Đình làng Việt Nam và nơi thờ Quốc Tổ tại Sydney, Úc châu
Văn Trai

Văn hóa ngàn năm văn hiến của Việt-Nam là nền văn hóa Phật Giáo. Phật Giáo đến đâu đều hòa hợp vào phong tục tập quán bản xứ và tạo nên nền văn hóa đặc thù của quốc gia đó, như là văn hóa Lào, Nhật, Tây Tạng, Thái Lan, Tích Lan, Trung Hoa, Việt-Nam... Trong lịch sử cận đại, có rất nhiều chủ thuyết phương tây được truyền vào Việt-Nam, bắt ép hay khuyên dụ qua hình thức này hoặc hình thức khác! Xã hội người Việt đã vận dụng kinh nghiệm phương tây về chính trị, kinh tế, kỹ nghệ... nhưng về văn hóa thì đại đa số người Việt lúc nào cũng cố gắng bảo lưu các giá trị phương đông cổ truyền. Điều này giải thích tại sao Việt-Nam đã không trở thành một Mauritius hay New Calidonia sau gần 100 năm bị chính quyền thực dân Pháp đô hộ, gia đình họ Ngô dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã thất bại với chính sách áp đặt một tôn giáo tây phương như là quốc giáo hay tôn giáo công cộng hay công chúng cho cả miền nam Việt-Nam, chủ nghĩa cộng sản của Nga không thể nào thành công tại Việt-Nam sau hơn 40 năm áp dụng.



Trên 80 phần trăm dân số Việt-Nam, trong mọi thời điểm, sống ở vùng quê. Hầu như mọi làng quê nào tại Việt-Nam cũng có một ngôi đình. Đình là ngôi nhà công cộng của làng quê, dùng làm nơi thờ Tổ, vị thần của làng và thường là các nhân vật lịch sử có công dựng nước và giữ nước, và họp việc làng. Đình là ngôi nhà to, cao rộng trong làng được dựng, theo kiến trúc Phật Giáo, bằng những cây cột to tròn thẳng tắp trên nền phẳng cứng hay trên đá tảng lớn. Kèo nhà, xà ngang, xà dọc của đình thường làm bằng gỗ quý. Đình có tường xây bằng gạch, hay đôi khi không có xây tường. Mái đình lợp ngói mũi hài, như các cảnh chùa, bốn góc có bốn đầu đao cong vút như hình đuôi chim phượng uốn cong trên các trống đồng Ngọc Lũ. Trên nóc đình là hai con rồng chụm đầu vào mặt trăng, còn gọi là lưỡng long chầu nguyệt. Mái đình như ôm ấp cả cộng đồng của làng quê thân yêu. Sân đình thường được lót gạch. Trước đình có hai cột trụ cao và trên đỉnh được tạc hình con nghê, tên loài động vật tưởng tượng trong truyền thuyết dân gian Việt-Nam có đầu giống đầu sư tử nhưng thân có vẩy và thường được tạc trên các cột trụ hay trên nắp đỉnh đồng, lúc nào cũng như đang nhe răng cười. Trước đình hay bên cạnh đình còn thường có một hồ nước trồng bông sen có hương thơm. Trong đình, gian giữa có hương án để thờ Tổ. Một cái trống cái cũng được đặt trong đình để dùng đánh vang lên theo nhịp ngũ liên thúc giục dân làng về đình tụ họp bàn tính công việc của làng, của nước. Vào những ngày lễ hội và tết, dân trong làng đến đình thắp hương nhang tế lễ nhộn nhịp cầu mong Tổ Tiên, Phật Trời và Thần Thánh giúp cho mưa thuận gió hòa, cày cấy làm ăn thuận tiện và có nhiều phúc lành.



Ngôi đình làng là nhân chứng, chứng kiến biết bao sự thăng trầm của lịch sử dân tộc và làng quê Việt-Nam. Trước đây và ngay cả bây giờ (sau thời gian gián đoạn kể từ khi đảng cộng sản Việt-Nam ‘thống nhất’ đất nước đến khoảng cuối thập niên 1980), vào mùa xuân và những dịp lễ hội, sân đình trở thành một sân khấu nghệ thuật lộ thiên. Trong những ngày mở hội đình này nét đẹp của làng quê Việt-Nam hiện ra một cách rõ rệt. Già, trẻ, trai, gái trong những ngày hội đình thường mặc quần áo đẹp tụ tập ở sân đình xem hát, múa, đôi khi cả đấu vật, kéo co, đá gà... Giữa cảnh trí thiên nhiên khoáng đạt đó, bóng những cây đa râm mát che rợp một khoảng sân đình tạo ra biểu tượng thiêng liêng của một sức sống vững bền che chở cho dân làng. Cây đa cũng được dùng diễn tả tình yêu mộc mạc của dân làng như câu ca dao:



"Cây đa rụng lá đầy đình

Bao nhiêu lá rụng thương mình bấy nhiêu"



Đình làng còn là nơi trai gái ngày xưa hẹn hò tình duyên lứa đôi nồng thắm, tình tự như câu ca dao:



"Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen

Em được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà ..."



Ngôi đình làng thể hiện tinh thần cộng đồng của người Việt-Nam với tình yêu thiên nhiên, tình yêu nghệ thuật, lòng sùng bái Tổ Tiên anh hùng và ý hướng trữ tình. Đây là chứng tích tâm hồn và nhân chứng lịch sử gắn bó mật thiết với đời sống vật chất và tinh thần của người Việt. Cũng với tinh thần này, một số nhân sĩ trong cộng đồng người Việt tại Sydney - Úc Châu, trong thập niên 1980, đề ra dự án vận động xây dựng một nơi, tương tự như ngôi đình làng Việt-Nam, để cộng đồng người Việt sinh hoạt. Tên của dự án được thay đổi nhiều lần như là Nhà Quốc Tổ, Đền Thờ Quốc Tổ, Viện Bảo Tàng ... và nay thì gọi là Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng. Chính Phủ Tiểu Bang New South Wales cấp cho một khoảng đất rộng bên cạnh một trong những ngôi chùa đẹp tại Sydney của Giáo Hội Phật Giáo Việt-Nam Thống Nhất, Chùa Pháp Bảo. Chính Phủ còn đồng ý cấp cho một ngân khoảng lớn tương đương với số tiền đóng góp của cộng đồng người Việt tại Sydney nói riêng và Úc Châu nói chung. Dự án được giao cho một tổ chức người Việt trong cộng đồng chịu trách nhiệm. Sau nhiều năm gây quỹ xây dựng Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng (tiền của quỹ xây dựng Trung Tâm lên đến vài trăm ngàn dollars Úc, và những chương trình gây quỹ thường xuyên vẫn còn đang tiếp tục), một cuộc thi vẽ đồ án kiến trúc được tổ chức rộng rãi trong cộng đồng người Việt khắp các tiểu bang tại Úc Châu. Ban tổ chức đã chọn được một đồ án thích hợp và trao giải nhất cho kiến trúc sư tác giả. Việc xây dựng Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng được tiến hành sau đó. Đến tháng 4 năm 1997, phần chính của Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng được xây xong và lần đầu tiên lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại đây. Trung tâm này có lẽ trở thành nơi chính thức thờ Quốc Tổ Việt-Nam và dự định là nơi sinh hoạt của người Việt trong mọi lãnh vực như văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, chính trị, hành chánh... tại Sydney - Úc Châu.



Tuy nhiên điều làm cho mọi người, cả Úc lẫn Việt, kinh ngạc khi có dịp nhìn thấy Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng tại Sydney là lối kiến trúc ‘kỳ lạ’ của trung tâm. Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng là một ‘building’ không theo lối kiến trúc Việt-Nam, không theo lối kiến trúc Á Đông mà cũng không theo lối kiến trúc Úc. Building Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng có hình dáng như một nhà kho xây theo lối dã chiến, như nhà kho căn cứ Long Bình hay PX ở Saì-Gòn, của quân đội Hoa Kỳ tại Việt-Nam trước năm 1975! Do lối kiến trúc này và vị trí của building xây ngay phía sau chùa mà nhiều người Việt tại Sydney còn gọi Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng là nhà kho chùa Pháp Bảo!



Hy vọng trong giai đoạn tới, qua kinh nghiệm lần này, nếu có phải xây cất gì thêm cho Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng tại Sydney những người chịu trách nhiệm sẽ chú ý nhiều hơn về phong cách và văn hóa cổ truyền Việt-Nam.



Văn Trai



http://www.chuyenluan.net/index.php?...-s-5&Itemid=26