Kỳ 1: Hổ phụ sinh hổ tử

Qua quá trình nghiên cứu tư liệu của gia đình nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín cũng như tìm hiểu từ một số người gần gũi cụ Nguyễn Chánh Minh, chúng tôi đã có được một "cuốn phim quay ngược" về cuộc đời một cao thủ võ lâm có biệt danh "Nhạn trắng Cà Mau".


Gia phả tộc họ Nguyễn Chánh mà gia đình nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín còn lưu giữ được bắt đầu từ đầu thế kỷ 18, khi ông cố của Nguyễn Chánh Tín đến định cư ở vùng Cà Mau. Cụ có người con trai duy nhất là Nguyễn Chánh (ông nội của Nguyễn Chánh Tín), là người tinh thông địa lý và giỏi võ nghệ. Theo lời truyền miệng, thời bấy giờ xứ Cà Mau, Bạc Liêu rừng rậm bao phủ, thú rừng nhiều như heo thả rông. Người dân dựng nhà sàn để tránh thú dữ và sinh sống bằng nghề khai hoang, săn bắn. Năm 18 tuổi, trong một lần đi qua đất U Minh, Nguyễn Chánh thấy người dân trong một khu làng nhỏ tháo chạy nháo nhác, vừa khua xoong nồi, gõ mõ đánh trống. Hỏi ra thì biết, dân làng bị một con cọp hung dữ từ rừng U Minh về tấn công. Nó đã vồ chết mấy mạng người. Nguyễn Chánh quyết định dừng chân giúp dân làng. Anh phát hiện có một cô gái bị đau chân, không chạy được, đang cố bám vào những bậc thang nhà sàn leo lên. Khi anh chạy lại định cõng cô gái đi lánh nạn, thì cũng là lúc con cọp lao đến. Chánh nhanh nhẹn nhảy lên bám vào cây cột nhà sàn để tránh cú vồ của con cọp, rồi vung ngọn giáo nhằm thẳng vào đầu cọp mà đâm. Nhờ căn nhà sàn che chắn, Chánh nhảy, đu, tránh những cú vồ và lựa thế tấn công con thú khát máu. Sau một lúc quần nhau với cọp, anh đã chọc thủng mắt và giết chết nó.

Câu chuyện tráng sĩ giết cọp cứu dân làng nhanh chóng lan truyền. Nguyễn Chánh được ban thưởng một chức quan nhỏ dưới triều vua Tự Đức, chuyên lo việc trấn áp, bắt giữ bọn trộm cướp ở vùng Bạc Liêu, Cà Mau. Cảm phục trước ơn cứu mạng, cô Hai (tên người con gái) đem lòng yêu chàng hiệp sĩ và trở thành vợ anh. Vợ chồng cụ Nguyễn Chánh lần lượt sinh hạ 7 người con. Nguyễn Chánh Minh (thân phụ nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín) là con thứ sáu, sinh năm 1903, thường gọi là Sáu Minh.

Là người nghĩa hiệp, thường đứng ra bênh vực người hèn yếu, nên ông Chánh đã gây không ít ân oán với các băng nhóm giang hồ, trộm cướp. Một số kẻ rắp tâm hãm hại ông. Một lần trên đường đi công cán, ông bị bọn cướp phục kích bất ngờ và sát hại dã man. Bà Hai cùng đàn con rơi vào cảnh khốn khó nên phải đi ở cho gia đình một cai đồn điền của Pháp. Được một thời gian, bà nghỉ làm chuyển sang bán hàng rong kiếm sống, nuôi con...

Mang trong mình dòng máu anh hùng của cha, Nguyễn Chánh Minh là con người có bản lĩnh và giàu nghĩa khí. Cái chết của cha và cuộc sống cơ cực của mẹ đã gieo vào lòng Chánh Minh một nỗi căm phẫn. Lớn lên, anh quyết chí tầm sư học đạo, rèn luyện võ nghệ để tìm cừu nhân trả thù cho cha, đồng thời nung nấu ý định thành lập lực lượng kháng Pháp. Năm 16 tuổi, Chánh Minh theo người quen lên miền Thất Sơn, Chi Lăng xin làm đệ tử một tu sĩ nổi tiếng về võ nghệ. Tại đây, Chánh Minh nhiều lần thuyết phục sư phụ đứng ra tập hợp môn sinh, chiêu mộ nhân tài trong thiên hạ đứng lên chống Pháp. Thế nhưng nguyện vọng của anh không được sư phụ đồng tình với lý do người tu hành không màng đến thế sự. Sau gần ba năm học võ, Chánh Minh từ biệt sư phụ xuống núi...

Trở về nhà, Chánh Minh tham gia vào đội ghe tàu bán buôn đường sông. Năm 1927, trong một lần cùng đám bạn buôn lên bờ vào chợ Cà Mau, Nguyễn Chánh Minh bắt gặp một người đàn ông bán đậu hũ dạo có thân hình nhỏ thó, lưng gù, đội chiếc mũ vải, khăn che mặt. Ông già bán đậu hũ cho một đám thanh niên. Khi thanh toán tiền, họ ăn gian, gọi 10 suất nhưng chỉ trả tiền có 7 suất. Đám thanh niên đứng dậy bỏ đi. Ông già chạy theo túm áo một người giật lại đòi tiền. Gã thanh niên bực tức quay lại, lấy hết sức đẩy cho ông già té xuống. Nhưng thật kỳ lạ, ông già chẳng hề hấn gì, còn gã thanh niên lại bị té văng ra đường chỉ bằng một cái huých khuỷu tay rất lẹ của ông. Cả nhóm thanh niên vây lấy ông, nhưng hễ ai chạm đến người ông lại té văng ra. Cuối cùng cả đám chịu thua, bỏ đi.


Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín (phải) và tác giả bài viết

Ngồi trong quán lá quan sát từ đầu đến cuối sự việc, Nguyễn Chánh Minh ngạc nhiên đến sửng sốt và nhận ra, đây là con người võ nghệ cao cường hiếm có trong thiên hạ. Chánh Minh bí mật bám theo ông già. Cuối ngày, khi ông trở về nhà trọ trong một góc phố vắng, Chánh Minh chạy đến quỳ trước mặt ông mà nói rằng: "Thưa ông! Con biết ông là một cao thủ võ lâm. Con khao khát được lĩnh hội những tuyệt chiêu của ông để mưu việc lớn. Xin ông nhận con làm đệ tử".

Mặc cho Chánh Minh quỳ lạy, ông già vẫn coi như không: "Tui là người tứ cố vô thân, đi bán đậu hũ dạo kiếm sống qua ngày, nào có biết chi về võ nghệ". Chánh Minh không nản chí. Hằng ngày, sau khi rong ruổi ghe tàu đi bán buôn, Chánh Minh lại tìm đến nơi ông già ở trọ thuyết phục ông nhận mình làm đệ tử. Trước nguyện vọng tha thiết của Chánh Minh, cuối cùng ông già cũng gật đầu: "Ta đồng ý dạy võ cho anh, với điều kiện, anh phải tuyệt đối giữ bí mật. Sau này có dịp thuận lợi, anh bố trí cho ta đi tàu thủy trở về Trung Quốc".

Chánh Minh phấn khởi như bắt được vàng. Anh lạy sư phụ và hứa sẽ làm đúng như thế. Học võ, Chánh Minh mới biết sư phụ là một võ tướng dưới quyền Tôn Văn (Tôn Trung Sơn). Năm 1925, sau khi Tôn Trung Sơn qua đời, nhiều võ tướng dưới quyền ông bị các lực lượng chống đối truy bắt. Ông tự lấy dao làm biến dạng gương mặt rồi trốn sang Việt Nam, tìm đến xứ Bạc Liêu, Cà Mau ẩn náu. Ông không tiết lộ danh tánh, mà chỉ bảo Chánh Minh gọi mình là A Sủn.

Buổi luyện võ đầu tiên, sư phụ A Sủn dẫn Chánh Minh vào một căn phòng rộng chừng 9m2, đoạn ngồi xếp bằng giữa căn phòng rồi bảo Chánh Minh cứ mặc sức lao vào tấn công. Chánh Minh lựa đủ các thế để tiếp cận ông, nhưng các ngón quyền cước đều bị ông hóa giải một cách nhẹ nhàng. Tiếp đến, ông trao cho Chánh Minh cây gậy và yêu cầu Chánh Minh cứ thoải mái đánh. Đường gậy của sức trẻ xé gió vun vút, nhưng không thể nào chạm đích. Vóc người nhỏ thó của sư phụ A Sủn giống như một con mèo, có khi lại như một chú thỏ, nhảy, tránh, nhào lộn... trong căn phòng như làm xiếc. Màn sát hạch cuối cùng, ông yêu cầu Chánh Minh đánh bằng mã tấu. Sư phụ đeo vào tay và chân hai cặp song xỉ. Các đường mã tấu của Chánh Minh bổ dọc, lia ngang, phạt chéo... đều bị bật ra. Cánh tay và cẳng chân của sư phụ chẳng khác gì những khối sắt.

Trước khi trở thành võ tướng phò tá Tôn Văn, A Sủn đã có hơn 10 năm tu luyện các môn phái võ lâm Trung Quốc. Dù đã luống tuổi, song cước pháp, quyền pháp, thân pháp... của ông vẫn hết sức uyển chuyển và đầy sức mạnh. Chánh Minh được A Sủn truyền dạy võ nghệ vào ban đêm, cả trên bờ và dưới sông nước, cả tay không và binh khí, đặc biệt là tuyệt chiêu sử dụng song xỉ.

Một lần hai thầy trò đang đi xuồng giữa sông thì gặp một vụ tai nạn. Một chiếc xuồng chở gần hai chục hành khách bị chìm. A Sủn giục đệ tử lao xuồng đến. Ông vận nội công, chụp bàn tay vào những cái đầu đang trồi sụt trên mặt nước, lần lượt nhấc bổng từng người lên, cứu sống toàn bộ hành khách gặp nạn. Sau bận ấy, nhiều hành khách gặp nạn đã tìm đến tạ ơn, xin được bái ông làm sư phụ, song ông đã khéo léo chối từ.

Sau hai năm truyền dạy võ nghệ cho Chánh Minh, A Sủn bảo: "Vốn liếng võ nghệ của ta có mười, thì ta đã truyền cho anh được bảy, tám. Giờ đã đến lúc ta trở về quê hương. Nhân tướng của anh lộ rõ tính nóng nảy và hiếu thắng, nên phải biết kiềm chế thì mới mong mưu việc lớn. Võ công tối kỵ bộc lộ, chỉ khi nào thực sự cần thiết mới sử dụng".

Chánh Minh chắp tay lĩnh hội. Sau đó anh liên hệ được một chiếc tàu buôn từ Sài Gòn đi Thượng Hải và gửi sư phụ đi nhờ. Họ chia tay nhau không hẹn ngày tái ngộ...

(Còn tiếp)

Phan Tùng Sơn