Bảo vệ biển đảo bằng vũ khí hiện đại nhất

Cập nhật lúc 00 PM, 01/10/2012

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn – Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục chính trị, cho biết chúng ta bảo vệ biển đảo bằng những vũ khí hiện đại bậc nhất thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị người Việt Nam tại nước ngoài lần 2 diễn ra tại TP HCM ngày 27 và 28/9/2012, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn – Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: "Chúng ta đã trang bị tàu hộ vệ tên lửa có khả năng bảo vệ cách bờ 200km trở lại, chúng ta cũng có những tên lửa có tầm bắn 600km, và cả những tên lửa nằm trong số những vũ khí hiện đại bậc nhất trên thế giới hiện nay. Chúng ta cũng mua sắm những máy bay đủ sức bảo vệ quần đảo Trường Sa cũng như Hoàng Sa".

Không để mất một đảo ngầm, đảo nổi nào

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhưng nhiều người băn khoăn nếu ta muốn hòa bình mà họ không chịu hòa bình thì sao? Trong trường hợp Trung Quốc âm mưu độc chiếm biển Đông bằng sức mạnh thì sao? Nhà nước, đặc biệt là quân đội đã chuẩn bị mọi phương án để đối phó với tình huống thấp nhất đến tình huống cao nhất. Bản thân các tướng lĩnh Trung Quốc nhận định, nếu đánh chiếm toàn bộ quần đảo Trường Sa chỉ mất khoảng 1 tuần, nhưng giữ được Trường Sa thì Trung Quốc khó có thể giữ được.



Bộ đội Tên lửa Phòng không tham gia các buổi bắn đạn thật, tiêu diệt mục tiêu.

"Có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau nhưng chúng ta đều thống nhất tổ quốc Việt Nam là một, chủ quyền của Việt Nam là bất khả xâm phạm. Những năm gần đây, chúng ta không để mất bất kỳ một đảo ngầm, một đảo nổi, một nhà giàn nào của Việt Nam", Thiếu tướng khẳng định.
Cũng theo Thiếu tướng, chúng ta có thể khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, bởi thực tế chúng ta là những người đầu tiên khai phá, khi chưa có nước nào đặt chân khẳng định quần đảo đó, vùng biển đó. Cho nên chúng ta nói chúng ta có cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định đó là của Việt Nam.

Cục trưởng Cục tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nêu rõ: Thế nhưng, năm 1956 nhân cơ hội Pháp rút khỏi Việt Nam để thực hiện hiệp định Genève, trong bối cảnh chưa đủ khả năng để quản lý các vùng biển đảo của Việt Nam, thì Trung Quốc nhân cơ hội đã đánh chiếm cụm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Đến 1974, cùng sự thỏa hiệp của Mỹ, Trung Quốc đã đánh chiếm toàn bộ cụm đảo phía Tây của Hoàng Sa.
Đối với quần đảo Trường Sa, chúng ta khẳng định chúng ta là nước đầu tiên làm chủ nguyên một vùng biển đảo rộng lớn, tuy nhiên, với lực lượng hải quân nhỏ bé, và điều kiện phát triển chưa cao, chúng ta chỉ làm chủ ở một số đảo. Năm 1971 Philippines đã lấn chiếm và làm chủ 5 đảo thuộc phía Đông của quần đảo Trường Sa (gần Philippines), đến 1973, họ lấn chiếm tiếp hai đảo ở phía Bắc.


Với Malaysia, cho đến năm 1979 họ đã lấn chiếm và làm chủ 7 biển đảo ở phía Nam quần đảo Trường Sa. Năm 1988, nhân cơ hội đất nước ta đang gặp nhiều khó khăn, phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, Trung Quốc đã tiến hành đánh chiếm 7 bãi đá ngầm của Việt Nam ở Trường Sa. Cho đến 1995, họ cưỡng chiếm tiếp 2 điểm do Philippines quản lý trên quần đảo Trường Sa.

Giữ vững, bảo vệ vững chắc chủ quyền

Nhắc lại vấn đề này để nói rằng, trong quá trình phát triển của đất nước, chúng ta liên tục cố gắng bằng mọi khả năng để bảo vệ chủ quyền trong điều kiện nhất định. Từ đó đến nay, chúng ta đã giữ được nguyên hiện trạng, bảo vệ vững chắc những gì chúng ta có. Đặc biệt là vùng biển theo Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.



"Quân đội đã chuẩn bị mọi phương án để đối phó với tình huống thấp nhất đến tình huống cao nhất".

Về thềm lục địa của Việt Nam, chúng ta đã cố gắng bảo vệ không cho ai đặt nhà giàn, đặt giàn khoan, trụ thăm dò trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, thuộc chủ quyền, quyền tài phán trên biển của Việt Nam. Mọi người cần tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của nhà nước, chúng ta đã giữ vững và bảo vệ vững chắc cái chúng ta có.