Ngũ vị của tiếng Việt
Cập nhật lúc 25/01/2011 0700 AM (GMT+7)

So sánh năm dấu âm điệu với năm vị của ẩm thực tiếng Việt của Renate Haeusler, một người nước ngoài học Tiếng Việt tạo ra góc nhìn khá thú vị.


Những từ thời thượng


Tiếng Việt có năm dấu tạo nên âm điệu lên xuống và làm thay đổi ngữ nghĩa của mỗi từ.

Ví dụ như tư “ma” thêm dấu sắc thành từ má, thêm dấu nặng thành mạ, là cây lúa non, thêm dấu ngã thì thành mã, thành con ngựa. Vậy là từ một từ, với sự biến thiên của năm dấu sẽ trở thành nhiều từ khác nhau. Ẩm thực Việt Nam cũng vậy. Năm “dấu” biến thiên trong ẩm thực Việt Nam mà tôi chiêm nghiệm ra được là chanh, ớt, đường, nước mắm, gừng (tỏi).

Một từ không dấu được ví như hương vị cơ bản của rau hoặc chất đạm chưa chế biến,Thêm một trong năm món gia vị trên, món ăn lập tức trở nên khác hẳn.

Trong ẩm thực Tây phương, người ta thường dùng muối để tăng nồng độ cho món ăn, thực tế là hương vị món ăn không thay đổi mà là những tế bào vị giác trên lưỡi được kích thích. Trong ẩm thực Việt Nam thì khác, hương vị món ăn được tạo nên từ những thành tố, đôi khi trái ngược nhau, để nâng món ăn lên một tầng mới. Kinh nghiệm của tôi khi học ngôn ngữ là hãy để ý mối liên hệ giữa ngôn ngữ và ẩm thực của dân tộc sử dụng ngôn ngữ đó.

Khó nhất với người nước ngoài học tiếng Việt khi phát âm là dấu ngã. Làm sao để lên “tông”, dằn hơi, uốn giọng và đột ngột ngắt hơi, giống hệt như một cái hít hà khi ăn phải một miếng ớt!

Mới đầu cắn vào thì thấy một vị ngòn ngọt dễ chịu, sau đó là hơi nóng đột ngột “phong tỏa” tất cả các giác quan khác. Nước mắt bạn chảy ra, mũi thì đầy nghẹn hơi nóng, bạn chẳng thể nghe được gì ngoài tiếng la của chính mình. Đừng ngạc nhiên, món ăn Việt là thế đấy!

Dấu nặng là sự hạ giọng và đột ngột ngưng lại. Âm trầm vang vọng trong cổ họng này giống như dư âm của vị chua, làm dịu những nốt cao của đường hoặc ớt, làm giảm cảm giác ngây ngất của chất béo. Dấu nặng ký hiệu là một chấm dưới từ cũng giống như nhiệm vụ của chanh là luôn đi kèm tạo cảm giác thanh mát.

Dấu huyền cũng là âm trầm, kéo đầu nhưng không vang, giống như dư vị của nước mắm cứ ngòn ngọt, mằn mặn trong miệng.

Dù bạn muốn hay không thì nước mắm vẫn có mặt ở khắp mọi nơi! Nó là linh hồn của ẩm thực Việt, dù khi nấu nướng, tẩm ướp, cho đến nước chấm. Thậm chí có tin đồn (không biết thực hư thế nào) là ngay cả chế biến cà phê cũng cần một chút…nước mắm.

Dấu sắc cũng là một âm cao, ngot ngào, được ví như đường trong món ăn có tác dụng làm thăng hoa độ đậm đà của món ăn. Đường không bao giờ thiếu trong các món khi như cá kho tộ, thịt kho tiêu, kho trứng…Vị ngọt của đường làm người ta quên đi hương vị trần trụi nguyên sơ của đồ ăn, giống như dấu sắc, khi phát âm thật ngân nga như một bản thánh ca buổi sớm.

Phát âm giống như viết, dấu hỏi là một đường âm hình vòng cung, bắt đầu bằng lên giọng một chút rồi hạ xuống.

Giống như gừng, khi mới chạm vào lưỡi cảm giác nóng như ớt, nhưng không giống như ớt, vị cay của gừng dịu xuống ngay. Có lên và có xuống, âm vang của dấu hỏi giống như tác dụng của gừng làm trung hòa những món ăn tanh, lạnh như hải sản, hay làm trà để giữ ấm cơ thể. Sự có mặt của gừng và tỏi trong món ăn Việt làm nhiều món ăn có hương vị đặc trưng, sắc sảo và thơm tho hơn.

Nếu có món ăn nào hội tụ đầy đủ năm vị trên thì chắc là nước mắm tỏi hoặc nước mắm gừng!

Gừng hoặc tỏi được giã cùng ớt và đường trong cối, sau đó nước cốt chanh được vắt vào làm dịu hơi cay, tiếp sau là nước mắm, và thế là hương vị Việt tràn đầy trong bữa ăn.

Qua nhiều năm học ngoại ngữ, tôi nghiệm ra rằng học hỏi sự khác biệt trong ngôn ngữ cũng giống như học hỏi sự khác biệt trong hương vị của ẩm thực, có thể tốn rất nhiều thời gian, nhưng một khi đã ngấm “cái vị”của ngôn ngữ thì sẽ không bao giờ quên được.

Cũng như tôi, không bao giờ quên được hương vị của chén nước mắm gừng, nước mắm ớt tỏi trong bữa ăn Việt Nam.


Theo Renate Haeusler - Thời báo Doanh nhân Sài Gòn Tết 2011