Dân Cả Quậy tưng bừng mở hội Cổ Loa
18:04' 12/02/2008 (GMT+7)


- Sáng 12/2, hàng ngàn du khách và dân sở tại đã trống giong cở mở đổ dồn về khu di tích Cổ Loa để nhớ về vị vua đầu tiên xây thành chống giặc và huyền thoại tình yêu giếng Ngọc Mỵ Châu...





Đúng 9 giờ sáng, đoàn rước của 9 xã (Cổ Loa, Văn Thượng, Mạch Tràng, Sàn Dã, Ngoại Sắt, Đài Bi, Cầu Cả, Thư Cưu và xã Liên Hà cũng được gọi là anh cả Quậy) đã tề tựu đông đủ trước sân Đền Thượng - trung tâm Loa Thành để làm lễ dâng hương nhằm tưởng nhớ vị Vua đã có công xây thành, đắp lũy chống giặc ngoại xâm.
Câu chuyện xây thành Cổ Loa với những vòng thành như vỏ ốc (loa: ốc) hoặc nỏ thần Kim Quy tại địa danh này đã được các nhà khảo cổ dần vén bức màn bí ẩn. Dấu vết các vòng thành cổ, những mũi tên đồng, dấu vết lò đúc đồng v.v.. đã có rất nhiều hiện vật được trưng bày nhằm giới thiệu với quan khách quốc tế cũng như những nhà nghiên cứu, nhưng huyền thoại giếng Ngọc Mỵ Châu thì bao lâu nay vẫn chỉ là huyền thoại. Các nhà văn hóa chỉ có thể đưa ra kết luận xơ cứng như: Tình yêu lầm lẫn của nàng Mỵ Châu đã dẫn đến câu chuyện mất nước: Tôi nhớ ngày xưa chuyện Mỵ Châu / Trái tim lầm chỗ để trên đầu / Nỏ thần vô ý trao tay giặc / Đến nỗi cơ đồ đắm biển sâu.






Như vậy, lễ hội Cổ Loa có vẻ như một bài học cảnh tỉnh cần phải nhắc đi nhắc lại mỗi năm một lần để mọi người dân Việt phải ghi lòng tạc dạ chuyện an nguy của nước nhà bao giờ cũng phải đặt trên tình riêng, hạnh phúc cá nhân.
Nhưng ý nghĩa của huyền thoại giếng Ngọc Mỵ Châu có phải chỉ là bài học giản đơn như thế? Tại sao những viên ngọc trai nơi nàng Mỵ Châu gặp nạn nếu đem rửa nước giếng Ngọc nơi chàng Trọng Thủy trẫm mình lại trở nên trong hơn và phát sáng? Tình yêu có hóa giải được thù hận giữa con người với con người hoặc cao hơn, giữa các quốc gia? Chỉ nguyên mấy câu hỏi này thôi, huyền thoại giếng Ngọc Mỵ Châu cũng đã xứng đáng là một kiệt tác văn hóa của nhân loại.

Lễ hội Cổ Loa sẽ kéo dài đến 16 tháng giêng âm lịch.


Chủ tế dâng hương






Bô lão Làng Quậy làm lễ mật







Rước kiệu quanh Giếng Ngọc sau đó kiệu An Dương Vương được rước lên Đền Thượng; kiệu Mỵ Châu được rước về Đền Mỵ Châu





Đoàn rước vừa rước quanh Giếng Ngọc vừa tấu nhạc, múa sênh tiền, giáo cờ...




Cờ quạt rợp trời









Sau phần lễ, phần hội có rất nhiều trò chơi do Ban tổ chức hoặc do người dân tổ chức.

Lê Anh Dũng