Chính sự thầm hứa nguyện -rằng đau khổ của chính tôi sẽ chấm dứt -trước đã thúc dục tôi tìm đến sự tu tập thiền quán. Là một người đàn bà, một người mẹ, một người nội trợ, Dipa Ma đã chỉ rõ con đường Thánh đạo của Ðức Phật đang mở rộng cho tất cả mọi người, và mục tiêu vĩ đại được giải thoát ngay trong cuộc đời nầy.

1.Bài Một: Chọn một cách thực tập thiền quán và đeo theo cách ấy mãi.

"Nếu bạn muốn có tiến bộ về thiền quán, phải kiên trì giữ theo một kỹ thuật duy nhứt mãi."

Ðối với những người mới bắt đầu theo con đường tu tập tâm linh, Dipa Ma khư khư bảo phải trung thành tuân theo một kỹ thuật về thiền quán đã chọn. Ðừng bỏ cuộc, và đừng nhảy từ kỹ thuật nầy sang kỹ thuật khác. Hãy chọn một kỹ thuật hợp với bạn và theo đuổi mãi cho đến khi bạn thấy được "bờ ranh", tức là tại nơi điểm mà các khó khăn bắt đầu nổi dậy.

Thật ra, các sự khó khăn gặp phải, thường thường là một triệu chứng đáng tin cậy rằng sự thực tập đang được trôi chảy.

Hãy suy nghĩ thật chín chắn, cặn kẽ, . Nên cứ đeo đuổi mãi một lối tu tập mà bạn đã chọn, , xuyên qua thời kỳ đen tối, ánh bình minh trí huệ sẽ lố dạng.

2. Bài Hai: Phải ngồi thiền mỗi ngày.

"Phải tập ngay bây giờ. Ðừng tưởng bạn sẽ làm nhiều hơn về sau".

Dipa Ma kiên quyết tuyên bố rằng, nếu bạn muốn được an lạc, bạn phải tu tập đều đặn. Bà nhấn mạnh là các thiền sanh phải tìm ra thời giờ để tu tập mỗi ngày, ngay cả khi chỉ có được năm phút thôi."

Ngoài việc tọa thiền chánh thức, ngồi trên toạ cụ, Dipa Ma còn thúc dục các thiền sanh của bà phải dùng tất cả mọi thời, mọi lúc trong cuộc sống để tập thiền quán. Nhiều thiền sanh rất bận rộn, thấy rất khó mà để riêng ra một chút thời giờ nào cả.. Nhưng Dipa Ma chẳng muốn nghe như thế, bà cứ bảo, "Nếu bạn bận rộn đấy, cứ lấy ngay sự bận rộn đó để thiền quán." Bà dạy tiếp, "Khi bạn đang làm toán, hãy nhận biết rằng bạn đang làm toán.

Ðối với Dipa Ma, sự tỉnh thức chẳng phải là điều mà bà cố tạo nên, mà sự tỉnh thức chính là bà, bà đang như thế ấy -- trong tất cả mọi thời, mọi lúc. Thái độ tốt nhứt để tập thiền, theo ý bà, là lòng tin cậy và thiện chí. Khi tâm trí bạn đi vẩn vơ, chỉ cần bắt đầu tập lại lần nữa. Dipa Ma bảo rõ rằng, chẳng có điều gì hỏng khi gặp nhiều lúc thiếu tỉnh thức. "Sự thiếu tỉnh thức thường xảy ra cho mọi người. Ðó chẳng phải là một vấn đề khó khăn thường trực".

3. Bài Ba: Xử dụng mọi trường hợp.

"Mỗi người chúng ta đều có năng lực vĩ đại. Hãy dùng năng lực đó để tự cứu mình và giúp đỡ kẻ khác".

Ðức Phật Thích ca đã rời vợ và con để lên đường tìm sự giác ngộ. Nhưng Dipa Ma, vì hoàn cảnh bó buộc, đã tự tìm ra con đường giải thoát cho mình, ngay trong khung cảnh gia đình, làm mẹ và nội trợ. Thông điệp của bà gởi đến cho tất cả phụ nữ ở khắp nơi là, "Bạn chẳng cần phải rời khỏi gia đình bạn mới có thể đạt đến được các chứng đắc nội tâm và trí huệ cao tột. Bạn có thể vừa là vợ, là mẹ, lại vừa theo đuổi con đường đạo pháp được".


"Trên thế gian nầy, chẳng có bất cứ sự vật gì mà ta nên bám níu lấy," Dipa Ma dạy, "nhưng ta có thể tìm lấy chỗ hữu dụng của mọi sự vật trên thế gian. Cuộc sống chẳng phải là để chối bỏ đi. Ðời sống có mặt ở đó. Và trong bao lâu mà đời sống vẫn còn đấy và chúng ta còn ở đây, chúng ta có thể đem nó ra xử dụng một cách thật tốt đẹp nhứt."

Dipa Ma chẳng hề mê luyến một vị sư phụ đặc biệt nào, hoặc một điạ điểm nào, hay một lối sống nào cả. Toàn thể thế giới là tu viện của bà.

4. Bài Bốn: Tập nhẫn nhục.

"Nhẫn nhục là đức tánh quan trong nhứt để phát triển tỉnh giác và định lực."

Nhẫn nhục được tôi luyện bằng cách luôn luôn đối đầu với "bờ ranh"(dịch gượng chữ the edge). Nếu bạn kiên trì theo cách tu tập thiền định, chẳng thể nào bạn tránh khỏi được những lúc mà các sự khó khăn nổi lên. Trong những trạng huống đầy thách thức nhứt, chỉ cần giản dị biết mình có mặt ở đấy, có thể đây là điều duy nhứt có thể làm được -và như thế kể cũng đã đủ rồi.

Sự nhẫn nhục cần được thực tập suốt đời mình, cần được phát huy và tinh luyện qua thời gian. Theo Dipa Ma, sự nhẫn nhục rất cần thiết cho sự trưởng thành của tâm trí và do đó là một đức tánh quan trọng nhứt cần được vun bồi.

5. Bài Năm: Hãy giải thoát tâm của bạn.

"Tâm của bạn còn đầy vọng tưởng"

Dipa Ma chẳng có nói rằng trong tâm có đầy các câu chuyện, mà bà bảo rằng tâm chẳng là gì khác hơn là những câu chuyện. Chúng là những bi hài kịch riêng tư của mỗi người đã tạo nên và gìn giữ mãi một ý nghĩa về tự ngã, "một lý lịch cá nhơn": chúng ta là ai, chúng ta làm gì, những gì chúng ta làm được và làm chẳng nổi. Nếu chúng ta còn chưa ý thức được việc đó, thì những chuỗi dài vô tận của những tư tưởng như thế sẽ lôi kéo chúng ta mãi và hạn chế cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, các vọng tưởng đó đều chẳng có thực chất.

Dipa Ma thường thách đố sự tin tưởng của các học viên của bà vào các mẩu chuyện của họ, sự luyến ái vào chúng. Khi có ai đó nói rằng, "Tôi chẳng thể làm nổi việc đó", bà liền hỏi ngược lại, "Bạn có chắc như thế không?", hay "Ai bảo thế?", hoặc "Tại sao lại không chớ?". Bà luôn khuyến khích các học viên nên quán sát các mẩu chuyện tư, các vọng tưởng đó, để nhận ra sự rỗng tuếch của chúng, để rồi vượt thoát qua khỏi những hạn chế mà chúng đã áp đặt lên họ. "Hãy dẹp bỏ việc suy nghĩ đi", bà thường thúc dục, "Thiền quán đâu phải là suy tưởng."

Ðồng thời, Dipa Ma dạy rằng, tâm trí chẳng phải là một kẻ thù mà mình cần gạt bỏ đi.

6. Bài Sáu: Hãy dập tắt ngọn lửa tình cảm.

"Sân hận là ngọn lửa".

"Trong đời sống hằng ngày, có rất nhiều chuyện xảy ra chẳng vừa ý mình," Dipa Ma nói, "Ðôi khi, tôi thể nghiệm một sự bực bội, nhưng tâm tôi lại vẫn mát mẻ. Bực bội đến rồi lại qua đi. Tâm tôi chẳng bị khuấy rối vì bực bội. Sân hận là ngọn lửa. Nhưng tôi chẳng cảm thấy nóng chút nào. Nó đến rồi nó tắt lịm đi". Tôi rất phấn khởi trước tấm gương của Dipa Ma, nhưng tôi thường tự hỏi, còn có một vài trường hợp mà sự tức giận dường như cũng thích hợp chăng? Trong một vài hoàn cảnh đặc biệt nào đó, sự sân hận có đáng được xem ít nhứt là chánh đáng chăng? Ðối với Dipa Ma, câu trả lời giản dị cho sự thắc mắc đó là không, sự sân hận chẳng bao giờ tự biện minh chánh đáng được.

7. Bài Bảy: Hãy cứ vui hưởng lạc thú ở dọc đường.

"Tôi rất vui sướng. Nếu bạn đến tập thiền, bạn cũng sẽ vui sướng."

Jack Engler hỏi Dipa Ma, chỗ nào vui thích trong Phật giáo. "Mọi điều đều có vẻ quá u buồn", ông ta nói, "Phải dẹp bỏ đam mê, phải diệt trừ giận hờn, phải quét sạch ham muốn. Trông như một cuộc sống buồn bã, xám xịt. Còn ở đâu là mật ngọt?"

Dipa Ma bật cười to: "Ồ, bạn còn chẳng hiểu! Ðời sống bình thường ngày qua ngày cứ diễn ra giống nhau buồn tẻ lắm. Mọi việc chúng ta kinh nghiệm qua đều được nhìn dưới cùng một màu kiếng. Một khi tham lam, hờn giận và si mê đã được bỏ đi rồi, trong mọi thời, nhìn lại mọi sự vật ta thấy chúng tươi tắn và mới mẻ hơn. Mỗi phút giây là một khoảnh khắc mới. Ðời sống tẻ nhạt trước kia, nay ngày ngày, mọi lúc đều mang đầy ý nhị và thú vị".

8. Bài Tám: Giản dị hóa.

"Hãy sống cuộc đời bình dị. Một đời sống giản dị bao giờ cũng tốt cho mọi sự. Quá nhiều xa hoa làm chướng ngại cho sự tu tập."

Về mọi phương diện, Dipa Ma sống trong sự giản dị đến mức tối đa. Bà ít chịu giao tế hội hè bè bạn. Bà chẳng hề tham gia vào các cuộc nói chuyện chẳng cần thiết. Kim chỉ nam của bà và cho các học viên của bà là sống sống ngay thật và chẳng bao giờ quở trách kẻ khác.

Thường thường Dipa Ma giản dị nghỉ ngơi trong im lặng. Bà thường bảo: "Mỗi khi tôi có được thời gian riêng một mình, tôi thường quay tâm hướng vào bên trong". Bà chẳng bao giờ dành thời giờ cho một việc mà bà nghĩ chẳng cần thiết cho đời bà.

9. Bài Chín: Vun bồi tinh thần chúc phước lành.

"Nếu bạn chúc lành cho người chung quanh bạn, bạn sẽ được thêm sự chú tâm vào mọi phút giây".

Dipa Ma khiến cho đời bà trở thành một sự cầu chúc phước lành liên tục. Bà chúc phước lành đến mọi người. Bà chúc lành họ, từ đỉnh đầu xuống ngón chơn, thổi nhẹ hơi vào họ, tụng đọc kinh bên tai họ, vuốt tóc họ.

Dipa Ma khuyến khích một học viên vừa là phi công hàng không, nên rải tâm từ bi và chúc phước lành đến các hành khách và bạn đồng nghiệp, khi anh nầy đang lái phi cơ. Bà nói điều nầy sẽ làm cho anh phi công trở nên tỉnh táo hơn, đồng thời khiến mọi người cũng được vui sướng.

Thực hành sự chúc phước cả ngày như thế có thể khiến cho sự tầm thường trở thành điều đặc biệt. Ðó là một lối tiếp thọ ân sủng phút nầy sang phút khác. Ðó là một lối nói lời tạ ân, chẳng phải chỉ vào lúc trước bữa ăn, mà còn trọn cả ngày, đối với mọi việc mình làm.

10. Bài Mười: Một hành trình theo vòng tròn.

"Thiền quán thành toàn nhơn cách con người."

Vị thầy và cũng là bạn của tôi là Matthew Flickstein, có một lần nói với tôi rằng: "Chị Amy nầy, chị biết không, chị chẳng bước tới gần chơn lý hơn chút nào so với lúc chị bắt đầu tập thiền quán, mười tám năm về trước."

Sự sửng sốt hoảng hốt của tôi thật rất hiển nhiên.

"Chị chẳng đến gần chơn lý hơn", ông nói tiếp, "bởi vì chị chính là chơn lý".

Các người Phật tử thường nói một cách ẩn dụ "rời khỏi thế gian" và "trở lại thế gian" (xuất thế và nhập thế), nhưng sự thật thì chẳng lìa thế gian cũng chẳng có quay về với thế gian. Chúng ta chẳng thể lìa hay trở lại với bản thể của chúng ta, với cái chơn lý căn để của thân mạng chúng ta, bởi vì bản thể đó ở ngay tại đây, nhưng chỉ bị che mờ bởi một màn mỏng của sự si mê. Bạn chẳng cần phải khám phá tìm ra nó, đúng lý là bạn phải để nó hiển lộ ra, vẹt khỏi lớp mây mờ đang bao quanh bạn. Nhìn thẳng vào bản thể chơn thật của bạn có nghĩa là nhận định được rõ ràng rằng bạn được liên kết thật chặt chẽ với mọi người chung quanh bạn, với mọi sanh vật đang có mạng sống, rằng bạn, thật vậy, có trách nhiệm trong mọi việc đang xảy ra trên thế gian nầy.

Sự đẹp đẽ của hành trình tâm linh là con đường đạo pháp đó đã đưa chúng ta, một cách chẳng hề đổi thay, đến nơi vòng quanh trở lại điểm khởi hành.

* Tôi phải tập Thiền Minh Sát như thế nào?

* Ngồi thẳng lưng. Nhắm mắt lại và theo dõi sự phồng lên và sự xẹp xuống của bụng, trong khi bạn đang thở. Hãy cảm nhận hơi thở. Khi theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra, hãy tự hỏi, "Hơi thở chạm vào chỗ nào? "Phải đặt tâm ý vào chỗ chạm đó mà thôi. Bạn chẳng phải làm gì với hơi thở, mà chỉ cảm thấy nơi hơi thở chạm. Nếu hơi thở nặng nề, cứ để nó nặng nề. Nếu hơi thở ngắn, cứ dể nó ngắn. Nếu nó tế nhị, cứ để nó tế nhị. Chỉ cần cảm nhận nó thôi".

Khi tâm ý bạn đi vẩn vơ, hãy để ý đến việc đó và tự nói với bạn, "Suy nghĩ ", rồi trở lại với sự phồng lên và xẹp xuống của hơi thở. Nếu bạn cảm thấy có một cảm giác ở chỗ nào khác, thí dụ như nhức ở chơn, thì liền đưa tâm ý bạn đến chỗ nhức và ghi nhận, "Nhức". Khi cơn nhức bớt dần hoặc hết nhức, thì bạn lại quay lại theo dõi chỗ chạm của hơi thở. Nếu có sự xao động đến, ghi nhận rằng "Xao động".

Nếu bạn nghe một tiếng động, hãy tự nói với bạn, "Nghe, Nghe", rồi cũng trở lại với cảm giác về hơi thở. Nếu nhớ đến việc gì, thì hãy ghi nhận "Nhớ". Bất cứ việc gì bạn thấy, bất cứ sự gì đến trong tâm, chỉ cần biết đến sự việc đó. Nếu bạn thấy có hình ảnh hay ánh sáng, chỉ cần ghi nhận "Thấy" hoặc "Ánh sáng". Chẳng cần giữ chúng lại, hay bắt chúng ở lại. Chỉ cần quan sát chúng mà thôi.

Trong Thiền Minh sát bạn phải quan sát sự phồng lên và xẹp xuống của hơi thở và các hiện tượng khởi lên trong tâm và trên thân. Do đó, có việc dời tâm đi từ các cảm giác đã nhận, cảm giác thích thú, hay đau đớn, đến các ý tưởng khác nữa. Bất cứ có điều gì đang xảy ra, cũng đều được ghi nhận, rồi điều ấy qua đi, và có điều khác lại đến. Theo cách đó, sự tu tập Thiền Minh sát là một phương pháp quan sát. Tất cả sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; tâm ý là căn thứ sáu) sẽ khởi lên. Bạn chỉ cần quan sát khi chúng khởi lên, rồi chúng lại qua đi, thì bạn liền trở về với cảm giác nơi hơi thở. Bất cứ điều gì bạn thấy, bất cứ điều gì khởi lên trong tâm, bạn chỉ cần biết rõ nó, ý thức được nó, mà thôi.

*Tôi phải làm gì khi bị ngủ gục trong lúc ngồi thiền?

*Ngủ gục chẳng hại gì cả. Các thiền giả cũng ngủ như thế, gọi là "thiền miên" (giấc ngủ thiền). Ðiều đó thường xảy ra. Ðừng lo ngại về điều đó. Khi tôi mới bắt đầu thiền quán, tôi thường khóc luôn, bởi vì tôi muốn nỗ lực theo đúng các lời chỉ dạy một cách thật nhiệt tâm, nhưng tôi chẳng thể làm được, bởi tôi buồn ngủ quá. Tôi cũng chẳng đứng thẳng lên và đi thiền hành cho đàng hoàng, vì tôi buồn ngủ quá. Trước kia, trong năm năm, tôi đã cố gắng để ngủ mà chẳng ngủ được. Và nay, ở đây, tôi đang cố gắng để tập thiền, thì sự buồn ngủ lại cản trở tôi. Tôi đã tận dụng tất cả năng lực của tôi để xua đuổi cơn buồn ngủ, nhưng tôi chẳng thể làm được thế. Rồi một hôm, đùng một cái, tôi đạt đến trạng thái mà sự buồn ngủ biến đi đâu mất; và rồi cơn buồn ngủ cũng chẳng đến với tôi, ngay cả khi tôi ngồi thiền hằng mấy giờ.

*Nếu chẳng có linh hồn, thì ai thấy, nghe, và biết?

*Trí huệ.

*Phải làm gì khi năng lực và cố gắng xưống thấp?

*Ðôi khi năng lực xuống thấp, có lúc nó lại lên cao. Ðôi khi sự cố gắng tụt xuống, có lúc nó lại trồi lên cao. Nhưng bạn chỉ cần ghi nhận trong tâm bạn rằng "năng lực thấp, cố gắng thấp". Nếu bạn ghi nhận nó khi nó đang thấp, tự nó tự nhiên điều chỉnh lại. Biết rõ mức "năng lực thấp", "năng lực cao" cho đến khi nào một năng lực trung bình hiện thấy ra. Ðiều nầy cần được làm một cách êm thắm, từ từ, và dịu dàng. Năng lực và cố gắng được điều chỉnh đúng mức khi ta ghi nhận chúng. Ta chẳng nên trở thành nạn nhơn của các năng lực.

- Bà làm cách nào để thương mà đồng thời chẳng luyến ái?

- Một thí dụ thật giản dị là nước. Chẳng luyến ái có nghĩa là bạn trôi trên mặt nước. Bạn chẳng lặn sạu dưới nước. Bạn thả mình trôi theo dòng mà chẳng chìm sâu xuống đáy nước.

- Ðôi khi tôi cảm thấy quá chán nản và muốn tự sát.

- Sự chán nản đến mức suy nhược và ý muốn tự sát là những căn bịnh tâm thần. Ðôi khi nó lại xảy ra cả cho những thiền giả đã tu chứng thật cao nữa. Nên tập phát triển cho có được một viễn ảnh thật thực tiễn. Một mặt, bạn phải biết rõ hậu quả của việc tự sát: đó là một hành động chẳng cứu giúp bạn được gì trong nhiều kiếp sống liên tiếp; và mặt khác, hãy ráng nhớ, mạng sống con người là điều quí báu nhứt. Ðừng phung phí nó. Bạn nên gắng tập Thiền Minh sát và vui tươi lên.

- Trí năng có quan trọng lắm trong sự tiến bộ thiền quán không?

-Không, Tôi chẳng có chút trí năng nào cả. Và trước kia, tôi chẳng hề biết đến thiền quán hay là các trạng thái của tâm thức. Tôi chỉ có lòng tin thành khẩn nơi đạo pháp. Tôi cảm thấy chắc có điều gì dành cho tôi ở đấy. Với lòng tin ấy, tôi bắt đầu tu tập.

Lần lần tôi có thể cảm thấy chúng từ từ ra đi mất. Rồi sau đấy với sự thực tập thiền quán nhiều hơn, tôi phát triển được chút ít trí huệ, thì toàn bộ ưu não đều tiêu tán.

- Ai có thể dạy thiền quán được?

- Cần có hai điều về việc giảng dạy Giáo pháp. Một là kiến thức và sự sáng trí. Còn điều kia là sự chứng đắc được đạo quả thứ nhứt hay đạo quả thứ nhì trong sự giác ngộ. (Sau đây là lời của Jack Kornfield đã nói rộng ra, dựa theo câu trả lời của Dipa Ma). Các ba la mật (đức tánh toàn thiện) cần có đủ, để xứng làm một vị thầy dạy thiền, rất khác với các ba la mật cần có để tu tập thiền định. Cả hai loại khả năng rất khác nhau về căn bản. Vài người có tiềm năng rất rộng trong việc thiền quán và đời sống tâm linh, trong khi những kẻ khác lại có khả năng rất tế nhị để truyền thông và giảng dạy. Hai hạng người đó đâu phải bó buộc là cùng một hạng như nhau. Tuy nhiên để giảng dạy, điều đáng mong ước là họ có đủ cả hai đức tánh: kinh nghiệm tốt và thâm sâu về đời sống tâm linh và khả năng trao truyền các kinh nghiệm đó cho người khác.

- Ðiều gì tốt nhứt cần làm khi các dục vọng quá mạnh?

- Hãy quán tưởng và chiếu soi mạnh và trực tiếp vào các dục vọng. Hãy biết rằng chúng rất mạnh. Hãy cố gắng tìm hiểu chúng cho rõ ràng... Nhờ xuyên qua sự hiểu biết về các điều ham muốn của các giác quan khi các ham muốn đó vừa khởi lên, bạn có thể khắc phục được chúng. Bạn có thể sống trong cõi dục giới mà vẫn là một người Phật tử thuần thành, bởi vì bạn có thể đồng thời "xuất thế gian"được, với ý nghĩa là bạn chẳng để bị lôi kéo hay bị ràng buộc.

- Sự hiểu biết căn bản của bà về đời sống có thay đổi chăng?

- Lối tôi nhìn đời đã thay đổi rất nhiều. Trước kia, tôi bám níu vào mọi sự việc; tôi rất chiếm hữu, tôi đòi muốn muôn vật. Nhưng nay, tôi như đang trôi bồng bềnh, chẳng bị vướng bận gì. Tôi đang sống ở đây, nhưng tôi chẳng ham muốn vật gì, tôi chẳng mong chiếm hữu bất cứ vật gì. Tôi đang sống, thế thôi. Thế là đủ rồi.

- Tôi phải tập tâm từ bi như thế nào?

* a. Giai đoạn đầu là phải thương ngay chính mình, là bạn thân với chính mình. Bắt đầu rải tâm từ bi đến cho mình. Bạn có thể dùng các câu nguyện sau đây, hay các tâm ảnh, để soi đường cho bạn trong việc làm phát khởi và hướng dẫn tâm từ bi của bạn:

Nguyện tôi chẳng có kẻ thù.
Nguyện tôi chẳng vướng hiểm nguy.
Nguyện tôi chẳng âu lo
Nguyện thời thời tôi được thân an tâm lạc.

"Kẻ thù" có nghĩa là kẻ thù bên ngoài mà mình cũng làm kẻ thù cho chính mình nữa. Kẻ thù có thể thấy ở cảnh giới các cảm thọ, từ một chút bực bội cho đến sự sân hận mãnh liệt hoặc đối với mình hay đối với kẻ khác. Trong khi thầm niệm các câu trên, hãy nhìn vào trong tâm bạn thấy thật rõ ràng hình ảnh của chính bạn. Nếu chẳng thể dùng tâm nhãn như thế, thì cố nhớ lại bóng dáng bạn khi bạn soi gương. Nếu nhớ lại chẳng được hết, thì bạn cứ nhìn thẳng vào một bức ảnh còn mới của bạn cho đến khi nào bạn có thể thấy rõ bạn bằng mắt tâm.

Khi việc thực tập đã khá sâu, khi bạn cảm thấy bạn thật tình yêu chính bạn, khi bạn có thể lưu giữ vững trong tâm bạn hình ảnh rõ ràng của chính bạn, thời bấy giờ, nếu bạn muốn, hãy chuyển sang giai đoạn thứ hai, về cách rải tâm từ bi đến cho một người bạn lành.

b. Giai đoạn hai.

Dùng các câu nguyện cũ như trước, hướng tâm từ bi đến một người bạn lành hay đến vị thầy đã tỏ ra thân ái với bạn. Cũng như khi bạn đã rải tâm từ bi đến cho chính bạn, hãy nhìn lâu thật rõ hình ảnh của người thân trong tâm bạn và rải tâm từ bi đến cho người ấy:

Khi bạn cảm thấy rằng bạn thương người thân ấy cũng như bạn thương chính bạn vậy, hoặc khi bạn có lưu giữ tâm ảnh của người thân nơi tâm bạn thật lâu và thật rõ cùng với những câu cầu nguyện, thời nếu bạn muốn, bạn có thể chuyển sang giai đoạn thứ ba.

c. Giai đoạn ba.

Nhóm người kế tiếp để rải tâm từ bi được gọi là những người đang đau khổ -- bất cứ ai hoặc nhóm nào đang khổ sở. Trước đây, bạn lưu giữ vững trong tâm hình ảnh của mỗi một người, thì nay bạn hãy mở rộng nhãn quan để chiếu soi đến một nhóm đông người. Bắt đầu nhìn tâm ảnh của một nhóm người đang đau khổ. Rải tâm từ bi đến các người đó như bạn đã rải cho chính bạn và cho người thân:

Nếu có những hình ảnh của các nhóm khác tự động khởi lên trong tâm bạn, ví dụ như những bịnh nhơn trong nhà thương, hoặc các nạn nhơn chiến tranh, thời cũng tốt vậy, bạn cứ hướng tâm từ bi đến với họ, làm như thế là thiền quán theo một đường lối linh động với một dòng các hình ảnh di động.

Từ trên căn bản biết thương chính mình, bạn nhận ra rằng sự tự mình thương yêu mình chính là căn bản và chất nhiên liệu để nới rộng tình thương đến người khác. Vừa thương mình, bạn thương luôn người thân như thương chính bạn. Rồi bạn thương đến những người đang đau khổ, như bạn đã thương người thân của bạn, và thương người nầy cũng như bạn đã thương chính bạn.


* Ngập sâu trong ân sủng

Lời giáo huấn của một vị đại sư có thể mang nhiều hình thức. Một trong những lối giáo hoá mạnh mẽ nhứt và nhiệm mầu nhứt chính là sự thân giáo, phát xuất từ bản thân hiện diện của vị thầy. Như nhiều người đã xác nhận, chính lối sống bình dị, trong sáng và từ hoà của Dipa Ma trên thế gian nầy đã cống hiến một sự khuyến khích có sức mạnh thúc bách ta dấn bước trên con đường đạo pháp.

Ngay cả khi bà đã lìa đời rồi, nhiều người đệ tử vẫn còn tiếp tục thể nghiệm được sự hiện diện của bà. Jack Kornfield có nói, vào những giờ phút khó khăn lớn lao hoặc hứng khởi sâu đậm của ông, lòng ông xúc động vô cùng trước sự tỉnh giác cảm thông về anh linh của bà. Theo vị thiền sư Munindra, nghiệp lành của các bực đã giác ngộ, như Ðức Phật hoặc Dipa Ma, luôn luôn có sẵn đó cho chúng ta thừa tiếp vào công cuộc tu tập, nếu chúng ta biết tìm đến.

Dipa Ma cũng đã hoá hiện đến với những người chưa hề quen biết bà và những bản tường trình vẫn tiếp tục nói về sự hiện diện của bà, hơn cả chục năm sau khi bà mất. Ðối với các đệ tử, được thấy bà trong giấc mộng hay trong tâm ảnh hoặc cảm nhận sự có mặt của bà như tăng thêm năng lực, thường xảy ra trước khi họ đi vào tình trạng định lực thật thâm sâu. Một vị dạy về thiền quán, thường thể nghiệm được sự hiện diện của bà, có nói rằng, "Bạn có thể gọi đó là ân sủng. Dầu đó là gì gì đi chăng nữa, mỗi khi nó xuất hiện, tôi rất cảm tạ mối ân sâu đó."

Bà vẫn còn đang dạy tôi.

Giữa sự khổ đau, vẫn còn hiện hữu của ánh sáng. - Khi tôi đang đau khổ hay khi tôi gặp những thân chủ cũng đang đau đớn thật nhiều, (...) thì Dipa Ma "hiện lên". "Hiện lên" chẳng phải theo nghĩa bà thật sự có mặt tại nơi đây, nhưng còn hơn nữa, với đức độ của sự bà hiện diện giữa nơi khốn khổ triền miên. Bà đã hiện lên trong tâm tư tôi trong những trường hợp như thế.

Khi điều nầy xảy ra, sự quân bình nội tâm của tôi trở nên tốt đẹp hơn, và có sự gia tăng trong niềm từ bi. Bà đã hiện nhiều lần trong khi tôi đang (...) làm việc với một người cũng đang đau đớn dữ dội. Bà nhắc nhở tôi biết rằng, "Trong những giờ phút đen tối nhứt của sự khốn khổ, vẫn còn có sự hiện hữu của ánh sáng" - Roy Bonney

Sức mạnh thiền tập của tôi vẫn ở bên cạnh bạn. -

Luôn luôn có mặt - Bà như ánh ngọn nến của Chánh pháp luôn bùng cháy rạng rỡ trong tâm tôi. Bà luôn luôn hiện diện nơi tôi.

Khi bà còn sanh tiền và ngay cả bà đã khuất núi, sự có mặt của bà chẳng hề rời xa tôi. Lúc tôi tham thiền, món quà quí báu nhứt mà tôi tìm thấy chính là cảm nhận bà ngay trong nội tâm tôi. Tôi lắng nghe bà nói: "Bạn sẽ tìm thấy mọi lời giải đáp ngay từ bên trong bạn. Hãy tiếp tục lắng nghe" - Michelle Levey

Sự hướng dẫn của bà chẳng hề phai nhạt. - Bà đặt hai bàn tay bà lên ngay trên tim tôi và ngay phút ấy, sự đau đớn, nỗi ưu phiền, mọi thứ đều tan rã hết, và tôi cảm như đang được ngập tràn ánh sáng. Kinh nghiệm nầy tôi giữ mãi cho riêng tôi trong nhiều năm, nhiều nhiều năm mà chưa chia xẻ cùng một ai, bởi vì nó thật sâu xa, thật khó mà diễn tả lại được với kẻ khác.

Tôi vẫn có thái độ ngờ vực trong một thời gian thật lâu về câu bà nói, "Tôi sẽ luôn luôn ở cạnh bạn", nhưng sự hiện diện của bà đã củng cố và lưu lại rất lâu với tôi. Kể từ khi tôi bắt đầu toạ thiền đến nay đã mười tám năm, sự hướng dẫn của Dipa Ma chẳng bao giờ phai mờ cả.

Ngay trong giây phút đó, tôi chìm ngập trong ánh sáng và cả nỗi lo sợ vụt biến mất. Một niềm an lạc sâu xa thấm nhuần vào thân tâm tôi, từ lúc tôi khởi lên trong tâm hình ảnh của Dipa Ma. Vào lúc ấy, vị nữ trưởng lão buổi lễ ỏ Lakota trân trân nhìn tôi và nói: "Chị đang ngập tràn ánh sáng."

Trực giác tôi bảo tôi rằng Dipa Ma chẳng hề hiện trở lại trong hình hài nầy. Bà hiện đang vui thích giảng pháp tại một cảnh giới nào đó. Ðôi khi, mắt tâm tôi lại thấy rõ hình ảnh thật linh hoạt của bà nơi đó. Có ánh sáng thật chói lọi. Sự hiện diện của bà được ta cảm thấy như đang tuôn tràn trong ánh sáng.

Bà vẫn còn tiếp tục hướng dẫn chúng ta trên cảnh giới của quả đất nầy mãi cho đến bao lâu mà chúng ta còn cần đến bà. Bà là một trong những vị thiên thần theo bảo hộ chúng ta. Bà luôn luôn trông chừng chúng ta. -- Sharon Kreider

Nếu tôi làm được, thì bạn cũng làm được. -
Bỗng nhiên, tôi vụt cảm thấy được sự hiện diện của bà và bà đang tiếp xúc với tôi, nhiệt liệt khuyến khích tôi bằng những lời nói, "Nếu tôi làm được điều đó, bạn cũng có thể làm được chớ."

Thương điều khó thương. Tôi ngạc nhiên hỏi thầm, "Khởi niệm triệu thỉnh sự hiện diện của Dipa Ma - Vài học viên của Dipa Ma đã cống hiến các ý kiến về cách triệu thỉnh sức hiện diện của Dipa Ma:

* Tôi cầu nguyện bà vào mọi thời. Dưới nhiều hình thức, bà là một phần của chính tôi. Sự hiện diện của bà chẳng bao giờ chẳng có đó. Một điều còn thiếu sót trong Thiền Minh sát (Vipassana) là toàn thể phương diện sùng mộ, nên tôi cố đem nó trở vào lại trong việc tu tập hằng ngày của tôi.

*Nơi mà các câu chuyện nầy chấm dứt, nguyện cầu câu chuyện của chính bạn bắt đầu tại đó, và nguyện cầu các lời chúc lành của Dipa Ma sẽ hướng dẫn bạn trên con đường về quê nhà:

Tất cả những gì tôi đã đạt được, sức mạnh, từ bi, tôi trao tặng bạn, để bạn có đủ lòng tin, để bạn được an lạc.

:icon_redface: (p.s: Hic…em chỉ sưu tầm thui chứ em hok bít gì đâu để mà bàn với luận cả !) :icon_redface: