Quốc bảo: Ấn vàng, ấn ngọc triều Nguyễn
28/01/2011 0936

Ngày 24/4/1945, Bảo Đại vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ tổ chức lễ thoái vị, trao ấn kiếm cho cách mạng tại lầu Ngọ Môn, Huế. Sau đó kho tàng của triều Nguyễn được Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa tiếp quản để chuyển ra thủ đô Hà Nội.

Hơn 60 năm trôi qua, do hoàn cảnh đất nước chưa thuận tiện nên bảo vật quốc gia được cất giữ cẩn mật. Nhiều người quan tâm tìm hiểu nhưng không rõ tung tích nghĩ rằng chắc đã bị thất lạc, hủy hoại trong thời gian chiến tranh. Thật bất ngờ năm 2009, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (BTLSVN) công bố sách "Kim Ngọc Bảo Tỉ Của Hoàng Đế Và Vương Hậu Triều Nguyễn Việt Nam" (Hà Nội 2009). Tiếp theo để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. BTLSVN tổ chức triển lãm hiện vật để quần chúng có dịp thưởng lãm. Đây là một sự kiện quan trọng gây ấn tượng mạnh mẽ trong giới quan tâm nghiên cứu văn hóa, lịch sử.

Chúng tôi xin giới thiệu một vài ấn vàng (kim bảo), ấn ngọc (ngọc tỉ) đặc sắc nhất của triều Nguyễn đến độc giả:

1. Mùa đông năm Kỷ Sửu (1709), Minh Vương Nguyễn Phước Chu (1675-1725) sai Lại Bộ Đồng Tri Qua Tuệ Thư chế tạo quả ấn vàng ghi "Đại Việt Quốc Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo" (ấn quý truyền quốc của Quốc chúa Đại Việt). Ấn hình vuông, núm cầm đúc hình kỳ lân vờn ngọc, cao 6,3 cm, cạnh 10,84 cm, dày 1,10cm, nặng 64,43 lượng vàng.




Vua Gia Long từng dạy Hoàng thái tử Đảm: "Ấn báu này các đời truyền nhau ngày xưa trải qua binh lửa thân người chẳng chắc còn mà ấn vẫn giữ được trọn vẹn trước sau. Chiếu lệnh dùng ấn này ban bố được mọi người hưởng ứng. Ấn này quan hệ với nước nhà mật thiết, từ nay về sau phải lấy ấn này làm vật báu truyền ngôi. Con cháu của ta đời đời phải gìn giữ trao quyền cho nhau đến ức muôn năm lâu dài".

2. Mùa hè năm Tân Dậu (1081), chúa Nguyễn Phước Ánh phản công tái chiếm đô thành Phú Xuân. Ngày 2 tháng 5 Nhâm Tuất (1802) chúa tế cáo trời đất lên ngôi vua công bố niên hiệu Gia Long (1802-1819). Để chuẩn bị đem đại quân thu phục Bắc Hà, vua cho đúc năm quả ấn vàng ghi các chữ:

Thảo Tội An Dân Chi Bảo. Ấn này dùng vào việc trừng phạt kẻ có tội để dân chúng được yên ổn. Đã bị thất lạc.

Sắc Chính Vạn Dân Chi Bảo. Ấn dùng răn cấm nhân dân. Hình vuông, núm cầm đúc hình rồng năm móng ngậm ngọc, cao 9,26cm, cạnh 11,6 cm, dày 1,28 cm.



Sắc Chính vạn dân chi bảo (mặt ấn)




Sắc Chính vạn dân chi bảo

Quốc Gia Tín Bảo. Ấn dùng đóng vào các văn kiện hành chính quan trọng, tuyên triệu tướng sĩ. Hình vuông, núm cầm đúc hình rồng năm móng ngậm ngọc cao 9,5cm, cạnh 10,7cm, dày 1,65cm.




Chế Cáo Chi Bảo: Dùng đóng vào chiếu sắc sai phái, thăng thưởng văn võ đại thần. Hình vuông, núm cầm đúc hình rồng năm móng ngậm ngọc, cao 8,97 cm, cạnh 11,68 cm, dày 1,60 cm.




Mệnh Đức Chi Bảo. Ấn dùng vao sắc mệnh phong tặng các hoàng thân, đại thần có công lớn với nước. Hình vuông, núm cầm đúc hình rồng năm móng ngậm ngọc, cao 9,32cm, cạnh 13,45 cm, dày 1,81cm.






3. Mùa xuân năm Mậu Tý (1828) vua Minh Mạng truyền dụ: "Trẫm kính nối ngôi báu gặp lúc thái bình, chỉ mong muốn làm sáng tỏ phép cũ để lại cho con cháu đời sau", đã sai lấy vàng để đúc ấn:

- Hoàng Đế Tôn Thân Chi Bảo. Dùng đóng các văn bản kính dâng tôn thụy hiệu các tiên đế, tiên hậu. Ấn hình vuông, hai cấp, núm cầm đúc hình rồng năm móng nhìn thẳng. Cao 11,1 cm, cạnh 13,77 cm, dày 2,08 cm. Nặng 234,43 lượng vàng tốt.




Sắc Mệnh Chi Bảo. Dùng đóng vào các cáo sắc phong tặng các vị thần linh trong nước cùng văn võ đại thần triều đình. Ấn hình vuông, hai cấp, núm cầm đúc hình rồng năm móng ngồi nhìn thẳng. Cao 11 cm, nặng 14 cm, dày 2,5 cm, nặng 234, 43 lượng vàng tốt.

Đại Nam Thiên Tử Chi Tỉ. Năm 1839 sau khi đổi quốc hiệu thành Đại Nam có người dâng viên ngọc vuông cao 10,5 cm, cạnh 12,4cm, dày 5,3 cm. Núm ấn chạm hai rồng đấu lưng. Ấn này dùng để đóng trên sắc thư ban cho người nước ngoài hoặc khi vua đi tuần thú ở các địa phương.




4. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) gặp tiết Vạn Thọ có người dâng một viên ngọc quý rất lớn, vua cho khắc thành quả ấn ghi:

Đại Nam Thụ Thiên Vĩnh Mệnh Truyền Quốc Tỉ (Ấn truyền quốc của nước Đại Nam chịu mệnh trời lâu dài).





Khắc ấn xong vua rất vui mừng, truyền bảo với nội các: "Quả ấn này có vẻ đẹp rực rỡ, nay khắc xong lại gặp lễ mừng sinh nhật của ta. Việc đánh dẹp phía Tây (Cao Miên) đã chiến thắng kéo quân trở về. Nhờ trời đất tổ tông giúp cho nước nhà ta, cái phúc thiêng liêng lâu dài báo điềm ở đấy. Vả lại báu của nước rất quý trọng, lúc bắt đầu chế tạo chính ta mật cáo với trời đất. Đến khi làm xong lại kính cáo tôn miếu chứng giám. Vậy sai quan Thái sử chọn ngày lành, bộ Lễ tra xét điển lệ để tâu trình".

Ấn hình vuông, hai cấp, núm cầm khắc rồng mây, cao 14,5 cm, cạnh 13 cm, dày 4,25 cm. Đây là ấn ngọc lớn và quý nhất của triều Nguyễn dùng đóng trên sắc mệnh ban cấp cho các chư hầu hoặc những việc trọng đại của triều đình. Được tôn quý như cái ấn vàng truyền quốc của Minh Vương Nguyễn Phước Chu truyền lại.

Tham khảo:


Đại Nam thục lục tiền biên; Đai Nam thực lục chính biên đệ I,II,III kỷ; Hình ảnh trích nguồn sách "Kim Ngọc Bảo Tỉ" của bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Hà Nội 2009.

(Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần)