Chuyện Mèo Chuột



Sự tích mèo và chuột

Mối quan hệ giữa chuột với mèo được dân gian lý giải qua câu chuyện dân gian sau: Xưa, chuột vốn là một giống linh thiêng ở trên Trời. Trời giao cho nó giữ chìa khóa kho lúa của Trời. Nhưng chuột không phải là một loài đáng tin cẩn, nhân được giữ chìa khóa, cứ tự do đến mở kho rủ nhau vào ăn rả rích hết bao nhiêu là lúa. Sau đó, Trời biết được, lấy làm giận lắm, không cho nó ở trên thượng giới nữa, mà đuổi xuống dưới hạ giới để sai giữ chìa khóa bồ lúa của nhân gian. Nhưng chứng nào tật ấy, chuột lại rủ nhau vào lẫm thóc của người rả rích ăn. Đến nỗi người phải có câu than rằng:
Chuột kia xưa ở nơi nào
Bây giờ ăn lúa nhà tao thế này

Người lấy làm chua xót, mới kêu với ông Táo. Ông Táo liền bắt nó đem lên trả Trời và tâu rằng:
- Chuột này vốn chuột của Thiên Đình, sao Thiên Đình lại thả nó xuống hạ giới?

Trời kể lại chuyện chuột ăn lúa của Trời nên bị Trời đày. Nghe xong, vua Bếp tâu:
- Xuống dưới ấy tính nó vẫn vậy, lúa của Trời nhiều, lúa của người ít, của Trời nó ăn không hết chớ của người nó cứ ăn mãi, người sẽ đến chết đói mất. Vậy xin bây giờ xin cho nó lại cho nó lên trên Trời mà ở vậy.

Trời nghe tâu phán rằng:
- Không được. Ta đã đuổi nó đi cho xa, ta không thể cho nó lên đây nữa Thôi bây giờ, ta có một con mèo, ta cho ngươi đem xuống hạ giới để khi nào chuột nó ăn lúa của nhân gian thì thả mèo ra cho nó bắt chuột, rồi gầm gừ ăn chuột đi, còn khi nào nó không muốn bắt chuột, thì chú bảo con mèo cứ kêu với con chuột rằng: Nghèo! Nghèo! Nghèo! thì chuột nó cũng sợ mà nó phải bỏ đi.

Ông Táo lạy tạ, đem chuột và mèo xuống hạ giới, cứ theo như lời dậy mà làm. Từ đó, khi nào mèo rình bắt được chuột, rồi mèo cứ "gầm gừ, gầm gừ" và khi nào không bắt được chuột thì mèo ngồi kêu: nghèo, nghèo, nghèo, ... Nhưng lúc ấy, mèo hồi nghĩ lại, mới lấy làm giận vua Bếp, tại vua Bếp mèo mới phải xuống dương gian. Không làm gì được, mèo chỉ còn cách thỉnh thoảng vào giữa đống tro bếp phóng uế cho bõ tức.



Chuyện mèo chuột


Mèo chuột qua những lời thơ ngụ ngôn từ bài ca dao ngụ ngôn quen thuộc:
Con mèo trèo lên cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối về giỗ cha con mèo

Phải nói rằng đây là câu ca mà hầu như mọi người đều biết, đều thuộc. Dường như người ta muốn châm chọc thói giả nhân giả nghĩa, chứ mèo đời nào tốt đến mức phải đến nhà hỏi thăm chuột. Tìm người để hãm hại mà giở giọng “thăm” thì quả là thâm thúy thật! Và người ngay thẳng đâu dễ bị mắc lừa. Chuột đã chạy thoát, và còn để lại lời nhắn đáp lại lòng tốt của mèo rằng bận đi chợ, mua những thứ xoàng xĩnh nhất là mắm, muối về để lo … giỗ cha kẻ không mời mà đến kia!

Chuyện mèo chuột trong ca dao tình không thể thiếu được trong đời sống tình cảm của con người. Dựa vào sự mềm mại, uyển chuyển mà đàn ông gọi người mình yêu là “mèo” vừa dễ thương, vừa lãng mạn:
Ba má may đặt cho anh
Áo bà ba hai túi đựng dầu chanh để kiếm mèo

Theo dân gian gọi kiếm mèo là đi “tán gái”, là làm quen đối tượng mà mình để ý. Và rồi, cô gái cũng cảnh giác:
Võng ny lông anh giăng mùng chiến
Giấy kim tuyến anh gắn gối tay bèo
Anh ơi anh về dưới đó bỏ mèo lại cho ai!

Trong lúc hò hẹn, giờ tí canh ba, giờ của chú chuột mò đi ăn đêm, theo cách tính thời gian của người xưa cũng được chàng trai tận dụng triệt để:
Con cua càng bò ngang đám bí
Nhắn với nàng giờ tí qua (*) qua

(*) qua là tiếng xưng hô nghĩa là tôi, hay tui.

Chuyện “mèo chuột” có ý nghĩa cần phải kín đáo, vụng trộm, không muốn người khác biết.
Chuột kêu rúc rích trong rương
Anh đi nhè nhẹ kẻo đụng giường má hay

Ngày xưa cái giường đóng bằng tre, dùng lâu ngày đụng vào kêu cót két, giống như tiếng chuột kêu chút chít. Có lẽ bà mẹ của cô gái đã một lần chợt thức giấc vì nghe tiếng chiếc giường tre kêu, cô gái đã nhanh trí trả lời rằng đấy là do “chuột ở trong rương”, nên cô gái đã nhắc khéo cho người yêu!

Dân gian đã nhắn nhủ những chàng trai cô gái đang tuổi yêu:
Lửa gần rơm không cháy cũng tròm trèm
Mèo không ăn vụng đi đêm làm gì !

Mèo chuột trong văn hoá tâm linh



Người ta cho rằng chuột rúc chút chít sẽ mang đến điều chẳng hay. Nếu nhà bỗng nhiên có chuột rúc thì họa dữ ập tới:
Thứ nhất đom đóm vào nhà,
Thứ nhì chuột rúc,
Thứ ba hoa đèn

Mèo đến nhà thì khó,
Chó đến nhà thì sang

Có lẽ quan niệm này bắt đầu từ câu chuyện dân gian mèo thường hay kêu nghèo!… nghèo!… nghèo! Cũng vì thế, ngay cả hiện nay, khi đi tàu, xe ai mang mèo theo thường bị các anh lái xe, lái đò kiên quyết phản đối, buộc phải bỏ lại, không thì họ sẽ từ chối không cho đi tiếp. Ngược lại ai đem chó đi thì chả sao cả! Người ta cũng tin rằng gặp mèo đen nhảy ngang đầu xe, thì cũng xui xẻo như xẹp vỏ bánh xe chẳng hạn!

Biểu hiện rất lạ lùng có thật mà dân gian quan sát biết được từ lâu, song chưa có lời giải thích thỏa đáng là: Mèo để tháng ba cha ăn con.

Không hiểu sao, mèo có chửa và đẻ con đúng vào tháng ba … thì mèo cha sẽ biết và nó tìm mọi cách cắn chết và ăn thịt đàn con của nó! Nếu ở nhà có mèo đẻ nhằm tháng ba, người ta phải canh giữ, đuổi mèo đực, tốn nhiều công sức, song tỷ lệ để mèo con an toàn cũng không cao. Nếu mèo đẻ nhằm các tháng khác trong năm thì không có hiện tượng này.

Lấy được nhau mèo sẽ gặp may mắn! Mèo vốn nhút nhát, kín đáo, nên khi đẻ nó ít để chủ nhà biết. Đẻ xong, nó ăn sạch cả nhau. Nên ai thấy được, lấy được nhau mèo sẽ gặp … may, người ta tin như vậy!

Mèo nhảy qua người chết, người chết bật dậy. Điều này khoa học đã lý giải do luồng điện sinh học sinh ra. Chính vì thế, trong nhà có người vừa qua đời việc đầu tiên là người ta tìm bắt nhốt mèo lại!

Mèo già hóa cáo: Nghĩa hàm ẩn muốn chỉ những người già sống lâu nên đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Trong dân gian, người ta tinh rằng khi mèo nhà nuôi lâu năm nó sẽ bỏ đi vào rừng. Bản năng của loài thú hoang trỗi dậy, mèo đã hóa cáo!

Dù mèo có mặt trong thực đơn nhưng không phải ai cũng ăn được. Có nhiều người “kỵ” không ăn. Họ cho rằng mèo là thú cưng, không nỡ ăn thịt, cũng có người cho rằng ăn thịt mèo sẽ gặp xui. Không biết từ lúc nào người ta truyền câu chuyện khá ly kỳ rằng: có con mèo già, rất khôn, khi con chủ nhà ngủ, nó nhảy lên, dùng “tay” đưa võng cho em bé. Ngày đó, chủ nhà có khách đến chơi, hết đồ nhắm, bắt mèo làm … thịt nhậu, nhậu xong, người thì bệnh, người thì gặp nạn…

Tính nết của mèo và chuột cũng như mối quan hệ “mèo chuột” đã trở thành đề tài phong phú và đa dạng cho văn hóa dân gian. Qua những thành ngữ, tục ngữ ca dao chứa hình ảnh mèo chuột chúng ta thấy mèo và chuột đã gắn liền với đời sống của mọi người.

Trần Minh Thương