Đi chợ Viềng, tiếc cảnh bán rủi, mua may
08:33' 14/02/2008 (GMT+7)

- Trời vừa nhập nhoạng, các ngả đường dẫn vào chợ Viềng Nam Trực và chợ Phủ đã kín xe đổ về từ trong Nam, ngoài Bắc. Trong các đền chùa, người chen người xì xụp khấn vái cầu may. Dưới sương lạnh, kẻ mua người bán nao nức ngã giá, trao tay lộc năm mới.


Chợ Viềng Nam Trực sáng đèn từ 18h mùng 7 Tết Mậu Tý. Ảnh: Q.H

Đường đến hẹn lại tắc

Hầu hết khách hành hương ngoại tỉnh đều chọn điểm đến đầu tiên là chợ Viềng Vụ Bản (còn gọi là chợ Phủ, do họp bên quần thể Phủ Dầy) để cầu may nơi Mẫu Liễu Hạnh - 1 trong Tứ Bất tử ở Việt Nam.

Để đi lễ và chơi chợ đúng giữa đêm - thời điểm được coi là linh thiêng nhất, giờ khởi hành thường được chọn lúc cuối ngày. Do vậy, năm nào cũng thế, khi bóng tối vừa buông, cũng là lúc mọi ngả đường dẫn vào chợ tắc cứng.

Riêng năm nay, theo ông Bình - một chủ quầy thịt bò ở thị trấn Gôi (huyện Vụ Bản, Nam Định), chưa năm nào đường vào chợ lại tắc sớm và xa đến thế; lượng khách ngoại tỉnh đổ về lễ bái và mua bán đông chưa từng có. Ông Bình cho biết, từ 6h tối mùng 7 Tết, đoạn đường 10km từ nhà ông vào đền Ông Khổng (điểm bắt đầu của chợ Viềng Vụ Bản, thờ ông tổ nghề đúc đồng Khổng Minh Không) đã ken đặc xe biển số Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định Thanh Hoá, Ninh Bình, Nghệ An... Sau đó khoảng 1 giờ, đoạn đường dài khoảng 5 km từ ngôi đền này đến phủ Chính tắc hoàn toàn; tất cả khách hành hương phải xuống xe cuốc bộ.


18h, đường vào chợ còn thông. 19h, ô tô 4 chỗ cũng mất 2 giờ mới ra khỏi chợ. Ảnh: Q.H



Tại chợ Viềng Nam Trực, từ 1h sáng mùng 8 Tết, xe 4 chỗ phải mất 2 giờ mới thoát ra ngoài (đoạn đường chỉ 1km), do lượng xe vào quá đông.

Khách hành hương đông, các quầy bê thui - đặc sản chợ Viềng Nam Định cũng tăng gấp đôi năm ngoái, bày hàng kín 2 bên đường vào chợ, dài 5 - 10 km), vẫn bán không kịp thở. Nhà ông Bình, chỉ từ 17h đến 24h đêm mùng 7 Tết đã thui 3 con bê, xẻ bán gần 8 tạ thịt.

Tín ngưỡng "vô thức"

Tiếng là đi chợ Viềng, nhưng việc đầu tiên tất cả khách hành hương thực hiện là vào tất cả các đền, chùa, phủ để thắp hương cầu may trong năm mới. Tuy nhiên, hầu hết xì xụp khấn vái và không biết mình đang lạy ai.

Tại đền Thôn Từ (đường vào chợ Viềng Nam Trực, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực), nơi thờ Ngọc Hoa Công Chúa, 100% trong số gần 80 người PV VietNamNet hỏi không biết lịch sử ngôi đền cùng câu chuyện về vị thánh ngự nơi đây - người con gái từng lập công lớn trong lịch sử chống giặc ngoại xâm dưới triều Lý.



Người tìm hiểu lịch sử chốn cầu may thì ít, kẻ đứng ngắm thịt "lộc may" thì nhiều. Ảnh: Q.H

Cách đó không xa, ở Chùa Đại Bi, khách hành hương cũng nườm nượp thắp nhang, đốt vàng mã, nhưng ít người hay, ngoài chư phật 10 phương, chùa được dựng lên để thờ Đạo Hạnh Thiền Sư - một trong 3 vị thánh tổ triều Lý. Hầu như không ai để ý kiến trúc cổ tuyệt đẹp của một trong không nhiều ngôi chùa gần 1000 năm tuổi còn tồn tại ở Việt Nam này (chùa xây năm 1037).

Buồn hơn, từ tháp chuông cổ thâm nghiêm, liên tục vang lên những tiếng chuông nhanh, chát chúa. Từng đoàn người chen lấn trên chiếc cầu thang gỗ rộng chừng 0,5m, la ó tranh chỗ, để quay lưng vào ban thờ Quán Thế Âm Bồ Tát (tượng nhỏ, ban thờ khiêm tốn trong một góc tháp chuông chật hẹp), nện 3 nhát búa thật lớn vào chuông chùa, ngõ hầu đức phật từ bi nghe thấu mọi lời cầu xin và độ cho thành hiện thực.

Chắp tay cầu khấn phúc lộc thọ cho riêng gia đình mình tại chốn linh thiêng, ít ai nghĩ đến việc xin nước giàu, dân mạnh, nhà nhà no đủ, bình yên.


Tiệc thịt nướng ngoài trời dần trở thành "mốt chơi" chợ Viềng, nhất là trong tiết trời lạnh giá như năm nay. Ảnh: Q.H

Ngoảnh đầu tiếc nhớ chợ xưa

Theo nhiều cụ cao tuổi ở Nam Định, tỉnh này có 4 chợ Viềng, đều họp từ đêm mùng 7 đến hết ngày 8 Tết hàng năm, gồm chợ Viềng Nam Trực (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), chợ Viềng Vụ Bản (bên quần thể Phủ Dầy), chợ Viềng Liễu Đề ( họp ở khu vực đền thờ Triệu Quang Phục, huyện Nghĩa Hưng) và chợ Viềng Mỹ Lộc (họp cạnh đền Trần).

Tuy nhiên, ngày nay, chỉ chợ Nam Trực và chợ Phủ còn "thịnh" với khách ngoại tỉnh; hai chợ còn lại chủ yếu mở cửa đón dân địa phương.


Thịt bê thui bán không kịp thở, đồ đồng, đồ sứ cổ đôi ba người hỏi thăm. Ảnh: Q.H

Sở dĩ chỉ có hai chợ "đắt khách", theo các cụ, là do quan niệm tín ngưỡng của dân thời nay đã thay đổi. Người người cho đi chợ Viềng chủ yếu để cúng bái cầu may; việc mua may - bán rủi qua mua - bán vật dụng là phụ, có cũng được, không có cũng chẳng sao. Người bán không còn sợ "dông" vì ế, cứ thoải mái nói thách, người mua cũng chẳng hề kiêng đi chợ về tay không. Ít người tin rằng phải mua cho được một món đồ ngay trong những phút đầu tiên khai chợ vào ngày mùng 8 Tết.

Nhất là giới trẻ; sau khi thắp nhang, góp công đức tại các đền chùa, thường không vào chợ nữa. Đa số đốt lửa trại hoặc mở tiệc trong các nhà hàng, rồi tiện thể mua miếng bê thui dọc đường - lộc "may" được cho là gọn nhẹ và thực dụng nhất.


Cây cảnh vắng khách, nông cụ hầu như không ai ngó. Ảnh: Q.H

Một nguyên nhân nữa khiến chợ Viềng không còn thôi thúc người người bán mua, là do chợ đã mất nét hồn nhiên thuở xưa, khi mà đèn điện sáng quắc đã thay thế không gian tối như hũ nút của phiên chợ" âm phủ", người mua - kẻ bán phải soi đèn xem hàng, nhìn mặt nhau và đếm tiền. Và hàng hoá bình dân và mới cứng của "chợ hội" nhưng chẳng khác mấy một phiên chợ quê đã không còn đủ sức níu chân khách đa phần đời sống vật chất đã khá đủ đầy.

Vậy nên, đã xa rồi, "chợ Viềng năm có một phiên/ Cái nón em đội, cũng tiền anh mua"...

Quảng Hạnh