Đạo sĩ Tây tạng thường dùng một cây đao ngắn bằng đồng thép, bằng gỗ hay bằng ngà có chạm trỗ (phurba) đẹp mắt để tập trung năng lực huyền bí khi họ luyện phép, vì họ tin rằng nếu không làm vậy thì năng lực đó sẽ dễ bị hao tán. Càng luyện lâu thì năng lực của phù thủy được truyền qua cây đao và nó sẽ trở nên có sự sống. Có nhiều lời đồn về cây đao có khi tự nó bay đi giết người, có khi nó giết những đạo sĩ nào phạm điều kiêng kỵ gì đó trong khi luyện phép, và có khi nó trả thù người chủ củ nó nếu như hắn không biết tự bảo vệ lấy mình. Phần lớn những lời đồn được phóng đại thêm để câu chuyện thêm ly kỳ cho nên rất khó kiểm chứng.

Bà David Neel có viết một kinh nghiệm của bà về một cây đao huyền bí. Ngày đó ở biên giới Mông cổ bà gặp một đoàn lạt ma cỡi lạc đà hộ tống một cái rương nhỏ quấn bằng những tấm lụa với nhiều màu sắc lạ lùng, họ đi một cách vội vã. Bà hỏi thăm và được biết là cái rương đó đựng một cây đao phép của một vị pháp sư nổi tiếng, đã bị chết một cách bất ngờ nên không kịp hủy diệt cây đao đó, nó đã trở thành một vật gây tai họa cho cả làng. Khi mới bắt đầu thì có hai trong ba lạt ma lăn ra chết khi họ chỉ mới đụng vào cây đao, và người kia thì bị té ngựa và gãy chân. Cây phướng treo trước cửa chùa bị gió thổi gãy ngang, đây là một điềm rất xui xẻo. Những lạt ma rất sợ hãi nhưng không dám hủy diệt nó, họ bỏ nó vào trong một cái rương, dán nhiều bùa lên để trấn yểm. Ngay sau đó thì bắt đầu có nhiều tiếng la rú phát ra từ cái rương đó, làm kinh động cả chùa.

Cuối cùng thì họ quyết định đem cái rương lên một hang đá ở trên núi, rồi lấp kín cửa hang lại. Nhưng chỉ một thời gian sau, có rất nhiều hiện tượng kỳ lạ xảy ra cho làng mạc ở đó: gia súc, trâu dê và cừu tự nhiên lăn ra chết, trên cổ của chúng có những vết chém ngắn. Dân chúng ở đó phản đối không chịu cho các lạt ma để con đao đó tại vùng của họ và hăm dọa sẽ dùng vũ khí để tấn công chùa. Các tăng sĩ đành phải mang cây đao đó đem đi chôn ở sa mạc Mông Cổ.

Bà David Neel nghe kể thì tò mò muốn xem qua con đao, họ không dám lấy nó ra khỏi cái rương, nhưng nói bà có thể tự mình lấy ra xem. Bà xem thấy đó là một cây đao chạm trỗ rất cầu kỳ tinh vi theo nghệ thuật cổ của Tây tạng, lưỡi đao được bọc trong những lá bùa nên bà không xem được những nét chạm trổ ở trên đó. Trong lòng bà rất thích có được lưỡi đao nầy nhưng không biết làm sao để mà xin nên đành trao nó lại cho người ta cất vào hộp. Người ta đồng ý cho bà giữ cây đao này trong đêm hôm đó. Khi đêm tới, bà mang cây đao đi một đỗi xa chỗ người ta cắm trại, và bà gở những lá bùa dán trên đó ra để ngắm nó, lưỡi thép xanh biếc lấp loáng dưới ánh trăng trông rất đẹp, thật đúng là một lưỡi đao quý. Bà cắm lưỡi đao xuống đất và ngồi đó với nó vài tiếng đồng hồ. Đang suy nghĩ cách nào để thuyết phục những lạt ma nhường lại cây đao cho bà thì bỗng nhiên có bóng một lạt ma xuất hiện ngay chỗ bà đã cắm con dao, hắn đưa tay ra để nắm lấy nó, bà vội vàng chụp lấy con đao trước khi tên trộm chạm tay vào đó. Người đó biến mất. Có lẽ là vào lúc bà cúi xuống để nắm lấy cây đao.
Bà vội vàng chạy về chỗ cắm trại và thấy mọi người đang quây quần ở đó tụng niệm cầu kinh, không thiếu một ai. Bà kể lại những gì vừa xảy ra thì những người đó nói cái bóng bà thấy đó không phải là ăn trộm mà là vị lạt ma trưởng đã qua đời của họ. Có lẽ ông ta muốn lấy lại cây đao phép, và nếu như ông ta lấy được cây đao đó thì có lẽ bà sẽ bị ông dùng cây đao đó giết chết. Vị trưởng đoàn cho rằng bà là một vị gomchnma (một người nhập thất trên đỉnh núi Thangu), và hẳn là quyền lực của bà mạnh hơn nên pháp sư kia mới không thể hại được bà. Đoàn người này đã quỳ mọp xin bà hãy giữ lấy cây đao đó vì chỉ có bà mới xứng đáng làm chủ được nó. Họ nói chúng tôi khổ công mang nó đi xa để chôn nó trong sa mạc nhưng biết đâu nó cũng sẽ lại gây ra những tai nạn khác cho người Mông cổ ở đó. Dĩ nhiên, bà David Neel không từ chối vì bà đã mong muốn có được cây đao nầy từ trước. Cũng từ lúc bà làm chủ cây đao kỳ bí đó, nó không hề làm hại thêm một người nào khác nữa.




Người bình thường nghe kể những câu chuyện như vậy thì cảm thấy rất kỳ bí, khó hiểu, còn người trong huyền môn thì thấy không có gì là lạ lùng, kỳ bí lắm. Đó là những sự thị hiện của quỷ thần cho thấy sự linh ứng của bộ môn huyền thuật, mục đích là để tăng đức tin cho những người tu huyền môn và cho người dân bình thường thấy được cái huyền bí nhiệm mầu của siêu hình. Những chuyện kinh dị phi thường đều do Thánh thần đạo diễn cho thấy ảnh hưởng rõ ràng của khoa huyền bí, nhưng lời đồn đãi thường đi quá xa sự thật nên mới khó hiểu. Như lời đồn trong câu chuyện kể trên về mấy vị Lạt ma chỉ nhìn cây đao thôi mà lăn ra chết, hay súc vật bị cây đao bay ra giết chết hàng loạt là được thêm thắt quá lố, còn như chuyện bị gãy chân hay cái rương phát ra tiếng rú thì đương nhiên là có. Nghe chuyện mà không lý giải được nguyên nhân ở đằng sau thì mới cảm thấy rùng rợn kinh khủng. Nguyên nhân chính là Thánh thần sử dụng quỷ thần để làm cho dân làng đó bị khiếp vía, khiến họ phải tin là có quỷ thần, và nếu tin có quỷ thần thì họ phải tin có thần thánh và từ đó mà biết đến và tin là có Thượng Đế.

Những chuyện về thiên linh cái, thiên linh chưởng, lá bùa, lá ngãi, thư phù, ếm đối hay tà nhập tác yêu tác quái xảy ra ở khắp nơi ở Á Châu. Bùa chú Ai cập (nguồn của bùa phép Tây Phương) thì dùng những biểu tượng hình ngôi sao, hình tam giác, cầu thủy tinh, những hình ngoằn nghèo, hoặc hình tượng trưng vua Salomon. Bùa chú của Tây phương không linh hiển như bùa chú Á đông vì ít người luyện pháp thuật, Tây phương thường có những hiện tượng ma quỷ hiện hình, quăng chén đĩa, gạch đá, làm rung nhà, rung cửa (poltergeist), và đó cũng là một cách đạo diễn khác của Thánh thần. Bên Trung hoa thì pháp sư hay dùng gươm gỗ; bên Tây tạng, Nepal thì dùng đao nhỏ bằng thép, ngà hay kim loại (đồng thau hay vàng) có chạm trỗ và pháp sư luyện phù chú vào đó. Có khi họ dùng những lá bùa, đầu lâu, bàn tay người chết để luyện phép mong có quyền năng sai khiến linh hồn người chết đó (âm binh). Những pháp sư và đạo sĩ còn thấp và vì chưa hiểu nguyên tắc siêu hình nên mới luyện âm binh theo những kiểu đó. Bậc đạo sư cao tay, người được Trời Phật chứng minh thì chỉ cần một lá linh phù là có thể huy động hàng vạn thiên binh thiên tướng của Thiên Đình như một vị tướng, hay thống soái của thế gian huy động hàng vạn quân lính. Pháp sư đạo sĩ, thầy pháp, thầy mo, thầy cúng, những đạo sĩ hạ đẳng (giang hồ thuật sĩ) thì phải đi kiếm một vài âm binh lẻ tẻ để sai khiến không khác gì những đại ca của băng đảng có vài tay đàn em. Như ông Chimdada tuy là tu học Phật nhưng lại luyện những pháp thuật như Thiên linh cái để mong có vài âm binh chứng tỏ ông tu chưa tới nên không được Thiên Đình cấp cho binh quyền, ông phải tự mình đi ra nghĩa trang để luyện một vài ‘con âm binh’ (xem thêm). Trong khi đó bà David Neel là người có lòng chơn chánh và có tâm tu hành nên được Thánh thần đề cao uy tín cho những lạt ma thấy bà có quyền uy trấn giữ được cây đao phép, và Thanh Hùng có quyền năng của Thánh thần trừ được ma quỷ, âm binh trong mớ gạch ngói bị ếm.

Để kết luận, những hiện tượng ma quỷ, hay thần bí nào xãy ra đều có bàn tay của Thánh thần sắp xếp thị hiện để 1) chứng minh sự hiện hữu rõ ràng của cõi vô hình, thấy có quỷ thần, từ đó suy ra có thánh thần và có Trời Phật, và 2) nhân cơ hội mà đề cao uy tín của những nhà tu huyền môn chân chính.

Cấp bậc trong siêu hình
Muốn biết cấp bậc của một pháp sư có cao tay ấn hay không thì nhìn quyền năng của người đó.
Cấp hạ sĩ có 3, 4 âm binh (do luyện thiên linh cái); Tiểu đội trưởng có một tiểu đội; Trung đội trưởng có khoảng 40; đại đội trưởng có chừng 100; Có 10,000 là cấp Sư đoàn trưởng, hàng chục ngàn là cấp Tướng.
Một đạo sư có hàng triệu binh tướng là cấp Thống soái của thiên đình.

‘Trông mặt mà bắt hình dong’- (nhìn cách tu luyện biết người xấu hay tốt)
Bên Trung Hoa, đạo sĩ thường luyện phép vào cây gươm gỗ, hay vẽ linh phù lên giấy vàng chữ đỏ, Tây tạng, Nepal dùng đao nhỏ bằng kim loại, Miến điện, Thái lan, Campuchia thì luyện những miếng bạc ép có khắc những câu thần chú hay linh phù và dùng một sợi dây dù treo 5, 7 miếng bạc đeo trên bụng (cà tha), hay vẽ những phù chú lên giấy, vải.
Chỉ cần nhìn qua những cách luyện pháp thuật khác nhau thì sẽ biết được tâm ý của người tu luyện đó. Người hiền thì chọn những biểu tượng như hình tượng Phật hay những biểu tượng trông hiền lành (linh hay không lại là một vấn đề khác – còn chưa nói đến), còn người có tâm tà quái thì chọn cái đầu lâu, bàn tay hay cái lưỡi của người chết, những đao, kiếm hoặc những biểu tượng xấu xí ghê tởm khác. Qua đó họ đã để lộ những tư tưởng xấu, và dã tâm muốn lợi dụng quyền phép vào việc lòe hay hại người để mưu cầu danh lợi giống như việc làm của các băng đảng ở thế gian. Quỷ thần cũng nương vào đó để dạy cho họ những bài học, trước sau gì cũng trừng phạt họ vì họ phạm vào luật siêu hình.
Người đi vào bàng môn tả đạo trước là gây hại cho người khác sau là tự hại mình. Kết cấu với băng đảng thì sẽ vướng vào những hung hiểm thanh toán lẫn nhau hay bị pháp luật xử lý, nhốt tù hay xử tử.