Các nhà nghiên cứu khẳng định đây là con rùa đá to nhất mà họ từng thấy. Con rùa nặng khoảng 6-7 tấn, cõng tấm bia và nằm ở khu mả của vua Mạc.

Trong quá trình tìm hiểu về đại long đao 500 tuổi của hoàng đế Mạc Đăng Dung, tôi thấy có nhiều điều thú vị còn ẩn chứa ở nơi từng là cung điện nguy nga một thời. Khu tưởng niệm Vương triều Mạc giữa cánh đồng xã Ngũ Đoan dù khá hoành tráng, song không thể nào sánh với quy mô một kinh thành, một đô thị ven biển ngày xưa.

Quảng trường trước chính điện của Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc.

Vương triều sụp đổ

Sau khi bị nhà Lê – Trịnh phá hủy, đốt cháy, Dương Kinh tiếp tục bị thời gian 400 năm mài mòn. Phần lớn những dấu tích đã lặn xuống lòng đất, nhưng vẫn còn một số di vật ẩn giấu đâu đó trong chùa chiền, đình miếu. Trong những ngày lang thang ở kinh thành lộng lẫy khi xưa, tôi được chiêm ngưỡng một số cổ vật cực kỳ giá trị liên quan đến Vương triều Mạc.

Theo sử sách, sau khi lên ngôi được 2 năm, Mạc Đăng Dung đã nhường ngôi cho con cả là Mạc Đăng Doanh để làm Thái Thượng Hoàng, lui về quê xây dựng Dương Kinh với quy mô đồ sộ. Vậy nên, thời kỳ đó, ngoài kinh đô ở Thăng Long, còn có một “kinh đô” khác là Dương Kinh.

Cánh đồng này từng là Dương Kinh đô hội bậc nhất thời Mạc.

Tại Dương Kinh, có hệ thống cung điện, lầu các có quy mô đồ sộ như: các Dương Tự, điện Tường Quang, Phúc Huy, phủ Quốc Hưng, đồn binh, kho lương, và cả một trường Quốc học tương đương với Quốc Tử Giám tại Thăng Long. Cứ 3 năm một lần, Mạc Đăng Dung lại tổ chức thi tuyển tìm tiến sĩ, trạng nguyên, bổ sung nhân tài cho đất nước.

Khác với cung điện Tức Mặc (Nam Định) thời Trần, hay Lam Kinh (Thanh Hóa) thời Lê Sơ, chỉ là nơi nghỉ ngơi, thờ tự của vua chúa, Dương Kinh là trung tâm kinh tế, chính trị và là “kinh đô cảng” vô cùng sầm uất. Với vị thế gần biển, sông Văn Úc, với nhiều ngả nối liền phố Hiến, Thăng Long, Hội An, nên Dương Kinh nhanh chóng trở thành khu đô hội bậc nhất.

Điều này đã được chép lại trong sử sách và đã được chứng thực bằng hàng loạt cuộc khai quật khảo cổ kéo dài nhiều năm. Năm 2004, Viện Khảo Cổ học đã khai quật một số địa điểm ở thôn Cổ Trai (Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng), nơi được coi là Dương Kinh thời xưa và đã có nhiều phát hiện thú vị.


Các cuộc khai quật đã khẳng định tại xã Ngũ Đoan từng có một đô thị rực rỡ.


Các nhà khảo cổ đã khiến các thành lũy, hào nước gần 500 tuổi xuất lộ, thu được nhiều gốm sứ màu lam, đồ sành, đồ đá, đất nung với những nét hoa văn mang phong cách nghệ thuật điển hình của thế kỷ XVI. Thời kỳ nhà Mạc trị vì, gốm Chu Đậu phát triển rực rỡ nhất, nên việc phát hiện nhiều gốm ở di chỉ là điều dễ hiểu.

Cuối năm 2008, các nhà khảo cổ của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiếp tục tiến hành khai quật 450m2 đất ở thôn Cổ Trai và đã lần đầu tiên tìm thấy dấu tích nền móng và gia cố trụ của cung điện Dương Kinh. Hàng loạt thanh đá khổng lồ được phát hiện dưới lòng đất, là vật liệu xây dựng các công trình lớn. Những hiện vật như gạch vồ, đồ gốm trang trí phượng, rồng, sóng nước, hoa cúc… được phát hiện rất nhiều. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn thu được cả tạ tiền cổ được chôn trong những chiếc hũ sành ở di chỉ Gò Gạo - vốn là một kho quân lương thuộc kinh đô cũ của nhà Mạc.


Đại hồng chung nặng hơn 1,5 tấn trong Khu tưởng niệm Vương triều Mạc.

Từ những vết tích được khai quật, có thể chắc chắn rằng, trung tâm Dương Kinh khi xưa gồm một quần thể kiến trúc rộng lớn, trải dài trên một diện tích rộng hàng vạn mét vuông. Các kiến trúc đều rất to lớn và trang trí đẹp.

Vậy là, ngoài những bức tường thành kỳ vĩ của nhà Mạc vẫn còn tồn tại ở Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng, các nhà khoa học đã chính thức khẳng định sự tồn tại của một kinh đô hoành tráng thế kỷ 16. Giờ đây, tất cả đã bị bao phủ bởi làng mạc và đồng lúa trải mênh mông.

Bia đá, rùa đá khổng lồ

Những ngày lang thang ở vùng đất từng là kinh đô nhà mạc xưa, tôi gặp không ít chuyện thú vị. Cụ Mạc Văn Thiết là người trông coi từ đường họ Mạc ở xóm Kiều Thôn, nằm ngay cạnh làng Cổ Trai, quê hương của Mạc Đăng Dung. Cụ Thiết mở cho tôi xem gia phả để khẳng định cụ là cháu 17 đời của hoàng đế Mạc Đăng Dung.
Nhưng điều khiến tôi đặc biệt chú ý là những cổ vật bằng đá xanh, đá trắng khổng lồ có niên đại thời Mạc chất đầy mảnh vườn trước cửa từ đường. Toàn bộ số cổ vật này đều liên quan đến Vương triều Mạc ở Dương Kinh xưa.

Tôi khá bất ngờ khi tận mắt con rùa đá xanh rất lớn. Theo ông Thiết, các nhà nghiên cứu cũng khẳng định đây là con rùa đá to nhất mà họ từng thấy. Con rùa này nặng khoảng 6-7 tấn, vốn cõng tấm bia và nằm ở khu mả của vua Mạc. Khi chúa Trịnh Tùng truy sát, không rõ khu mộ được chuyển đi hay san phẳng để ngụy trang. Riêng con rùa và bia đá nặng quá, lớn quá, không thể khiêng đi được thì cứ để vậy.

Chiếc thống đá là "bồn tắm" của vua chúa, mỹ nữ thời Mạc.

Trải bao mưa nắng mấy trăm năm, mồ mả không còn, kinh thành chìm dưới lòng đất, song con rùa và tấm bia đá vẫn trơ trơ cùng tuế nguyệt. Tiếc rằng, không rõ do con người phá hoại, hay trúng bom, mà tấm bia đá trên lưng rùa bị vỡ làm 2 mảnh. Hiện tấm bia vẫn được lưu giữ ở từ đường họ Mạc xóm Kiều Thôn.

Chiếc thống đá cũng là di vật khá đặc biệt của nhà Mạc còn tồn tại đến ngày hôm nay. Đây là vật dụng có chức năng như chiếc bồn tắm thời hiện đại để bậc vương tôn, mỹ nữ ngồi tắm… Tương truyền, khi bịt lỗ thoát nước ở dưới đáy, thả xuống nước, chiếc thống đá này nổi được. Ông Thiết đã thử ngồi vào thống đá, thấy không rộng rãi lắm, song vẫn tắm được bình thường.

Trong số cổ vật vứt ngổn ngang trong vườn trước từ đường họ Mạc, tôi đặc biệt chú ý tấm bia đá rất lớn, còn cực kỳ nguyên vẹn. Theo lời ông Thiết, tấm bia này được phát hiện vào năm 2000, khi nhân dân trong xã đào mương. Nó nằm dưới lòng đất chừng 1m, ở khu vực Gò Gạo, vốn là nơi đặt kho quân lương của nhà Mạc.

Rùa đá xanh khổng lồ, nặng khoảng 6-7 tấn.

Ngày đó, đích thân ông Đào An, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã duyệt kinh phí, huy động dân quân, người dân kéo bia đá lên. Cả trăm lực điền kéo đủ kiểu, mà bia đá không hề nhúc nhích. Không có cách nào kéo được tấm bia, họ đành lấp đất lại.

Năm 2002, từ đường họ Mạc ở xóm Kiều Thôn được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia, ông Chủ tịch huyện Kiến Thụy Phạm Văn Đới lại cấp tiền để trục bia đá lên. Lần này có cả máy tời, máy cẩu.

Vì bia đá nằm giữa cánh đồng, không có đường ra, nên chỉ có thể sử dụng được máy tời. Thế nhưng, có một chuyện lạ đã xảy ra: Cáp bằng thép, to bằng ngón chân cái mà liên tục đứt.

Tấm bia đá khổng lồ mới đào được ở Gò Gạo, nơi từng là kho quân lương thời Mạc.

Một vị thầy cúng được mời về, cúng khấn khá lâu trong từ đường, song cáp vẫn đứt, bia đá không suy suyển. Đến cuối ngày, đích thân ông Đới vào ngôi miếu Bà Chúa Thao gần nơi xuất lộ bia đá khấn vái. Không ngờ, sau khi ông Đới khấn xong, máy tờ kéo bia đá lên thẳng. Bia đá được kéo ra đường lớn, rồi máy cẩu trục lên xe tải chở về.

Sau khi đem bia đá về, rất nhiều nhà khoa học ở Viện Hán Nôm đã về in dập bản. Cho đến giờ, ông Thiết vẫn chưa nhận được bản dịch. Tuy nhiên, qua một số chữ còn rõ nét, các nhà khoa học đã khẳng định với ông Thiết rằng, tấm bia này ghi chuyện quân lương. Như vậy, nội dung bia phù hợp với việc đào được tấm bia ở nơi từng là kho dự trữ quân lương của nhà Mạc.

Thái Tổ Mạc Đăng Dung đã lựa chọn một phương thức đấu tranh tổng hợp rất thông minh, vừa làm cho địch đủ ngại ngần, lo sợ, vừa đủ cho Thiên triều hống hách đỡ mất mặt. Ông lại đặt quyền lợi tối cao của đất nước lên trên sỹ diện cá nhân. Nhờ vậy mà đẩy lùi được 22 vạn quân Minh, mà không tốn một mũi tên, không mất một giọt máu.

Có thể nói, Mạc Đăng Dung là một vị vua yêu nước lớn trong những vị vua yêu nước. Nhà Mạc đã đấu tranh vô cùng thông minh, năng động, hiếm có trong lịch sử nước nhà.

GS TSKH Phan Đăng Nhật


Còn tiếp…